VnReview
Hà Nội

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Mặc dù là một gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất vi xử lý cho máy tính, Intel lại đang gặp nhiều khó khăn khi muốn chen chân vào lĩnh vực di động. Sau nhiều thế hệ sản phẩm, phải tới nền tảng Clover Trail+ Intel mới bắt đầu có những sản phẩm đáng chú ý cho di động.

Trước đây VnReview đã từng đánh giá một thiết bị di động khác sử dụng vi xử lý Intel, đó là máy tính bảng Asus FonePad. Tuy nhiên, FonePad sử dụng vi xử lý Atom Z2420 đơn nhân, vốn được thiết kế cho các sản phẩm cấp thấp. Nền tảng cao cấp dành cho di động của Intel có tên Clover Trail+, bao gồm các vi xử lý hai nhân, với hiệu năng tính toán và đồ họa cao hơn. Điện thoại đầu tiên sử dụng nền tảng Clover Trail+ là Lenovo K900, sản phẩm;được bán ra thị trường Việt Nam từ tháng 7 với giá 10,49 triệu đồng

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Bên cạnh việc sử dụng vi xử lý Intel, Lenovo K900 còn gây ấn tượng với thiết kế đẹp, màn hình Full HD và camera độ phân giải cao. Với giá bán chính hãng 10,49 triệu đồng, liệu chiếc điện thoại cao cấp nhất của Lenovo có đủ hấp dẫn để cạnh tranh với những "siêu phẩm" khác?

Thiết kế

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Nhờ sử dụng chất liệu thép và nhựa giả kim loại ở mặt sau, Lenovo K900 có vẻ ngoài khá sang trọng

Lenovo K900 có vẻ ngoài khá ấn tượng, khi sử dụng chất liệu thép không rỉ cho nắp lưng và phần viền polycarbonate cũng được sơn giả kim loại. Chất liệu kim loại đem lại vẻ sang trọng, cùng cảm giác cầm "mát tay" cho K900. Bên cạnh đó, với các góc cạnh rất vuông và kích thước màn hình khá lớn, kiểu dáng của K900 gợi tới chiếc Xperia Z Ultra của Sony. Tuy nhiên so với Z Ultra thì máy nhỏ hơn nhiều và cũng khá mỏng (6,9 mm) và nhẹ (162 g) so với các phablet khác.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Thiết kế mỏng và nhẹ (so với kích thước) cũng là một điểm cộng của K900

Với kiểu dáng giống Z Ultra, K900 cũng mang điểm yếu giống như chiếc điện thoại của Sony: cảm giác cầm trên tay không thực sự thoải mái. Các cạnh máy vuông vắn nên khi cầm máy không có được cảm giác ôm tay như các điện thoại vát ở mặt sau, do đó hơi khó khăn khi sử dụng máy bằng một tay. Thêm nữa, các góc máy nhọn nên tạo ra cảm giác hơi cấn tay, nhất khi cầm may hơi chặt tay một chút. 

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Có kiểu dáng vuông, nên đôi khi K900 đem lại cảm giác không thoải mái khi cầm trên tay

Bên cạnh đó, hai phần viền trên và dưới màn hình của K900 khá dày, nhất là phần viền phía dưới. Trong khi đó, ba nút cảm ứng của máy có biểu tượng khá nhỏ, lại được xếp lệch về phía màn hình, tạo cảm giác phần viền còn lại khá rộng.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Mặt sau của máy khá đơn giản, được chia thành hai phần rõ rệt và không mang thông tin gì ngoại trừ thương hiệu của Lenovo cùng logo của Intel. Nút bật nguồn của máy được bố trí ở cạnh phải, nhưng lại hơi cao ở gần cạnh trên nên đôi khi hơi khó bấm. Ở gần nút nguồn là khe cắm SIM, còn ở cạnh đối diện là nút âm lượng của máy. Giắc cắm tai nghe của máy được bố trí ở cạnh dưới, cùng với cổng kết nối MicroUSB. Ở mặt sau của máy có bốn con ốc bằng kim loại, nhưng các ốc này chỉ dùng để trang trí, vì cả khi tháo ốc ra thì vỏ sau cũng không tháo được.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Các phần vỏ ở cạnh trên và dưới được làm từ chất liệu nhựa polycarbonate, tuy nhiên được sơn giống kim loại

Nhìn chung, K900 có vẻ ngoài đẹp và ấn tượng, với kiểu dáng vuông vắn và chất liệu tương xứng với một chiếc điện thoại cao cấp. Tuy vậy thiết kế quá góc cạnh cùng kích thước của máy đôi khi đem lại cảm giác khó chịu khi sử dụng. Có thể nói Lenovo K900 nhìn thì đẹp nhưng cầm không thực sự "sướng".

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Lenovo K900: nhìn thì đẹp, nhưng cầm không sướng

Màn hình

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Màn hình của Lenovo K900 có kích thước 5.5 inch và độ phân giải 1920 x 1080 pixel, đạt mức độ điểm ảnh 401 ppi. Màn hình này sử dụng công nghệ hiển thị IPS LCD có khả năng thể hiện màu sắc tốt và góc nhìn rộng, màu sắc ít bị thay đổi khi nhìn từ các góc khác nhau. Kích thước màn hình của K900 cũng đem lại trải nghiệm tốt khi dùng để xem phim, lướt web hay đọc sách báo.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Màn hình lớn của máy khiến trải nghiệm lướt web, xem phim hay chơi game đều rất tốt

Màn hình của điện thoại này cũng được tích hợp công nghệ cảm ứng siêu nhạy, cho phép sử dụng cả khi người dùng đeo găng tay. Trong quá trình dùng, màn hình của máy hoạt động tốt với găng tay len và các loại vải mỏng nhưng khi sử dụng qua các loại vải quá dày (khoảng 5 mm) thì Lenovo K900 không nhận được tín hiệu. Khi sử dụng ngoài trời, màn hình của K900 có nhược điểm là hơi bóng nên khó nhìn dưới trời nắng. 

Máy ảnh

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Máy ảnh của Lenovo K900 có độ phân giải 13 megapixel

Máy ảnh của K900 có độ phân giải khá cao, 13MP và sử dụng cảm biến Exmor RS, với khẩu độ tối đa lên tới F1.8. Đi cùng với các thông số phần cứng ấn tượng, Lenovo cũng trang bị cho điện thoại của mình phần mềm có tên Super Camera hỗ trợ các chế độ tùy chỉnh (độ tương phản, độ bão hòa màu và độ sắc nét...) và các hiệu ứng xử lý hậu kỳ được chăm chút khá kỹ. Một tính năng khá thú vị trên ứng dụng này là hiển thị các vạch 1/3 trên khung hình, để người dùng có thể chọn lựa bố cục phù hợp. Tuy vậy, kể cả khi tôi đã chọn tỉ lệ ảnh chụp là 4:3, đường cắt khung hình vẫn dựa theo tỉ lệ màn hình 16:9, nên việc chọn bố cục dựa trên các đường kẻ có thể không chính xác.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Tỉ lệ ảnh là 4:3, nhưng đường kẻ lại chia theo khung hình 16:9

Các chế độ chụp ảnh trong Super Camera khá phong phú, tuy nhiên đôi khi nó làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng ảnh. Khi chọn các chế độ như Burst hay Macro, độ phân giải ảnh tối đa đạt được chỉ là 5 megapixel. Khi chụp với chế độ Macro, bên cạnh việc hậu cảnh mờ đi một chút so với ảnh chụp thông thường, màu sắc của ảnh cũng được đẩy lên, đậm hơn khá nhiều so với thực tế. Khi nhìn ở màn hình điện thoại thì ảnh chụp này trông khá ấn tượng, nhưng khi nhìn trên máy tính thì màu sắc sẽ khiến ảnh trông không thật.

Khi chụp ở chế độ mặc định, camera của K900 thể hiện màu sắc trung thực và độ chi tiết khá tốt. Nếu chụp ở ngoài trời thì tốc độ lấy nét của máy khá nhanh nhưng khi ánh sáng yếu thì máy bắt nét khá chậm.

Một số ảnh chụp từ điện thoại Lenovo K900 (bấm vào ảnh để xem ở kích thước lớn hơn):

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Ảnh chụp với chế độ macro có màu sắc rực rỡ và không thật

Lenovo K900 cũng hỗ trợ quay phim với độ phân giải Full HD. Phim quay ra được lưu ở định dạng 3GP, bitrate 12Mbps và một đoạn phim khoảng 1 phút sẽ chiếm dung lượng khoảng 100 MB. Phim quay ra có độ nét khá nhưng khả năng chống rung của máy chưa thật ấn tượng.

Video Full HD quay từ Lenovo K900:

Hiệu năng

Lenovo K900 là chiếc điện thoại đầu tiên của Lenovo sử dụng vi xử lý Atom Z2580 của Intel với hai nhân nhưng có thể tính toán bốn luồng song song nhờ công nghệ siêu phân luồng và hoạt động ở xung nhịp tối đa 2 GHz. Bên cạnh đó, máy dùng bộ xử lý đồ họa PowerVR SGX 544MP2 và được trang bị 2GB RAM.

Khi so sánh bằng cách ứng dụng đo hiệu năng, Lenovo K900 cho điểm số ở mức khá, kém một chút so với những điện thoại đầu bảng, sử dụng hệ thống Snapdragon 600 hoặc 800 như Samsung Galaxy S4 hay HTC One.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

K900 có thể chơi tốt các game mới với đồ họa hấp dẫn

Một số điểm số so sánh hiệu năng giữa Lenovo K900 và các điện thoại khác:

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Ở các chương trình đánh giá hiệu năng tổng thể Quadrant và Antutu, K900 đạt điểm thấp hơn các smartphone sử dụng SoC Qualcomm Snapdragon 600 lõi tứ

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Điều tương tự diễn ra ở phép đánh giá hiệu năng đồ họa trên ứng dụng GLBenchmark 2.7

Khi sử dụng thực tế, phần lớn thời gian máy hoạt động mượt, ít nhận thấy độ trễ. Đôi lúc việc chuyển giữa các màn hình ở màn hình chính hơi giật nhẹ, đây là do giao diện của máy chưa tối ưu. Khi tôi sử dụng K900 để thực hiện các công việc thường ngày như lướt web, xem phim với độ phân giải Full HD (cả ở trong máy lẫn trên mạng), chơi các game như Asphalt 8 thì máy đều đáp ứng tốt.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Mặc dù thể hiện tốt hiệu ứng 3D ở trong menu ứng dụng, Lenovo K900 đôi khi bị giật khi di chuyển giữa các màn hình ngoài

Vi xử lý của Intel có thể chưa đem lại hiệu năng tương đương các máy dùng hệ điều hành Android cao cấp nhất hiện nay nhưng nó có ưu điểm là ít bị nóng khi hoạt động. Khi tôi cho máy bật phim liên tục hơn 4 giờ, hoặc chơi game liên tục khoảng 2 giờ thì nắp lưng của máy chỉ hơi ấm lên một chút, chứ không nóng nhiều như các điện thoại vỏ kim loại khác.

Thời gian sử dụng pin

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

K900 tiêu tốn ít năng lượng khi ở chế độ chờ, nhưng pin tụt khá nhanh với các tác vụ như chơi game hay chụp ảnh

Pin của K900 có dung lượng 2500 mAh, được thiết kế để người dùng không thể tháo được. Trong thực tế sử dụng, pin của máy tụt nhanh nếu như dùng 3G, chơi game hoặc chụp ảnh nhiều. Khi tôi chụp ảnh liên tiếp trong hơn 1 giờ, pin của máy tụt từ mức 90% xuống chỉ còn 50%. Tuy nhiên khi để không, không sử dụng thì pin của K900 tụt khá ít. Sau gần 12 tiếng để máy và không sử dụng, pin của K900 chỉ tụt 2%.

Để so sánh, tôi thử nghiệm pin của K900 bằng các phép thử là xem phim và chơi game. Ở phép thử xem phim, K900 phát liên tục một phim với độ phân giải 720p, độ sáng màn hình 80%, âm lượng ở mức 80% và cắm qua tai nghe. Máy phát phim được 5 giờ 15 phút thì tắt máy. Ở phép thử chơi game thì máy thể hiện kém hơn. Khi bật liên tục bài test của ứng dụng GL Benchmark 2.5.1, giả lập tình huống chơi game với đồ họa nặng thì máy chỉ chạy được 2 giờ 15 phút.

Phần mềm và tính năng

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Lenovo K900 được cài sẵn phiên bản Android 4.2.1, cùng với giao diện quen thuộc như các dòng máy khác của Lenovo. Giống như điện thoại từ các hãng Trung Quốc khác, Lenovo K900 có nhiều tính năng nhỏ nhưng khá thú vị, như gõ màn hình hai lần để mở, tự tăng âm lượng chuông khi để trong túi, giảm chuông khi nhấc điện thoại lên, hay thậm chí lắc điện thoại để tắt màn hình. Tuy nhiên các tính năng bật và tắt màn hình của máy hoạt động không ổn định, sau khi tôi kích hoạt tính năng gõ để mở màn hình thì máy thường xuyên bị mở lên khi không mong muốn.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Lenovo K900 có một số tính năng thú vị, nhưng hoạt động không thực sự hiệu quả

K900 cũng được cài đặt sẵn ứng dụng Lenovo Power, một chương trình quản lý pin dành riêng cho điện thoại Lenovo. Ở trong ứng dụng này, người dùng có thể xem chi tiết về việc sử dụng pin của các chương trình và phần cứng, cũng như lựa chọn các chế độ để tiết kiệm pin.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Lenovo Power được hiển thị như một widget ngoài màn hình chính

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Lenovo Power hỗ trợ nhiều điều chỉnh để tối ưu thời gian sử dụng pin, cả ở phần cứng lẫn phần mềm

Cổng MicroUSB ở Lenovo K900 cũng được trang bị sẵn khả năng kết nối với các thiết bị khác, hay còn gọi là tính năng USB On-The-Go (OTG), tất nhiên bạn sẽ cần một sợi cáp tương thích để sử dụng tính năng này. USB OTG giúp người dùng chủ động sử dụng các thiết bị lưu trữ ngoài để đem theo, kết hợp với K900.

Đánh giá điện thoại Lenovo K900

Lenovo K900 được cài sẵn bộ ứng dụng văn phòng Kingsoft Office

Giống như nhiều điện thoại Lenovo khác, K900 được cài sẵn bộ ứng dụng văn phòng Kingsoft Office, đem lại cho người dùng một bộ công cụ văn phòng khá hữu ích. Ngoài ra, Lenovo K900 còn hỗ trợ chuẩn Intel WiDi, cho phép kết nối không dây tới các thiết bị hiển thị và máy chiếu có hỗ trợ WiDi.

Kết luận

Lenovo K900 là sản phẩm đầu bảng của Lenovo hiện nay và ít nhất vẻ ngoài của nó cũng đem lại ấn tượng về một sản phẩm cao cấp. Với sự kết hợp của kim loại và nhựa cao cấp cùng với thiết kế rất mỏng nhẹ, màn hình sắc nét, camera chất lượng tốt và máy hoạt động rất mát, K900 có nhiều điểm nhấn để tạo ấn tượng cho người dùng.

Bên cạnh các ưu điểm, K900 cũng còn một số điểm trừ. Thiết kế của máy tuy đẹp nhưng chưa thực sự đem lại cảm giác tốt nhất khi sử dụng, hiệu năng không bắt kịp các điện thoại đầu bảng và thời gian sử dụng pin chưa ấn tượng là những điểm khiến máy chỉ có thể xếp vào dạng điện thoại hạng hai trên thị trường, chưa thể sánh ngang với Galaxy S4, HTC One hay iPhone 5s.

Hiện tại giá bán chính hãng của Lenovo K900 là 10,3 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với những điện thoại smartphone cao cấp nhất hiện nay. Ở tầm giá này, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của K900 là một điện thoại khác cũng đến từ Trung Quốc, Oppo Find 5 (có giá bán lẻ khoảng 10 triệu đồng). Hai điện thoại này đều sử dụng màn hình Full HD, nhưng khác nhau một chút về thiết kế và hiệu năng.

Với mức giá tương tự, những lựa chọn điện thoại của các hãng lớn sẽ thua kém K900 một chút về thiết kế hoặc tính năng. Trong tầm giá của mình, Lenovo K900 là một lựa chọn khá nổi bật, với thiết kế và nhiều tính năng đáng chú ý.

T.A

Chủ đề khác