VnReview
Hà Nội

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Kể từ khi Nokia bắt tay vào sản xuất điện thoại chạy Windows Phone, dòng sản phẩm này đã đa dạng hơn hẳn. Những người yêu thích Windows Phone hiện có rất nhiều lựa chọn với điện thoại Nokia, từ điện thoại cao cấp và nhiều công nghệ độc quyền như Lumia 920, tới những máy giá rẻ nhưng cũng đủ các chức năng như Lumia 520.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Lumia 520 bắt đầu được bán từ cuối tháng Ba vừa qua, với mức giá chính thức là 3,84 triệu đồng, nhưng cũng có nhiều cửa hàng bán với giá rẻ hơn. Bên cạnh mức giá rẻ, chiếc điện thoại này cũng gây chú ý nhờ sử dụng hệ điều hành Windows Phone 8 mới nhất và có gần như đầy đủ các tính năng cơ bản khác.

Phân khúc smartphone giá rẻ hiện nay cũng có rất nhiều sản phẩm, chủ yếu sử dụng hệ điều hành Android có rất nhiều khác biệt so với Windows Phone 8. Chính Nokia cũng có một thiết bị có thể cạnh tranh với Lumia 520, đó là Lumia 620 vừa ra mắt đầu năm nay. Vậy những điểm mạnh và yếu của Lumia 520 là gì?

Thiết kế

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Nếu so với người anh em Lumia 620, Lumia 520 có khá nhiều khác biệt trong thiết kế. Điều đầu tiên có thể nhận thấy là Lumia 520 có kiểu dáng vuông vắn hơn hẳn so với Lumia 620. Lumia 520 cũng cao và rộng hơn Lumia 620, nhưng lại mỏng hơn một chút. Do góc vát trên Lumia 520 lớn hơn, nên khi cầm trên tay máy đem lại cảm giác máy thuôn gọn hơn Lumia 620.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Thân máy nhìn theo chiều ngang hơi thô

Mặt trước của Lumia 520 được thiết kế hợp lý hơn đàn anh: phần rìa phía trên màn hình rộng hơn, logo Nokia được đặt ngay dưới loa thoại chứ không còn phải "nép" sang góc như Lumia 620. Phần phím cảm ứng cũng nhỏ hơn, trông hợp lý hơn. Các phím cảm ứng của Lumia 520 không có đèn nền giống như Lumia 620, nên có thể hơi khó bấm khi dùng ban đêm.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Mặt trước của máy có thiết kế hợp lý hơn

Nắp lưng của Lumia 520 sử dụng chất liệu nhựa polycarbonate, chỉ mang một màu chứ không phải loại nhựa hai lớp như Lumia 620. Trong quá trình thử nghiệm, tôi đã được sử dụng ba loại vỏ màu của Lumia 520. Tôi nhận thấy vỏ màu trắng của chiếc điện thoại này có độ nhám lớn nhất, sau đó là vỏ màu đen. Vỏ màu xanh dương không bóng, nhưng cũng không nhám bằng hai loại vỏ kia và dễ bị bám vân tay hơn.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Vỏ màu trắng đẹp, nhưng dễ bám bẩn hơn hai màu còn lại

Giống như trên những chiếc Lumia khác, Lumia 520 được trang bị bốn phím cứng ở cạnh phải, bao gồm phím tăng/giảm âm lượng, phím bật nguồn và phím chụp ảnh. Trong thử nghiệm, tôi thấy các nút trên chiếc Lumia 520 bán thương mại hoạt động ổn nhưng trên sản phẩm mẫu do Nokia gửi tới VnReview để làm bài đánh giá thì hơi cứng, có thể là do sản phẩm chưa phải là phiên bản cuối cùng hoặc đã qua tay nhiều người sử dụng.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Cạnh phải là nơi tập hợp nhiều nút nhất trên Lumia 520

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Các cạnh còn lại của máy

Cổng kết nối MicroUSB của máy được đặt ở phía dưới, còn giắc cắm tai nghe nằm trên đỉnh máy. Đáng chú ý là Lumia 520 chỉ có một micro thu tiếng, chứ không có micro chống ồn như trên Lumia 620.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Cận cảnh khe SIM và khe cắm thẻ nhớ của máy

Việc mở nắp lưng của Lumia 520 hơi khó, do người dùng cần chạy nắp ở phía rìa máy. Để thay thẻ nhớ và SIM của máy, cần phải tháo pin ra trước. Khe SIM của máy không phải là loại dùng lẫy, do vậy khi lấy SIM ra hơi khó khăn với những người không có móng tay. Tất nhiên, chỉ cần có móng tay hoặc dùng que tăm nhỏ là có thể giải quyết vấn đề.;

Có thể nói thiết kế của Lumia 520 đem lại cảm giác thanh thoát và chững chạc hơn với Lumia 620, mặc dù vẫn có nét cá tính với các màu sắc như xanh hay vàng. Xét về thiết kế, có lẽ Lumia 520 phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng hơn là Lumia 620 với thiết kế màu sắc sặc sỡ và mềm mại.

Màn hình

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Lumia 520 được trang bị màn hình với kích thước 4 inch, với độ phân giải 800 x 480 pixel. Do có cùng độ phân giải nhưng màn hình lớn hơn, mật độ điểm ảnh của Lumia 520 thấp hơn một chút so với Lumia 620.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Góc nhìn màn hình Lumia 520 khá tốt

Điểm làm nên sự khác biệt lớn nhất ở màn hình của hai điện thoại này có lẽ là công nghệ ClearBlack được trang bị trên Lumia 620. Khi so sánh với Lumia 620, dễ nhận thấy thấy độ sáng của Lumia 520 kém hơn khá rõ rệt. Để hai máy cạnh nhau, nếu như màu vàng trên màn hình của Lumia 620 hiển thị thành màu vàng tươi, thì trên màn hình Lumia 520 lại trở thành màu vàng hơi xỉn. Do màn hình sáng hơn, ảnh hiển thị trên Lumia 620 cũng ấn tượng hơn so với Lumia 520.

ClearBlack còn có một đặc điểm nữa, đó là giúp nhìn rõ màn hình kể cả dưới ánh nắng. Màn hình Lumia 520 vẫn có thể nhìn được dưới ánh nắng khi chỉnh độ sáng lên cao nhất, không bị lóa như nhiều điện thoại dùng màn hình gương khác, tuy nhiên không được rõ như Lumia 620.

Nếu như so sánh trực tiếp với Lumia 620 thì màn hình của Lumia 520 có đôi chút thua kém, nhưng nhìn chung chất lượng hiển thị chiếc điện thoại này vẫn khá tốt. Màu sắc của máy hiển thị khá chuẩn, góc nhìn khá nhờ sử dụng tấm nền IPS.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Công nghệ cảm ứng siêu nhạy giúp thao tác tốt với găng tay hay những vật cứng

Lumia 520 được trang bị công nghệ cảm ứng siêu nhạy, có thể điều chỉnh bật hoặc tắt trong phần cài đặt. Với công nghệ này, người dùng có thể điều khiển màn hình cảm ứng kể cả khi đang đeo găng tay dày, hoặc thậm chí sử dụng cả những vật cứng như thìa hay chìa khóa. Lumia 520 cũng được trang bị một loại kính chống xước, tuy nhiên không phải loại Gorilla Glass.

Loa của Lumia 520 có âm lượng khá lớn, có thể nghe rõ khi ở môi trường đông người. Tất nhiên khi bật tới mức âm lượng lớn thì chất lượng âm thanh của loa cũng không còn đảm bảo. Do thiết kế nắp lưng hơi vát, khi đặt lên mặt phẳng thì âm thanh không bị chặn lại nhiều.

Chụp ảnh

Lumia 520 được trang bị máy ảnh với độ phân giải 5 megapixel, ống kính khẩu độ F/2.4. Ở chế độ mặc định, máy chụp ảnh với tỉ lệ hình 16:9 và độ phân giải chỉ là 3.8 megapixel. Để chụp ảnh với độ phân giải tối đa, người dùng cần chỉnh lại tỉ lệ khung hình là 4:3 (trong các điều chỉnh chụp ảnh không hề nói tới độ phân giải).

Để kích hoạt chụp ảnh, người dùng có thể giữ nút chụp ảnh trên thân máy, hoặc bật ứng dụng máy ảnh. Ứng dụng chụp ảnh khởi động khá nhanh. Giao diện ngoài cùng của ứng dụng rất đơn giản, chỉ bao gồm một nút để chuyển sang chế độ quay phim và một nút để bật các ứng dụng chụp ảnh mở rộng (Lenses). Để chụp ảnh, người dùng có thể chạm tay vào phần muốn lấy nét, hoặc dùng nút chụp cứng.

Ảnh chụp từ Lumia 520 có độ chi tiết khá, màu sắc thể hiện trung thực nhất khi khi chụp ở điều kiện ánh sáng tốt. Khi chụp ở những điều kiện ánh sáng kém hơn, như chụp trong nhà vào buổi tối, ảnh chụp từ Lumia 520 cũng không tệ. Tuy nhiên do thiếu đèn flash, nên trong một số tình huống Lumia 520 lấy nét khá chậm. Lumia 520 cũng không có camera ở mặt trước, do vậy không tiện dùng cho các ứng dụng gọi điện thấy hình như Skype hay chụp ảnh "tự sướng".

Dưới đây là một số hình ảnh chụp từ điện thoại Nokia Lumia 520:

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Ảnh chụp ngoài trời, khi trời nắng

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Ảnh chụp cận cảnh

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Ảnh chụp trong nhà vào buổi tối. Do không có đèn flash nên máy lấy nét khá chậm, và cũng phải giữ khá chắc tay để chụp được hình

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Ảnh chụp panorama, sử dụng ống kính (Lens) Bức tranh toàn cảnh

Lumia 520 hỗ trợ quay phim ở độ phân giải tối đa HD 720p. Với bitrate khá cao (10.5 Mbps), phim quay từ máy có dung lượng tương đối lớn nhưng chất lượng ở mức trung bình, kém hơn một chút so với chất lượng chụp ảnh.

Video 720p quay từ Lumia 520

Hiệu năng

Các điện thoại dùng Windows Phone 8 có hai lựa chọn cấu hình, có thể phân biệt bằng xung nhịp vi xử lý và dung lượng RAM. Lumia 520 tất nhiên được trang bị cấu hình thấp hơn, với vi xử lý Qualcomm Snapdragon S4 xung nhịp 1GHz, dung lượng RAM 1GB. Cấu hình của Lumia 520 khá tương đồng với Lumia 620, và các điểm số trong ứng dụng đánh giá hiệu năng của hai điện thoại này cũng tương đương với nhau.

Với điện thoại dùng hệ điều hành Windows Phone, cấu hình không phải là yếu tố ảnh hưởng tới độ mượt mà khi sử dụng. Khi lướt tay qua hai màn hình chính, di chuyển trong danh sách ứng dụng, và nhất là khi gõ chữ trên bàn phím ảo, có thể nhận ra Lumia 520 xử lý mượt hơn hẳn so với những điện thoại Android giá rẻ tương đương. Những người mới dùng smartphone lần đầu sẽ dễ dàng bị sự mượt mà trên Windows Phone 8 thuyết phục.

Mặc dù khá mượt khi sử dụng, nhưng nếu trải nghiệm Windows Phone đủ lâu, bạn có thể nhận thấy một điểm hơi khó chịu của những máy điện thoại Windows Phone: thời gian mở một số ứng dụng khá lâu. Một phần là do các ứng dụng trong Windows Phone khi được mở thường có một đoạn hiệu ứng (animation) ngắn, làm tăng thêm thời gian khởi động ứng dụng. Một phần khác là do chính ứng dụng khởi động cũng chậm. Hiện tượng này khá rõ ràng đối với ứng dụng Facebook và Here Maps của Nokia.

Một hiện tượng khác cũng được nhiều người dùng Lumia 620 phản ánh, đó là khi mở nhiều hơn 2 tab trên trình duyệt UC Browser (trình duyệt khá phổ biến trên Windows Phone) thì máy bị hết bộ nhớ RAM và sẽ tự thoát ứng dụng. Tôi cũng nhận thấy lỗi đó trong quá trình sử dụng Lumia 520. Sau khi mở hai trang web phiên bản thường, khi mở tiếp một trang web nữa thì ứng dụng lập tức bị thoát ra ngoài. Nếu như mở các trang web có phiên bản di động, có thể mở tới 4 trang web trên UC Browser mà không bị văng ra, tuy nhiên các trang này không được tải sẵn trong bộ nhớ đệm, do vậy mỗi lần chuyển sang một tab thì trang web sẽ phải tải lại, khá mất thời gian.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Marketplace thông báo không thể cài HERE City Lens, do Lumia 520 thiếu la bàn số

Một điểm khác cũng cần lưu ý, đó là Lumia 520 không hỗ trợ ứng dụng "thực tại ảo" HERE City Lens. Theo thông tin trên MyNokiablog của Nokia thì nguyên nhân là Lumia 520 không có con quay hồi chuyển (gyroscope), còn khi cài đặt từ kho ứng dụng thì kho ứng dụng thông báo không cài được do máy thiếu la bàn số (compass). Dù là nguyên nhân gì, Lumia 520 cũng thiếu đi một ứng dụng khá thú vị (nhưng không thực sự hữu dụng).

Khi sử dụng kết nối 3G thường xuyên, mặt sau của Lumia 520 cũng hơi ấm lên, giống như chiếc Lumia 620. Nếu như chơi game trong thời gian dài thì mặt sau của máy nóng hơn, sẽ gây khó chịu khi cầm.

Lumia 520 có thể chạy được các video với độ phân giải tới Full HD (1080p). Windows Phone 8 hỗ trợ khá nhiều định dạng video thông dụng, như MP4, WMV, AVI, M4V, tuy nhiên định dạng được chia sẻ nhiều nhất là MKV lại không được hỗ trợ. Như vậy nếu như tải một bộ phim từ mạng về, nhiều khả năng bạn sẽ phải chuyển đổi định dạng mới xem được trên Lumia 520.

Pin

Đây là một yếu tố khá được quan tâm trên Lumia 520. Chiếc Lumia 620 được đánh giá trước đây có dung lượng pin là 1300 mAh, có thể trụ được trong khoảng 1 ngày với cường độ sử dụng trung bình, nhưng nhanh chóng hết pin nếu dùng 3G liên tục.

Dung lượng pin của Lumia 520 cao hơn 10% so với Lumia 620, hứa hẹn đem lại thời gian sử dụng pin lâu hơn. Tuy vậy, khi chạy thử bài đánh giá pin trên ứng dụng WP Bench, thời gian Lumia 520 đạt được chỉ là 2 giờ 10 phút, trong khi Lumia 620 đạt kết quả 2 giờ 48 phút.

Khi sử dụng thực tế, tôi sạc đầy pin và rút ra vào 6 giờ sáng. Trong ngày, tôi sử dụng máy để lướt web và xem bản đồ qua kết nối 3G khoảng 1 giờ, chơi game khoảng 15 phút, nghe nhạc 15 phút, xem phim 15 phút, thực hiện một vài cuộc gọi ngắn và nhắn tin ít. Tổng thời gian chờ của máy vào khoảng 6 giờ. Trong suốt quá trình sử dụng, kết nối 3G hoặc WiFi đều luôn được bật. Sau quá trình thử nghiệm, máy chỉ còn 30% pin vào 3 giờ chiều.

Đánh giá điện thoại Nokia Lumia 520

Pin của máy không ổn định, có những thời điểm không làm gì nhưng pin tụt rất nhanh

Trong một lần thử khác, tôi sạc đầy máy vào lúc 9 giờ sáng. Trong ngày, gần như tôi không sử dụng đến máy, chỉ thực hiện hai cuộc gọi ngắn và nhắn tin một vài lần. Suốt thời gian đó, cả kết nối 3G và WiFi đều được bật, nhưng kết nối WiFi được sử dụng trong phần lớn thời gian. Kết nối WiFi cũng được điều chỉnh để luôn bật, kể cả khi tắt màn hình. Đến hơn 12 giờ đêm, pin của máy chỉ còn 54%.

Như vậy, pin của Lumia 520 cũng không vượt trội so với Lumia 620. Để đảm bảo thì người dùng vẫn sẽ phải sạc hàng ngày, chứ máy khó có thể trụ được trong hai ngày với cường độ sử dụng trung bình. Để kéo dài hơn thời gian sử dụng pin, bạn đọc có thể tham khảo bài viết "Những thủ thuật tiết kiệm pin cho Windows Phone".

Kết luận

Khi Nokia giới thiệu Lumia 620, nhiều người đã khó tin vào mức giá rẻ "bất ngờ" của nó. Nhưng chỉ sau 3 tháng, Nokia Lumia 520 được ra mắt với mức giá còn rẻ hơn. Ở phân khúc dưới 4 triệu đồng, Lumia 520 là điện thoại duy nhất được trang bị Windows Phone 8, đem lại một sự lựa chọn khác biệt cho người dùng giữa một "rừng" smartphone chạy Android.

Nếu so sánh với các điện thoại Android cùng phân khúc, Lumia 520 có khá nhiều ưu điểm như màn hình đẹp, sử dụng mượt mà, khả năng chụp ảnh tốt. Tuy vậy, không thể phủ nhận sự phong phú về ứng dụng của Windows Phone 8 vẫn còn thua khá xa so với Android. Dù sao, hệ điều hành này cũng đang dần dần cải tiến, ít nhất là về mặt ứng dụng.

Một đối thủ khác của Lumia 520 là Lumia 620, cũng của Nokia. So với Lumia 620, những điểm yếu chính của Lumia 520 bao gồm màn hình không ấn tượng bằng, thiếu camera mặt trước hay flash. Sự khác biệt về màn hình có thể dễ dàng nhận ra nếu như đặt hai điện thoại cạnh nhau, nhưng nếu chỉ xét riêng thì màn hình của Lumia 520 vẫn khá tốt và còn lớn hơn 0,2 inch. Flash và camera mặt trước tất nhiên hữu dụng, nhưng cũng không quá quan trọng. Quan trọng nhất, mức chênh lệch về giá giữa hai điện thoại này lên tới gần 1,5 triệu đồng, đủ lớn để bỏ qua những khuyết điểm đó.

Để đưa ra lựa chọn, hãy xét đến nhu cầu sử dụng của mình. Nếu bạn cần một chiếc điện thoại có thể đáp ứng một trong các nhu cầu như màn hình lớn, pin "trâu", hỗ trợ xem phim tốt, có hệ điều hành mở, ứng dụng đa dạng và nhiều tính năng để tìm tòi thì rõ ràng Lumia 520 không dành cho bạn. Còn nếu bạn có thể chấp nhận hệ điều hành Windows Phone 8 thì gần như không có lý do gì để bỏ qua chiếc điện thoại này.

Lê Anh

Chủ đề khác