VnReview
Hà Nội

Đánh giá Moto M: tất cả đều tầm trung

Trong vài năm trở lại đây, Moto được biết đến nhiều nhất với các smartphone giá rẻ, tầm trung nhưng có hiệu năng tốt và phần mềm tối giản, gần với Android gốc.

Tuy nhiên ở thị trường Việt Nam, thương hiệu này (hiện nay thuộc Lenovo, Trung Quốc) gần như không được chú ý vì các sản phẩm khá nhạt nhòa, kể cả dòng Z cao cấp (gồm Z Play, Z và Z Force) của năm ngoái. Năm nay, hãng này trở lại với Moto M, sản phẩm đánh vào phân khúc tầm trung, hiện là "đấu trường" khốc liệt nhất của hàng loạt thương hiệu smartphone.

Moto M sở hữu một thiết kế mới lạ, khác biệt so với các sản phẩm trước đó của Moto. Tuy nhiên để gây được sự chú ý ở mức giá 7 triệu đồng, Moto M cần nhiều hơn là ngoại hình. Liệu những yếu tố còn lại của máy có đủ nổi bật so với hàng loạt đối thủ cạnh tranh?

Sản phẩm trong bài được chúng tôi lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile, với giá bán rẻ hơn giá niêm yết 500.000 đồng.

Thiết kế

Moto M sở hữu thiết kế nguyên khối khá bắt mắt và nổi bật trong phân khúc tầm trung. Trong khi nhiều máy trong cùng tầm giá thường sử dụng mặt lưng kim loại kèm hai miếng nhựa lớn để làm ăng ten, thì mặt lưng của Moto M chỉ bị cắt bởi hai dải ăng ten nhỏ và đẹp mắt hơn. Nếu so với dòng Z của năm ngoái thì Moto M có thiết kế phổ thông hơn, do không cần phải tương thích với bộ phụ kiện Moto Mods.

Moto M là điện thoại đầu tiên của Moto trang bị cảm biến vân tay ở mặt lưng

Camera và đèn flash được gom chung vào một cụm nổi bật ở mặt sau, nhìn qua thì có thể nhầm lẫn với camera kép. Có thể nói phần mặt lưng của Moto M gợi liên tưởng tới những chiếc điện thoại cao cấp như HTC 10 hay iPhone 7 Plus. Mặt trước của Moto M với kính cong 2.5D trông khá giống chiếc Galaxy A7 2017, nhưng thiết kế loa thoại thì đẹp hơn máy Samsung.

Độ hoàn thiện của Moto M cũng ở mức tốt so với một thiết bị tầm trung. Các đường vát kim cương, khe loa ở cạnh dưới và cổng USB Type C thẳng hàng, mặt kính cong 2.5D đẹp mắt… là những chi tiết cho thấy sự đầu tư trong thiết kế. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cho biết máy còn được phủ một lớp nano để có thể "chống bắn nước", tức là chống nước ở mức nhẹ. Tuy không nói rõ tiêu chuẩn chống bụi, nước nhưng đây cũng là một điểm cộng của sản phẩm này.

So với thiết kế đơn giản của dòng G hay mạnh mẽ của dòng Z, Moto M có thiết kế phổ thông hơn và sử dụng chất liệu tốt, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng. Nếu xét về ngoại hình và độ hoàn thiện thì Moto M cũng nhỉnh hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh ở tầm giá 7 triệu.

Màn hình và loa

Moto M sử dụng màn hình LCD, độ phân giải Full HD khá phổ biến hiện nay. Chất lượng hiển thị của màn hình ở mức khá, độ sáng tối đa là 471 nits nên hiển thị tốt ngoài trời. Màn hình tái tạo màu sắc theo hướng trung thực, gần với thực tế, và điều này cũng được thể hiện khi dùng tới thiết bị đo chuyên dụng.

Bên cạnh chế độ hiển thị màu tiêu chuẩn, máy còn có chế độ sặc sỡ, hiển thị màu sắc rực hơn một chút nhưng không đến mức quá nịnh như chế độ Siêu sống động trên Xperia XA1.

So sánh màn hình của Moto M với một số điện thoại cùng tầm giá

Tam giác màu đo ở chế độ hiển thị tiêu chuẩn

Chế độ hiển thị sặc sỡ

Âm lượng loa ngoài trên Moto M khá lớn, có thể nghe được khi dùng ở ngoài đường hoặc trong môi trường văn phòng. Chất lượng loa ngoài của chiếc điện thoại này cũng ở mức khá, âm trầm không đến nỗi nào và để nghe nhạc, xem phim giải trí ổn. Máy còn được trang bị phần mềm Dolby Atmos, với những chế độ âm thanh tối ưu cho nhạc, phim. Khi bật chế độ thì âm thanh cũng có khác biệt chút nhưng tất nhiên không được như những từ quảng cáo to tát của nhà sản xuất.

Camera

Camera chính của Moto M có độ phân giải 16MP, lấy nét theo pha và đèn flash kép. Camera trước có độ phân giải 8MP, đèn flash "kép" bằng màn hình (có thể chọn sáng màn theo màu vàng hoặc hồng khi chụp selfie).

Giao diện chụp ảnh của chiếc điện thoại này rất khác những máy Moto trước đây và mang đặc điểm của sản phẩm Lenovo nhiều hơn. Các tùy chọn được hiển thị đầy đủ, dễ nắm bắt, tuy nhiên ở chế độ tự động thì người dùng không chỉnh được độ sáng thủ công, mà phải chuyển sang chế độ chuyên nghiệp.

Tốc độ lấy nét của Moto M khá nhanh và chính xác nhờ chế độ lấy nét pha. Tốc độ chụp và lưu ảnh thông thường nhanh, nhưng ảnh HDR phải chờ khá lâu mới lưu xong. Máy cũng hỗ trợ mở ứng dụng chụp nhanh bằng cách ấn hai lần vào nút nguồn.

Ảnh chụp ở chế độ HDR cải thiện dải sáng nhưng màu sắc hơi "ảo"

Máy bắt nét và chụp khá nhanh

Ảnh chụp buổi tối thu sáng tốt, độ nét cao nên nhìn ấn tượng ở kích cỡ nhỏ, nhưng khi phóng to lên thì thấy một số chi tiết hơi gai gai do chỉnh độ nét cao

Ảnh từ Moto M có độ sắc nét cao, kể cả khi chụp tối thì các chi tiết cũng rất tách biệt. Tuy nhiên khi đẩy độ nét lên cao thì ảnh chụp sẽ hơi nhiễu, có thể thấy một số chi tiết gai gai khi phóng to.

Màu ảnh gần với thực tế chứ không theo hướng đậm màu, do vậy một số tình huống chụp phong cảnh có thể không nịnh mắt như ảnh chụp từ Xperia XA1. Dải sáng của máy ở mức khá, ảnh HDR có thể cải thiện nhiều nhưng màu sắc thì hơi "ảo".

Đối với ảnh selfie, chế độ chiếu sáng bằng màn hình (được gọi là "đèn phụ") khá hữu ích khi chụp buổi tối. Người dùng cũng có thể lựa chọn màu sắc trợ sáng phù hợp giữa hai màu vàng và hồng. Chất lượng ảnh chụp tự sướng…

Hiệu năng và pin

Phiên bản Moto M bán ở Việt Nam sử dụng chip xử lý MediaTek Helio P15. Đây là bản nâng cấp nhẹ của chip Helio P10 xuất hiện trên nhiều smartphone ra năm ngoái, với 8 nhân Cortex A53 (4 nhân chạy ở xung nhịp 1.25GHz và 4 nhân 2.15GHz). Máy có 4GB RAM và 32GB bộ nhớ trong, có thể bổ sung tối đa 128GB qua thẻ nhớ MicroSD.

Với thông số tầm trung, hiệu năng của Moto M cũng không thực sự gây ấn tượng. Nhờ bộ phần mềm tối giản của Moto, các thao tác thông thường được xử lý mượt, nhanh. Nếu chỉ sử dụng máy để vào mạng xã hội, lướt web hay chụp ảnh thì bạn sẽ ít khi gặp tình trạng máy bị chậm, giật. Dung lượng RAM 4GB cũng đem lại khả năng đa nhiệm tốt.

Tuy nhiên để chơi game lại là câu chuyện khác. Vi xử lý đồ họa Mali-T860MP2 (2 nhân xung nhịp 800MHz) không đủ sức để "gánh" những game nặng ở độ phân giải Full HD. Trong game Dead Trigger 2, ở thiết lập đồ họa nặng nhất thì Moto M chỉ đạt mức khung hình trung bình 27fps, khiến hình ảnh bị giật nhất là ở những đoạn nhiều "quái". Với game Warhammer 40K thì kết quả cũng tương tự.

Moto M không đủ sức mạnh để chơi mượt game Dead Trigger 2

Với các game nhẹ hơn thì Moto M xử lý ổn, không quá vất vả. Nhìn chung máy chỉ hợp để thực hiện các tác vụ đơn giản, còn để chơi game nặng thì không đáp ứng tốt. Khi so trực tiếp với chiếc Sony Xperia XA1 cùng tầm giá (sử dụng chip Helio P20 mới và mạnh hơn) thì Moto M thua kém rõ về mặt hiệu năng. Máy cũng nóng lên khá nhanh ở khu vực quanh cụm camera khi chơi các game nặng.

Kết quả từ các phần mềm benchmark cũng cho thấy hiệu năng của Moto M chưa so được với nhiều smartphone cùng tầm giá như Huawei GR5 2017 hay Sony Xperia XA1.

Điểm Antutu đo hiệu năng tổng thể của thiết bị

Điểm GeekBench đo hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU

Bài đo Manhattan trên phần mềm GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ hoạ của GPU ở độ phân giải thật của màn hình (onscreen) và độ phân giải tiêu chuẩn là Full-HD (offscreen).

Việc sử dụng một vi xử lý trên tiến trình cũ (28nm) cũng khiến cho thời lượng pin bị ảnh hưởng. Dung lượng pin 3050 mAh không phải quá ấn tượng, và trong thực tế thì Moto M cũng chỉ trụ được non một ngày sử dụng. Trong quá trình chúng tôi sử dụng với cường độ trung bình (máy thường trụ được tới khoảng 4 – 5 giờ chiều là báo yếu pin (còn dưới 20%). Pin không phải là một điểm nổi trội của chiếc điện thoại này nếu so với những sản phẩm cạnh tranh, và kém xa chiếc Moto Z Play ra mắt năm ngoái.

Kết quả đánh giá pin của Moto M với các bài test pin tiêu chuẩn của VnReview cũng rất kém ấn tượng. Chiếc điện thoại này xếp "bét bảng" ở cả 3 bài đánh giá khi so với những smartphone cùng tầm giá.

Lướt web trên mạng Wi-Fi ở điều kiện độ sáng màn hình mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Xem phim HD offline ở điều kiện độ sáng thiết lập ở mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Chơi game giả lập trên GFX Bench liên tục ở điều kiện độ sáng 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Phần mềm

Moto M vẫn sử dụng giao diện gần với Android gốc giống như những máy Moto trước đây. Nhiều phần mềm mặc định: xem ảnh, điện thoại, tin nhắn hay đồng hồ… đều là phần mềm gốc từ Android. Bên cạnh đó máy cũng cài sẵn một bộ phần mềm của Microsoft bao gồm Office, Skype và OneDrive.

Giao diện phần mềm khá nhẹ giúp hiệu năng của máy trong những tác vụ phổ thông khá ổn, không bị giật. Đáng tiếc là Moto M thiếu một số tùy chỉnh về phần mềm đặc trưng của Moto, như các cử chỉ điều khiển Moto Action và đặc biệt là màn hình hiển thị thông tin Moto Display. Chiếc điện thoại này cũng chưa được nâng cấp lên Android 7.0 Nougat mà mới chỉ dừng ở phiên bản 6.0.

Kết luận

Phân khúc tầm trung hiện nay đang có rất nhiều lựa chọn, vậy nên một sản phẩm mới cần phải có điểm nhấn để người dùng chú ý. Đối với Moto M, điểm nhấn có lẽ là ở thiết kế mang hơi hướng của máy cao cấp. Ngoài thiết kế, khó có thể nói yếu tố nào của máy nổi bật hơn so với các sản phẩm cạnh tranh: hiệu năng và pin chỉ ở mức trung bình, camera chụp ổn nhưng chưa phải xuất sắc, và phần mềm cũng không còn nhiều tính năng đặc trưng của Moto.

Hầu hết những khía cạnh quan trọng của một chiếc smartphone thì Moto M đều đáp ứng được nhưng không phải xuất sắc. Điều đó tạo nên một chiếc điện thoại tròn trịa về mọi mặt nhưng hơi thiếu nét riêng. Ở tầm giá 7 triệu đồng, do đó, khách hàng có nhiều lựa chọn cá tính hơn chiếc điện thoại của Lenovo.

Tuấn Anh

Chủ đề khác