VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh máy ảnh không gương lật đầu tiên của Canon - EOS M

Đầu tuần này, Canon đã cho ra mắt chiếc máy ảnh không gương lật đầu tiên của mình có tên Canon EOS M - chính thức bước vào phân khúc thị trường máy ảnh khá sôi động này. Canon EOS M được trang bị cảm biến CMOS định dạng APS-C 18 MP giống như trong Canon EOS 650D. Thêm vào đó, máy cũng có nhiều bộ phận cấu thành bên trong giống với Canon EOS 650D.

Bài đánh giá nhanh EOS M của TechRadar được VnReview tổng hợp dưới đây sẽ cho bạn thấy máy ảnh không gương lật của Canon có gì đặc biệt.

Thông số kỹ thuật của Canon EOS M:

•;            Cảm biến CMOS APS-C 18MP

•             ISO 100-12.800, mở rộng 25.600

•             Lấy nét lai Phase và Contrast (kết hợp lấy nét theo pha và lấy nét tương phản)

•             Chip xử lý DIGIC 5

•             Màn hình cảm ứng 3" 1,04 triệu điểm ảnh

•             Tốc độ chụp liên tiếp 4,3fps

•             Tốc độ ăn đèn 1/200s, tốc độ màn trập 1/4000s.

•             Trọng lượng: 262g (body)

•             Kích thước: 66,5 x 108,6 x 32,3mm

Ngàm ống kính

Khi Canon cho ra mắt máy ảnh EOS 650D với hệ thống tự động lấy nét lai (Hybrid AF) giúp cải thiện chất lượng lấy nét tự động trong chế độ xem sống Live View và video, người dùng có cảm giác rằng họ đang được trải nghiệm công nghệ không gương lật ở một chiếc máy ảnh DSLR.

Tuy nhiên, điểm khác biệt đáng kể giữa Canon EOS M và Canon EOS 650D là ở ngàm ống kính. Canon giới thiệu một ngàm ống kính mới trên Canon EOS M và đặt tên là ngàm EF-M. Ngàm ống kính này được đặt sát với cảm biến trên máy ảnh EOS M hơn so với ngàm ống kính trên các máy ảnh DSLR định dạng APS-C của Canon. Làm được điều này là vì không có phần gương lật, do đó kích thước máy cũng nhỏ hơn.

Canon EOS M không gương lật

Canon cũng giới thiệu 2 ống kính mới dành cho Canon EOS M là EF-M 18-55mm f/3.5-5.6 IS STM và EF-M 22mm f/2.0 STM. Trong đó, có lẽ ống kính tiêu cự 18-55 mm sẽ phổ biến hơn bởi độ linh hoạt của nó. Một điều dễ nhận thấy là so với ống kính EF-S 18-55mm chất liệu nhựa hiện tại thì ống kính EF-M 18-55mm làm từ kim loại sẽ có kích thước nhỏ hơn cũng như chất lượng tốt hơn.

Trong khi đó, ống kính EF-M 22mm f/2.0 có lẽ sẽ là nguồn cảm hứng để Canon chế tạo ra một chiếc máy ảnh không gương lật mới thu hút những người đam mê nhiếp ảnh. Bởi chính họ sẽ là những người đánh giá cao các tiện ích của một ống kính có thiết kế mở khẩu tối đa và chiều dài tiêu cự cố định.

Người dùng Canon có thể sẽ hài lòng khi biết rằng hãng này cũng đã ra mắt bộ chuyển ngàm ống kính EF-EOS M cho phép người dùng gắn ống kính EF và EF-S vào máy ảnh Canon EOS M. Bộ chuyển ngàm ống kính này không có mắt kết nối, mà thay vào đó là các điểm tiếp xúc giúp kết nối máy ảnh và ống kính.

Máy có hệ số nhân tiêu cự 1,6x

Giống với máy ảnh DSLR định dạng APS-C của Canon, Canon EOS M có hệ số nhân tiêu cự là 1,6x. Vì vậy, ống kính tiêu cự 18-55 mm sẽ cho phép chụp ảnh với góc nhìn tương đương ống kính tiêu cự 28.8-88 mm, và ống kính tiêu cự 22 mm thì tương đương với ống kính tiêu cự 35 mm.

Thị trường mới

Theo lời ông David Parry, người đứng đầu Canon Anh quốc, thì hãng này đang nhắm Canon EOS M tới một thị trường mới gồm những người tiêu dùng mong muốn một chiếc máy ảnh nhiều tính năng hơn so với máy ảnh compact, nhưng không có kích thước cồng kềnh hay các tùy chỉnh phức tạp như máy ảnh DSLR. Canon EOS M chính là chiếc máy ảnh dành cho người tiêu dùng muốn chụp những bức hình có chất lượng tốt hơn. Họ không nhất thiết phải là nhiếp ảnh gia hay có mong muốn trở thành nhiếp ảnh gia.

Ông Parry cũng cho rằng Canon EOS M sẽ không làm suy giảm doanh số bán ra máy ảnh compact cao cấp dòng G của Canon, bởi các nút điều khiển trực tiếp và nút quay điều chỉnh các tính năng (ví dụ như bù sáng) ở máy ảnh dòng G lại rất tiện lợi đối với người dùng còn thiếu kinh nghiệm.

Mặc dù nhắm đến thị trường là người mới bắt đầu chụp ảnh, Canon EOS M cũng có thể đáp ứng các yêu cầu của người dùng có kinh nghiệm. Ngoài các chế độ chụp cảnh, Canon EOS M còn có các chế độ như: Ưu tiên khẩu độ (Aperture Priority), Ưu tiên màn trập (Shutter Priority), Phơi sáng chỉnh tay (Manual Exposure) hay chế độ Tự động nhận cảnh thông minh (Scene Intelligent Auto) với tính năng tự động chọn cảnh phù hợp.

Tính năng

Giống với Canon EOS 650D, Canon EOS M được trang bị bộ cảm biến CMOS APS-C kích thước 22,3 x 14,9 mm và chip xử lý hình ảnh DIGIC 5, cho phép mở rộng độ nhạy sáng ISO từ 100-12.800 lên 25.600.

Với thiết kế không gương lật, cũng như được trang bị cảm biến và chip xử lý hình ảnh giống với Canon EOS 650D, thì Canon EOS M được trông chờ sẽ có một tốc độ chụp ảnh nhanh hơn Canon EOS 650D. Tuy nhiên, Canon EOS M lại không có được tốc độ chụp ảnh liên tục như của Canon EOS 650. Máy có tốc độ chụp ảnh 4,3 khung hình/ giây, thấp hơn so với 5 khung hình/giây ở Canon EOS 650D.

Tương tự Canon EOS 650D, các điểm ảnh trên cảm biến hình ảnh của Canon EOS M được thiết kế dành riêng cho cơ chế lấy nét theo pha (Phase detection) của hệ thống tự động lấy nét lai (Hybrid AF) 31 điểm. Thiết kế này của Canon EOS M nhằm kết hợp tốc độ của cơ chế lấy nét theo pha với độ chính xác của cơ chế nhận diện tương phản (Contrast detection).

Ngoài ra, Canon EOS M cũng cho phép tự động lấy nét toàn thời gian trong khi quay video.

Khác với các máy ảnh DSLR mới ra của Canon, máy ảnh Canon EOS M không có chế độ ngắm Viewfinder (cả quang học lẫn điện tử). Sự thiếu hụt này là do Canon EOS M có thiết kế không gương lật và màn hình LCD 3 inch độ phân giải 1,04 triệu điểm ảnh, sử dụng cả hệ thống tự động lấy nét lai (Hybrid AF) lẫn chế độ lấy nét bằng tay (có thể phóng to nếu cần thiết) để có thể chụp được hình ảnh sắc nét.

Tuy đều được trang bị màn hình cảm ứng, nhưng Canon EOS M lại có thiết kế màn hình cố định trong khi Canon EOS 650D có thiết kế màn hình lật xoay.

Canon EOS M sử dụng đèn flash ngoài Speedlite 90EX

Canon EOS M không được tích hợp đèn flash, mà thay vào đó sẽ sử dụng đèn flash ngoài Speedlite 90EX (có trong bộ kit gồm máy ảnh và ống kính). Người dùng có thể gắn đèn flash này lên hotshoe của máy. Với khoảng hoạt động 9m ở ISO 100, đèn flash ngoài Speedlite 90EX có thể được sử dụng để tăng ánh sáng hoặc hoạt động như một chiếc đèn flash chuyên nghiệp có tính năng kích hoạt các loại đèn flash không dây khác.

Tất cả các loại đèn flash ngoài Speedlite hiện tại của Canon đều tương thích với Canon EOS M.

Thiết kế

Canon EOS M có thiết kế giống như một chiếc máy ảnh compact Canon Powershot tầm trung nhưng với ống kính lớn hơn thông thường. Được thiết kế để người mới bắt đầu chụp ảnh có thể dễ dàng sử dụng, Canon EOS M không có các nút điều khiển cũng như nút quay điều chỉnh như ở Canon G1-X hay Canon G12.

Với thiết kế lớp vỏ hợp kim magie và thép không gỉ, Canon EOS M đem lại cho người dùng một cảm giác chắc chắn cũng như chất lượng cao.

Ở mặt sau của máy là một bánh xe điều khiển, xung quanh là các nút điều hướng (hay nút shortcut). Người dùng có thể sử dụng bánh xe điều khiển này để cuộn dọc các menu và điều chỉnh các thiết lập.

Canon EOS M không có bánh xe xoay chỉnh chế độ nào ở mặt trên máy, tuy nhiên có một nút gạt bao quanh nút màn trập cho phép người dùng lựa chọn giữa các chế độ Scene Intelligent Auto (ô vuông màu xanh), chụp ảnh và quay video. Ở chế độ chụp ảnh, người dùng có thể nhấp vào một biểu tượng ở màn hình để mở ra các lựa chọn khác nhau, bao gồm Chỉnh tay (Manual), Ưu tiên khẩu độ (Aperture Priority), Ưu tiên màn trập (Shutter Priority), chế độ Sáng tạo tự động (Creative Auto) hay các lựa chọn về chế độ cảnh.

Người dùng có thể sử dụng bánh xe điều khiển để tùy chỉnh thiết lập

Với thiết kế màn hình cảm ứng điện dung, màn hình của Canon EOS M rất nhạy và dễ dàng sử dụng. Người dùng chỉ cần chạm nhẹ vào các biểu tượng để tìm kiếm các chế độ chụp hình một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ngoài ra, người dùng cũng có thể nhấp vào bất kì tùy chọn nào trên màn hình Quick Menu hoặc sử dụng các nút điều khiển ở mặt sau của máy để điều chỉnh các thiết lập.

Thêm vào đó, Canon EOS M cũng có tính năng Pinch-to-zoom như ở Canon EOS 650D. Vì vậy, người dùng có thể dễ dàng phóng to, thu nhỏ hình ảnh, hay di chuyển tay để cuộn dọc các shot ảnh. Tính năng này của EOS M sẽ giúp cho người dùng thực hiện các thao tác nhanh chóng hơn và trực quan hơn so với việc sử dụng các nút điều hướng.

Khi dùng thử trong nhà, màn hình LCD của Canon EOS M mang đến chất lượng hiển thị rất tốt. Việc lấy nét thủ công khi cảnh được phóng to cũng rất ổn, các chi tiết thì rõ ràng và sắc nét. Tuy nhiên, màn hình Canon EOS 650D vẫn hơi bị lóa dưới ánh nắng mặt trời, vì vậy chúng ta có thể giả định rằng Canon EOS M cũng gặp phải vấn đề tương tự. Ngoài ra, dấu vân tay và vết ố cũng là điều không thể tránh khỏi khi sử dụng màn hình cảm ứng.

Hiệu năng

Tuy chưa thể kiểm tra kỹ chất lượng hình ảnh chụp bằng Canon EOS M, nhưng với cảm biến và chip xử lý hình ảnh DIGIC 5 giống như ở Canon EOS 650D thì có vẻ như chất lượng hình ảnh của Canon EOS M cũng khá tốt.

Trong khi chất lượng hình ảnh của Canon EOS M có thể được trông đợi là tương tự với chất lượng ảnh của Canon EOS 650D ở phần giữa khung hình, thì yếu tố ngàm ống kính mới của Canon EOS M có thể khiến việc duy trì chất lượng hình ảnh ở các góc của khung hình sẽ là một thách thức đối với Canon khi thiết kế ống kính cho Canon EOS M.

Một điểm cộng cho Canon EOS M là cả hai loại ống kính EF-M kể trên đều có chất lượng cao, và ống kính tiêu cự 18-55 mm thì đặc biệt gây ấn tượng hơn cả.

Với thiết kế không gương lật, Canon EOS M sẽ phải dựa vào hệ thống tự động lấy nét lai (Hybrid AF) của mình trong suốt thời gian làm việc. Ấn tượng đầu tiên về hệ thống này của Canon EOS M là khá tốt. Tuy vậy, người dùng sẽ cần phải sử dụng nó trong nhiều tình huống khác nhau trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Với hệ thống giống như ở Canon EOS 650D, Canon EOS M có hiệu năng hoạt động tốt, tuy nhiên lại thiếu chế độ Viewfinder và chế độ lấy nét theo pha (phase detection) dành riêng cho cảm biến AF.

Ở các phương diện khác như chế độ cân bằng trắng thông thường và khả năng đo sáng, rất có thể Canon EOS M sẽ là một sản phẩm hút khách.

Canon đã tung ra một số bức ảnh mẫu có độ phân giải cao được chụp bởi EOS M. Những bức ảnh này giúp cho người dùng có những đánh giá ban đầu về chất lượng hình ảnh của máy. Tuy nhiên, tốt hơn hết là người tiêu dùng nên chờ đợi để được tự mình chụp ảnh và đánh giá chất lượng hình ảnh của máy.

Ảnh chụp với ống kính EF-M 22mm f/2.0

Ảnh chụp với ống kính EF-S 18-135mm (kết nối bởi chuyển ngàm EF-M)

Ảnh chụp với ống kính Marco EF-S 60mm f/2.8 (kết nối bởi chuyển ngàm EF-M)

Ảnh chụp với ống kính EF-M 18-35mm

Kết luận

Nhìn chung thì Canon EOS M thực sự là một sản phẩm ấn tượng. Với thiết kế đẹp đẽ, chắc chắn, máy cung cấp nhiều khả năng tùy chỉnh cho những người đam mê nhiếp ảnh cũng như không gặp khó khăn trong việc chinh phục thị trường mục tiêu là người mới chụp ảnh.

Canon đã có bước đi đúng đắn khi sử dụng cảm biến APS-C. Tuy nhiên, với thiết kế không gương lật, hãng không tránh khỏi việc phải thiết kế ra một ngàm ống kính mới nếu như muốn tận dụng lợi thế về kích thước.

Canon EOS M

Mặc dù việc bộ chuyển ngàm EF-EOS M cho phép gắn thêm ống kính EF hay EF-S là một điểm hấp dẫn, thuyết phục người dùng Canon hiện tại chi tiền vào mẫu máy ảnh EOS M thì một số người tiêu dùng sẽ cân nhắc việc mua mẫu máy ảnh này. Bởi bộ chuyển ngàm này sẽ làm tăng thêm chiều dài ống kính, vì thế mà làm mất đi điểm lợi thế về kích thước của Canon EOS M.

Mục tiêu ban đầu của Canon khi thiết kế EOS M là sản xuất ra một chiếc máy ảnh chất lượng cao, dễ sử dụng và giúp thu hẹp khoảng cách giữa máy ảnh compact và máy ảnh DSLR. Với thiết kế đẹp mắt và các tính năng nổi bật của Canon EOS M thì dường như Canon đã gặt hái được nhiều hơn so với những gì mà họ mong đợi.

Phương Phương

Chủ đề khác