VnReview
Hà Nội

Đánh giá Panasonic DMC-G5

Là hãng đầu tiên ra mắt hệ thống máy ảnh nhỏ gọn CSC (compact system camera) hay còn gọi là máy ảnh ống kính rời không gương lật , Panasonic đã dẫn đầu thị trường về những sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực này. Chiếc máy ảnh Micro Four Thirds (máy ảnh số ống kính rời siêu nhỏ) DMC-G5 vừa mới được Panasonic công bố vào tuần trước, được biết đến là một trong những máy ảnh tốt nhất hiện nay.

TechRadar là trang công nghệ đầu tiên thực hiện đánh giá sâu và chi tiết về Panasonic DMC-G5, trong khi các trang khác như dpreview, pocket-lint... mới chỉ có bài đánh giá trên tay sơ bộ. VnReview tổng hợp từ TechRadar bài đánh giá sớm nhất về model máy ảnh đáng chú ý này.

Kể từ khi Panasonic tung ra model máy ảnh không gương lật đầu tiên vào năm 2008, đến nay thị trường máy ảnh không gương lật đã có nhiều thay đổi, trong các nhà sản xuất máy ảnh lớn hiện chỉ có Canon chưa có dòng sản phẩm này. Panasonic chia sẻ định dạng Micro Four Thirds với Olympus, được ra đời sớm nhất và được xếp loại có ống kính lớn nhất (nếu không tính đến Nikon J1/V1 được sử dụng ngàm ống kính F-mount thông qua adapter).

Panasonic G5 là phiên bản bổ sung cho dòng G của dòng máy ảnh CSC, chứ không phải là thay thế hẳn dòng máy G3. Hãng Panasonic cho hay họ đã xác định được chỗ đứng của dòng G5 trên thị trường, bao gồm nhiều cải tiến so với dòng G3 một năm tuổi.

Panasonic G5 có giá bán riêng thân máy là khoảng 599 bảng (khoảng 19,5 triệu VND), 699 bảng (khoảng 22,7 triệu VND) cho ống kính tiêu chuẩn 14-42mm hoặc 829 bảng (khoảng 27 triệu VND) cho chiếc ống kính zoom điện "X".

Các tính năng

Với cảm biến số mới tinh 16 triệu điểm ảnh và bộ vi xử lý Venus Engine VII mới nhất, Panasonic hứa hẹn sự kết hợp này trong dòng G5 sẽ cho hình ảnh rõ hơn và giảm nhiễu hơn nhiều so với mẫu máy thuộc series G trước đó.

Do G5 được xem là một chiếc máy ảnh "tiên tiến", nó sở hữu một số tính năng mới được bổ sung và nhiều điểm thú vị khác. Trong đó, có thể kể ra như cảm biến lấy nét Eye Sensor AF cho phép tự động dò đối tượng khi máy ảnh được đưa lên tầm mắt để bắt đầu lấy nét tự động.

Cái mới nữa ở dòng G5 là tùy chọn sử dụng màn hình LCD như một bàn điều hướng cảm ứng TouchPad để kiểm soát các điểm lấy nét tự động khi sử dụng khung ngắm điện tử EVF (Electric View Finder).

Ở G5, Panasonic đã thực hiện một số thay đổi về thiết kế để thuận tiện cho sử dụng, với báng cầm tay lớn hơn và một thanh gạt Function Lever mới được đưa vào phía trên máy ảnh. Máy còn bao gồm cả chế độ im lặng để chụp hình trong những trường hợp bí mật.

Các tính năng khác bao gồm chế độ quay video full-HD, chụp liên tục 6 ảnh/giây ở độ phân giải đầy đủ, độ nhạy sáng đạt tới 12.800 ISO và có chế độ tự động thông minh (Intelligent Auto).

Chất lượng Build Quality và quy trình xử lý

Hình dáng và kích thước tổng thể của G5 khá giống với G3, nhưng Panasonic đã tạo ra một thay đổi đáng chú ý đối với kích thước tay cầm, sâu hơn và dễ cầm hơn, na ná với phong cách DSLR.

Giống với G3, dòng máy ảnh G5 có một màn hình LCD có thể xoay ra phía sau. Điều đó rất hợp lý, và dĩ nhiên nó cũng rất hữu dụng khi cần chụp ở những góc khó như chụp từ trên cao, từ dưới lên, hoặc chụp macro.

Màn hình LCD này cũng là màn hình cảm ứng và lần đầu tiên Panasonic đã kết hợp cái gọi là tùy chọn "cảm ứng", cho phép chạm vào màn hình để chọn điểm lấy nét tự động ngay cả khi sử dụng khung ngắm điện tử EVF (khi màn hình đã tắt).

Mặc dù vẫn còn một chút lo ngại về việc mũi của bạn sẽ chạm vào màn hình và gây thay đổi điểm tự động lấy nét, trong thực tế tính năng này cực kỳ tiện dụng và bạn sẽ sớm "lạm dụng" nó khi sử dụng máy ảnh, và thậm chí còn tự hỏi tại sao tính năng này không được cung cấp sớm hơn. Sử dụng tính năng màn hình cảm ứng khi màn hình ở thế thẳng đứng sẽ phức tạp hơn một chút vì mũi của bạn thực sự ép vào màn hình nhưng bạn vẫn luôn có thể xoay màn hình ra ngoài nếu như cảm thấy quá phiền phức.

Một tính năng mới khác của máy ảnh là cần gạt Function Lever nằm trên đỉnh máy. Khi bạn gắn máy ảnh với ống kính Power Zoom, cần gạt này có thể được sử dụng để phóng to và thu nhỏ - rất hữu dụng khi ta quay video. Khi bạn gắn ống kính loại khác vào, thì cần gạt này có thể sử dụng để truy cập nhanh chế độ bù phơi sáng.

Mặt sau máy ảnh có một vòng tròn có thể xoay, được sử dụng để thay đổi tốc độ màn trập hoặc khẩu độ (tùy thuộc vào chế độ đang sử dụng), hoặc khi bị ấn vào cũng có thể sử dụng để bù sáng.

DMC-G5 đã được trang bị trở lại một cảm biến nhận biết mắt để cho phép máy ảnh tự động chuyển đổi giữa hai chế độ xem sống bằng LCD và xem qua kính ngắm EVF: khi người dùng đưa máy lên gần mắt để ngắm bằng EVF thì màn hình LCD sẽ tự động tắt đi. Ở model tiền nhiệm G3, người dùng muốn chuyển đổi 2 chế độ này thì phải nhấn vào một nút chuyên dụng. Cảm biến nhận biết mắt của G5 dường như hơi quá nhạy cảm, nên đôi khi nó tự động tắt màn hình LCD khi mắt còn ở khoảng cách khá xa.

Bất kỳ ai quen thuộc với các dòng máy ảnh của Panasonic đều quen thuộc với hệ thống menu được tổ chức khá rõ ràng dễ hiểu. Người dùng G5 có thể truy cập Quick Menu thông qua nút trên ở phía sau màn hình, và có thể truy cập các tùy chọn của menu bằng màn hình cảm ứng hoặc sử dụng các phím mũi tên. Dù truy cập bằng hình thức nào thì các tùy chọn này cũng được hiển thị rất nhanh chóng.

Hiệu năng

G5 cho hình ảnh rất tốt với nhiều chi tiết và màu sắc tươi sáng, rõ ràng.

Ở những điều kiện ánh sáng yếu, hình ảnh được chụp tại độ nhạy sáng cao hiển thị tốt khả năng giảm nhiễu, mặc dù không hoàn toàn ngang tầm với những chiếc máy ảnh có cảm biến lớn hơn.

Thỉnh thoảng, trong ánh sáng tổng hợp hay nhân tạo, chế độ tự động cân bằng trắng có xu hướng tạo ra các màu sắc ấm hơn, nhưng việc thay đổi cài đặt cân bằng trắng có thể thực hiện dễ dàng từ bảng chọn nhanh.

Panasonic rất tự hào về cơ chế tự động lấy nét của hãng, và tuyên bố nó là cơ chế tự động lấy nét nhanh nhất, chính xác nhất trên thế giới. Đối với dòng G5, hãng đã giới thiệu cảm biến lấy nét tự động Eye Sensor AF - có nghĩa là máy ảnh sẽ tự động lấy tiêu cự ngay khi nó được nâng lên mắt.

Con mắt cảm biến này rất tiện dụng cho những lúc cần ghi ảnh nhanh và đồng nghĩa với việc đảm bảo cho bạn sẵn sàng chộp lấy những khoảnh khắc bất ngờ. Nó hoạt động rất tốt nhưng có lẽ là tốt nhất khi bạn sử dụng AF đa điểm, chứ không phải điểm đơn nhất vì có thể điểm lấy nét không nằm trong phạm vi bạn cần.

Panasonic đã đưa thêm vào G5 một số bộ lọc mới, giúp nó có thể sánh được với model GF5 công bố gần đây. Đó là các bộ lọc Cross Process, Toy Camera và Dramatic Monotone. Bạn có thể chụp ảnh ở cả định dạng RAW và JPEG, sau đó khi xử lý hậu kỳ, bạn có thể loại bỏ các hiệu ứng lọc với các ảnh RAW.

Màn hình hoạt động tốt trong hầu hết các trường hợp, nhưng có lẽ không dùng được dưới ánh mặt trời chói chang. Khung ngắm điện tử EVF cũng vận hành tốt, cho khung ngắm sáng, rõ, và thỉnh thoảng mới cần phải che khỏi ánh sáng trực tiếp.

Một trong những tính năng ưu việt của các kính ngắm điện tử EVF so với kính ngắm quang truyền thống là hình ảnh vừa chụp xuất hiện trong ống ngắm, cho ta kiểm tra nhanh hình ảnh đã được chụp thành công hay chưa.

Chất lượng ảnh và độ phân giải

Trong phần test chất lượng ảnh của Panasonic G5, Tech Radar đã chụp lại biểu đồ độ phân giải của máy.

Nếu bạn xem các crop biểu đồ độ phân giải dưới đây ở 100% (hay pixel thực) thì bạn có thể thấy ở ISO 100, Panasonic G5 có khả năng xử lý đến khoảng 24 (độ rộng dòng (line width)/ độ cao ảnh x 100) ở các file JPEG chất lượng cao nhất.

Panasonic G5

Ảnh JPEG

Panasonic g5

Ảnh RAW

Nhiễu và dải tần nhạy sáng

Để test khả năng xử lý nhiễu của G5, TechRadar chụp một biểu đồ được thiết kế đặc biệt trong điều kiện được kiểm soát cẩn thận và kết quả của những bức ảnh ấy được phân tích bằng phần mềm DXO Analyzer tạo ra dữ liệu cho những biểu đồ dưới đây.

Tỷ lệ tín hiệu trên nhiễu cao (SNR - signal to noise ratio) cho biết chất lượng hình ảnh tốt hơn.

Tỷ lệ tín hiệu/nhiễu đối với file JPEG

Các ảnh JPEG chụp bởi G5 khá tương đồng, nhưng tỷ lệ tín hiệu/nhiễu hơi thấp so với Panasonic G3, Sony NEX-5N và Olympus E-P3. Điều đó chỉ ra rằng hình ảnh JPEG chụp từ các máy ảnh này khá giống nhau, nhưng có lẽ hơi ảnh của G5 hơi nhiễu hơn.

Tỷ lệ tín hiệu/nhiễu đối với ảnh RAW

Sau khi đổi sang đuôi TIFF, những file ảnh RAW của G5 có tỷ lệ tín hiệu/nhiễu tốt hơn tại các mức ISO thấp nhất. Tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ ta thấy các ảnh của G5 và cả G3 đều có tỷ lệ tín hiệu/nhiễu giảm mạnh ở các ISO từ 400 - 800, trong khi các máy ảnh Sony Nex-5N và Olympus E-P3 cao hơn, có nghĩa là hai máy ảnh này cho hình ảnh rõ hơn.

Dải tần nhạy sáng đối với file JPEG

Trong khi các file JPEG của G5 có điểm dải tần nhạy sáng (dynamic range) tốt hơn dòng Panasonic G3 tại các mức ISO 160-400. Cả Sony NEX-5N và Olympus E-P3 đều có điểm dynamic range tốt hơn từ ISO 100-1600, trong đó NEX-5N là tốt nhất.

Dải tần nhạy sáng đối với ảnh RAW

Mặc dù các ảnh RAW (sau khi đổi sáng đuôi TIFF) chụp bằng G5 không cho điểm dynamic range được cao như Sony NEX-5N, nhưng chúng cũng có số điểm cao hơn đáng kể - nhất là ở các mức ISO thấp - so với hai máy ảnh còn lại. Từ khoảng ISO 800 trở lên, điểm số khá tương đồng với Panasonic G3 và thậm chí cao hơn Olympus E-P3.

Hình ảnh mẫu

Máy ảnh DMC-G5 cho phép chụp ảnh chi tiết hơn với bộ cảm biến Four Thirds 16 triệu điểm ảnh. Bức ảnh này được chụp bằng ống kính macro Panasonic 45mm, ở chế độ "Expressive" để nâng màu.

Ở chế độ màu tiêu chuẩn, G5 tạo ra những bức ảnh sáng và có sức sống nhưng không quá rực rỡ

Ở điều kiện ánh sáng nhân tạo, G5 có xu hướng thiên về ánh sáng ấm khi sử dụng chức năng tự động cân bằng trắng

Hình ảnh này được chụp bằng ống kính Panasonic 25mm, cho thấy các loại hiệu ứng sáng tạo có thể có được với một khẩu độ rộng. Nó cũng được chụp với hiệu ứng Cross Process.

Hai bức ảnh này cho thấy sự khác nhau giữa máy ảnh ở chế độ "normal" và sử dụng hiệu ứng sáng tạo "Impressive Art"

Hiệu ứng Toy Camera tạo một họa tiết xung quanh rìa của bức ảnh, thể hiện hiệu ứng pinhole (bẻ cong góc ảnh như khi nhìn qua lỗ kim)

Panasonic chia sẻ định dạng Micro Four Thirds với Olympus, có nghĩa là máy ảnh của hai hãng có thể sử dụng lẫn ống kính của nhau. Bức ảnh này được chụp bằng ống kính chụp chân dung Olympus 45mm f/1.8.

Nhận định

Panasonic rất khát khao thúc đẩy G5 trở thành máy ảnh đầu tiên được xếp vào nhóm máy ảnh mới - DSLM, viết tắt của Digital Single Lens Mirrorless (ống kính rời kỹ thuật số không gương lật).

Nó có kích thước lớn hơn một chút (khi so sánh với một số loại như GF5 chẳng hạn), vì vậy nó phù hợp với sự chuyển dịch khỏi hệ thống máy ảnh compact không gương lật (mà TechRadar gọi là compact system camera), mặc dù nó có được công nhận với cái tên đó không lại là một câu hỏi khác.

Nhìn chung chúng ta ấn tượng với hiệu suất của dòng G5 và chúng ta có thể thấy rằng nó đang trở nên hấp dẫn đối với rất nhiều người, đặc biệt với các tính năng sáng tạo mới như TouchPad AF.

Máy ảnh DMC-g5 có khá nhiều tính năng điều khiển tự động, các bộ lọc kỹ thuật số và các chế độ mặc cảnh sẽ thu hút những người mới vào nghề hoặc những người chỉ đơn giản là ngắm và chụp.

Điều thích

Thiết kế tay cầm mới làm cho việc nắm và sử dụng G5 dễ chịu hơn so với mẫu tiềm nhiệm, trong khi nó cũng đem lại cảm giác chất lượng dựng sản phẩm được cải tiến.

Điều chưa thích

Đáng tiếc rằng những bộ lọc nghệ thuật không được đưa vào các chế độ chụp chỉnh tay hoặc bán tự động vốn rất hữu ích đối với những người muốn sáng tạo thêm.

Nhận định

Panasonic một lần nữa đưa ra một đề xuất hết sức thú vị trong kiểu dáng của dòng G5.; Việc mua chiếc máy ảnh này cùng với bộ đôi ống kính lens kit và một ống kính siêu di động 45-150mm mới hẳn sẽ mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị cho kỳ nghỉ hè này.

Hoa Nguyễn

Link: http://www.techradar.com/reviews/cameras-and-camcorders/cameras/digital-slrs-hybrids/panasonic-g5-1089292/review/page:1#articleContent

Chủ đề khác