VnReview
Hà Nội

Đánh giá Lenovo S90 Sisley: có gì hấp dẫn bên trong vỏ nhái iPhone 6?

Lenovo đã gây ngạc nhiên khi vừa tung ra thị trường chiếc smartphone tầm trung Lenovo S90 Sisley nhái kiểu dáng của iPhone 6. Việc nhái iPhone là bình thường với các thương hiệu không tên tuổi nhưng với Lenovo, hãng nằm trong top 5 thị trường điện thoại toàn cầu, thì đây là một bất ngờ.

Chiếc Lenovo S90 Sisley vừa lên kệ tại Việt Nam với giá niêm yết chính hãng là 6,39 triệu đồng. Sản phẩm chúng tôi sử dụng lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile có giá rẻ hơn chút, chỉ 5,7 triệu đồng kèm một số khuyến mại khác.

Mặc dù là sản phẩm nhái kiểu dáng iPhone 6 nhưng cấu hình của Lenovo S90 Sisley có thể nói là khá ấn tượng so với mức giá, đặc biệt là bộ camera trước và sau. Điện thoại này sử dụng màn hình Super AMOLED 5 inch độ phân giải HD (1280 x 720 pixel) với mật độ điểm ảnh 294 PPI. Bên trong của máy là bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon 410 lõi tứ 1.2GHz, RAM 2GB, bộ nhớ 32GB (còn khoảng 25GB trống cho người nhưng không có khe cắm thẻ nhớ để mở rộng dung lượng) và viên pin dung lượng 2300 mAh. Nhà sản xuất đã chăm chút khá kỹ cho chức năng chụp ảnh, với camera sau 13MP có đèn flash trợ sáng và camera trước 8MP cũng có đèn flash trợ sáng cùng khả năng lấy nét tự động.

Liệu những ưu thế về cấu hình như vậy có giúp Lenovo S90 Sisley trở thành lựa chọn tốt trong tầm giá hay không?

Thiết kế

Điểm gây sự chú ý nhất ở Lenovo S90 Sisley chính là hình thức của sản phẩm nhái giống iPhone 6 và iPhone 6 Plus của Apple. Nếu nhìn ở khoảng cách vài mét, bạn sẽ khó nhận ra đâu là iPhone 6 và đâu là S90 Sisley, nhất là khi nhìn vào cạnh máy. Các nét cơ bản trong ngôn ngữ thiết kế của iPhone 6 và iPhone 6 Plus như kiểu dáng tổng thể, các chi tiết góc bo và cạnh, viền nhựa phía dưới thân máy… đều được nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Lenovo đưa vào S90 Sisley.

Tất nhiên, Lenovo S90 không thể giống hệt 100% iPhone 6 hay iPhone 6 Plus, chẳng hạn nó không có phím Home, cổng Lightning hay nút tắt tiếng đặc trưng của Apple mà thay vào đó là phím điều hướng cảm ứng và cổng micro-USB. Điện thoại này cũng có thân nhôm nhưng đỉnh máy sử dụng chất liệu nhựa, chứ không phải là kim loại nguyên khối toàn thân như iPhone 6. Nhưng nhìn tổng thể, có thể nói là S90 Sisley trông như bản sao của iPhone 6 cho nền tảng Android.

Với mức độ nhái như vậy, Lenovo, nhà sản xuất điện thoại có thị phần lớn, đã khiến giới công nghệ bất ngờ và cũng khá ngạc nhiên là Apple đến này vẫn không có động thái pháp lý nào đối với Lenovo dù sản phẩm này không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng phải nói là Lenovo S90 Sisley mới chỉ nhái được kiểu dáng thiết kế tổng thể, còn đi vào chi tiết thì chưa thể so sánh được với iPhone 6/6 Plus.

Cảm giác cầm máy tương đối dễ chịu và nhẹ, chứ không đầm và chắc tay như iPhone 6. Các phím vật lý (nguồn và âm lượng) trên cạnh phải cũng hơi lỏng, không khít và chắc chắn như các phím của iPhone hay các chi tiết dưới đáy máy (các lỗ loa) sờ tay vào thấy không được mịn như sản phẩm của Apple.

Màn hình

Lenovo S90 Sisley sử dụng màn hình Super AMOLED kích cỡ 5 inch, độ phân giải HD (1280 x 720 pixel) với mật độ điểm ảnh 294 PPI giống với chiếc Samsung Galaxy A5. Có thể nói đây là màn hình tốt so với các máy trong tầm giá 5-6 triệu đồng. Màn hình của điện thoại này mang đầy đủ các ưu thế của công nghệ tấm nền Super AMOLED: màu sắc rực rỡ, độ tương phản cao và góc nhìn rộng.

Khi so sánh với chiếc Galaxy A5 thì màn hình Lenovo S90 Sisley hiển thị đậm hơn một chút nên độ rực rỡ của màu sắc hơi thái quá. Trong khi đó, màn hình của máy lại không có chế độ hiển thị màu sắc cân bằng giống như điện thoại của Samsung. Tuy nhiên, điểm yếu này là chấp nhận được nếu tính đến mức chênh lệch giá giữa hai máy (Galaxy A5 là 9 triệu đồng, so với 6,4 triệu đồng của Lenovo S90 Sisley). Hơn nữa, có lẽ đa số người dùng thường có xu hướng thích màu sắc nịnh mắt một chút. Ngoài ra, màn hình của điện thoại này có chế độ ban đêm, khi bật sẽ tự động giảm độ sáng xuống mức thấp để không gây chói mắt.

Bảng đo kết quả màn hình của Lenovo S90 Sisley với các máy khác cùng tầm giá.

Biểu đồ không gian màu của Lenovo S90 Sisley

Kết quả đo cho thấy máy hiển thị các màu cơ bản đậm hơn rõ rệt. Phía trên là màu máy hiển thị và phía dưới là màu tiêu chuẩn.

Hiển thị thang màu xám cũng lệch hơn Galaxy A5 một chút. Phía trên là màu máy hiển thị và phía dưới là màu chuẩn.

Khi đo bằng các thiết bị chuyên dụng, màn hình của Lenovo S90 Sisley có độ đen, độ tương phản và nhiệt màu gần tương đương với Galaxy A5. Tuy vậy, độ sáng thấp hơn và đặc biệt là độ lệch màu cao hơn Galaxy A5. Điều này giải thích tại sao các màu sắc cơ bản trên màn hình điện thoại của Lenovo hiển thị đậm hơn máy của Samsung. Độ sáng tối đa của Lenovo S90 khá thấp khi so sánh với các màn hình LCD nhưng thực tế thì màn hình của điện thoại này vẫn khá sáng sủa, thường chỉ cần bật 60-70% khi dùng trong nhà có ánh đèn là thoải mái và độ sáng tối đa chỉ cần dùng đến khi dùng ngoài trời sáng. Nguyên nhân là do màn hình AMOLED có cách thức xử lý độ sáng khác với màn hình LCD.;Chúng tôi sẽ có bài viết riêng giải thích về điều này trong thời gian tới.

Camera

Camera sau của Lenovo S90 Sisley có độ phân giải 13MP nhưng độ phân giải này chỉ đạt được ở tỷ lệ khung hình 4:3, còn tỷ lệ 16:9 thì ảnh chỉ có 9.5MP.

Trong khi đó, camera trước cũng có độ phân giải tới 8MP, có đèn flash trợ sáng và có các chế độ tự động chụp ảnh bằng cử chỉ hoặc giọng nói. Camera trước của máy sẽ tự động chụp khi người dùng nói từ Snap hoặc Cheese, giơ hai ngón tay thành hình chữ V, khua bàn tay phía trước màn hình hoặc chớp mắt.

Những điều khiển cử chỉ và giọng nói như vậy sẽ giúp các bức ảnh tự sướng đỡ bị rung tay, qua đó giúp ảnh đẹp hơn. Trong thử nghiệm thực tế, nhận diện chớp mắt hoạt động tốt nếu bạn chớp mắt chậm, còn cử chỉ giơ hai ngón tay, khua tay và điều khiển bằng giọng nói thì lúc được lúc không. Ngoài ra, camera trước của máy cũng có thanh để điều chỉnh mức độ làm mịn da mặt từ "ít ảo đến rất ảo".

Camera trước hỗ trợ chụp bằng cử chỉ, nháy mắt và giọng nói

Ảnh chụp từ camera trước có tốc độ chụp và lấy nét khá nhanh, độ chi tiết vừa phải và đặc biệt là có thể điều chỉnh mức độ nịnh mắt.

Giao diện chụp ảnh của máy trông khá đơn giản, phía trên có 4 tùy chọn (camera trước, đèn flash, HDR và nút chụp). Mục thiết lập nằm ở góc trái phía dưới, cho phép người dùng tiếp cận nhiều tùy chỉnh như tỷ lệ khung ảnh, cân bằng trắng, chế độ cảnh, ISO, hiệu ứng và cách đo sáng. Bên phải giao diện là nút chụp, quay và các chế độ chụp cơ bản (bình thường, toàn cảnh panorama và các hiệu ứng).

Lenovo S90 Sisley lấy nét nhanh và tốc độ chụp cũng khá nhanh, giữ nút chụp thì máy sẽ chụp liên tục nhiều ảnh. Ảnh chụp từ máy có độ nét khá và màu sắc của ảnh chụp gần với thực tế, không bị quá rực rỡ. Tuy nhiên, ảnh bị nhiễu khá rõ, với một số ảnh chụp khi phóng to lên các chi tiết có vẻ bị "vỡ". Chất lượng ảnh chụp vào ban đêm không gây ấn tượng, ảnh dễ bị rung nhòe.

Dưới đây là một số ảnh chụp từ camera sau vào ban ngày trời âm u:

So sánh với camera 8MP của chiếc OPPO Mirror 3, có thể thấy ảnh chụp từ Mirror 3 sáng hơn và màu sắc tươi hơn một chút.

Phần mềm và các tính năng

Phần mềm của máy cài sẵn phiên bản Android 4.4 Kitkat cùng với giao diện Vibe UI 2.0 riêng của Lenovo. Nhà sản xuất Trung Quốc hiện chưa đưa ra kế hoạch cập nhật lên Android 5.0 Lollipop cho sản phẩm. Không chỉ kiểu dáng, giao diện người dùng cũng có hơi hướng học hỏi của iPhone từ màu sắc, các biểu tượng ứng dụng đến giao diện cài đặt và việc đưa khay ứng dụng trực tiếp lên màn hình chủ.

Màn hình chủ đóng vai trò là khay ứng dụng, có thể tạo thư mục để nhóm ứng dụng lên màn hình chủ.

Giống như các thương hiệu điện thoại Trung Quốc khác, Lenovo cung cấp cho người dùng nhiều bộ theme trông rất màu sắc để thay đổi giao diện cùng với hình nền, màn hình khóa.

Về phần mềm, Lenovo chủ yếu dùng các ứng dụng cơ bản của Android, không cài sẵn cho máy quá nhiều ứng dụng có thể nhiều người sẽ thấy không cần thiết. Ngoài các ứng dụng và dịch vụ quen thuộc hầu như có mặt trên mọi máy Android (như kho ứng dụng Google Play, Gmail, Googe Drive, Hangout, lịch, bản đồ, YouTube,…), Lenovo S90 Sisley có một vài ứng dụng do hãng này phát triển riêng cho các smartphone và máy tính bảng của mình, điển hình là ứng dụng bảo mật Security HD và ứng dụng chia sẻ dữ liệu SHAREit.

Ứng dụng SHAREit hỗ trợ chia sẻ liên lạc, ảnh, nhạc, video, tập tin và cả ứng dụng với thiết bị khác qua mạng Wi-Fi. Trong ảnh là thử nghiệm chia sẻ giữa S90 Sisley với chiếc OPPO Neo 3.

SHAREit hỗ trợ việc chia sẻ dữ liệu như danh bạ, ứng dụng, ảnh, nhạc, video và các tập tin qua lại giữa Lenovo S90 Sisley với các điện thoại và máy tính bảng chạy Android hoặc iOS tốc độ nhanh qua mạng Wi-Fi. Để chia sẻ dữ liệu qua SHAREit, thiết bị chia sẻ dữ liệu với S90 Sisley cũng phải cài đặt ứng dụng này, hiện đã được Lenovo đưa lên kho ứng dụng Android và iOS, cho tải về miễn phí. Riêng các ứng dụng sẽ được chia sẻ dưới dạng file .apk, vì vậy người dùng cần vào ứng dụng quản lý file trên thiết bị được chia sẻ để tiến hành cài đặt. Lưu ý là ứng dụng SHAREit trên iOS không hỗ trợ chia sẻ ứng dụng. Điều này dễ hiểu bởi iOS không hỗ trợ cài đặt ứng dụng từ file .apk.

Security là bộ ứng dụng cung cấp nhiều tính năng bảo vệ cho điện thoại

Trong khi đó, Security là ứng dụng có nhiều chức năng khá hữu ích. Nó giúp người dùng chống virus, chặn thư rác thông qua cơ chế lập danh sách đen; cải thiện hiệu năng bằng cách tắt các ứng dụng đang chạy để giải phóng RAM; chặn quảng cáo bên trong ứng dụng và trên thanh thông báo; quản lý ứng dụng (gỡ hoặc tạm thời đóng băng các ứng dụng không dùng); quản lý hoạt động cấp quyền cho các ứng dụng được gửi tin nhắn, kích hoạt 2G/3G/Wi-Fi/Bluetooth, đọc danh bạ, đọc log cuộc gọi, đọc tin nhắn, truy cập thông tin vị trí, mở camera/ghi âm, sửa đổi danh bạ/tin nhắn/log cuộc gọi, ghi âm...

Hiệu năng hoạt động và thời gian pin

Lenovo S90 Sisley có cấu hình giống với chiếc Samsung Galaxy A5 chúng tôi đánh giá gần đây với bộ vi xử lý Snapdragon 410 lõi tứ 1.2GHz, 2GB RAM và cả màn hình cũng tương tự về kích cỡ lẫn công nghệ tấm nền Super AMOLED.

Tương tự như trên Galaxy A5, cấu hình này đủ đáp ứng các tác vụ thông thường trên S90 Sisley. Máy cũng chơi được những game đồ họa khá nặng như Asphalt 8, Dead Trigger 2 hay Real Boxing. Với game Asphalt 8, S90 Sisley chạy mượt khi chơi ở chế độ chế đồ họa trung bình nhưng thỉnh thoảng bị giật, khung hình chuyển động có độ trễ nhẹ khi chuyển lên chế độ đồ họa cao.

Tuy nhiên, đây là hạn chế chung với các máy tầm trung gần đây sử dụng Snapdragon 410 và điểm yếu dễ hiểu đối với tầm giá của sản phẩm, bởi hiệu ứng đồ họa cao trên các game nặng được thiết kế cho các thiết bị cao cấp, cấu hình cao.

Do thân máy mỏng nên S90 Sisley có hiện tượng nóng nhẹ sau vài chục phút chơi game và điểm nóng nhất là phần lưng máy phía trên, nhưng mức độ chưa đến mức gây khó chịu. Các yếu tố khác như chất lượng cuộc và âm lượng loa ngoài không có gì đáng phàn nàn, loa ngoài có âm lượng khá lớn và khe loa đặt ở đáy máy (dãy lỗ loa bên trái) nên không bị cản tiếng khi đặt trên các mặt phẳng. Máy không có khe cắm thẻ nhớ ngoài nhưng có bộ nhớ trong khá lớn, 32GB và còn khoảng 25,5GB cho người dùng chứa dữ liệu và cài đặt ứng dụng.

Viên pin 2300 mAh cung cấp thời lượng sử dụng khá tốt. Trong thử nghiệm sử dụng lướt web, chơi game (Subway Surfers) và xem phim trên YouTube qua mạng Wi-Fi liên tục với mỗi hoạt động 30 phút và lặp lại, trong điều kiện độ sáng và âm lượng đặt ở mức 70%, máy chạy được 5 giờ 6 phút tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%. Đây là kết quả ở mức khá, đủ dùng trong ngày với những người sử dụng ở cường độ tương đối cao.

Thử nghiệm các bài đo pin với hoạt động lướt web, xem phim và chơi game giả lập cũng trong điều kiện độ sáng và âm lượng đặt ở mức khoảng 70%, S90 Sisley có kết quả tốt ở bài chơi game và khá ở bài lướt web, còn bài xem phim thì đạt kết quả trung bình. Lưu ý là với cả ba bài đo pin này, chúng tôi đều tính thời gian sử dụng pin từ khi pin đầy 100% đến khi còn 10%, xem thêm cách đánh giá thời gian pin của VnReview tại đây.

Bài đo thời gian lướt web này được thực hiện trên mạng Wi-Fi thông qua chương trình giả lập việc sử dụng trong thực tế, tự động mở lần lượt và lặp lại 3 trang web phổ thông, giả lập thao tác cuộn trang để tính thời lượng pin.

Chơi game giả lập trên phần mềm GFX Bench chạy ở độ sáng tối đa với tốc độ khung hình 60 fps, tắt kết nối không dây và cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10% thì dừng.

Xem bộ phim HD trên phần mềm MX Player, chạy lặp và tính thời gian từ lúc pin đầy đến khi còn 10%. Độ sáng và âm lượng đặt ở mức khoảng 70%.

Bên cạnh đó, điện thoại này còn có 2 chế độ tiết kiệm pin gồm chế độ tiết kiệm pin tối đa chỉ bật chức năng gọi điện và nhắn tin, biến máy trở thành điện thoại cơ bản với màn hình đen trắng giống như các máy Samsung Galaxy S5 và HTC One M8; chế độ tiết kiệm ít hơn bằng cách giảm tiêu thụ điện của màn hình và GPU. Chúng tôi chưa thử nghiệm mức độ tiết kiệm của hai chế độ trên nhưng hứa hẹn sẽ kéo dài được thời gian pin nếu sử dụng.

Kết luận

Thiết kế là điểm khó hiểu của Lenovo S90 Sisley. Máy nhái thô bạo chiếc iPhone 6 của Apple cả hình thức đến giao diện người dùng bên trong, một hành động gây bất ngờ bởi Lenovo hiện là thương hiệu thuộc diện có tên tuổi trên thị trường điện thoại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thiết kế của máy tồi. Thân nhôm, mỏng nhẹ là điểm mà nhiều sản phẩm cùng tầm giá chưa có được mặc dù các chi tiết trong thiết kế của điện thoại này chưa thể sánh được với iPhone 6.

Ngoài yếu tố thiết kế thì S90 Sisley cũng có khá nhiều ưu điểm của một chiếc smartphone tầm giá 6 triệu đồng như màn hình rực rỡ và góc nhìn rộng, hiệu năng đáp ứng nhanh nhẹn các tác vụ cơ bản, bộ nhớ trong dung lượng khá lớn đủ dùng cho nhu cầu thông thường dù không có khe cắm thẻ nhớ và thời gian pin khá bền. Camera tuy có thông số lý thuyết ấn tượng nhưng kết quả thực tế chỉ đạt mức trung bình.

Thanh Phong

Chủ đề khác