VnReview
Hà Nội

Nhà tư tưởng quản trị Patrick Dixon chủ trì Hội thảo quốc tế tại Hà Nội

Ngày 30/11/2012, tại khách sạn Daewoo Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề "Dự báo và Chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam – Tư duy chiến lược của nhà Quản trị 2013-2015". Hội thảo do Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) – ĐH FPT phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Thành Phố Hà Nội (HBA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội đồng lý luận Trung Ương, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính Phủ.

Nhà tư tưởng quản trị Patrick Dixon chủ trì Hội thảo quốc tế tại Hà Nội

Hội thảo được chủ trì bởi TS. Patrick Dixon, một trong những nhà tư tưởng quản trị đương đại có ảnh hưởng nhất thế giới, Chủ tịch tổ chức quốc tế về Nghiên cứu và Tư vấn xu thế toàn cầu Globalchange(1), cùng đại diện lãnh đạo của các đơn vị tổ chức và đơn vị bảo trợ.

Chủ đề của Hội thảo gắn liền với nhu cầu cấp thiết của các nhà hoạch định chính sách, giới lãnh đạo doanh nghiệp trong việc nắm bắt xu thế - nhận diện cơ hội và rủi ro của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, qua đó nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế và tạo lập chiến lược phát triển bền vững - đối mặt và vượt qua những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, hội thảo cũng là cầu nối để doanh nghiệp đưa ra những kiến nghị với nhà nước về các quyết sách kinh tế vĩ mô giai đoạn 2013-2015.

Nhận lời mời của Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) – ĐH FPT, TS. Patrick Dixon đã dày công nghiên cứu về những vấn đề của Việt Nam. Trong chuyến đi tới Hà Nội lần này, ông sẽ chia sẻ với những nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân những bí quyết, kinh nghiệm trong quản trị, phân tích và dự báo bức tranh kinh tế Việt Nam giai đoạn 2013-2015. Bên cạnh đó, TS. Dixon sẽ đưa ra những kiến nghị mang tính thực tiễn nhằm giúp đỡ các nhà quản trị đón đầu những xu thế toàn cầu và các vấn đề kinh tế trọng điểm có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

"Mặc dù đang phải đối mặt với tâm điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển. Trong bối cảnh này, lợi thế của Việt Nam là nhân tố con người với hơn 90 triệu dân đang ở độ tuổi trung bình 27 - một dân số trẻ với tỷ lệ biết chữ lên đến 94%; 80% dân số đều học lên cấp 2; chi phí nhân công cũng chỉ bằng 1 nửa so với Trung Quốc hoặc Thái Lan. Trong hơn 2 thập kỷ qua, tốc độ phát triển nền kinh tế Việt Nam là 7%, chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có tốc độ phát triển đến 9,9%.(2) – TS Patrick Dixon chia sẻ khi nhận lời sang làm diễn giả tại Việt Nam.

TS Patrick Dixon cũng dự báo"Nhìn lại 25 năm qua, với mức đầu tư trực tiếp nước ngoài là 200 tỷ Đô-la Mỹ; có đến 14 ngàn dự án đầu tư công nghiệp trong đó có sự xuất hiện của Canon, Samsung, và đặc biệt là nhà máy của Intel tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư lên tới 1 tỷ Đô-la Mỹ .v.v., Việt Nam sẽ đóng vai trò là xưởng sản xuất công nghiệp của thế giới trong tương lai không xa"(2)

TS Patrick Dixon tiết lộ thêm: "Vấn đề quan trọng nhất mà tôi sẽ thảo luận cùng các bạn là những người lãnh đạo sẽ làm gì và làm thế nào để nắm bắt xu thế toàn cầu, nhìn thấy trước những lợi thế trong hội nhập kinh tế quốc tế, và có năng lực thu hút một cách đáng kể các dự án công nghiệp tại Trung Quốc, Thailand, Indonesia hay Malaysia. Và Việt Nam sẽ làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của thị trường nội địa, như trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản hay lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; đâu là điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam xuất khẩu được không chỉ hàng hóa mà cả dịch vụ và ngành công nghiệp phần mềm một cách hiệu quả..." (2)

Tham gia phản biện và trao đổi trực tiếp tại Hội thảo còn có các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và quản trị giàu kinh nghiệm tại Việt Nam: TS. Phạm Viết Muôn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ sẽ trình bày "Định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam 2013-2015"; TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội đánh giá "Thực trạng kinh tế vĩ mô Việt Nam 2012"; GS. TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung Ương chia sẻ về "Định hướng chiến lược kinh tế Việt Nam giai đoạn 2013-2015"; Ông Tony Foster – Giám đốc điều hành Freshfields Bruckhaus Deringer tại Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng chia sẻ về "Các giải pháp đầu tư trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam và thế giới giai đoạn 2013-2015".

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các nhà quản trị thường bị cuốn theo "cơn bão khủng hoảng" và mất phương hướng trong việc hoạch định chính sách và chiến lược. Các nhà tổ chức hy vọng Hội thảo sẽ là dịp để giới hoạch định chính sách và doanh nhân tiếp cận với tri thức quản trị hiện đại, cùng bàn luận và chia sẻ những bí quyết để thích ứng với sự bất ổn của nền kinh tế, tạo đà cho một sự phục hồi mạnh mẽ trong tương lai.

Để biết thông tin chi tiết về hội thảo và đăng ký tham dự vui lòng truy cập website: http://www.fsb.edu.vn/vnls

====================

Thông tin về Tiến sỹ Patrick Dixon:

Tiến sỹ Patrick Dixon được biết đến như một "bộ óc" quản trị có sức ảnh hưởng hàng đầu thế giới. Trong suốt nhiều năm nghiên cứu và hoạt động, ông đã không ngừng mở rộng và sáng tạo các mô hình quản trị mới, đồng thời giúp các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới phát triển năng lực tư duy quản trị và nâng cao hiệu quả lãnh đạo. Nhiều tổ chức có uy tín đã đánh giá TS. Patrick Dixon:

Nhà tư tưởng quản trị Patrick Dixon chủ trì Hội thảo quốc tế tại Hà Nội

Cùng với Michael Porter, Philip Kotler, Bill Gate, v.v. Patrick Dixon được bình chọn trong nhóm 20 nhà tư tưởng quản trị đương đại có ảnh hưởng nhất thế giới (Thinkers50, 2005)

Nhà tương lai học số 1 của châu Âu (Press Association)

"Global Change Guru (Wall Street Journal)

"Patrick đang sống ở năm 2020 và xem ngày mai như là quá khứ " (Globalchange.com)

Ông là người sáng lập và hiện là Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu và tư vấn xu thế toàn cầu Globalchange. Dưới sự chèo lái của ông, Globalchange đã trở thành đối tác của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc;; Ủy ban châu Âu; Chính phủ, nghị viện các nước như Ai-len; Bồ Đào Nha; Kazakhstan; Hàn Quốc, Anh Quốc; .v.v các công ty đa quốc gia như Google, Microsoft, IBM, KLM, Air France, BP, ExxonMobil, World Bank, Siemens, Ford, Prudential, Aviva, Barclays, CreditSuisse, Freshfieds, HewlettPackard, Gillette, Roche, Forbes, Fortune,(1) v.v. Patrick Dixon luôn được đánh giá cao bởi tư tưởng phát triển bền vững, tư duy "future-thinking"; tạo giá trị cảm xúc trong sản phẩm dịch vụ, định vị thương hiệu và kết nối với khách hàng.v.v.

(theo Globalchange.com)

Chủ đề khác