VnReview
Hà Nội

Đánh giá "smartphone sinh viên" OPPO Neo 3

Chiếc OPPO Neo 3 là bản nâng cấp nhẹ về sức mạnh xử lý của chiếc OPPO Neo giới thiệu cuối năm ngoái. Với mục tiêu chính là hướng tới đối tượng học sinh và sinh viên, Neo 3 của công ty OPPO (Trung Quốc) có thiết kế trẻ trung và là sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ.

OPPO Neo 3 vẫn giữ nguyên thiết kế, kích cỡ và hầu hết thông số cơ bản của chiếc OPPO Neo ra mắt tháng 12/2013. Máy chỉ được nâng cấp RAM lên 1GB và bổ sung thêm đèn flash cho camera phía sau.;

Với mức giá 3,69 triệu đồng, OPPO Neo 3 cung cấp cho người dùng màn hình 4.5 inch độ phân giải 854 x 480 pixel, bộ vi xử lý lõi kép 1.3GHz của MediaTek, RAM 1GB, bộ nhớ trong 4GB, khe cắm thẻ nhớ ngoài, hai camera 5MP và 2MP cùng viên pin dung lượng 1.900 mAh. Máy hỗ trợ 2 SIM (chuẩn MicroSIM), các kết nối không dây cơ bản (3G, Wi-Fi, Bluetooth, GPS) và được cài sẵn phiên bản Color OS được tùy biến dựa trên hệ điều hành Android 4.2 của Google.

Xét trên thông số cấu hình thì Neo 3 đuối hơn các đối thủ cùng tầm giá như Asus Zenfone 4.5 và Zenfone 5. Liệu trong trải nghiệm thực tế thì sản phẩm này có những ưu thế nào để thu hút người dùng?

Thiết kế

Neo 3 sở hữu ngoại hình giống hệt sản phẩm đàn anh Neo. Máy vẫn giữ thiết kế trung tính với thân máy vuông vắn, vát nhẹ ở các góc và hơi cong ở hai cạnh trên, dưới.

Neo 3 có 2 phiên bản: trắng và đen

Neo 3 vẫn sử dụng phím cảm ứng bên dưới màn hình

Điểm nhấn của máy nằm ở 2 dải màu được bao phủ bằng một lớp nhựa trong suốt tại cạnh trên và dưới. Chi tiết này giúp thiết kế của máy trở nên thời trang và trẻ trung hơn. Đặc biệt, điểm này càng được thể hiện rõ trên phiên bản màu trắng với dải màu xanh nổi bật.

Cạnh dưới với cổng kết nối Micro USB

Cổng âm thanh 3.5mm ở cạnh trên

Vỏ máy của Oppo Neo 3 vẫn sử dụng chất liệu nhựa polycarbonate giúp chống bám vân tay và bụi bẩn. Bên cạnh đó, lưng máy cũng được bo nhẹ với nắp lưng có thể tháo rời được thiết kế khá chắc chắn và liền khít với thân máy nên thiết bị vẫn tạo cảm giác ôm tay khi cầm.

Mặt lưng với chất liệu nhựa không bóng, chống bám vân tay và bụi bẩn

Khe cắm thẻ nhớ cùng 2 khe SIM (chuẩn Micro SIM)

Điểm trừ của máy nằm ở khoảng trống giữa viền màn hình trên dưới tới các mép khá lớn làm máy nhìn trông dài hơn hẳn và có phần trống trải ở mặt trước. Bên cạnh đó, chi tiết cảm biến và camera trước được thiết kế hơi thiếu ăn nhập.

Camera, cảm biến tiệm cận, cảm biến ánh sáng và loa thoại của Neo 3

Nhìn chung, ngoại trừ 2 chi tiết nhỏ vừa đề cập, nếu chỉ tính riêng về mặt thiết kế, OPPO Neo 3 hoàn toàn có thể tự tin cạnh tranh cùng các đối thủ khác cùng phân khúc nhờ "thân hình" thời trang, trẻ trung và năng động của mình.

Màn hình

Tương tự như người tiền nhiệm, Neo 3 vẫn được Oppo trang bị cho một màn hình IPS LCD 4.5 inch có độ phân giải 480 x 854 pixel và có mật độ điểm ảnh 217 PPI. Với thông số này, độ chi tiết và sắc nét trên Neo 3 dừng ở mức "chấp nhận được" đối với sản phẩm ở tầm giá trên 3 triệu đồng.

Trải nghiệm thực tế cho thấy, Neo 3 hiển thị chữ và hình ảnh rõ ràng, đặc biệt là khi lướt web hay nhìn vào các chi tiết trên màn hình chính. Tuy vậy, khi xem YouTube hoặc phim thì hình ảnh không được mịn do độ phân giải không cao, nếu nhìn gần có thể nhận thấy hình ảnh bị rỗ nhẹ. Màn hình hiển thị màu sắc khá tươi sáng.

Khi nhìn theo các góc nghiêng, màn hình IPS LCD của Neo 3 vẫn cho khả năng hiển thị tốt, chữ cùng màu sắc chi tiết và đầy đủ. Ưu điểm này mang lại trải nghiệm tốt hơn khi chơi game cần phải nghiêng máy như đua xe, đua thuyền, hay khi xem phim, xem ảnh. 

Kết quả đo bằng công cụ đánh giá màn hình chuyên dụng cho thấy Neo 3 có độ sáng tối đa tốt so với các máy ở cùng tầm giá và có nhiệt màu ấm áp. Màu đen hiển thị không sâu và độ tương phản thấp nhưng được độ sáng cao bù đắp phần nào nên khả năng quan sát ngoài trời vẫn ở mức chấp nhận được. Các màu sắc cơ bản hiển thị đậm hơn khá nhiều so với màu tiêu chuẩn, nhất là các gam màu xanh đậm, xanh dương, vàng và tím, khiến cho các màu sắc hiển thị trên màn hình trông "nịnh mắt" hơn.

Bảng kết quả đo màn hình của OPPO Neo 3 và các sản phẩm cạnh tranh

Các màu cơ bản của Neo 3 hiển thị bị lệch khá nhiều. Phía trên là màu máy hiển thị và phía dưới là màu tiêu chuẩn. 

Ảnh thang màu xám. Phía trên là màu máy hiển thị và phía dưới là màu tiêu chuẩn.

Nhìn chung, Neo 3 có màn hình khá dễ chịu với màu sắc tươi tắn so với các sản phẩm ở cùng tầm giá dù độ chi tiết không cao. Ngoài ra, màn hình của điện thoại này còn sở hữu chi tiết rất đáng chú ý là cảm ứng siêu nhạy, cho phép sử dụng ngay cả khi người dùng đeo găng tay. Đây là đặc điểm thường thấy trên dòng Lumia của Nokia (nay thuộc về Microsoft).

Camera

Camera trên Neo 3 vẫn sử dụng hai camera 5MP phía sau và 2MP phía trước tương tự sản phẩm tiền nhiệm Neo nhưng được bổ sung đèn flash trợ sáng phía sau. Máy có khả năng quay phim HD tốc độ 30 fps nhưng đáng tiếc là không hỗ trợ khả năng lấy nét tay mà áp dụng cơ chế lấy nét cố định.

Về tính năng phần mềm, ứng dụng camera của máy được thiết kế theo định hướng tối giản với người dùng kiểu như iPhone và các máy khác của OPPO. Neo 3 chỉ có 3 chế độ chụp chính là chụp thường (Normal), chụp góc rộng (Panorama) và chụp chân dung đẹp (Beautify) cùng với một số tùy chỉnh về kích thước ảnh (3, 5MP), cân bằng trắng, chế độ cảnh mặc định (tự động, phong cảnh, hoàng hôn, chân dung, ban đêm, thể thao) và tắt bật đèn flash. 

Các tùy chỉnh khác liên quan đến chất lượng ảnh như ISO, thời gian phơi sáng, bù trừ sáng... đều bị ẩn đi để áp dụng cơ chế tự động của nhà sản xuất. Điều này khiến người dùng có mong muốn chụp ảnh cận cảnh hoặc chủ động về độ sáng bức ảnh sẽ gặp khó khăn.

Tốc độ chụp của máy khá nhanh, chưa đến 1 giây là xong một bức ảnh. Tuy không thể điều chỉnh điểm lấy nét, nhìn chung ảnh chụp từ Oppo Neo 3 có độ nét khá đều ở cả vật thể ở gần và xa điện thoại. Ảnh chụp thể hiện độ sáng tốt, màu sắc tươi tắn, trung thực.

Một số ảnh chụp từ camera 5MP của Oppo Neo 3:

Máy ảnh không có tính năng chạm để lấy nét nên rất dễ bị out nét ở chủ thể cần chụp

Ảnh chụp ở chế độ thường (Normal) 

Ảnh chụp ở chế độ toàn cảnh (Panorama)

Camera mặt trước 2 MP kết hợp cùng tính năng làm đẹp (Beautify) tự động lấy nét khuôn mặt của Neo 3 lại chính là một lợi thế so với các sản phẩm khác cùng tầm giá. Đặc biệt trong bối cảnh trào lưu chụp ảnh "tự sướng" nở rộ như hiện nay thì Neo 3 càng dễ dàng "mê hoặc" giới trẻ.

Ảnh chụp từ camera trước 2 MP ở chế độ Làm đẹp

Nhìn chung, dù có hơi ít tính năng và chế độ chụp, song camera chính 5 MP của thiết bị vẫn cho chất lượng ảnh ở mức độ khá, thể hiện màu sắc tốt và độ nét vừa phải. Ảnh "tự sướng" từ camera 2 MP mặt trước cũng khá ổn.

Video độ phân giải HD quay vào lúc chiều muộn, chuẩn bị nhá nhem tối.

Video độ phân giải HD quay vào buổi chiều.

Oppo Neo 3 hỗ trợ quay phim ở độ phân giải tối đa 720p. Khả năng thu âm khi quay phim khá tốt, tuy nhiên độ nét của phim lại kém. Dù bật phim ở độ phân giải cao nhất, có thể thấy hình ảnh cũng không sắc nét.

Phần mềm

OPPO Neo 3 được phát triển dựa trên nền tảng Android 4.2 Jelly Bean. Chi tiết này chính là điểm yếu của máy khiến người dùng quan tâm đến công nghệ chưa thực sự hài lòng bởi ngay cả đối thủ cùng phân khúc, Zenfone 4.5, cũng đã được cập nhật lên phiên bản Android 4.4 KitKat).

May sao, giao diện tùy biến người dùng Color OS do OPPO tự phát triển phần nào đã "gỡ gạc" lại điểm yếu này. Đây là một giao diện khá đơn giản với các biểu tượng được thiết kế nhẹ nhàng, vuông vức, màu sắc thanh nhã và "chêm" thêm một chút phong cách thiết kế phẳng theo xu thế.

Giao diện Color OS trên Android 4.2 của Oppo Neo 3

Bên cạnh đó, thanh cài đặt nhanh cũng được tinh chỉnh gọn lại và nhiều chức năng hơn. Trong đó, nổi bật có tính năng "Cử chỉ & Chuyển động" dùng để cài đặt kích hoạt nhanh các ứng dụng thường dùng bằng thao tác vẽ trên màn hình những hình vẽ định sẵn. Thậm chí, ngay cả khi màn hình đã tắt, nó vẫn có tác dụng. Trải nghiệm thực tế cho thấy, tính năng này khá mới mẻ và tiện dụng với người dùng.

Các chế độ điều khiển bằng cử chỉ

Ngoài ra, các dịch vụ kho dữ liệu trực tuyến (Cloud), bảo mật, sao lưu dự phòng ứng dụng, dữ liệu... của Color OS cũng tỏ ra hữu ích trên một smartphone tầm thấp như Neo 3. Dẫu vậy, tâm lý đề phòng dịch vụ Cloud, bảo mật… từ một nhà sản xuất Trung Quốc cũng là điều khó tránh khỏi với người dùng.

Hiệu năng

Hiệu năng là một điểm được OPPO nâng cấp trên chiếc Neo 3. Cụ thể, máy vẫn sử dụng bộ vi xử lý lõi kép xung nhịp 1.3 GHz như trên sản phẩm tiền nhiệm Neo nhưng bộ nhớ RAM đã được tăng lên 1GB.

Khi trải nghiệm thực tế, Neo 3 cho kết quả khá tốt khi di chuyển giữa các màn hình chính, các màn hình khay ứng dụng, cũng như vào truy cập vào các ứng dụng mặc định trên máy như gọi điện, nhắn tin hay mở danh bạ. Dẫu vậy, máy thi thoảng vẫn có xuất hiện tình trạng trễ khi vào các ứng dụng nặng hoặc cài đặt (đặc biệt là khi vào mục cài đặt tiện ích). Dù thời gian trễ không nhiều song đây cũng là một điểm đáng lưu tâm đối với người dùng.

Máy cũng vận hành khá ổn khi được sử dụng để chơi game. Với những game phổ thông như Temple Run 2 hoặc Subways Surfer, Neo 3 xử lý trơn tru, không xuất hiện tình trạng giật hay trễ. Còn đối với những game nặng, thiết bị chơi không thật sự mượt nhưng không giật, chậm đến mức khó chịu. Nhìn chung, máy có hiệu năng xử lý tốt trong tầm giá.

Ngoài ra, khi sử dụng phần mềm đo hiệu năng tổng thể AnTuTu và Quadrant, dù điểm số vẫn còn thua kém Zenfone 4.5 (15417), song nếu so sánh với những sản phẩm khác cùng tầm giá dưới 4 triệu đồng khác thì Neo 3 có kết quả không tệ.

Hiệu năng ổn nhưng Neo 3 có loa ngoài với âm lượng hơi nhỏ, chỉ thực sự nghe rõ trong môi trường ít tiếng ồn. Chi tiết này là điều mà những người dùng hay phải làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn cần chú ý.

Thời gian pin

Với mọi smartphone hiện nay, thời lượng pin của thiết bị là tiêu chí rất quan trọng, thậm được quan tâm đầu tiên. Oppo Find Neo 3 được nhà sản xuất trang bị cho viên pin có dung lượng 1900 mAh. Dù thông số này chỉ dừng ở mức trung bình, song nó hoàn toàn có thể "gánh vác" trách nhiệm duy trì năng lượng đủ dùng trong một ngày ở mức khá cao.

Qua trải nghiệm thực tế, pin của máy khá "trâu" khi sử dụng cho các hoạt động nghe nhạc, xem video, lướt web, nhưng dùng để chơi game thì thiết bị sẽ hao pin nhanh hơn. Trong bài đánh giá pin chuyên dụng của chúng tôi, Neo 3 đạt kết quả khá ấn tượng. Cụ thể, máy duy trì được 3 tiếng 19 phút chơi game liên tục, nghe gọi trong 12 tiếng 14 phút và xem phim HD liên tục với độ sáng và âm lượng ở mức 70% trong 4 tiếng 10 phút. Thời gian được tính từ lúc đầy pin đến khi cạn còn 10%.

Đặc biệt, ở chế độ chờ qua đêm và vẫn bật các kết nối Wi-Fi, máy còn cho kết quả ấn tượng hơn khi chỉ mất có 1% pin sau 8 tiếng. Với các kết quả này, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về thời lượng pin của OPPO Neo 3.

Kết luận

Với mức giá 3,69 triệu đồng, OPPO Neo 3 mang lại cho người dùng một chiếc smartphone thiết kế trẻ trung và chắc chắn cùng màn hình 4.5 inch tươi tắn với độ chi tiết ở mức chấp nhận được, hiệu năng nhanh nhẹn, hỗ trợ 2 SIM, camera chụp ảnh tự sướng ổn và thời gian pin khá.

Tuy nhiên, điểm yếu đáng chú ý của điện thoại này là camera chính hạn chế và loa ngoài cũng hơi nhỏ. Thêm nữa, tầm giá của OPPO Neo 3 hiện tại cũng có rất nhiều lựa chọn đáng chú ý từ các nhà sản xuất khác như Asus Zenfone 4.5 và 5, Lumia 625 và Lumia 630.

Hoàng Anh

Chủ đề khác