VnReview
Hà Nội

Đánh giá Oppo F7: xóa tan thành kiến về hiệu năng và camera

Chiếc Oppo F7 vừa lên kệ ở thị trường Việt Nam đã tạo ra bất ngờ về hiệu năng và camera, qua đó phần nào gỡ bỏ định kiến "cấu hình yếu, chụp ảnh quá ảo" bấy lâu nay của người dùng với các điện thoại của hãng này.

Oppo F7 đã bắt đầu bán ra thị trường từ ngày 21/4 vừa qua, và là sản phẩm bán khá chạy của hãng điện thoại Trung Quốc Oppo với 32.000 đơn đặt mua ngay trong 1 tuần trước thời điểm lên kệ. Điện thoại này hiện có 2 phiên bản: bản tiêu chuẩn với RAM 4GB/bộ nhớ trong 64GB có giá 7,99 triệu đồng và bản mở rộng với RAM 6GB/bộ nhớ 128GB có giá 9,99 triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện bài đánh giá sản phẩm này (chiếc F7 chúng tôi đánh giá là phiên bản tiêu chuẩn có RAM 4GB/bộ nhớ 64GB), VnReview đã có loạt bài viết gồm: trên tay nêu lên những trải nghiệm ban đầu; đánh giá hiệu năng, đo độ mượt khi chơi game nặngđánh giá thời gian sử dụng pin. So với thế hệ trước, điểm ấn tượng nhất ở phiên bản F7 mới không phải là nâng cấp về camera selfie mà đó là những cải thiện mạnh mẽ về hiệu năng và thời gian pin nhờ bộ vi xử lý mới Helio P60 của MediaTek. Có thể nói con chip Helio P60 là nâng cấp cốt lõi nhất trên Oppo F7, nó mang lại hiệu năng nhanh nhẹn hơn, pin bền hơn, chụp ảnh nhanh hơn...

Trên tay Oppo F7 chính hãng: có "tai thỏ", chiến khá mượt game nặng

Đánh giá pin Oppo F7: lọt nhóm smartphone pin tốt, chỉ tiếc thiếu sạc nhanh

Đánh giá hiệu năng, đo độ mượt game nặng của chip Helio P60 trên Oppo F7

Tuy nhiên, liệu những nâng cấp như vậy có khiến Oppo F7 xứng đáng với mức giá mới: 8-10 triệu đồng tùy phiên bản hay không?

Thiết kế

Từ chiếc Oppo F5, Oppo đã chuyển sang sử dụng thiết kế thân nhựa, không phải là thân kim loại như các máy dòng F trước đó. Phiên bản mới Oppo F7 tiếp tục dùng thiết kế thân nhựa nhưng có sự thay đổi với kiểu dáng vuông vắn và đẹp mắt hơn. Mặt lưng không còn là nhựa nhám mịn nữa mà giờ bóng bẩy trông như kính dù thực tế đây là chất liệu nhựa dẻo tổng hợp trong suốt, còn được gọi là kính hữu cơ hay thủy tinh hữu cơ. Trước đó, một số máy Oppo như Oppo Neo 7 hay Mirror 5 đã dùng mặt lưng bằng chất liệu kiểu này nhưng mặt lưng trên Oppo F7 trong hơn, giống kính hơn.

Oppo F7 hiện có 2 lựa chọn màu sắc là đỏ và xám bạc. Màu đen với hiệu ứng khá lạ mắt tương tự chiếc Mirror 5 sẽ được bổ sung trong thời gian tới. Cả 3 phiên bản đều có mặt trước màu đen chứ không được làm đồng màu với mặt lưng. Màu đỏ là màu sắc được Oppo tập trung quảng bá mạnh trên F7, và đây cũng là màu sắc hiếm thấy trên điện thoại nên dễ gây chú ý, hợp với người dùng thích sự nổi bật, khác lạ, nhất là người dùng nữ. Trong khi đó, màu bạc có hiệu ứng ánh xanh khá bắt mắt, trông sang hơn, giống kính hơn.

Oppo F7 phiên bản màu đỏ Solar Red

Oppo F7 phiên bản màu xám bạc Moonlight Silver

Oppo F7 phiên bản màu đen Diamond Black

Cầm trên tay, F7 có trọng lượng nhẹ, chỉ có 158g nhưng không còn cảm giác cao cấp, mát tay như những điện thoại thiết kế kim loại nguyên khối. Tuy vậy, máy vẫn tạo được cảm nhận cầm nắm chắc chắn, không ọp ẹp ở bất kỳ vị trí nào. Các đường ghép nối giữa các thành phần trên máy cũng được gắn với nhau khá khít, phải soi kỹ và gần mới thấy một số chỗ có kẽ hở rất nhỏ.

Màn hình nhô cao khỏi khung máy khiến cạnh không liền mạch, cầm cấn tay.

Điểm không hài lòng lớn nhất trong thiết kế của Oppo F7 là sản phẩm này tiếp tục lặp lại hạn chế trên thế hệ cũ. Đó là cạnh máy không liền mạch giữa phần màn hình và khung máy, tạo ra cảm giác cấn tay khi cầm. Việc nhà sản xuất dán sẵn tấm dán màn hình bằng nhựa mỏng lại càng làm cho cảm giác cấn tay rõ rệt hơn. Ngoài ra, mặt lưng bóng cũng khá bám dấu vân tay.

Như truyền thống, Oppo tiếp tục tặng sẵn một ốp lưng nhựa dẻo đi kèm nhưng lần này phần viền ốp khá dày, cộm lên cả khung, gây vướng tay khi vuốt từ các cạnh.

Ốp lưng đi kèm Oppo F7

Tai thỏ chứa ít thành phần hơn tai thỏ của iPhone X nên nhỏ gọn hơn

Ở mặt trước, Oppo F7 có "tai thỏ" học hỏi từ iPhone X giống như nhiều máy Android gần đây. Phần "tai thỏ" của điện thoại này chứa camera trước 25MP, loa thoại, cảm biến tiệm cận và ánh sáng, không có cụm cảm biến quét gương mặt 3D như iPhone X nên ngắn và gọn hơn.

Viền màn hình xung quanh của Oppo F7 cũng mảnh hơn so các điện thoại Android có tai thỏ gần đây, chẳng hạn như chiếc Huawei Nova 3e. Tỷ lệ màn hình/khung máy của Oppo F7 đạt 82,5% so với 80,5% trên chiếc Nova 3e. So với chiếc iPhone X với tỷ lệ 82,9% thì F7 chỉ dày hơn chút ở phần viền dưới, còn các mép còn lại mỏng tương đương.

Tương tự Oppo F5, chiếc F7 có thể mở khóa điện thoại, các ứng dụng hay file được bảo mật bằng cả cảm biến vân tay ở mặt lưng hoặc nhận diện khuôn mặt từ camera trước. Cả hai cách mở khóa này đều có cảm nhận nhanh và nhạy hơn so với thế hệ cũ, nhất là nhận diện khuôn mặt. Chỉ có một điểm cần lưu ý là lựa chọn mở khóa điện thoại cũng như các ứng dụng hay dữ liệu cần bảo mật bằng nhận diện khuôn mặt hiện không an toàn, có thể bị qua mặt bằng ảnh chụp hoặc một người có khuôn mặt tương đồng. Oppo đã có cảnh báo về điều này khi người dùng thiết lập mở khóa bằng khuôn mặt nhưng khá ngạc nhiên hãng vẫn cho phép sử dụng tính năng chưa thực sự an toàn này trong nhiều tình huống.

Cổng micro-USB, không hỗ trợ sạc nhanh

Hai khe cắm thẻ SIM chuẩn Nano và thẻ nhớ độc lập

Trên các cạnh, máy có đầy đủ các phím và cổng kết nối quen thuộc, hai SIM chuẩn Nano và khe cắm thẻ nhớ độc lập. Điểm đáng tiếc ở sản phẩm là vẫn dùng cổng micro-USB, chưa có cổng Type C và không hỗ trợ công nghệ sạc nhanh.

Bên cạnh ốp lưng nhựa trong, phụ kiện trong hộp gồm có cáp và củ sạc thường, tai nghe earbud trông khá giống tai đi kèm của iPhone.

Nhìn chung, thiết kế của Oppo F7 đã có sự mới lạ ở cả mặt trước và mặt sau. Nhưng yếu tố quan trọng nhất và tốn kém nhất trong thiết kế bên ngoài của điện thoại là chất liệu thân máy vẫn là nhựa, có chi phí sản xuất rẻ hơn đáng kể so với kim loại. Có thể nói đây là điểm giúp nhà sản xuất hạ giá thành của sản phẩm để đầu tư cho những nâng cấp về cấu hình bên trong.

Màn hình

Oppo F7 tăng nhẹ kích cỡ màn hình so với thế hệ cũ lên 6.23 inch. Màn hình sử dụng kính cường lực Gorilla Glass 5, tấm nền IPS LCD độ phân giải Full-HD+ (1080 x 2280 pixel) đạt mật độ điểm ảnh 405 PPI và tỷ lệ 19:9 giống như các điện thoại có "tai thỏ" khác.

Trong trải nghiệm thực tế, màn hình này có chất lượng hiển thị khá tốt: độ sáng tối đa cao, nhìn rõ cả ngoài trời nắng gắt. Nhiệt màu chỉ hơi ám xanh, độ đen sâu và màu sắc hiển thị hơi đậm lên chút khi so với các điện thoại có màu chuẩn như iPhone. Góc nhìn cũng khá rộng, màu sắc và độ sáng chỉ thay đổi nhẹ khi nhìn vào từ các góc chếch.

Màn hình có độ nét, chi tiết tốt nhưng chưa trong. Đôi khi có vẻ như màu sắc, độ tương phản sẽ tự động được thay đổi tùy theo môi trường dù đã tắt tính năng tự động điều chỉnh nên trong một số tình huống màn hình sẽ rực lên thái quá.

Phần tai thỏ mới nhìn có thể gây khó chịu nhưng sau khi dùng vài ngày thì đây không phải vấn đề quá lớn nếu chủ yếu bạn chỉ lướt web, duyệt Facebook, xem video YouTube dạng dọc. Tai thỏ sẽ chỉ gây vướng mắt khi chơi game, xem video toàn màn hình hay chụp ảnh dạng 19:9 vì lúc này nó sẽ lẹm vào nội dung.

Phần mềm

Oppo F7 hiện được cài sẵn phiên bản Color OS 5.0 tùy biến dựa trên Android 8 Oreo. Ở chế độ mặc định, Oppo cung cấp các theme với màu sắc ăn nhập với màu máy. Phiên bản F7 màu đỏ có giao diện mặc định với tông màu đỏ, còn;bản màu xanh cũng có giao diện riêng với tông màu tương ứng.

Tuy nhiên, cá nhân người viết thực sự không thích theme mặc định nên thường vào kho chủ đề (theme) chọn những giao diện khác ngay sau khi hoàn tất quá trình cài đặt máy ban đầu. Bộ icon của Color OS 5.0 vẫn chưa đẹp mắt, có phần lòe loẹt và còn thiếu ăn nhập với phong cách phẳng dạng Material Design của Android 8... May mắn là kho theme của Oppo cung cấp khá nhiều theme miễn phí với nhiều phong cách đa đạng.

Giao diện mặc định trên Oppo F7 phiên bản màu đỏ

Màn hình hub và thanh thiết lập nhanh

Ngoài theme theo tông màu máy thì trên chiếc F7, Oppo đã chuyển thanh thiết lập nhanh trở lại vị trí quen thuộc của Android (quét từ phía trên màn hình xuống) nhằm ưu tiên cho các thao tác cử chỉ quét từ dưới màn hình lên giống với iPhone X, khi người dùng chọn ẩn đi các phím điều hướng. Màn hình chính cũng có thêm một trung tâm thông tin dạng hub cung cấp cho người dùng khả năng truy cập nhanh vào các ứng dụng hay dùng, thông tin thời tiết, nhắc việc, theo dõi bước chân hay danh bạ yêu thích. Đây là tính năng khá giống với MIUI hay EMUI.

Tính năng truy cập nhanh đến các chức năng của ứng dụng kiểu như 3D Touch trên iPhone.

Máy được bổ sung một số tính năng mới từ nền tảng Android 8 như quay video màn hình không cần cài thêm app, biểu tượng thông báo hình bong bóng hay tính năng truy cập nhanh đến các chức năng của ứng dụng kiểu như 3D Touch trên iPhone.

Ép hiển thị tràn ra tai thỏ có thể làm nội dung bị che khuất

Ở sản phẩm này, Oppo cũng bổ sung thêm chức năng ép các ứng dụng hiển thị tràn ra phần tai thỏ. Điều này tạo ra hiệu ứng thị giác ấn tượng nhưng có hạn chế là nội dung của ứng dụng bị tai thỏ che lấp. Oppo cũng tận dụng phần tai thỏ tương đối ổn khi tự động chèn thêm các phím tắt để truy cập nhanh vào ứng dụng, tính năng hữu ích lúc chơi game, xem video.

Nhập thông thường thì dùng bàn phím mặc định, còn nhập dữ liệu nhạy cảm như mật khẩu thì máy sẽ chuyển sang dùng bàn phím của Oppo.

Lâu nay, Oppo thường dùng bàn phím TouchPal làm bàn phím mặc định. Trên Oppo F7, nhà sản xuất chuyển sang sử dụng bàn phím mặc định là Gboard của Google, cũng có thể gõ và quét khá tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp nhập dữ liệu nhạy cảm như mật khẩu thì máy sẽ tự động chuyển sang bàn phím của Oppo.

Tính năng nhân bản để dùng song song 2 tài khoản mạng xã hội hay tin nhắn của Oppo hiện mới hỗ trợ Facebook và Messenger

Bên cạnh những điểm mới trên, những tính năng phần mềm quen thuộc của Oppo tiếp tục được kế thừa như tính năng tăng tốc hiệu năng khi chơi game, nhân bản ứng dụng để dùng song 2 tài khoản một số ứng dụng mạng xã hội (hiện mới hỗ trợ Facebook và Messenger), ứng dụng bảo vệ điện thoại cho phép đặt mật khẩu với các ứng dụng cần bảo mật và các thao tác điều khiển bằng cử chỉ thay cho các phím điều hướng cơ bản giống như iPhone X.

Oppo cung cấp 4 kiểu cử chỉ vuốt thay cho các phím điều hướng cơ bản.

Về phần mềm, Oppo lần này đã tiến bộ cập nhật luôn bản Android 8.1 mới cho chiếc F7. Các thao tác cử chỉ thay thế các phím điều hướng học hỏi từ iPhone X cũng hoạt động ổn định, độ nhạy tốt, tương đối trơn tru. Tất nhiên, ở tầm giá thấp hơn rất nhiều, độ mượt mà và tốc độ phản hồi với các thao tác cử chỉ trên F7 không thể bằng được iPhone X hay một chiếc smartphone Android cao cấp khác là Mi Mix 2.

Hiệu năng

Các máy Oppo tầm trung lâu nay không được đánh giá cao về hiệu năng. Nhưng điều này đã thay đổi hẳn trên phiên bản Oppo F7 mới nhờ vào một thành phần cốt lõi: bộ vi xử lý tích hợp (SoC) Helio P60 đã được nâng cấp toàn diện so với Helio P23 trên Oppo F5. Mời bạn đọc vào bài Đánh giá hiệu năng, đo độ mượt game nặng của chip Helio P60 trên Oppo F7 để tìm hiểu chi tiết hơn về con chip này.

Helio P60 được sản xuất trên tiến trình 12nm tiết kiệm điện năng hơn so với tiến trình 16nm trên Helio P23 và có thêm cụm 4 nhân xử lý hiệu năng cao Cortex-A73 (Helio P23 chỉ có 8 lõi Cortex-A53 hiệu năng thấp tiết kiệm điện). Các thành phần khác trong SoC này như xử lý đồ họa (GPU), bộ nhớ đệm của chip và bộ vi xử lý hình ảnh (ISP) cũng mạnh mẽ hơn đáng kể. Ngoài ra, SoC Helio P60 còn được trang bị một chip riêng để xử lý các tác vụ trí tuệ nhân tạo (AI).

Oppo F7 đạt điểm hiệu năng Antutu rất cao so với các smartphone tầm trung, phổ biến chỉ ở mức trên 70.000 điểm.

Những cải thiện về vi xử lý thể hiện rõ rệt trên điểm đo hiệu năng. So với các máy tầm trung hiện nay, điểm hiệu năng của Oppo F7 thực sự cách biệt rất xa, thậm chí gấp đôi một số sản phẩm khác.

Điểm Antutu (phiên bản v.7 mới cập nhật, nhiều máy tăng khoảng 15% điểm so với bản V6 cũ) đánh giá hiệu năng tổng thể của thiết bị.

GeekBench đo hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU

Điểm Manhattan trên ứng dụng GFX Bench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải thực của màn hình (onscreen) và độ phân giải tiêu chuẩn Full-HD (offscreen).

Trong sử dụng thực tế, máy cũng có trải nghiệm mượt mà hơn hẳn đời cũ. Các tác vụ cơ bản đều được xử lý nhanh nhẹn và những chuyển động trên giao diện diễn ra trơn tru. Oppo F7 cũng "cân" tương đối tốt các game nặng đồ họa trên Android hiện nay.

Trong bài Đánh giá hiệu năng, đo độ mượt game nặng của chip Helio P60 trên Oppo F7, VnReview đã sử dụng các tựa game thuộc hàng nặng nhất hiện nay trên Android là Dead Trigger 2, Warhammer 40,000: Freeblade, Modern Combat 5 để thử sức con chip mới Helio P60 của MediaTek. Đây đều là các tựa game không khóa khung hình ở 30 FPS nên có thể khai thác hết hiệu suất của các smartphone hiện nay. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thử thêm một số tựa game online phổ biến hiện giờ như Liên Quân Mobile, PUGB Mobile và Rules of Survival.

Chi tiết về tốc độ khung hình, độ ổn định, mức độ sử dụng phần cứng... trong các tựa game đều được đo bằng GameBench, một phần mềm chuyên dụng cho phép đo số khung hình/giây và kiểm tra mức độ sử dụng của CPU, GPU, RAM khi chơi game.

Số khung hình trung bình của Oppo F7 khi chơi PUGB Mobile ở mức đồ họa cao nhất

Kết quả cho thấy Helio P60 trên Oppo F7 cho trải nghiệm chơi game ở mức khá, có thể "gánh" được hầu hết các tựa game nặng nhất hiện nay ở mức thiết lập đồ họa từ cao đến trung bình. Tuy nhiên, vẫn có một số game như Liên quân Mobile chưa có bản cập nhật hỗ trợ cho GPU Mali-G72 MP3 trên Helio P60 nên chưa tận dụng được những nâng cấp đồ họa.

>> Đánh giá hiệu năng, đo độ mượt game nặng của chip Helio P60 trên Oppo F7

Thời gian pin

Thời gian sử dụng pin cũng là một trong những điểm gây bất ngờ trên Oppo F7. Chip xử lý Helio P60 trên tiến trình 12nm tiết kiệm điện cùng với nền tảng Android 8 mới đã giúp Oppo F7 lọt vào nhóm sản phẩm có thời lượng pin tốt hiện nay, cải thiện rất nhiều so với thế hệ cũ. Trong sử dụng thực tế với cường độ cao, màn hình sáng tối đa 100%, chụp ảnh, quay phim, duyệt Facebook liên tục, Oppo F7 cho thời gian on screen (sáng màn hình) khoảng 5 tiếng rưỡi. Nếu sử dụng hỗn hợp, F7 hoàn toàn có thể trụ được từ một đến hai ngày. Các bài đánh giá pin tiêu chuẩn của VnReview với những hoạt động xem phim, lướt web, chơi game liên tục cũng cho thấy thời lượng pin ấn tượng của Oppo F7.

Thời gian xem phim liên tục tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%, độ sáng và âm lượng ở mức 70%.

Bài đo thời gian lướt web thực hiện trên mạng Wi-Fi ở độ sáng màn hình 70%, tính thời lượng pin từ 100% đến 10% thì dừng.

Chơi game giả lập trên phần mềm GFX Bench với độ sáng màn hình khoảng 70% cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10% thì dừng.

Điểm hạn chế ở sản phẩm là không hỗ trợ sạc nhanh dù bản thân chip Helio P60 có hỗ trợ công nghệ sạc này và thực tế Oppo cũng có công nghệ sạc nhanh riêng VOOC. Có lẽ đây là yếu tố cắt giảm để hạ giá thành cho sản phẩm. Vì vậy, để sạc đầy cho máy khá tốn thời gian với khoảng 2 giờ 10 phút từ khi pin cạn 2% đến lúc báo 100%.

Đánh giá pin Oppo F7: lọt nhóm smartphone pin tốt, chỉ tiếc thiếu sạc nhanh

Camera

Ở khía cạnh chụp ảnh, về thông số kỹ thuật Oppo F7 có camera selfie phía trước nâng độ phân giải lên 25MP so với 20MP trên thế hệ Oppo F5 trước đây nhưng khẩu độ ống kính vẫn là f/2.0. Với camera chính phía sau, các thông tin cho thấy sự tương đồng với camera sau trên chiếc F5: vẫn là độ phân giải 16MP, khẩu độ f/1.8, hỗ trợ lấy nét pha và không có chống rung quang học. Như vậy, Oppo tiếp tục không đi theo xu hướng camera kép ở phiên bản dòng F mới nhất của họ.

Camera trước của Oppo F7 giờ cũng có các sticker vui nhộn

Máy tiếp tục sử dụng AI để cải thiện chất lượng ảnh chụp từ hai camera. AI trên F7 sẽ tự động nhận diện cảnh chụp như: phong cảnh, thức ăn, cây cối, ngược sáng hay trong nhà... và tự động tối ưu. Ngoài ra, Oppo bổ sung thêm một số tính năng phần mềm mới như các sticker động vui nhộn cho ảnh tự sướng và chế độ "Siêu rực rỡ" dể làm ảnh tươi tắn, nịnh mắt hơn.

Sự gia tăng về sức mạnh xử lý của chip xử lý hình ảnh tích hợp trong SoC Helio P60 đã giúp cho F7 có tốc độ chụp ảnh nhanh hơn hẳn F5. Có lẽ vì vậy, nhà sản xuất tự tin quảng bá điện thoại này có "chế độ HDR thời gian thực". Thực tế, chế độ HDR tự động của máy cho tốc độ khá ấn tượng, nhất là khi so sánh với các smartphone tầm trung hiện nay. Ngay cả tốc độ lấy nét, đo sáng, chụp, lưu ảnh, cũng làm người viết bất ngờ bởi độ trễ cực thấp, phản hồi gần như tức thì ngay khi chạm vào nút chụp, và tiệm cận rất sát tốc độ trên các máy cao cấp.

Chất lượng ảnh tiếp tục là một bất ngờ khác. Ảnh chụp ở chế độ HDR tự động trên F7 cho dải sáng rất rộng, thu lại gần như toàn bộ chi tiết ở cả vùng tối (shadow) và vùng sáng (highlight) ngay cả với những cảnh ngược sáng, chênh sáng mạnh như chụp thẳng mặt trời. Màu sắc ảnh tươi tắn, nịnh mắt, hơi thiên tông ấm áp với độ sáng cao. Ảnh HDR từ F7 phần nào tương đồng với ảnh HDR trên chiếc Oppo F3 Plus - một trong những smartphone có camera và hiệu năng tốt của Oppo nhưng lại kén khách do giá cao và thiết kế không mới.

Khi xem ngay trên màn hình điện thoại hay ở cỡ ảnh nhỏ, ảnh của Oppo F7 gây được ấn tượng tốt về độ nét, chi tiết, độ nổi khối. Nhưng nếu xem ảnh trên màn hình laptop hay PC và phóng lớn sẽ thấy ảnh bị đẩy độ nét (sharpen) và độ nổi khối (clarity) lên hơi quá đà, làm các chi tiết bị nhiễu, vỡ hạt, đôi khi còn xuất hiện cả các đường răng cưa quanh các cạnh viền của đối tượng.

Trong điều kiện thiếu sáng, Oppo F7 vẫn giữ được tốc độ chụp, lấy nét nhanh nhưng chất lượng suy giảm đáng kể, không còn ấn tượng như ảnh thiếu sáng hay ngược sáng. Ảnh chụp trong điều kiện này có độ sáng khá nhưng chi tiết trung bình, nhiễu hạt, màu sắc nhợt nhạt.

Oppo F7 có thêm tính năng mới mang tên "Siêu rực rỡ" cho phép đẩy màu sắc lên nịnh mắt hơn hẳn, nhất là những gam màu như xanh lá, xanh dương, đỏ, cam. Ảnh chụp ở chế độ này phù hợp nhất khi chụp thức ăn, phong cảnh hoặc có thể ứng dụng để chụp chân dung hay chụp đêm giúp ảnh bắt mắt, ấn tượng hơn.

Tuy vậy, bạn không nên lạm dụng bởi đôi khi máy đẩy màu sắc lên mức thái quá, trông không còn tự nhiên nữa. Một điểm lưu ý là icon của chế độ này khá dễ nhầm lẫn với icon của chức năng chụp hẹn giờ và cũng không thực sự trực quan. Oppo nên sớm tung ra bản cập nhật để thay đổi icon của chế độ "Siêu rực rỡ" bởi đây là trong những tính năng camera khá hữu dụng trên F7.

Ảnh ở chế độ thông thường

Ảnh ở chế độ "Siêu rực rỡ"

Ảnh ở chế độ thông thường

Ảnh ở chế độ "Siêu rực rỡ"

Ảnh chụp ở chế độ thông thường

Ảnh chụp ở chế độ "Siêu rực rỡ"

 

Ảnh chụp ở chế độ thông thường

Ảnh chụp ở chế độ "Siêu rực rỡ"

Ảnh chụp ở chế độ thông thường

Ảnh chụp ở chế độ "Siêu rực rỡ"

Chỉ có 1 camera duy nhất phía sau nhưng F7 vẫn cho phép chụp xóa phông bằng thuật toán phần mềm. Dù vậy, chế độ xóa phông không để lại nhiều ấn tượng, chỉ hữu dụng khi chụp thức ăn còn khi chụp chân dung, máy xóa phông còn lỗi nhiều, hay lẹm cả vào chủ thể. Khi chụp xóa phông, máy cũng không tự zoom vào một chút để tạo hiệu ứng tiêu cự nên ảnh thiếu tự nhiên.

Ảnh chụp ở chế độ thông thường

Ảnh chụp ở chế độ xóa phông

Ảnh chụp ở chế độ thông thường

Ảnh chụp ở chế độ xóa phông

Nếu thích chỉnh tay, Oppo vẫn cho phép bạn tinh chỉnh nhiều thông số từ cân bằng trắng theo độ K, bù sáng, ISO (100 - 3200), tốc độ màn trập (tối đa 16s), vê nét thông qua chế độ chuyên gia. Ở chế độ này người dùng còn có thể chụp được ảnh độ phân giải lên tới 63,7 MP nhờ thuật toán ghép ảnh. Dù thế giao diện của chế độ không có thay đổi nào, vẫn thiếu trực quan, khó chỉnh nhanh và không hỗ trợ xoay ngang màn hình nên không thực sự hữu dụng.

Camera selfie từ trước đến nay vẫn là thế mạnh của các điện thoại Oppo và F7 tiếp tục giữ được truyền thống đó. Tốc độ chụp, đo sáng, lấy nét, lưu ảnh của camera trước nhanh tương đương camera sau. Chế độ HDR tự động cũng xuất hiện trên camera selfie và cho kết quả ấn tượng không kém gì camera chính. Ngay cả khi chụp ngược sáng rất mạnh, mặt trời sau đầu nhưng ảnh vẫn sáng rõ cả phần gương mặt và khung cảnh phía sau. Đáng khen cho Oppo khi họ đã không nói ngoa về việc sử dụng cảm biến Sony 576 HDR theo thời gian thực để nâng cấp khả năng selfie của F7.

Ảnh selfie ngược sáng bật HDR tự động

Ảnh selfie trên F7 vẫn đúng phong cách của Oppo từ trước đến nay khi cho ra làn da trắng trẻo, hồng hào, hợp với người châu Á. Máy tiếp tục có chế độ làm đẹp AI nhưng thực tế chế độ này vẫn đôi khi làm mịn hơi quá tay, thiếu tự nhiên nên người dùng vẫn nên tự chọn các mức làm đẹp từ phù hợp với mình.

Camera trước có chế độ "Siêu rực rỡ" nhưng không thái quá như camera chính và giúp ảnh selfie "lung linh" hơn hẳn, nhất là khi chụp trời xanh, hay phông nền có màu sắc vừa phải. Chế độ xóa phông cũng xuất hiện trên camera selfie và hoạt động có phần còn hiệu quả hơn camera chính, giúp ảnh selfie nổi bật, bắt mắt hơn, tác dụng rõ rệt nhất với phông nền phía sau ở xa hay phông nền dạng tán cây sẽ cho ra những hiệu ứng bokek ấn tượng.

Ảnh tự sướng thông thường (trái) và bật chế độ "Siêu rực rỡ" (phải)

Ảnh selfie thông thường (bên trái) và bật xóa phông (bên phải)

Ảnh tự sướng bật chế độ làm đẹp AI (trái) và chế độ xóa phông (phải)

Tổng kết

Không phải ngẫu nhiên mà từ trước đến nay các điện thoại Oppo thường chỉ thuyết phục được đối tượng người dùng phổ thông, không quan tâm nhiều đến hiệu năng, camera chính mà chủ yếu chú trọng đến camera selfie hay thiết kế. Bản thân Oppo cũng liên tục cho ra đời những sản phẩm thiếu đột phá, ngoại hình na ná nhau và cấu hình gần như không nâng cấp. Hãng này chỉ tập trung đầu tư vào camera tự sướng và tự xưng là chuyên gia selfie, hướng đến các khách hàng ưa "sống ảo". 

Song với chiếc F7, mọi việc dường như đã khác. Smartphone này tiếp tục chiến lược của mẫu Oppo F3 Plus trước đó với việc trang bị cấu hình mạnh mẽ, camera chất lượng cao nhưng giá bán đã "dễ chịu" và dễ tiếp cận số đông hơn. F7 hội tụ nhiều ưu điểm từ hiệu năng, chất lượng ảnh chụp ở camera sau và trước, màn hình, thời lượng pin và đặc biệt là ngoại hình có nhiều đổi mới so với các thế hệ Oppo trước đó, giúp hãng điện thoại Trung Quốc dần dần xóa bỏ đi định kiến về việc chỉ biết cho ra mắt các sản phẩm làng nhàng, thường thường bậc trung.

Tất nhiên F7 vẫn còn đó những hạn chế ở chất lượng gia công, độ hoàn thiện các chi tiết, phần mềm hay vẫn chỉ sử dụng cổng microUSB thế hệ cũ, thiếu sạc nhanh... Dù thế, xét một cách công bằng, ở tầm giá 8 triệu đồng chính hãng, đây thực sự là một sản phẩm tốt, đáp ứng gần như đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hiện nay trên một chiếc smartphone và xứng đáng nhận được những lời khen ngợi hơn là chê bai.

 

Đạt Phong

Chủ đề khác