VnReview
Hà Nội

Đánh giá smartphone Samsung Galaxy Core 2

Với trải nghiệm cầm tay rất dễ chịu cùng vi xử lý lõi tứ, lẽ ra Galaxy Core 2 đã trở thành một đối thủ mạnh trên phân khúc tầm thấp nếu như được trang bị thêm RAM.

Galaxy Core 2 được bán ra thị trường Việt Nam từ tháng Bảy vừa qua với giá 4 triệu đồng. Tuy vậy, sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá rẻ hơn nửa triệu đồng (3,5 triệu đồng) so với giá công bố của hãng.

Với mức giá này, máy cung cấp cho người dùng màn hình 4.5 inch độ phân giải WVGA (800 x 480 pixel), bộ vi xử lý lõi tứ 1.2GHz, RAM 768MB, bộ nhớ trong 4GB cùng khe cắm thẻ nhớ ngoài, camera sau 5MP, camera trước VGA (0.3MP), pin 2000 mAh, hỗ trợ 2 SIM và chạy phiên bản hệ điều hành Android 4.4 KitKat khá mới.

Thiết kế

Ở tầm giá dưới 4 triệu đồng, Galaxy Core 2 mang trong mình một ngôn ngữ thiết kế không có gì nổi bật. Máy vẫn sở hữu thân hình vuông vắn với các góc bo tròn mà bạn đã từng bắt gặp trên vô vàn các dòng máy tầm trung/giá rẻ khác. Nếu chỉ nhìn từ mặt trước, Galaxy Core 2 không gây ấn tượng mạnh từ những cái nhìn đầu tiên.

Nhưng khi nhìn từ phía sau, ấn tượng của bạn về chiếc Galaxy giá mềm này sẽ thay đổi hoàn toàn. Điểm nổi bật nhất của Galaxy Core 2 là các chi tiết thiết kế đã được Samsung "tái chế" từ Galaxy Note 3. Bên dưới lớp viền "giả kim loại" có nhiều vân ngang của máy là lớp vỏ nhựa vân mềm mang phong cách "giả da" của Note 3. Chúng tôi đánh giá rất cao lớp vỏ lưng này, bởi khi nhìn từ phía sau bạn sẽ không nghĩ rằng đây là một chiếc điện thoại giá rẻ. Tuy vậy, Samsung lẽ ra đã có thể lựa chọn một chất liệu viền màn hình cao cấp hơn (ví dụ như nhựa cứng không có viền) cho Galaxy Core 2 để hoàn thiện thiết kế cho sản phẩm.

Do chiếc điện thoại này có màn hình 4.5 inch, bạn có thể thoải mái sử dụng Galaxy Core 2 bằng một tay. Thân máy có độ dày vừa phải, cộng với phần nắp lưng được bo tròn và có vân mềm tạo ra trải nghiệm cầm tay thoải mái và dễ chịu. Các nút bấm cũng được đặt ở vị trí hợp lý cho người dùng sử dụng thuận tiện bằng một tay: nút điều chỉnh âm lượng được đặt ở phía bên trái, còn nút nguồn được đặt ở cạnh bên phải thân máy. Cũng giống như nhiều dòng Samsung khác, nút Home được thiết kế lồi lên khỏi mặt trước của Galaxy Core 2 để tăng tính tiện dụng.

Một điểm mạnh khác của Galaxy Core 2 là chất lượng thiết kế rất chắc chắn: các nút bấm không hề có cảm giác lỏng lẻo, vỏ lưng dù có thể tháo rời nhưng vẫn rất dày dặn, cứng cáp và không tạo ra những tiếng động lạ khi người dùng cầm máy quá chặt. Galaxy Core 2 cùng với chiếc Lenovo S660 mới ra mắt gần đây cho thấy điện thoại giá rẻ thực sự đã tiến những bước dài về chất liệu và thiết kế.

Nhìn chung, Galaxy Core 2 có thiết kế mang đậm "phong cách" Samsung mà người dùng đã khá quen thuộc: không quá bắt mắt khi nhìn nhưng lại rất dễ chịu khi cầm tay. Chúng tôi không đánh giá cao phần viền kim loại, nhưng ở tầm giá dưới 4 triệu đồng, có lẽ ít người sẽ phàn nàn về điểm yếu này của Galaxy Core 2.

Màn hình

Galaxy Core 2 chỉ được trang bị màn hình 4.5 inch TFT LCD độ phân giải 800 x 480 pixel, mật độ điểm ảnh 207 PPI.;Cảm nhận đầu tiên về màn hình của máy là độ sắc nét và độ sáng ở mức chấp nhận được, nhưng màu sắc hơi nhạt, kém thu hút. Ngoài ra, màn hình của Galaxy Core 2 còn bị điểm trừ bởi góc nhìn hạn chế ở cả 4 phía. Do đó việc sử dụng máy để chơi game phải nghiêng màn hình hay xem phim, xem ảnh cũng gặp khó khăn hơn, không thoải mái.

Bảng kết quả đo màn hình của Galaxy Core 2 với một số sản phẩm cạnh tranh

Bằng công cụ đánh giá màn hình chuyên dụng, chúng tôi đo được độ sáng tối đa của màn hình ở mức trung bình khá (346 nit), độ đen và độ tương phản cao nhưng nhiệt màu ngả xanh nặng. Các màu sắc cơ bản cũng như thang màu xám bị lệch nhiều. 

Máy hiển thị các màu cơ bản khá nhợt nhạt: Phía dưới là các màu tiêu chuẩn và phía trên màu hiển thị thực trên máy.

Khả năng hiển thị thang màu xám: Phía dưới là các màu tiêu chuẩn và phía trên màu hiển thị thực trên máy.

Giao diện và tính năng phần mềm

Ra mắt ở phân khúc giá rẻ nhưng Galaxy Core 2 vẫn được Samsung trang bị phiên bản Android chính thức rất mới: 4.4 KitKat. Bộ biểu tượng ứng dụng của Galaxy Core 2 được thiết kế theo hướng phẳng, đơn giản nhưng cũng rất nhiều màu sắc. 

Giao diện chính của Samsung Galaxy Core 2

Các ứng dụng quan trọng như Điện thoại, Tin nhắn, Danh bạ, Lịch cũng đều mang trong mình quá nhiều màu sắc. Cách vận dụng màu sắc của Samsung vào thiết kế phẳng không tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh mảnh như iOS hoặc KitKat bản gốc, nhưng cũng không tạo ra cảm giác tươi trẻ như Windows Phone. Các yếu tố giao diện trên giao diện của Galaxy Core 2 thường gặp phải tình trạng hoặc quá tối, hoặc quá nhợt nhạt, hoặc có mức độ tương phản với nhau không hợp lý. Chắc chắn, nhiều người dùng sẽ ưa thích giao diện gốc của KitKat hơn là giao diện và các biểu tượng có phần quá "công nghiệp" trên Samsung Galaxy Core 2.

Về mặt phần mềm, Samsung đã cài đặt sẵn cho Galaxy Core 2 bộ ứng dụng quen thuộc của Google (Chrome, Gmail, Google+, Maps, Play, Drive…) cùng với một số ứng dụng tự phát triển. Các ứng dụng Samsung quen thuộc như ChatON (nhắn tin), quà tặng GALAXY và Samsung Apps (chợ ứng dụng của Samsung) đều có trên Galaxy Core 2. Ứng dụng Lịch (Calendar) có sẵn của Android bị thay thế hoàn toàn bởi ứng dụng S Planner do Samsung tự phát triển.

Cũng giống như các ứng dụng mặc định khác trên Galaxy Core 2, S Planner có giao diện khá thô và cũng không có tính năng nào đặc biệt so với ứng dụng Lịch của Android gốc. Một điểm cộng khá nhỏ cho S Planner là tính năng đánh dấu nổi bật (đỏ) cho các ngày lễ truyền thống của Việt Nam để người dùng có thể lên kế hoạch sắp xếp công việc/nghỉ ngơi một cách thuận tiện hơn.

Các ứng dụng của bên thứ 3 được công ty Hàn Quốc cài đặt sẵn cho chiếc Core 2 của thị trường Việt Nam bao gồm VOV Bản đồ giao thông và ứng dụng nhắn tin/gọi thoại LINE.

Hiệu năng và pin

Ở mức giá tầm thấp, Galaxy Core 2 vẫn được trang bị một vi xử lý lõi tứ chưa rõ tên có 4 nhân Cortex A7 xung nhịp 1.2GHz. Tuy vậy, RAM của chiếc smartphone giá rẻ này chỉ dừng lại ở 768MB.

Với dung lượng RAM hạn chế này, Galaxy Core 2 vẫn có thể mang lại trải nghiệm Android ở mức khá ổn. Hiển nhiên, bạn không thể trông chờ hiệu năng tốt như các dòng máy cao cấp. Ngay từ màn hình mở khóa, Galaxy Core 2 đã thể hiện rõ sự hạn chế về sức mạnh xử lý: các vòng tròn hiệu ứng có dấu hiệu chậm giật không quá trầm trọng nhưng cũng rất dễ nhận biết. Bù lại, do 4.4 KitKat được tối ưu rất tốt, các tác vụ của giao diện như chuyển màn hình Home hay khởi động các ứng dụng mặc định chỉ mất chưa đầy 1 giây, chưa thực sự nhanh nhưng cũng không đến mức gây khó chịu cho người dùng.

Smartphone tầm thấp đã thực sự tiến những bước dài và điều này được thể hiện khá rõ trên Galaxy Core 2. Các tác vụ thông thường như khởi động ứng dụng, mở nhiều tab cùng lúc trên Chrome… đều được thực thi khá trôi chảy trên Galaxy Core 2. Trong các đoạn video YouTube, Galaxy Core 2 không hề gặp phải hiện tượng chậm giật ngay cả khi chơi ở độ phân giải cao.

Tuy vậy, những dấu hiệu khá tích cực này đã nhanh chóng nhường chỗ lại cho sự thất vọng. Vấn đề bộ nhớ của Galaxy Core 2 (bao gồm cả RAM lẫn bộ nhớ trong) nhanh chóng bộc lộ rõ rệt khi chạy các ứng dụng tương đối nặng ký như game. Vấn đề bộ nhớ trong trầm trọng hơn cả: hệ điều hành cùng các phần mềm do Samsung cài đặt khiến cho bộ nhớ 4GB chỉ còn không đầy 700MB khả dụng, khiến cho việc cài đặt các game nặng trở nên bất khả thi. Hiển nhiên, người dùng "sành" Android vẫn có thể cài các ứng dụng ra bộ nhớ ngoài, song người dùng phổ thông chắc chắn sẽ gặp khó khăn với Galaxy Core 2.

Hiệu năng game nặng của Galaxy Core 2 khá kém cỏi. Trong thử nghiệm đồ họa Ice Storm – thử nghiệm nhẹ ký nhất của 3DMark, Core 2 ít khi vượt quá mức 20 khung hình/giây. Chắc chắn, dung lượng RAM chỉ 768MB của Galaxy Core 2 là lý do dẫn tới tình trạng này. Nếu được nâng dung lượng RAM lên 1GB, chắc hẳn Galaxy Core 2 sẽ không tụt hậu quá nhiều so với Lenovo S660 và OPPO Yoyo khi xét về hiệu năng ứng dụng.

Trên các phần mềm đánh giá hiệu năng tổng thể, Galaxy Core 2 đạt điểm ở mức trung bình thấp. Cụ thể, máy đạt 16.590 điểm trên AnTuTu và Quadrant cho kết quả 3394 điểm.

Được trang bị viên pin 2000 mAh để duy trì hoạt động cho màn hình 4.5 inch độ phân giải 800 x 480 pixel, Galaxy Core 2 có thời lượng sử dụng ở mức trung bình khá.

Qua bài đánh giá pin của VnReview, máy hoạt động khá bền bỉ với nhiệm vụ xem phim HD liên tục trong 5 tiếng 32 phút. Ở bài đánh giá pin nghe gọi, máy đạt được 10 tiếng 48 phút từ khi đầy pin đến lúc cạn còn 10%, trong khi kết quả ở bài thử nghiệm chơi game giả lập ở đồ hoạ cao trên phần mềm GFX Bench là 3 tiếng 2 phút.

Những con số trên không thực sự quá ấn tượng nhưng nó đạt mức khá so với các máy ở cùng tầm giá và hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng thông thường không phải sạc pin trong ngày.

Camera và chất lượng ảnh chụp

Ứng dụng chụp ảnh mặc định trên Galaxy Core 2 không có gì đặc biệt. Các thao tác quen thuộc như lấy nét hoặc bật flash, lựa chọn kích cỡ ảnh đều được bố trí một cách hợp lý trong các biểu tượng giao diện.

Bạn có thể chỉnh sửa các tùy chọn gây ảnh hưởng tới chất lượng ảnh như cân bằng trắng, phơi sáng, ISO hoặc lựa chọn chụp Macro (chụp cận cảnh vật thể), song trong phần lớn các trường hợp các tùy chọn này cũng không thể "cứu" Galaxy Core 2 thoát khỏi cái "dớp" chụp ảnh chất lượng… kém rất phổ biến trên smartphone giá rẻ.

Giao diện ứng dụng chụp ảnh

Ngay cả trong những khung cảnh khá dễ chịu như một buổi chiều đầy nắng tại Hà Nội, Galaxy Core 2 vẫn mang tới những bức ảnh rất thiếu sức sống. Đây là tình trạng khá phổ biến trên smartphone giá rẻ, ngay cả với những sản phẩm có số "chấm" ở mức vừa ổn (5MP) như Galaxy Core 2.

Mức độ chi tiết của ảnh chụp dừng ở mức tạm ổn trong các bức ảnh có ánh sáng tốt, song trong môi trường thiếu sáng (ví dụ như ảnh chụp ngoài trời buổi tối), Galaxy Core 2 để mất rất nhiều chi tiết trong vùng tối và thể hiện khá nhiều nhiễu trên ảnh chụp. Trong điều kiện chụp không mấy lý tưởng này, chiếc smartphone giá rẻ của Samsung cũng không thể tránh được hiện tượng các vật thể chuyển động bị mờ hình.

Nhìn chung, Galaxy Core 2 vẫn mắc phải điểm yếu cố hữu của các smartphone giá rẻ hiện nay: ảnh chụp nhợt nhạt và kém sức sống. Để khắc phục điểm yếu của Galaxy Core 2, bạn sẽ phải nhờ tới các bộ lọc màu của Instagram hoặc các phần mềm chỉnh sửa như Camera 360.

Một số ảnh chụp từ camera 5MP của Samsung Galaxy Core 2 (bấm vào hình để xem ảnh gốc):

Ở khía cạnh quay video, Galaxy Core cho phép ghi hình với độ phân giải tối đa 720 x 480 px hoặc VGA (640 x 480 pixel), tốc độ 30 khung hình/giây (fps) trên định dạng file mp4 phổ biến. Song song với chất lượng hình ảnh cũng tương tự như chụp ảnh, màu sắc hơi nhạt và độ chi tiết thấp.

Video quay từ camera 5MP của Samsung Galaxy Core:

Kết luận

 

Thực tế, Galaxy Core 2 vẫn là một chiếc điện thoại khá điển hình cho phân khúc tầm thấp: smartphone trên 3 triệu đồng của Samsung có rất nhiều điểm yếu đi song song với các điểm mạnh.

Chúng tôi đánh giá cao trải nghiệm cầm tay và sử dụng hàng ngày của Galaxy Core 2, song chất lượng camera và hiệu năng game của Galaxy Core 2 có vẻ thiếu hụt so với các đối thủ như Asus Zenfone 5. Trong khi vấn đề về camera đã trở nên quá quen thuộc với người dùng phân khúc giá rẻ, Samsung lẽ ra đã có thể mang tới một trải nghiệm phần mềm tốt hơn hẳn với bộ nhớ lớn một chút cho Galaxy Core 2.

Bởi vậy, lựa chọn mua hay không mua Galaxy Core 2 vẫn tùy thuộc vào những gì bạn thực sự cần, và nếu như đó là "phần cứng chắc chắn, trải nghiệm hàng ngày dễ chịu" - Galaxy Core 2 là chiếc smartphone giá mềm dành cho bạn.

Lê Hoàng

Chủ đề khác