VnReview
Hà Nội

Đánh giá máy lọc không khí Xiaomi Mi Air Purifier 2: Nếu nhà có điều kiện...

Nhà sản xuất smartphone Xiaomi Trung Quốc đang tấn công trên nhiều mặt trận thiết bị gia dụng, nhắm vào những thứ đang trở thành thiết yếu trong cuộc sống. Máy lọc không khí là một ví dụ, khi người tiêu dùng khao khát hít thở không khí trong sạch hơn bao giờ hết.

Điều đáng lưu ý là Xiaomi rất biết tiếp thị bằng cách kết nối chúng vào trong một hệ sinh thái sản phẩm của mình, biến nó từ một sản phẩm thông thường trở thành sản phẩm hi-tech hoành tráng. Chẳng hạn, máy lọc không khí Mi Air Purifier 2 có kết nối WIFI, cảm biến theo dõi môi trường, thói quen... Máy ra mắt hồi quý IV năm ngoái, là máy lọc không khí Xiaomi thế hệ thứ 2, nhỏ gọn hơn đáng kể.

Tại Việt Nam, Mi Air Purifier 2 có giá bán 3 triệu đồng (có nơi bán 3,8 triệu đồng), so với giá ở Trung Quốc là 2,4 triệu đồng, tuy nhiên đây là hàng "tiểu ngạch". Bỏ qua vấn đề chính hãng – xách tay này thì máy lọc không khí Xiaomi Mi Air Purifier 2 có lọc không khí tốt không? Có nên mua hay không? Những đánh giá dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các băn khoăn này.

Thiết kế và cấu tạo

Mặt trước của Mi Air Purifier 2

Mi Air Purifier 2 hình trụ vuông, có kích thước đáy 24x24cm, cao 52cm, nặng 4,8kg, máy chạy cả điện 100V-240V. Bề ngoài trông nó giống như một cây loa vỏ nhựa màu trắng với hơn nửa diện tích 3 mặt bên dập lỗ tròn nhỏ như tổ ong để hút không khí vào, 1 mặt còn lại dập lỗ giả.

Mặt trước máy có 1 đèn tín hiệu phía dưới và 3 đèn phía trên để báo hiệu trạng thái hoạt động của quạt. Nút nguồn, nút chuyển chế độ quạt đặt ở đáy trên. Đáy trên là nơi quạt được bảo vệ bằng tấm lưới nhựa thổi khí sau khi đã được lọc ra ngoài.

Phía trên cùng mặt trước là các đèn tín hiệu kèm biểu tượng thông báo 3 chế độ hoạt động : Auto, ban đêm và mạnh nhất.

Thêm một đèn nhỏ ở mặt lưới phía trước. Mặt trước và hai mặt bên của Mi Air Purifier 2 với các lỗ nhỏ dạng tổ ong để hút không khí vào

Đáy trên với quạt thổi khí đã lọc ra ngoài

Nút nguồn cùng đèn thông báo trạng thái WiFi ở đáy trên.

Đáy dưới của máy với 4 chân cao su giúp đứng vững chắc và chống xước nền nhà

Mặt sau của Mi Air Purifier 2 được giập các chấm bi tròn dạng lỗ giả

Một nút nhỏ phía mặt sau để bật đèn thông báo

Bấm giữ nhẹ vào phần lẫy phía mặt sau là có thể thấy được lõi lọc

Đáy dưới này là khoang để tháo ra thay thế cục lọc. Tôi chỉ cần ấn giữ nút to và nhấc nắp chắn ra. Lõi lọc không tái sử dụng được khi bị bẩn, mà cần phải thay thế lõi khác.

Mi Air Purifier 2 khi tháo phần nắp đậy phía mặt sau

Lôi nhẹ phần dây kéo là có thể lấy được lõi lọc ra

Hiện tại, trên thị trường không bán lõi lọc máy lọc không khí Xiaomi nên muốn mua bạn phải đặt hàng trước hoặc mua qua mạng. Theo nhà sản xuất, cứ 3-6 tháng phải thay lõi một lần.

Quạt hút không khí "bẩn" ngoài môi trường rồi đưa qua bộ lọc, đẩy không khí sạch ra ngoài

Cấu tạo bên trong của máy khá đơn giản, gồm động cơ, một lõi lọc có thể tháo rời và bộ cánh quạt mà Xiaomi quảng cáo là lấy cảm hứng từ cánh quạt máy bay. Thực ra, đó chỉ là từ ngữ để tiếp thị, chứ về bản chất nó cũng chỉ là cánh quạt như bất kỳ cánh quạt nào.

;Mi Air Purifier 2 khi tháo hẳn phần lõi lọc

Trong tình trạng mới thì hình dạng, kích thước và màu sắc của máy phù hợp với các căn phòng nội thất cả bình dân lẫn hiện đại. Tuy nhiên, Mi Air Purifier 2 có một điểm yếu thiết kế mà không phải ai cũng có thể nhìn ngay ra được. Đó chính là ở chỗ các lỗ tròn nhỏ bốn mặt thân máy. Với sức hút bụi như vậy, tôi tự hỏi sau một thời gian sử dụng, việc lau chùi bụi kẹt ở thân máy sẽ như thế nào? Do thân máy không thể đem ra "giặt" được nên tôi cũng khuyến cáo không nên đặt máy ở gần bếp nấu, hơi dầu mỡ bị ám vào vỏ máy sẽ rất khó vệ sinh.

Tính năng

Mi Air Purifier 2 có ba chế độ lọc, gồm chạy tự động, ban đêm và tối đa công suất. Ngoài ra, máy có thể kết nối với smartphone qua Wi-Fi. Muốn sử điều khiển máy lọc không khí này từ smartphone, bạn cần phải tải về ứng dụng Mi Home của Xiaomi. Ứng dụng này có sẵn cho cả máy chạy Android và iOS.

Mi Air Purifier 2 có thể điều khiển được bằng smartphone nhờ kết nối WiFi tích hợp sẵn

Giao diện phần mềm điều khiển Mi Air Purifier 2 trên iOS

Từ điện thoại người dùng có thể xem được các thông tin về độ ẩm, nhiệt độ, thời hạn sử dụng của lõi lọc...

Sau khi kết nối, ta có thể quản lý được các thông số như nhiệt độ trong phòng, độ ẩm không khí thông qua cảm biến bên trong máy. Nói về điều khiển, do bản thân chiếc máy không có nhiều tính năng hay chế độ nên ta cũng chỉ điều chỉnh được quạt, đèn LED mà thôi. Cái chính là ta theo dõi được hiệu quả của việc lọc không khí mà máy thực hiện.

Theo nhà sản xuất, phần mềm trên máy tự học hỏi thói quen khi sử dụng để tự bật tắt, ví dụ 8 giờ sáng người dùng tắt máy ra khỏi nhà, chiều tầm 6 giờ về nhà bật máy lên. Sau vài lần bật tắt thủ công, phần mềm sẽ tự học và hoạt động tuần tự như thế về sau. Tuy nhiên, tôi nghĩ tính năng này không thực tế lắm vì là người dùng tôi muốn khi về đến nhà không khí đã trong lành thay vì phải chờ đợi một thời gian cho máy lọc.

Lõi lọc

Lõi lọc của Mi Air Purifier 2 khi được tháo hẳn khỏi thân máy

Lõi lọc là một bộ phận quan trọng nhất của máy. Theo thông số do Xiaomi cung cấp, lõi lọc họ nhập từ hãng sản xuất tên tuổi của Mỹ. Nó có 3 lớp: lớp tiền lọc, màng lọc HEPA ở giữa và lớp lọc than hoạt tính bên trong cùng.

Xiaomi cho hay, máy có thể lọc hạt bụi lơ lửng, sợi tóc, lông thú vật nuôi, hạt bụi có kích cỡ nhỏ đến micromet và cả vi khuẩn có trong không khí. Đặc biệt, lớp than hoạt tính đặc dụng để lọc đi chất formaldehyde (fomanđêhít) - một dạng hợp chất hữu cơ có trong không khí và khử mùi trong phòng.

Thực tế, đây là các lớp lọc có thể bắt gặp sử dụng trong điều hoà, quạt hay máy hút bụi (màng lọc HEPA). Còn lớp than hoạt tính lọc vi khuẩn, khử mùi thì được sử dụng phổ biến ở các máy hút mùi nấu bếp.

Lõi lọc có cấu tạo không quá đặc biệt và phải thay mỗi 3-6 tháng

Tác dụng lọc không khí

Mi Air Purifier 2 đặt trong phòng khách + bếp rộng 30 m2.

Xiaomi cho biết Mi Air Purifier 2 có khả năng hoạt động hiệu quả nhất trong phòng diện tích từ 20-37m2.

Căn phòng tôi thử nghiệm Mi Air Purifier 2 rộng 30m2, gồm phòng khách thông với bếp, trên tầng 15 của một chung cư ở Hà Nội. Thiết bị để "đo" hiệu quả khả năng lọc không khí là mặt trên của chiếc lò nướng đặt ở khu vực bếp. Mặt lò sơn đen bóng, dễ dàng lau sạch và dễ phát hiện ra bụi bám nhất.

Máy có 3 chế độ nhưng tôi chỉ thử nghiệm chế độ Auto và chế độ mạnh nhất. Theo nhà sản xuất, chế độ Auto là chế độ bình thường chạy êm, nhưng khi "phát hiện" không khí nhiễm nặng bụi hoặc mùi phòng thì nó sẽ tự động chuyển sang chế độ chạy cực mạnh. Chế độ ban đêm thực chất chỉ là chế độ Auto nhưng không chuyển chế độ mạnh có thể gây tiếng ồn đến mất ngủ. Thực tế tôi cho chạy chế độ Auto qua đêm nhưng chưa khi nào thấy máy tự động bật sang chế độ mạnh do đó tôi bỏ qua thử nghiệm máy ở chế độ ban đêm.

Xem clip quảng cáo của Mi Air Purifier 2 có thể thấy máy có sức hút không khí cực mạnh: bụi, mạt cưa, lông thú, khí gas độc, hơi dầu mỡ, mùi sơn... trong không khí trong phòng bị chiếc máy nhỏ mày trắng hút vào cực mạnh và chẳng mấy chốc căn phòng đã sạch sẽ, trong lành trở lại. Trên thực tế, sức hút không khí của máy là rất nhỏ: Ở chế độ Auto, nó không đủ giữ một tờ giấy ăn mỏng. Ở chế độ cực mạnh, sức hút của máy chỉ đủ giữ tờ giấy ăn lơ lửng chỉ chực rơi xuống đất.

Ngày đầu tiên thử không bật máy, tôi đóng kín tất cả các phòng ban ngày. Buổi tối có thỉnh thoảng mở cửa phòng hoặc ban công như sinh hoạt hằng ngày. Sáng hôm sau, bụi đã bám dày một lớp trên bề mặt lò nướng.

Máy lọc không khí Xiaomi Mi Air Purifier 2

Vệt bụi rõ nét trên nóc lò nướng sau 1 ngày (không bật máy). Hình ảnh cho thấy không khí trong phòng ở một căn hộ ở Hà Nội rất nhiều bụi bẩn.

Ngày thứ 2, buổi sáng tôi bật máy đặt tại phòng khách, chọn chế độ tự động. Máy chạy êm, hầu như không nghe thấy tiếng ồn. Gió thổi ra theo đường thải khí đã lọc cũng rất nhẹ. Sau gần 24 giờ đồng hồ, mặt lò nướng đã bám kịt bụi hầu như ngày đầu tiên. Dường như sử dụng chế độ tự động không có hiệu quả mấy.

Máy lọc không khí Xiaomi Mi Air Purifier 2

Kết quả thử nghiệm 1 ngày chạy máy lọc không khí ở chế độ Auto. Kết quả hầu như không khác so với ngày không bật máy.

Ngày thứ 3, tôi lựa chọn bật chế độ mạnh nhất. Máy chạy phát ra tiếng ồn lớn. Nếu người ở trong nhà thì việc bật chế độ này chắc hẳn phải hạn chế vì quá ồn. Tuy nhiên, tôi có thể thử nghiệm được do ban ngày không có ai ở trong nhà. Chiều đi làm về, máy đã tự động chuyển sang chế độ Auto, không rõ là khi nào. Kiểm tra mặt lò nướng tôi thấy khá sạch, hầu như không có dấu vết của bụi. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau – máy vẫn chạy chế độ Auto – thì mặt lò nướng đã dính nhiều bụi dạng sợi. Quét tay lên mặt lò thì vết tay để lại mờ hơn so với hai ngày thử nghiệm trước đó. Điều đó chứng tỏ các hạt bụi nặng đã giảm đi, nhưng loại bụi tơ nhẹ lại khó xử lý.

Máy lọc không khí Xiaomi Mi Air Purifier 2

Kết quả chạy máy 1 ngày ở chế độ mạnh nhất.

Một điều đáng lưu ý là sử dụng máy lọc không khí trong phòng đóng kín nên khá bức bí dù theo quảng cáo máy lọc được mùi phòng. Trong trường hợp thử nghiệm của tôi, đóng cửa phòng cả tắt máy hoặc bật máy cả ngày thì khi từ ngoài bước vào phòng sẽ nhận thấy rõ không khí bức bối. Để xử lý vấn đề này, tốt nhất là trong phòng nên có quạt thông hơi hoặc bật điều hoà.

Về khử các loại mùi đặc trưng khác do nấu ăn, pha chế nước thì trong phòng kín cỡ 10m2, sau khoảng 20-30 phút bật máy các loại mùi khó chịu nhất như thuốc lá, mắm hay cafe đều hầu như không còn.

Tiêu thụ điện

Mi Air Purifier 2 sử dụng dây nguồn với giắc cắm 3 chân, có thể tháo rời, dễ thay thế

Theo thông số Xiaomi công bố, máy có công suất 1,5W ở mức độ hoạt động thấp nhất, tối đa 30W ở chế độ cao nhất. Chúng tôi đã đo đạc bằng thiết bị chuyên dụng thì ở chế độ mạnh nhất của quạt, máy tiêu thụ điện hết 27W, thấp hơn so với công bố. Trong 24 tiếng chạy ở chế độ mạnh nhất liên tục thì máy tiêu thụ 0,8 số điện. Tất nhiên, trong thực tế sử dụng thì chúng ta không thể chạy như vậy 24/24 vì nó quá ồn như tôi đã nói ở trên. Còn chạy ở chế độ Auto thì mức tiêu thụ điện là không đáng kể, chỉ vài W.

Có nên mua Mi Air Purifier 2 không?

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại máy lọc không khí, giá từ vài chục triệu đồng cho đến vài triệu đồng. Tôi chưa có điều kiện thử các máy lọc không khí khác nên chưa thể kết luận Mi Air Purifier 2 là đắt hay rẻ.

Tuy nhiên, thực tế chỉ qua thử nghiệm đơn giản và có thể nhìn thấy được thì hiệu quả của nó còn hạn chế. Ở chế độ Auto (phổ biến), nó ít tác dụng. Còn ở chế độ mạnh nhất có phát huy tác dụng lọc bụi thì lại quá ồn. Bên cạnh đó, sử dụng máy lọc không khí cần thêm điều kiện phòng hoặc có quạt thông gió hoặc bật điều hoà. Việc vệ sinh vỏ máy khó khăn và mua lõi lọc thay thế cũng là hai điểm trừ của máy.

Một điểm đáng lưu ý nữa là máy chỉ hoạt động ở trong phòng tầm 30m2, nên nếu gia đình có từ 2-3 phòng trở lên, bạn cần mua mỗi phòng một chiếc. Do đó, để có được môi trường sống trong lành, khoẻ mạnh, ngoài yếu tố hiệu quả như thế nào thì bạn nên cân nhắc số tiền đầu tư không phải chỉ dừng lại vài ba triệu đồng mỗi máy.

Minh Hương – Huy Anh

Chủ đề khác