VnReview
Hà Nội

Tâm sự và chiêm nghiệm của một fan cuồng Grado (phần 2)

Sau một thời gian bỡ ngỡ, tôi dấn sâu vào thú vui tai nghe. Những chiêm nghiệm "ông cụ non" cũng từ đó mà bắt đầu.

Sau một thời gian bỡ ngỡ, tôi dấn sâu vào thú vui tai nghe. Những chiêm nghiệm "ông cụ non" cũng từ đó mà bắt đầu.

Đã có thời, tôi chỉ có thể mơ ước về chiếc Sennheiser HD598...

Sang đến năm cuối đại học, tôi có việc làm thêm đem lại thu nhập rất khá khẩm. Nếu đang đi làm, chắc hẳn bạn cũng hiểu cảm giác khi cầm những đồng tiền đầu tiên mà mình kiếm được. Không còn phải đợi trợ cấp từ bố mẹ để mua món đồ mình thích, cảm giác giống như là cả thế giới (tự do) đang mở ra trước mặt vậy.

Đi cùng với thu nhập bao giờ cũng là nhu cầu mua sắm. Tôi cảm thấy rằng, với khoản tiền kiếm được, tôi không có lý do gì để không bước chân lên những bước tiếp theo của "thang Grado" và "thang Sennheiser".

Lựa chọn tiếp theo của tôi là Alessandro MS1 (do Grado sản xuất). Nhờ có ông chú bên Mỹ, tôi mua được MS1 với giá 100 USD (khoảng 2,1 triệu đồng vào thời điểm đó). Thấy nhà phân phối giảm giá và HD598, người kế thừa của chiếc HD595 "huyền thoại" năm nào, tôi vội vàng cầm hơn 4 triệu rưỡi đi mua tai nghe vì sợ hết khuyến mại. Xét cho cùng, tôi phải tiêu xài thì kinh tế mới phát triển được chứ.;(Sau này tôi mới nhận ra rằng chương trình giảm giá nọ đã kéo dài 4 năm và cũng không có dấu hiệu dừng lại).

Điều tôi ghi nhớ nhất về sự kiện này không phải là chất âm của MS1 hay thiết kế của HD598. Lần đầu tiên trong lịch sử "chơi" đồ công nghệ, tôi phải thực hiện một hành động có lẽ là bắt buộc đối với bất kỳ một ai: bán đồ cũ để mua đồ mới.

Grado SR60i "bay theo một bạn đẹp trai ở Ba Đình" với giá 1,3 triệu đồng. HD448 "bay theo một bác rất vui tính" với giá 1,4 triệu đồng. Lúc đó, 2 chiếc tai nghe của tôi vẫn còn rất mới. Grado SR60i thậm chí còn chưa có đủ 1 năm tuổi đời. Rồi, qua hơn 1 năm trải nghiệm, MS1 cũng "bay" với giá chỉ 1,4 triệu đồng. HD558 "bay" với giá chỉ hơn 3 triệu đồng.

Sau một thời gian bỡ ngỡ, tôi dấn sâu vào thú vui tai nghe. Những chiêm nghiệm "ông cụ non" cũng từ đó mà bắt đầu.

Có HD598 được hơn một năm, tôi bán đi chịu lỗ để mua Alessandro MS Pro

Mỗi lần bán lại tai nghe, tôi lại để mất vài trăm nghìn đồng mà không thu được gì ngoài... thời gian trải nghiệm. Nhưng, ở Việt Nam, nếu khéo mua khéo bán, bạn có thể được tận hưởng tai nghe một cách hoàn toàn miễn phí: khi bán MS1 và HD558, tôi mua được một chiếc Grado SR325is với giá chỉ vào khoảng 4,3 triệu đồng, tức là thấp hơn 2 triệu đồng so với những gì tôi sẽ phải bỏ ra nếu như nhờ chú tôi mua mới tại Mỹ. Thời điểm bán lại chiếc tai nghe "chuyên Metal" này, tôi thu lại được 4,2 triệu đồng vì tai vẫn còn mới, được giữ gìn cẩn thận.

Bắt đầu từ đây, tôi dấn thân vào thế giới mua bán, trao đổi tai nghe đã qua sử dụng (thường được gọi tắt là "2nd" – "second hand"). Điểm đặc biệt về tai nghe cao cấp là chúng có tuổi đời rất lâu, và gần như bất kỳ hỏng hóc nào, kể cả hỏng driver (loa) cũng có thể sửa chữa/thay thế được. Bởi vậy mà với riêng tai nghe, mua đồ 2nd sẽ là lựa chọn hợp lý cho túi tiền hơn rất nhiều so với mua đồ mới.

Nhưng dĩ nhiên là thị trường đồ cũ không thể mang lại sự an tâm như khi mua mới. Sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ bắt gặp một vài tay "chăn gà". Hoặc, nếu quá "nhiệt tình" trong mua bán, bạn có thể mua phải những thứ đồ bạn không thực sự ưa thích (nhưng lại có đánh giá rất tốt trên mạng).

Càng mua bán nhiều thì bạn lại càng gặp phải những chuyện như vậy. Ví dụ, ngay sau khi tốt nghiệp, tôi suýt mua phải một chiếc Sony MDR-V6 "fake". May nhờ có thằng bạn thân phát hiện, tôi không bị tốn tiền vô ích. Nhưng chuyện đau lòng sớm hay muộn gì cũng là không thể tránh khỏi: chiếc Sony MDR EX500LP mà tôi mua lại với giá chỉ 800.000 đồng (giá gốc vào thời điểm đó là khoảng 2 triệu đồng) là hàng nhái rõ rệt, với hộp đựng xấu xí và jack cắm hình chữ I thay cho hình chữ L. Khi cắm tai nghe, giọng của ca sĩ nghe giống như là... vừa bóp mũi vừa hát vậy.

Bạn có thể hình dung ra cảm giác đau khổ của tôi khi đó: tại sao lại bỏ ra tới 2 triệu đồng chỉ để lên sân khấu bóp mũi ca sĩ???

Sau một thời gian bỡ ngỡ, tôi dấn sâu vào thú vui tai nghe. Những chiêm nghiệm "ông cụ non" cũng từ đó mà bắt đầu.

Chiếc STH30 là một trong số ít những chiếc tai nghe ít ỏi mà tôi mua mới

Sau này, tôi nghiệm ra rằng, nếu định mua tai nghe cũ, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm nghe sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đáng tin cậy (ví dụ như nghe demo tại shop hoặc mượn bạn bè). Chất lượng âm thanh là yếu tố phân biệt rõ rệt nhất giữa hàng xịn và hàng nhái. Thêm nữa, "hàng Hồ Cẩm Đào" cho đến giờ vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào tai nghe in-ear và tai nghe closed-back (củ tai dạng đóng). Khi mua 2 loại tai nghe này, đặc biệt là các loại giá rẻ, bạn nên mua mới để đảm bảo an toàn. Nếu mua tai nghe open-back (dạng mở) như Grado, bạn có thể hoàn toàn yên tâm vào lựa chọn của mình.

Lại nói về thằng bạn thân của tôi, cũng tại nó chơi tai nghe trước tôi (và cái gì cũng rành hơn tôi) mà tính cho đến giờ, tổng số tiền tính riêng cho mấy thứ đồ đang nằm trên bàn học đã ngót nghét hơn 30 triệu đồng. Đó là còn chưa tính đến số tiền mà tôi đã "đốt" cho suốt cả quá trình mua bán trao đổi trước đó.

Nói vui là vậy, nhưng thực lòng tôi biết ơn thằng bạn tôi rất nhiều. Chiếc MDR-V6 "fake" kia không phải là lần duy nhất nó "cứu" tôi khỏi tốn tiền vô ích. Biết tôi thích âm thanh ấm áp giàu nhạc tính, nó hết lời can ngăn tôi mua Beyerdynamics DT880, một chiếc tai nghe có điểm Amazon rất cao nhưng lại có âm thanh quá lạnh lẽo và trung tính. Mới chỉ vài tháng trước, cũng nhờ nó mà tôi không mua nhầm phải một bộ dây 3.5 - RCA "Chợ Giời" với giá gần 500.000 đồng. Nói chung, dù là công việc hay là thú vui, quen biết luôn luôn là có lợi.

Nhưng quen biết không phải là dạng "biết" duy nhất mà bạn cần có. Với một thú vui như tai nghe, bạn cần phải là người hiểu biết.

Từ trước tới nay, tôi vẫn thường quan niệm rằng các sản phẩm đồ điện tử tốt phải là các sản phẩm dễ sử dụng. Đó là một nguyên tắc căn bản mà tôi được học trong các khóa thiết kế phần mềm. Tôi vẫn tin rằng quan niệm đó đúng với cả phần cứng. Và thực tế là thú chơi tai nghe (cùng ampli, DAC) là tương đối trực quan: (tôi đã từng tưởng rằng) người dùng chỉ cần quan tâm đến điện trở cao hay thấp của chiếc tai nghe, lựa chọn một bộ amp có công suất phù hợp và rồi yên tâm thưởng thức.

Sau một thời gian bỡ ngỡ, tôi dấn sâu vào thú vui tai nghe. Những chiêm nghiệm "ông cụ non" cũng từ đó mà bắt đầu.

Amp/DAC không phải là một thú vui dễ dàng

Chính sự thiếu hiểu biết như vậy đã cho tôi một phen "hú hồn" khi mua bộ amp/DAC trứ danh O2/ODAC. Sau khi nghe danh về bộ amp/DAC huyền thoại này, tôi đặt mua với giá trên mạng lên tới gần 6 triệu đồng rồi lại nhờ ông chú yêu quý xách tay về Việt Nam. Bạn có lẽ sẽ không hình dung được nụ cười mãn nguyện của tôi khi lần đầu tiên thử O2/ODAC cùng Grado SR325is: tôi chưa bao giờ được nghe một thứ âm thanh đanh thép, thoáng đãng tới như vậy. Cho đến tận bây giờ, chưa có một chiếc tai nghe nào có thể làm tôi choáng ngợp như lần đầu dùng 325is "dã" Metal.

Quá ưng ý với bộ amp/DAC mới mua, tôi bắt đầu mày mò tìm hiểu. Tính năng duy nhất mà tôi chưa sử dụng trên bộ amp/DAC của mình là "gain": theo như tôi hiểu, cứ nhấn nút gain là âm lượng lại lớn hơn. Ngại không mày mò tìm hiểu nút gain thực sự có ý nghĩa là gì, tôi bật gain rồi kéo nút volume lên dung lượng vừa phải.

Chiếc tai nghe yêu quý của tôi nghe như loa rè.

Không hiểu vì lý do gì, những tiếng lách tách nhỏ liên tục xuất hiện trong các bản nhạc giàu bass. Âm thanh khi bật nút gain nghe có vẻ rộng rãi hơn, nhưng từng nốt bass đều bị kéo dài và làm giảm độ sâu, tạo thành những âm thanh lộp bộp rất khó chịu. Khung cảnh âm nhạc lúc đó giống như là một ban nhạc đứng giữa những miếng gỗ cháy lách tách, cùng lúc liên tục dậm chân lộp bộp xuống nền đất bùn. Ngay cả các fan của Folk Metal cũng sẽ khó lòng ưa thích được thể loại nhạc này.

Tôi vội vàng nhả nút gain. Âm thanh lại trở lại bình thường.

Sau một thời gian bỡ ngỡ, tôi dấn sâu vào thú vui tai nghe. Những chiêm nghiệm "ông cụ non" cũng từ đó mà bắt đầu.

Đã có lúc tôi ước, giá như TẤT CẢ MỌI THỨ đều đơn giản như thế này

Dĩ nhiên, nếu ở trong hoàn cảnh tương tự, bạn có thể rút ra bài học đơn giản rằng: cái gì đang hoạt động tốt thì cứ để kệ nó đi, đừng lo đến những lúc hoạt động không ổn định. Song, sự cầu toàn bên trong tôi không cho phép tôi ngồi yên. Amp bị gì mà lại rè hết cả tiếng khi bật nút gain như vậy? Mình đã bỏ số tiền có thể mua được sản phẩm hoàn hảo chỉ để mua một thứ đồ lỗi hay sao? Liệu rằng cái lỗi hỏng kia có ảnh hưởng đến các phần khác, và rồi một ngày nghe không-gain cũng hỏng nốt thì sao?

Tôi sợ hãi cầu cứu thằng bạn. Nó cười khẩy, rồi giải thích cho tôi. Đến tận bây giờ, bộ O2/ODAC vẫn nằm trên bàn học của tôi, và dĩ nhiên là tôi vẫn cảm thấy vô cùng mãn nguyện vì đã bỏ ra 6 triệu đồng để mua lựa chọn amp/DAC này.

Như bạn có thể đã đoán ra, chiếc amp/DAC của tôi hoàn toàn bình thường. Những tiếng động lạ khi sử dụng là do tôi... dốt, không biết cách sử dụng.

Nguyên lý ở đây là gì? Nói một cách ngắn gọn, thông số gain sẽ chỉ tỷ lệ giữa công suất đầu ra và đầu vào của tai nghe. Phần DAC của bộ combo này, ODAC, có hiệu điện thế đầu ra khá cao: 2V. Về phần mình, chiếc O2 mà tôi đặt mua có phần gain lên tới 5X. Khi bật hi-gain, O2 buộc phải cho điện thế đầu ra lên tới 10V và bị quá tải. Lúc này, một hiện tượng có tên "clipping" sẽ xảy ra. Triệu chứng của clipping chính là những đặc tính âm nhạc mang đậm chất Folk Metal mà tôi vừa đề cập ở phía trên.

Vừa nhẹ nhõm vì biết rằng mình không mua phải hàng lỗi, vừa cảm thấy tự tin vì đã hiểu hơn về vật lý học và điện cơ, tôi tự tin tiếp tục hành trình mua bán của mình. Bộ sưu tập những chiếc tai nghe thay đổi từ tháng này qua tháng khác với Audio Technica, Sennheiser, Sony, Shure, AKG và dĩ nhiên là cả Grado. Nhưng, sang đến năm thứ 5 của "hành trình audiophile", chiếc tai nghe mà tôi ghi nhớ hơn cả lại không phải là một tên tuổi đến từ Mỹ, Nhật hay Châu Âu mà lại là một chiếc tai nghe đến từ Trung Quốc.

(còn tiếp)

Phần 1: Tâm sự và chiêm nghiệm của một fan cuồng Grado

Gia Cường

Chủ đề khác