VnReview
Hà Nội

IBM mở rộng chương trình giáo dục Kidsmart đến các trường mẫu giáo

Hà Nội, ngày 10;tháng 7 năm 2014. Hôm nay, tại Hà Nội, IBM đã trao tặng 40 bộ Nhà thám hiểm trẻ (Young Explorers) trong khuôn khổ chương trình Giáo dục sớm Kidsmart cho 24 trường mẫu giáo và 7 trung tâm bảo trợ trẻ trên địa bàn cả nước, thông qua các đối tác là Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với các đối tượng hưởng lợi lần này vươn tới cả các vùng sâu, vùng xa và Đồng bằng sông Cửu Long, trong năm thứ 14 liên tiếp được triển khai tại Việt Nam này, chương trình Kidsmart của IBM đã chính thức bao phủ các trường mầm non và trung tâm bảo trợ trẻ em tại khắp các vùng, miền trên cả nước. Tổng số bộ Nhà thám hiểm trẻ IBM đã tài trợ hiện nay là 537 bộ, nâng tổng giá trị tài trợ của IBM cho các trường mầm non lên tới 1,6 triệu USD. Gần 20.000 trẻ em và 1.000 giáo viên mầm non được hưởng lợi từ chương trình này.

Lễ trao tặng chương trình Vui Học Kidsmart 2014

Chương trình Giáo dục sớm IBM KidSmart là một giải pháp giáo dục tổng thể dành cho lứa tuổi 3-7 tuổi, do các chuyên gia giáo dục và công nghệ thông tin (CNTT) của IBM nghiên cứu và phát triển. Trong chương trình này, IBM tài trợ các bộ "Nhà thám hiểm trẻ" là các máy tính đặt trong khung nhựa nhiều màu sắc sặc sỡ và thân thiện với trẻ em, trong đó cài sẵn một bộ phần mềm giáo dục hiện đại nhằm giúp trẻ học hỏi và khám phá các kiến thức trên nhiều lĩnh vực như toán học, khoa học, ngôn ngữ. Phần mềm cũng giúp trẻ học các kỹ năng xã hội cần thiết như kỹ năng lựa chọn, cân nhắc, tập trung, làm việc nhóm và chia sẻ. Những kỹ năng khám phá và xã hội là quan trọng để chuẩn bị cho trẻ thành công trong tương lai và đảm bảo tất cả trẻ em đều được tiếp cận với giáo dục. Ghi nhận những lợi ích của chương trình Kidsmart, năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT quy định phòng máy tính theo mô hình Kidsmart là một trong các điều kiện cần thiết để công nhận trường mầm non chuẩn cấp độ 2.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu: "Việc IBM trao tặng các bộ cụng cụ học tập công nghệ cao cho các Trung tâm trẻ em mồ côi ngày hôm nay có ý nghĩa giáo dục và nhân đạo to lớn, mang lại cho các em lứa tuổi mầm non có hoàn cảnh khó khăn những điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển, giúp các em sớm được tiếp cận và hiện thực hóa niềm đam mê với các sản phẩm công nghệ hiện đại."

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu trong buổi Lễ

Tính đến nay, IBM đã đầu tư hơn 106 triệu USD cho chương trình Kidsmart với mức độ bao phủ hơn 60 quốc gia, 10 triệu trẻ em và 100.000 giáo viên trên phạm vi toàn cầu. Chương trình đã được nhiều tổ chức nghiên cứu và giáo dục nổi tiếng ghi nhận và đánh giá là đã tạo nên một bước đột phá, tác động tích cực đến phương pháp dạy và học, đồng thời giúp giáo viên tự tin hơn trong việc ứng dụng công nghệ vào giáo trình giảng dạy.       

Bà Phạm Ngọc Vân Giang, Giám đốc các chương trình Trách nhiệm Xã hội của IBM tại Việt Nam cho biết: "Chương trình Kidsmart của IBM đã và đang là cầu nối cho hai lĩnh vực quan trọng không thể tách rời hiện nay là giáo dục và CNTT. Thế hệ trẻ ngày nay được sinh ra trong một môi trường công nghệ hiện đại, dù muốn hay không, chúng ta, với tư cách là thế hệ đi trước, cũng phải thay đồi cách giáo dục truyền thống, định hướng đứng đắn và ngay từ ban đầu cho trẻ về CNTT, coi CNTT như là một công cụ đắc lực để thúc đẩy khả năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm cho trẻ. Tại Việt Nam,IBM KidSmart đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem là "hạt nhân" của quá trình ứng dụng CNTT trong giáo dục mầm non. Đây là một thành tựu và cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình này đến với nhiều thế hệ mầm non hơn nữa trong tương lai."

Kidsmart là một trong các Chương trình Trách nhiệm Xã hội mà IBM chú trọng triển khai và phát triển từ nhiều năm nay. Coi trọng nhân tố con người, hướng vào đặc thù của Việt Nam là dân số trẻ chiếm đa số, IBM đã hướng sự tập trung vào công tác giáo dục, đào tạo cho đủ các lứa tuổi với các chương trình hợp tác đa dạng với các trường từ mẫu giáo đến đại học. IBM đã triển khai các chương trình như: Giáo dục sớm KidSmart, Chương trình thử nghiệm khoa học (TryScience) với chuỗi hội thảo tập huấn kỹ năng dành cho giáo viên, Chương trình Tái sáng tạo giáo dục (Reinventing Education) hợp tác với Bộ Giáo dục - Đào tạo dành cho khối phổ thông cơ sở, Hội trại EXITE Camp ("Em yêu khoa học") nhằm khuyến khích các nữ sinh trung học khám phá sở thích, niềm đam mê trong lĩnh vực kỹ thuật và CNTT, xóa bỏ những quan điểm không tích cực về việc nữ giới trong việc theo đuổi lĩnh vực đa dạng này.

Ngoài ra, IBM còn tổ chức các chương trình tình nguyện đóng góp cho giáo dục, chẳng hạn như chương trình Tình nguyện viên quốc tế IBM (CSC) nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và các trường đại học nâng cao kỹ năng, Career Talks - Nói chuyện chuyên đề dành cho sinh viên năm cuối khối trường kỹ thuật và kinh tế tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, An Giang, Thái Nguyên; Mentor Place - Hướng dẫn sinh viên năm cuối làm quen với thị trường lao động; Service Grant - Tài trợ chuyên môn và dịch vụ (từ 2010) nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức phi chính phủ và các cơ sở giáo dục đào tạo; Internet Safety Education - Hướng dẫn sử dụng Internet an toàn và hiệu quả dành cho học sinh THCS; Reading Companion - Website hướng dẫn trẻ em đọc hiểu tiếng Anh áp dụng công nghệ nhận dạng giọng nói,...

Chủ đề khác