VnReview
Hà Nội

Đánh giá LG G3 Stylus: bản rút gọn mạnh tay của LG G3

Trào lưu rút gọn những mẫu flagship đầu bảng bằng cách giữ nguyên thiết kế nhưng cắt giảm đi cấu hình rồi khoác lên những cái tên như mini, compact và bán với mức giá hấp dẫn hơn đang được hầu hết các hãng sản xuất smartphone tận dụng triệt để.

Điều này đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dùng yêu thích thiết kế của các mẫu smartphone cao cấp nhưng lại không đủ tiềm lực tài chính để sở hữu chúng.

LG cũng không phải là một ngoại lệ. Sau sự ra mắt của chiếc G3, máy đầu bảng của LG hiện nay, hãng này tiếp tục tung ra những phiên bản rút gọn gồm G3 Beat và G3 S với màn hình nhỏ hơn, cấu hình yếu hơn nhưng vẫn giữ lại những nét thiết kế đặc trưng của G3. Không dừng lại ở đó, LG tiếp tục giới thiệu mẫu G3 "rút gọn" mới nhất của họ mang tên G3 Stylus với triết lý "bình cũ rượu mới" tương tự. Nhưng lần này, hãng điện thoại xứ Hàn đã "tặng" thêm một chiếc bút cảm ứng gắn thẳng vào thân máy tương tự như những chiếc Samsung Galaxy Note.

LG G3 Stylus có giá bán theo công bố của hãng là 6,49 triệu đồng. Sản phẩm chúng tôi lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile có giá rẻ hơn khá nhiều, chỉ còn 5,89 triệu đồng.

Vậy G3 Stylus có gì hấp dẫn, liệu nó có xứng đáng với số tiền mà bạn cần phải bỏ ra để sở hữu? Hãy cùng tìm hiểu trong bài đánh giá chi tiết sau đây của VnReview.

Thiết kế

Mang tên G3 Stylus, chính vì thế chiếc smartphone tầm trung của LG thừa hưởng gần như toàn bộ thiết kế của chiếc G3. Từ mặt lưng bằng nhựa nhưng được làm phay xước "giả" kim loại, vát cong về 2 bên tạo cảm giác ôm tay, cụm phím nguồn và âm lượng đặt ở phía sau, viền màn hình được tối ưu tốt nên bề ngang khá gọn, tất cả đều gợi nhớ đến ngoại hình của chiếc G3.

Tuy nhiên, máy không có được cảm giác cao cấp giống như chiếc smartphone đầu bảng của LG. Thân máy dày hơn, trọng lượng nặng hơn và đặc biệt chất liệu nhựa ở phần lưng máy cũng không "chất" như trên phiên bản gốc. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà mức giá của G3 Sytlus chỉ bằng một nửa so với LG G3.

Tương tự như "người anh" của mình, G3 Stylus cũng cho phép tháo nắp lưng để thay pin và sim. Máy sử dụng 2 sim chuẩn micro SIM (cả 2 sim đều hỗ trợ 3G), khe cắm thẻ nhớ microSD nằm ngay trên khay SIM số 1 chứ không tách riêng như các smartphone trước đây nhằm tiết kiệm diện tích.

Nhìn chung, G3 Stylus có thiết kế tốt, dễ cầm nắm, tuy chưa thể đạt đến "tầm" như những smartphone đầu bảng nhưng mẫu điện thoại tầm trung này vẫn mang lại cảm giác sang trọng, đẹp mắt.

Màn hình

Màn hình là một trong những yếu tố mà G3 Stylus tỏ ra thua thiệt hơn rất nhiều so với đàn anh của nó. Dù kích thước vẫn được giữ nguyên là 5.5 inch nhưng độ phân giải đã bị cắt giảm một cách "không thương tiếc" từ 2K (2560 x 1440 pixel, 534ppi) xuống còn qHD (960 x 540 pixel, 200ppi).

Đây thực sự là một điều đáng tiếc. Bởi với màn hình tới 5.5 inch, ít nhất LG cũng nên trang bị cho G3 Stylus độ phân giải HD 720p (1280 x 720 pixel) để đảm bảo khả năng hiển thị đủ sắc nét cho máy. Do độ phân giải chỉ còn qHD, màn hình của phiên bản G3 rút gọn thể hiện chi tiết khá hạn chế. Bạn có thể nhận ra sự vỡ hạt, kém sắc nét, mờ nhòe, răng cưa ngay khi nhìn vào những biểu tượng ở màn hình chính hay lúc duyệt web, lướt Facebook, đọc mail.

Màn hình G3 Stylus cũng không được trang bị cảm biến ánh sáng để tự động điều chỉnh độ sáng theo môi trường. Vì vậy, sẽ khá bất tiện khi bạn sẽ luôn phải điều chỉnh bằng tay để đạt được độ sáng hợp lý. May mắn thay, màn hình của G3 Stylus vẫn có độ sáng khá cao, màu sắc tươi tắn và góc nhìn rộng.

Khi đo màn hình bằng phần mềm và các thiết bị chuyên dụng, kết quả của máy thể hiện khớp với cảm nhận bằng mắt thường. Màn hình của;G3 Stylus thể hiện các màu sắc cơ bản khá gần so với thực tế cùng với các yếu tố khác như nhiệt màu ấm, màu đen sâu và độ tương phản cao. Độ sáng màn hình khá cao cùng độ tương phản tốt đã giúp cho máy hiển thị màu sắc đẹp.

Bảng đo kết quả màn hình của G3 Stylus so với một số sản phẩm khác

Khả năng hiển thị các màu cơ bản: phía dưới là các màu tiêu chuẩn và phía trên màu hiển thị thực trên máy.

Bảng đo không gian màu của LG G3 Stylus. Các ô vuông là những điểm màu chuẩn, còn chấm tròn là màu đo được trong thực tế. Có thể thấy không gian màu của máy không lệch nhiều so với không gian màu chuẩn sRGB.

Khả năng hiển thị thang màu xám: Phía dưới là các màu tiêu chuẩn và phía trên màu hiển thị thực trên máy

Camera

Vẫn sở hữu độ phân giải 13MP tương tự như trên G3 "gốc" nhưng camera chính của G3 Stylus cũng chịu chung số phận như phần màn hình khi bị cắt giảm gần hết những tính năng cao cấp để giảm giá thành. Không còn đèn laser hỗ trợ lấy nét, không còn hệ thống chống rung quang học OIS, ngay cả chế độ HDR vốn gần như xuất hiện trên mọi smartphone hiện nay cũng bị LG loại bỏ.

Giao diện chụp ảnh trên G3 Stylus cũng đi theo hướng tối giản trên G3 nhưng bạn chỉ còn được chọn chế độ tự động hoặc panorama, bật tắt flash, phần cài đặt chỉ có tùy chỉnh độ phân giải, bật/ tắt tính năng chụp ảnh bằng giọng nói, hẹn giờ chụp ảnh và lưới tỉ lệ ảnh. Thực ra phần lớn người dùng hiện nay thường sử dụng chế độ tự động khi chụp ảnh và không điều chỉnh cài đặt nhiều nên giao diện đơn giản không hẳn là điểm trừ, nhưng ít nhất LG cũng nên trang bị tùy chỉnh đơn giản và cần thiết là độ bù trừ sáng EV.

Chất lượng ảnh chụp từ camera 13MP của G3 Stylus cũng không để lại nhiều ấn tượng. Trong điều kiện đủ sáng, tốc độ lấy nét và tốc độ chụp khá nhanh nhưng ảnh chụp ngoài trời có màu sắc hơi rực hơn so với thực tế, độ sáng được đẩy lên cao, độ tương phản thấp, độ sắc nét và các chi tiết nhỏ đều không cao. Chất lượng ảnh của camera 13MP trên G3 Stylus còn kém cả camera 8MP trên Galaxy Grand Prime.

Ảnh chụp bằng Samsung Galaxy Grand Prime

Ảnh chụp bằng LG G3 Stylus

Một số bức ảnh khác chụp bằng LG G3 Stylus (Click vào hình để xem ảnh gốc)

Ảnh chụp trong nhà cũng cho kết quả tương tự. Do không thể điều chỉnh độ bù trừ sáng theo ý muốn nên độ sáng của bức ảnh sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào điểm lấy nét, đồng thời cũng là điểm đo sáng. Vì thế, đôi khi bạn sẽ phải mất nhiều lần chụp mới có được bức ảnh với độ sáng như ý.

Trong điều kiện thiếu sáng, chất lượng ảnh từ camera 13MP cũng chỉ ở mức khá. Ảnh hơi nhạt, kém chi tiết. Camera của G3 Stylus mặc dù được trang bị cảm biến BSI giúp chụp tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng nhưng cũng không mấy tác dụng. Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng kém rất dễ rung tay, mất nét.

Dù được LG quảng cáo khá nhiều về khả năng selfie nhưng camera trước của G3 Stylus lại không được chú trọng. Độ phân giải camera trước vốn đã không cao trên G3 (2.1MP) lại tiếp tục bị giảm xuống chỉ còn 1.3MP trên G3 Stylus. Chính vì thế, ảnh tự sướng chụp bằng G3 Stylus có chất lượng khá thấp. Ảnh nhợt nhạt, mờ nhòe và nhiễu hạt kể cả trong điều kiện đủ sáng.

Camera trước cũng chỉ có duy nhất một thanh điều chỉnh mức độ làm mịn da mặt và không có tính năng tùy chỉnh gì thêm. Phần mềm xem ảnh trong máy cũng không hỗ trợ chỉnh sửa chi tiết cho khuôn mặt hay thêm các hiệu ứng màu sắc.

Chỉ còn vài tính năng hỗ trợ chụp ảnh selfie tiện lợi hơn nhằm "vớt vát" lại phần nào cho chất lượng ảnh như: giơ bàn tay phía trước camera rồi nắm tay lại để máy tự động chụp, ra lệnh chụp ảnh bằng giọng nói (bạn có thể nói "Cheese", "Cười", "Whisky", "Kim chi" hoặc "LG"), bấm nút tăng/giảm âm lượng phía mặt lưng, đèn Flash ảo.

Tính năng giơ bàn tay phía trước camera rồi nắm tay lại để máy tự động chụp

Về chức năng đèn Flash ảo, thực chất máy tự động thu nhỏ giao diện camera lại rồi chừa ra phần màn hình xung quanh chỉ hiển thị một hình ảnh tĩnh màu hồng nhạt nhằm chiếu sáng cho gương mặt khi tự sướng trong điều kiện ánh sáng kém. Tất nhiên, đây chỉ là tính năng "dùng cho vui" chứ không có mấy tác dụng.

Tính năng Flash ảo

Về khả năng quay video, camera 13MP của G3 Stylus cho phép quay video với độ phân giải Full HD 1080p (1920 x 1080 pixel), tốc độ 30 khung hình/giây, video được lưu ở định dạng mp4 phổ biến. Trong khi đó, camera 1.3MP của máy cho phép quay video ở độ phân giải 720p (1280 x 720 pixel). Máy cũng cho phép bật đèn flash liên tục để trợ sáng khi quay phim và điểm đáng chú ý là đèn flash của G3 Stylus có độ sáng khá cao, độ phủ rộng.

Trái với chất lượng ảnh chụp, chất lượng video quay từ G3 Stylus lại khá tốt. Video quay từ chiếc điện thoại này chi tiết, sắc nét, màu sắc tươi tắn. Dù vậy, do không có tính năng chống rung nên khung hình quay được sẽ dễ rung lắc nếu người dùng cầm không chắc tay.

Phần mềm, tính năng

Phần mềm có thể coi là điểm sáng trên G3 Stylus. Được thừa hưởng gần như toàn bộ phần mềm của G3 "gốc", từ việc cài sẵn Android 4.4.2, giao diện "phẳng hóa", tính năng Knock-on (mở và tắt máy bằng cách gõ nhanh hai lần vào màn hình) và Knock Code (mở khóa màn hình bằng mã cử chỉ), giữ chặt phím giảm âm lượng để mở máy ảnh,… G3 Stylus mang đến nhiều trải nghiệm thú vị và tiện dụng.

Giao diện của G3 Stylus với phong cách "phẳng hóa" thừa hưởng từ G3

Tính năng Chia đôi màn hình để chạy song song cùng lúc hai ứng dụng tương tự Multi Window trên dòng Galaxy Note của Samsung cũng xuất hiện trên G3 Stylus. Mặc định, bạn có thể giữ chặt phím Back trên màn hình để kích hoạt nó hoặc tạo thêm một phím tắt truy cập nhanh trong phần Cài đặt > Hiển thị > Các phím chạm màn hình chính > Kết hợp phím. Tuy nhiên, không phải ứng dụng nào cũng có thể chạy ở chế độ này và chỉ có một số ứng dụng đặc biệt được LG hỗ trợ mới tương thích với tính năng chia đôi màn hình.

Tính năng Chia đôi màn hình chỉ hỗ trợ một số ứng dụng nhất định

Kết hợp khả năng Chia đôi màn hình cùng tính năng QSlide, người dùng có thể mở thêm 2 ứng dụng nữa ở dạng cửa sổ Pop Up. Như vậy là tổng cộng, bạn có thể chạy song song cùng lúc tới 4 ứng dụng trên màn hình với G3 Stylus. Tương tự như Chia đôi màn hình, Qslide cũng chỉ hỗ trợ một số ứng dụng nhất định.

Cũng chỉ có một số ứng dụng được định sẵn mới có thể chạy trong chế độ QSlide

Giao diện chuyển đổi đa nhiệm trên G3 Stylus cũng trực quan, dễ sử dụng với các hình ảnh thu nhỏ của ứng dụng có kích thước lớn, biểu tượng rõ ràng cùng cách sắp xếp theo dạng lưới khoa học. Bạn có thể chuyển đổi tối đa giữa 8 ứng dụng được mở gần nhất.

Giao diện chuyển đổi đa nhiệm trực quan, thân thiện

Bên cạnh đó, G3 Stylus cũng được trang bị một tính năng đáng chú ý khác là Chế độ Khách. Tính năng này giúp tạo ra một tài khoản hoàn toàn khác biệt với tài khoản ban đầu trên máy. Tài khoản ở Chế độ Khách sẽ chỉ được sử dụng một số ứng dụng nhất định mà bạn cho phép và không thể truy cập vào các cài đặt trên máy, kể cả việc bật tắt WiFi, 3G, gọi điện, nhắn tin,...

Chế độ này đặc biệt hữu ích khi các bậc cha mẹ muốn quản lý con cái, cho phép chúng sử dụng smartphone của bạn nhưng trong một khuôn khổ nhất định, tránh việc xóa nhầm các dữ liệu quan trọng hay vô tình gọi điện, nhắn tin, truy cập 3G.

Chế độ Khách hữu ích để cha mẹ quản lí con cái

Ngoài ra, còn một số tính năng hữu ích khác như thay đổi giao diện màn hình bằng thành dạng đơn giản EasyHome, phù hợp khi đối tượng dùng máy là người lớn tuổi; thao tác bằng một tay giúp thu nhỏ bàn phím quay số, bàn phím gốc hay khóa màn hình dễ hơn bằng một tay; Smart cleaning giúp xóa bớt các file rác, ứng dụng không cần thiết để tăng bộ nhớ trống,...

Màn hình chủ dạng đơn giản EasyHome

Bàn phím trong các ứng dụng được thu nhỏ lại để dễ sử dụng một tay

Tính năng dọn dẹp rác Smart cleaning

Tuy vậy, một điểm đáng tiếc là bàn phím mặc định trên G3 Stylus vẫn chưa hỗ trợ gõ tiếng Việt theo kiểu Telex hay VNI. Trong khi các nhà sản xuất khác như Samsung, Sony, HTC hay Asus đều đã hỗ trợ gõ kiểu Telex trên bàn phím mặc định, thì bàn phím mặc định của LG lại khó dùng hơn hẳn. Để bỏ dấu tiếng Việt trên G3 Stylus, người dùng phải giữ tay vào các chữ cái nguyên âm và chờ hiện ra các lựa chọn, rất mất thời gian và bất tiện.

Đây là hiện tượng đã tồn tại từ rất lâu trên bàn phím mặc định của các dòng smartphone LG và có vẻ như hãng điện tử xứ Hàn không hề có ý định sửa đổi. Bàn phím gốc của G3 Stylus được đánh giá cao khi nhập tiếng Anh, nhưng với tiếng Việt thì nó không thể sánh được với các bàn phím trên chợ ứng dụng CH Play.

Đầu phát hồng ngoại

G3 Stylus cũng được trang bị đầu phát hồng ngoại nằm trên đỉnh máy, tương tự một số mẫu smartphone cao cấp hiện nay. Đầu phát này cho phép bạn sử dụng G3 Stylus để điều khiển các thiết bị điện tử như TV, điều hòa, quạt điện,… thông qua ứng dụng Peel Smart Remote được cài sẵn trong máy.

Trong thử nghiệm của VnReview, G3 Stylus có thể bật/tắt, tinh chỉnh nhiệt độ, tốc độ quạt gió cho chiếc điều hòa LG âm trần, loại thường dùng trong các văn phòng. Thậm chí, G3 Stylus còn có thể điều khiển được chiếc 2 chiếc máy ảnh DSLR là Canon 500D và Canon 60D để chụp ảnh từ xa một cách hoàn toàn trơn tru thông qua ứng dụng ShutterBOT DSLR Remote cài thêm.

Bút cảm ứng

Một điểm thú vị trên G3 Stylus là chiếc smartphone này được LG tích hợp sẵn một chiếc bút cảm ứng thẳng vào thân máy tương tự như dòng Galaxy Note của Samsung. Vị trí của bút đặt ở cạnh trên, lệch về phía bên phải và việc tháo lắp tương đối dễ dàng. Nếu đã từng sử dụng qua các dòng máy xách tay Hàn Quốc như Sky, Samsung, LG, bạn sẽ nhận ra đây chính là vị trí đặt ăng ten bắt sóng TV.

Vị trí cắm bút trên G3 Stylus chính là vị trí đặt ăng ten bắt sóng TV trên các máy xách tay Hàn Quốc (bên phải là chiếc Sky Vega A850)

Bút cảm ứng trên G3 Stylus cũng là loại Rubberdium đã từng xuất hiện trên LG Vu 3. Đầu bút được bọc cao su, thân bút được làm từ kim loại trơn và nhẵn, kích thước khá nhỏ. Khi đặt cạnh chiếc bút S-Pen trên Galaxy Note 3 Neo, có thể thấy bút của G3 Stylus có độ dài kém hơn một chút nhưng thân bút nhỏ và tròn trịa hơn, trong khi bút S-Pen có thân to, dày, vuông vắn. Không như S-Pen, thân bút của G3 Stylus không có bất cứ nút bấm nào.

Rubberdium (bên trên) "đọ dáng" cùng S-Pen (bên dưới)

Trải nghiệm thực tế cho thấy bút Rubberdium của G3 Stylus có độ nhạy tốt, giúp bạn viết vẽ, ghi chú, thao tác trên màn hình thuận tiện hơn. Tuy nhiên, do kích thước nhỏ, thân bút trơn nên cảm giác cầm bút không chắc tay, thoải mái như S-Pen của Samsung.  Ứng dụng QuickMemo+ đi kèm máy cho phép nhanh chóng chụp lại màn hình rồi ghi chú hoặc chèn thêm ảnh, file ghi âm, nhạc, video, bản đồ vị trí,…khá thú vị. Người dùng cũng có thể truy cập nhanh QuickMemo+ bằng nhiều cách như vuốt từ dưới lên trên qua phím Home hay thêm phím ảo trong phần Kết hợp phím hoặc ngay trong phần Qucik Setting ở thanh thông báo.

Tuy nhiên, tất cả những gì bạn có thể làm với bút Rubberdium của G3 Stylus chỉ dừng lại ở đó. Bạn sẽ không có tính năng nhận diện chữ viết, nhận biết lực của tay để cho ra nét vẽ đậm, nhạt, không có khả năng cảm ứng không cần chạm,... Máy cũng không nhận diện để từ chối tác động từ lòng bàn tay khi dùng bút nên nếu vô tình để tay chạm vào màn hình trong khi viết, vẽ, màn hình sẽ không nhận lệnh. Nếu so với bút S- Pen trên dòng Galaxy Note của Samsung, chiếc bút của LG thua thiệt hơn rất nhiều.

Thực chất, bút Rubberdium của G3 Stylus có cấu tạo và cơ chế hoạt động gần như tương tự những chiếc bút cảm ứng điện dung giá rẻ được bày bán rộng rãi trên thị trường hiện nay, tức là sử dụng thân kim loại để truyền dẫn điện từ từ ngón tay đến đầu bút. Nó không thể "bá đạo" như bút S- Pen vì vốn dĩ, bút của Samsung được tích hợp phần cứng phức tạp và cao cấp hơn cho cả phần thân bút lẫn màn hình. Những gì Rubberdium làm được thì bất kì chiếc bút cảm ứng điện dung giá rẻ nào khác cũng có thể làm tốt. Lợi thế duy nhất của Rubberdium là nó có thể cắm trực tiếp vào thân máy để tránh…thất lạc.

Rubberdium (ở giữa) có cấu tạo gần như tương tự các loại bút cảm ứng điện dung giá rẻ được bán rộng rãi trên thị trường hiện nay

Hiệu năng

Sở hữu bộ cấu hình gồm vi xử lý Mediatek MT6582 lõi tứ, nhân Cortex-A7, xung nhịp 1.3GHz, RAM 1GB, đồ họa Mali-400MP2 , bộ nhớ trong 8GB (người dùng còn 4.14GB để sử dụng) hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ microSD dung lượng tối đa 32GB, LG G3 Stylus mang tới hiệu năng thực tế  ở mức khá. Máy chạy tương đối nhanh nhẹn, mượt mà ở các tác vụ cơ bản hàng ngày như duyệt web, xem video, lướt Facebook, check mail, chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng. Hiện tượng đơ, lag đôi lúc xảy ra nhưng không đến mức gây khó chịu.

Việc chơi các tựa game nặng như Asphalt 8 trên G3 Stylus cũng không phải là vấn đề lớn. Khá bất ngờ khi máy có thể xử lý trơn tru, mượt mà trong mọi khung hình kể các ở mức thiết lập cao nhất High. Các hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng, cháy nổ được thể hiện đầy đủ. Màn kích thước hình lớn cũng giúp việc chơi game trên G3 Stylus thuận tiện và thoải mái.

Tuy nhiên, do bộ nhớ trống còn khá ít nên nếu quay phim, chụp ảnh nhiều và vẫn muốn cài thêm các game nặng như Asphalt 8, bạn nên trang bị thêm cho máy một thẻ nhớ gắn ngoài.

Điểm hiệu năng đo được của G3 Stylus bằng AnTuTu khá tốt với 18.746 điểm. Trong khi đó, điểm đo bằng Quadrant lại khá thấp khi chỉ dừng lại ở 4.479 điểm.

Thời lượng pin

Dù chỉ sở hữu cấu hình tầm trung nhưng G3 Stylus lại được trang bị viên pin dung lượng khá cao với 3000 mAh, đủ sức "gánh" tốt màn hình 5.5 inch của máy.

Qua những bài đánh giá pin của VnReview, chiếc phablet của LG cho thời gian pin là 18h19 phút nghe gọi liên tục, 4h37 phút xem phim liên tục, 4h47 phút chơi game liên tục và 9h37 phút lướt web liên tục trên mạng Wi-Fi. Đây đều là những mức pin khá tốt, đủ để người dùng sử dụng máy trong 1 ngày với cường độ cao.

Kết luận

Giữ nguyên thiết kế nhưng cắt giảm đi cấu hình rồi bán với mức giá hấp dẫn hơn là một chính sách có lợi cho cả người dùng và nhà sản xuất. Ấy thế nhưng, với G3 Stylus, LG đã hơi "mạnh tay" khi trang bị cho phiên bản rút gọn này màn hình độ phân giải quá thấp, camera chất lượng không cao. Sự bổ sung không "tới nơi tới chốn" của chiếc bút cảm ứng cùng những ưu điểm "nho nhỏ" ở phần thiết kế, phần mềm, hiệu năng, thời lượng pin có lẽ là chưa đủ để thuyết phục khách hàng.

 

Trong khi đó ở tầm giá 6,5 triệu đồng của G3 Stylus, người dùng đang có rất nhiều lựa chọn hấp dẫn khác như Xperia C3, Asus Zenfone 6, Lumia 1320,… Những smartphone này có mức giá và cấu hình tương đương G3 Stylus nhưng lại có màn hình độ phân giải cao hơn, camera tốt hơn.

 

Thành Đạt

Chủ đề khác