VnReview
Hà Nội

Báo cáo về Đo lường bán lẻ và Xu hướng tiêu dùng

Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 10 năm 2012 – Bất chấp tình hình kinh tế bất ổn và tăng trưởng GDP chậm, doanh thu hàng tiêu dùng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng 13% còn doanh số tăng 6% trong năm qua, theo nghiên cứu gần đây của Nielsen, công ty chuyên đánh giá thông tin và đo lường về những gì người tiêu dùng xem và mua sắm.

Trong Báo cáo thường niên về Đo Lường Bán Lẻ và Xu Hướng Tiêu Dùng, Nielsen đưa ra nhiều đánh giá về các xu hướng chủ đạo và chuyển biến của thị trường hàng tiêu dùng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo cho thấy giá thành các sản phẩm hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao và nằm trong số năm quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng trong khu vực. Vì thế, để đối phó với giá sản phẩm cao, người tiêu dùng đang mua sắm một cách cẩn trọng và tạo nên một xu hướng mua sắm mới: ít nhưng thường xuyên hơn.

"Mặc dù kinh tế khu vực tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các sự kiện kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng vẫn đang tìm cách tiết kiệm và giảm chi tiêu các mặt hàng tiêu dùng thông thường". Ông Peter Gale, giám đốc phụ trách Đo Lường Bán Lẻ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông, Châu Phi và Trung Quốc nói. "Điều này có thể thấy rõ khi xu hướng mua hàng khuyến mại tại các nước phát triển tăng cao còn xu hướng cắt giảm các sản phẩm không cần thiết trở nên phổ biến hơn tại nhiều nước đang phát triển".

Báo cáo của Nielsen còn chỉ ra người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm tại kênh thương mại hiện đại nhiều hơn trước (tăng 1% mỗi năm trong suốt thập kỷ qua) do lợi thế có nhiều sản phẩm đa dạng, trải nghiệm mua sắm tốt hơn mà giá lại rẻ. Số cửa hàng/siêu thị tăng 11% trong năm qua với hơn 270,000 cửa hàng/siêu thị với mức độ đầu tư cao nhất tại các nước như Việt Nam, Philippines và Thái Lan. Số cửa hàng tiện lợi cũng tăng mạnh từ 10,000 lên 81,000 cửa hàng trong năm qua, đưa cửa hàng tiện lợi trở thành kênh mua sắm có mức tăng trưởng nhanh nhất với 15% (Xem bảng 1) với Hàn Quốc đứng đầu khu vực về mức tăng số lượng cửa hàng.

Nielsen cũng nhận định nhãn hàng riêng vẫn chưa được phát triển rộng khắp tại Châu Á và chỉ đóng góp chưa đến 8% doanh thu của kênh thương mại hiện đại. Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia là các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất với với doanh thu tăng trên 20% (xem bảng 2).

"Nhãn hàng riêng đang cho thấy dấu hiệu tích cực đối với các sản phẩm từ giấy, bọc nylon, nước và thực phẩm khô như gạo và thức ăn làm sẵn vì đây là các sản phẩm mà giá thành đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng", ông Gale nói thêm. "Mức tăng trưởng của ngành hàng riêng tại Châu Á bị cản trở do tâm lý người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin vào chất lượng của sản phẩm so với các thương hiệu mạnh, do đó các nhà bán lẻ nên đầu tư thêm để có được nhiều sản phẩm và mẫu mã đạt chất lượng cao hơn cũng như nên tăng cường marketing nhiều hơn."

Tuy internet đã trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi khắp khu vực, mua hàng tiêu dùng trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn khi chưa tới 10% dân thành thị tại đa số các nước (trừ Hàn Quốc) ghé thăm website của các nhà bán lẻ thường xuyên (xem bảng 3). Đối với những người mua hàng tiêu dùng trực tuyến, mức độ mua hàng vẫn còn thấp do chủ yếu vẫn là xem thông tin sản phẩm, các chương trình khuyến mãi và tham khảo địa chỉ của cửa hàng/siêu thị.

"Các thị trường có ngành thương mại điện tử phát triển như Hàn Quốc sẽ mang lại nhiều bài học giá trị cho các nước tại khu vực trong thời gian tới khi các nhà bán lẻ đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và các mô hình giao hàng hiệu quả", ông Gale nói. "Các nhà bán lẻ trực tuyến sẽ đóng vai trò quan trọng; như một kênh thương mại thúc đẩy bán hàng cũng như có tương tác và trao đổi cao hơn với người tiêu dùng".

Bảng 1: Số cửa hàng/siêu thị thuộc kênh thương mại hiện đại trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (% tăng trưởng hàng năm)

Doanh Thu Hàng Tiêu Dùng

Bảng 2: Mức tăng trưởng hàng năm (2011), tổng thị trường so với nhãn hàng riêng

Doanh Thu Hàng Tiêu Dùng

Bảng 3: Mức độ người tiêu dùng thành thị truy cập website của các nhà bán lẻ

Doanh Thu Hàng Tiêu Dùng

Về Báo Cáo Đo Lường Bán Lẻ và Xu Hướng Tiêu Dùng

Báo Cáo Đo Lường Bán Lẻ và Xu Hướng Tiêu Dùng của Nielsen năm 2012 đánh giá các xu hướng mới nhất trong ngành bán lẻ để giúp doanh nghiệp tăng trưởng và giành được tình cảm từ người tiêu dùng. Báo cáo chỉ ra năm xu hướng chủ đạo trong ngành bán lẻ trong năm 2012 và giúp lãnh đạo đánh giá tình hình kinh doanh cũng như mang đến những dữ liệu mở rộng, phân tích chuyên sâu về thị hiếu của từng quốc gia trong 13 nước thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm tổng các cửa hàng/siêu thị trên thị trường, các chuỗi siêu thị và thị phần các kênh thương mại.

Chủ đề khác