VnReview
Hà Nội

Trải nghiệm camera của HTC One

Khi HTC One ra mắt, người dùng rất tò mò với khả năng chụp ảnh của chiếc điện thoại này. Camera của HTC One được nhà sản xuất đặt tên mới mẻ là Ultrapixel, máy ảnh độ phân giải thấp nhưng cho chất lượng ảnh tốt.

Khi có dịp cầm và dùng thử HTC One, máy ảnh Ultrapixel là một trong những vấn đề tôi quan tâm nhất ở chiếc điện thoại này. Sau khi sử dụng chiếc điện thoại này trong vài ngày, quả thực camera của HTC One đã không làm tôi thất vọng.

"Cảm biến rất lớn"

Trải nghiệm camera của HTC One

UltraPixel - hay điểm ảnh rất lớn - theo miêu tả của HTC

Cảm biến của HTC One có độ phân giải 4 megapixel, có kích thước lớn;tương đương cảm biến của chiếc Lumia 920 và lớn hơn cảm biến trên camera của các smartphone phổ biến hiện nay. Loại cảm biến này được sản xuất bởi ST Microelectronics, là cảm biến thường được sử dụng cho các thiết bị quay phim. Do vậy, khác với các điện thoại thông thường, độ phân giải cao nhất của HTC One đạt được khi tỉ lệ ảnh là 16:9. Nếu chụp ảnh với tỉ lệ 4:3, độ phân giải của ảnh chỉ là 3.1 MP.

Giao diện chụp ảnh

Ở giao diện mở khóa màn hình của HTC One, bạn có những lựa chọn để mở các ứng dụng nhanh, trong đó có ứng dụng chụp ảnh. Ngay cả khi bật thông thường thì ứng dụng này cũng khởi động rất nhanh.

Trải nghiệm camera của HTC One

Các lựa chọn trên giao diện chụp ảnh

Ấn tượng đầu tiên của tôi với giao diện chụp ảnh là giao diện này rất thoáng, chứ không có nhiều tùy chỉnh như giao diện chụp ảnh ở nhiều điện thoại khác. Bạn chỉ có hai hàng lựa chọn ở dọc hai cạnh: bên phải là các nút xem ảnh, chụp/quay, và hiệu ứng; còn bên trái là bật/tắt flash, Zoe và một nút để mở các tùy chọn khác. Một điểm bất hợp lý là thanh zoom số được đặt sát cạnh phải, và đôi lúc thay vì bấm nút chụp tôi lại bấm nhầm thành phóng to, điều này khá khó chịu.

Trải nghiệm camera của HTC One

Một số điều chỉnh bị giấu khá sâu trong phần lựa chọn

Mặc dù có giao diện dễ nhìn, việc giấu các tùy chỉnh quá sâu lại khiến tôi gặp khó khăn khi muốn điều chỉnh chế độ chụp. Phải sau vài lần tìm kiếm, tôi mới thấy được lựa chọn chỉnh độ phơi sáng (Exposure), vốn nằm ở phần "Hiệu chỉnh hình ảnh". Một số tên tùy cũng hơi khó hiểu ở chế độ tiếng Việt, ví dụ tùy chỉnh tỉ lệ hình ảnh lại có tên là "Cắt". Riêng việc chuyển đổi giữa camera trước và sau lại khá nhanh, bạn chỉ cần kéo tay từ cạnh này sang cạnh kia màn hình mà không cần vào phần tùy chọn.

Một điểm đáng khen của HTC One là màn hình xem trước khi chụp gần như phản ánh đúng độ sáng của ảnh sau khi chụp. Nếu bạn đã từng dùng qua những chiếc điện thoại Nokia Lumia, đặc biệt là dòng "mắt mèo" như Lumia 720 và Lumia 920, bạn sẽ biết điểm này hữu ích như thế nào: khi ngắm để chụp ảnh thì màn hình hiển thị rất tối, nhưng sau khi chụp thì bức ảnh hiện trên màn hình lại rất sáng.

Chất lượng ảnh

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

Với độ phân giải 4 MP, cũng dễ hiểu khi máy ảnh của HTC One trở nên kém ấn tượng với người dùng thông thường, khi so với những điện thoại như iPhone 5 hay Samsung Galaxy S4 có độ phân giải cao hơn ( 8 MP và 13 MP). Dù sao, độ phân giải vẫn là một thông số dễ thấy nhất của một máy ảnh.

Tôi không có cơ hội được sử dụng những điện thoại cao cấp nhất cùng lúc để so sánh chúng, nhưng công việc này thì các trang web lớn cũng đã thực hiện. Có thể thấy trong các thử nghiệm, HTC One thường gây ấn tượng khi chụp ở môi trường thiếu sáng, vẫn thể hiện tốt khi chụp đủ sáng, nhưng độ chi tiết không so được với các điện thoại có độ phân giải cao hơn.

Khi sử dụng thực tế, HTC One làm tôi ấn tượng với tốc độ chụp và lấy nét của máy: gần như với những khung cảnh mà tôi có thể nhìn rõ thì HTC One cũng dễ dàng và nhanh chóng lấy nét. Với các ảnh chụp khi trời sáng thì tốc độ chụp của máy rất nhanh, nhưng với những ảnh chụp buổi tối thì tốc độ màn trập đôi khi hơi chậm, do vậy ảnh có thể bị rung. HTC One có tính năng chống rung, tuy vậy khi mà tốc độ bị giảm xuống còn khoảng 1/10 giây thì tính năng này cũng không còn phát huy hiệu quả.

Mức ISO thấp nhất trên HTC One là 100, và thường khi chụp ngoài trời thì ISO luôn được đặt ở 100. Ảnh chụp của máy có chất lượng khá, độ chi tiết chấp nhận được kể cả khi xem ở kích thước tối đa. Màu sắc của ảnh khá trung thực, nhưng cũng có một vài trường hợp màu rực rỡ hơn so với bình thường.

Chụp tối là điểm mạnh của HTC One, khi máy bắt nét nhanh, và ảnh chụp thường sáng hơn so với các điện thoại thông thường (có lẽ chỉ thua kém Lumia 920). Tuy vậy đôi lúc tôi thấy ảnh chụp hơi thừa sáng, khiến bức hình không tự nhiên và dễ rung.

Nếu như đem hình ảnh chụp từ HTC One lên xem ở máy tính, bạn có thể sẽ thất vọng vì chất lượng hình ảnh không được long lanh như khi xem trên điện thoại. Điều này là dễ hiểu, dù sao thì HTC One cũng chỉ là một chiếc điện thoại, và hơn nữa độ phân giải của máy ảnh cũng không cao. Tuy vậy chất lượng ảnh là đủ để chia sẻ trên mạng xã hội, mục đích chính của đa số người dùng điện thoại hiện nay.

Dưới đây là một số ảnh chụp từ HTC One:

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

Nếu khung cảnh quá tối thì ảnh vẫn dễ rung

Phần mềm: những tính năng đáng giá

Bên cạnh hiệu năng camera, các tính năng phần mềm bổ sung cũng được HTC tập trung giới thiệu, như HTC Zoe, Zoe Share và Video Highlight, trong đó HTC Zoe và Video Highlight là những tính năng hữu dụng nhất.

HTC Zoe là tính năng được tích hợp ngay trong giao diện chụp ảnh, là nút bấm chính giữa ở cột bên trái. Khi kích hoạt Zoe, mỗi lần bấm nút chụp máy sẽ ghi lại các hình ảnh 1 giây trước khi bấm nút, và tạo ra một đoạn phim dài 3 giây sau khi bấm. Đoạn phim ngắn này có thể xem như phim thông thường, hoặc chọn một khung hình trong đoạn phim đó để xuất ra một tấm ảnh.

Đoạn phim dài 3 giây của HTC Zoe

Có thể nói các đoạn phim ngắn đang là loại hình đa phương tiện được quan tâm, khi định dạng ảnh động GIF ngày càng phổ biến, và gần đây Twitter cũng tung ra dịch vụ Vine, cho phép chia sẻ các đoạn phim dài 6 giây. Tuy nhiên đoạn phim dài 3 giây của Zoe có lẽ là hơi ngắn để truyền tải một nội dung nào đó. Dù vậy, Zoe vẫn khá hữu ích khi kết hợp với một tính năng khác: Video Highlight.

Video Highlight là tính năng được tích hợp trong Bộ sưu tập (Gallery) của máy, tự tạo một một đoạn phim có độ dài khoảng 30 giây, tập hợp lại các hình ảnh, đoạn phim Zoe trong một album, thêm hình ảnh và hiệu ứng có sẵn. Đoạn phim tạo ra từ tính năng này khá chuyên nghiệp:

Đoạn phim tạo từ tính năng Video Highlight

Bộ sưu tập của HTC One cũng sẽ phân chia album theo các tiêu chí như ngày chụp và địa điểm chụp. Ví dụ nếu như bạn chụp ảnh trong cùng một ngày, nhưng ở các địa điểm khác nhau thì máy sẽ tự tạo các album khác nhau.

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

Giao diện của tính năng Video Highlight

Cách chọn và sắp xếp các hình ảnh trong video là hoàn toàn tự động, nên đôi lúc bạn sẽ gặp vấn đề như có thể có một số bức ảnh bạn không muốn đưa vào video, mà cũng không muốn xóa. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể chọn một số ảnh muốn sử dụng trong album sau khi xem phim, hoặc tự tạo riêng một album chứa những hình ảnh muốn đưa vào. Còn nếu cách sắp xếp ảnh không phù hợp, bạn có thể bấm nút tráo (nút thứ hai từ phải sang, ở dãy biểu tượng phía dưới), và thử tới khi nào ưng ý.

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

Để chắc chắn các hình ảnh trong Video Highlight vừa ý mình, bạn có thể tạo một album mới

Video Highlight rất có ích nếu như bạn có một chuyến đi chơi và chụp nhiều ảnh. Những bức ảnh chụp vội vàng có thể trở thành những khoảnh khắc thú vị và chuyên nghiệp trong video. Hạn chế hiện tại là số lượng hiệu ứng và nhạc nền để lồng vào video chưa nhiều: hiện tại chỉ có 6 loại hiệu ứng, đi kèm 6 loại nhạc nền tương ứng. HTC cho biết họ đang hoàn thiện thêm mảng này.

Tính năng này rất có ích nếu như bạn có một chuyến đi chơi và chụp nhiều ảnh. Những bức ảnh chụp vội vàng có thể trở thành những khoảnh khắc thú vị và chuyên nghiệp trong video. Hạn chế hiện tại là số lượng hiệu ứng và nhạc nền để lồng vào video chưa nhiều, nhưng HTC cho biết họ đang hoàn thiện thêm mảng này.

Tuy nhiên, một đoạn phim Zoe cũng tạo nên khá nhiều tập tin (một đoạn phim ngắn dài 3 giâyvà khoảng 20 bức ảnh). Do các ảnh này đều được lưu chung vào thư mục chứa ảnh, nên nếu sử dụng Zoe thường xuyên thì bạn sẽ thấy thư mục chứa ảnh có rất nhiều tập tin tương tự nhau, gây rối mắt khi duyệt trên máy tính.

2 ngày trải nghiệm camera của HTC One

Zoe sẽ tạo ra rất nhiều tập tin trên máy

Kết luận

Sau vài ngày sử dụng, có thể nói chất lượng camera trên HTC One khiến cho tôi hài lòng. Thao tác khởi động đơn giản, tốc độ chụp của máy rất nhanh. Chất lượng ảnh tốt khi chụp ở ngoài trời sáng, còn khi trời tối thì máy chụp cũng khá ổn. Tất nhiên sẽ khó để so độ chi tiết của ảnh chụp từ HTC One với những chiếc điện thoại có máy ảnh độ phân giải cao hơn như Samsung Galaxy S4 hay iPhone 5, nhưng cũng không có mấy khi tôi thực sự cần phải dùng tới ảnh độ phân giải cao từ điện thoại.

Không chỉ khả năng của camera, các phần mềm trên One cũng khiến tôi thích thú, đặc biệt là Video Highlight. Khi kết hợp cùng Zoe, đây là công cụ rất hữu ích để tạo ra một đoạn phim ngắn, giúp bạn lưu giữ lại những hình ảnh của một khoảng thời gian đáng nhớ.

Lê Anh

Chủ đề khác