VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh bộ tăng âm và giải mã tín hiệu O2+ODAC "Made in Vietnam"

Khi đã được đưa xuống mức giá 1,6 triệu đồng cho mỗi sản phẩm, ODAC và O2 thực sự trở thành những lựa chọn không cần phải suy nghĩ cho tín đồ âm thanh tầm thấp/tầm trung.

Gần như chắc chắn, các tín đồ "chơi" tai nghe tại Việt Nam đều đã một lần nghe tới (và nghe thử) bộ đôi sản phẩm Objective2 và ObjectiveDAC do một kỹ sư bí ẩn mang biệt danh "nwavguy" thử nghiệm và sáng tác. Xuất hiện trên các diễn đàn mạng với quan niệm gay gắt rằng người chơi tai nghe đang bị các hãng sản xuất lợi dụng khi mua những sản phẩm giá cao có nhiều tính năng thừa thãi nhưng lại không cần thiết, nwaguy sau đó đã thiết kế ra chiếc amp O2 và góp phần tạo ra bộ giải mã tín hiệu số ODAC để chứng minh với cả thế giới rằng trải nghiệm âm thanh trung thực trong tầm giá rẻ là hoàn toàn có thể.

Với thiết kế mở do "thiên tài" nwavguy công bố, việc tự in bảng mạch và tự lắp ráp O2 và ODAC trở nên dễ dàng hơn.

Với chất lượng không cần phải bàn cãi, O2 và ODAC bắt đầu nổi danh tại Việt Nam từ khoảng thời gian 2012, 2013, tức là chỉ vài tháng sau khi 2 sản phẩm này được hoàn thiện. Với các tín đồ của âm thanh trung hòa và chính xác, bộ combo này gần như không có đối thủ trong tầm giá dưới 10 triệu đồng.

Đáng tiếc là tại Việt Nam, giá O2 và ODAC vẫn còn tương đối đắt đỏ. Phiên bản O2, ODAC được bán nhiều nhất trong nước đến từ nhà sản xuất JDS Labs, trong đó O2 hiện được bán với giá 3.850.000 đồng, còn ODAC được bán với giá lên tới 4.150.000 đồng (bản RCA). Trong khi O2 và ODAC vẫn được coi là các sản phẩm có tỷ lệ giá thành/giá trị mang lại rất tốt, mức giá này vẫn nằm ngoài tầm với của đông đảo người Việt. Cũng bởi giá thành mua mới cao như vậy nên cư dân mạng Việt Nam vẫn thường tìm đến bộ ODAC+O2 xách tay với giá mua cũ vào khoảng 5 triệu đồng.

Thật may mắn, đến bây giờ bạn đã có thể tận hưởng O2 và ODAC ở một mức giá thấp hơn rất nhiều: 3,2 triệu đồng cho cả amp và DAC. Bộ O2 và ODAC giá rẻ này đến từ dự án Objective DIY của "chetprophet" (tên thật: Tào Anh Thái), một thành viên khá nổi tiếng của giới âm thanh "tự chế" Việt Nam với nhiều sản phẩm đã từng đón nhận tích cực. Với mong muốn mang trải nghiệm âm thanh cao cấp tới mức giá thực sự nằm trong tay người Việt, chetprophet đã nghiên cứu in mạch từ thiết kế mở của O2 và ODAC, đồng thời tìm cách giảm giá thành sản phẩm bằng cách lựa chọn những linh kiện thay thế có giá thành mềm hơn trong khi vẫn giữ được chất lượng âm thanh.

Trong bài viết dưới đây, VnReview sẽ gửi tới bạn đọc những đánh giá chi tiết về bộ đôi O2+ODAC "Made in Vietnam".

Thiết kế và trải nghiệm sử dụng

Do được thiết kế để giảm giá thành tối đa nên O2 và ODAC của Objective DIY rất… xấu xí.

Trong khi phần khung đựng (chassis) của chiếc O2 DIY có kích cỡ ngang bằng với phiên bản của JDS Labs và Mayflower thì bản ODAC DIY lại to gấp rưỡi các phiên bản sản xuất tại nước ngoài. Bố cục các nút và cổng kết nối trên 2 chiếc ODAC và O2 này khá giống với bản thường, nhưng các dòng chữ và ký hiệu chú thích lại được in nguệch ngoạc, xấu xí hơn hẳn. Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, nếu không có các dòng chữ này thì chiếc ODAC và O2 DIY có lẽ sẽ… đẹp và sang trọng hơn.

Trải nghiệm sử dụng của ODAC và O2 DIY không hề có chút khác biệt nào so với các loại amp DAC thông thường. Bạn chỉ cần kết nối ODAC với máy tính qua cổng USB, nối dây 3.5 hoặc RCA (tùy phiên bản) giữa O2 và ODAC rồi kết nối tai nghe là có thể thưởng thức âm nhạc một cách thoải mái. ODAC không đòi hỏi phải có driver, tuy vậy bạn cũng có thể lựa chọn chuyển sang chế độ 24-bit/96khz trên Windows (nếu như bạn có nhạc 24 bit) và cài đặt plugin Wasapi cho ứng dụng Foobar nếu muốn.

Phiên bản O2 được Objective DIY cung cấp cho VnReview là phiên bản có 2 mức gain 2.5X (low) và 6.8X (high). Các mức gain cao sẽ khiến cho amp có thể tạo âm lượng dễ nghe hơn trên những chiếc tai nghe trở cao và/hoặc độ nhạy thấp như Sennheiser HD650 hay AKG K701 nhưng cũng sẽ tăng khả năng nhiễu âm khi sử dụng trên tai nghe trở thấp (tai nghe in-ear, các mẫu Grado…). Việc sử dụng tăng âm có mức gain cao như vậy cũng sẽ buộc người dùng phải cẩn thận khi vặn núm volume để tránh hư hại thính giác và hư hỏng sản phẩm, song Objective DIY cũng khẳng định việc chế tạo ra các mẫu O2 ODAC có gain thấp hơn cũng là rất dễ thực hiện.

Trải nghiệm âm thanh

Dù thiết kế của ODAC và O2 DIY vẫn còn khá xấu xí nhưng chất âm của 2 thiết bị này hoàn toàn xứng đáng với danh tiếng của "huyền thoại" nwavguy.

Được chế tạo từ thiết kế mở do nwavguy công bố, phiên bản ODAC và O2 vẫn mang trong mình chất âm đặc trưng của dòng sản phẩm Objective: chính xác và trung hòa. Đã có người từng nhận xét nghe nhạc qua O2 ODAC là nghe âm thanh nguyên bản của tai nghe, không bị thêm một chút màu nào từ amp và DAC. Điều này tiếp tục đúng với O2 và ODAC "tự chế" của Việt Nam.

Đầu tiên, chúng tôi thử nghiệm ODAC và O2 DIY với chiếc SR325is của Grado. Đây là một chiếc tai nghe nổi danh với dải trung (mid) ngọt ngào và âm tép khá "bạo lực", vừa phù hợp với nhạc Vocals tình cảm lại vừa phù hợp với các bản Metal mạnh mẽ. Trên các bản nhạc của Guns n' Rose, ODAC và O2 giúp tách biệt phần guitar của Slash và Izzy cũng như phần bass của Duff McKagan, các nốt không bị dính như khi dùng các loại amp DAC phổ thông. Âm treb bị nhiều người đánh giá là chói gắt của 325is khi được kết hợp với ODAC+O2 lại được thể hiện tự nhiên, không gặp tình trạng vỡ gắt hay lộn xộn, giúp cho tiếng cymbal và lead guitar của Guns n' Roses và các ban nhạc Heavy Metal khác phát huy đầy đủ nét đẹp quyến rũ của mình.

"Welcome to the Jungle" sẽ giúp phát huy đầy đủ thế mạnh của ODAC+O2 kết hợp cùng Grado SR325is.

Thử nghiệm tiếp theo là với AKG K612. Đặc trưng của K612 là các dải âm trung hòa, âm trường rộng rãi và lượng chi tiết tốt. Trải nghiệm cùng ODAC và O2 DIY tái hiện lại toàn bộ những đặc tính nói trên nhưng cũng làm bộc lộ toàn bộ những điểm yếu của K612: dải mid khô, dải bass không nhiều về lượng (dù xuống sâu) và dải treb sẽ bị gắt trên các bản thu chất lượng không cao, ví dụ như Heavy Metal thời kỳ đầu. Những đặc tính này giúp cho K612 trở nên thích hợp với nhạc hòa tấu, đặc biệt là khi ODAC và O2 giúp cho chiếc tai nghe giữ được cảm giác âm trường rộng rãi hơn so với khi sử dụng các bộ amp di động hoặc amp đèn. Âm hình của sự kết hợp này cũng đạt độ chính xác cao, đủ để bạn có thể hình dung không gian âm nhạc trong các buổi hòa nhạc unpplugged và thậm chí là… chơi game FPS.

Đĩa nhạc Một Thời Đã Xa được tái hiện rất tình cảm trên Yuin PK1 và ODAC O2.

Dù K612 có điện trở khá cao (120 ohm) nhưng chiếc O2 của chúng tôi vẫn cho âm lượng đủ nghe ở mức 10 giờ khi bật amp ở chế độ low gain (2.5X). Tương tự, O2 cũng không gặp bất cứ khó khăn gì khi "kéo" chiếc earbud Yuin PK1 (150 ohm). Chất mid được PK1 thể hiện khi kết hợp cùng O2 ODAC vẫn là chất mid ngọt ngào giàu nhạc tính, nhưng không bị làm màu tới mức… phát ngấy như khi kết hợp cùng một số máy nghe nhạc mà chúng tôi đã từng thử nghiệm. Khi thử nghiệm các đĩa nhạc Trần Thu Hà – Trần Tiến, Quang Lê – Chuyện Đôi Lứa và album tổng hợp Một Thời Đã Xa, có thể dễ dàng nhận thấy vì sao Yuin PK1 đã luôn là lựa chọn quen thuộc của các fan nhạc nhẹ tại Việt Nam. Đáng tiếc là trong khi ODAC và O2 có thể giúp tái hiện chân thực nét hiền hòa của PK1 thì bộ combo này lại có kích cỡ khá lớn và không được tích hợp pin để sử dụng di động.

Thử thách khó nhằn nhất đối với ODAC O2 lần này là chiếc Sennheiser HD540 xưa cũ với mức điện trở lên tới 600 ohm. Ở mức gain thấp, chiếc amp O2 vẫn "kéo" được HD540 lên mức âm lượng đủ nghe dù chưa phải vặn núm chỉnh lên mức tối đa. Âm thanh được ODAC và O2 tái hiện lại là thứ âm trong trẻo với âm trường rộng rãi, phù hợp với nhạc nhẹ và nhạc thính phòng. Tuy vậy, bộ combo này lại gặp hiện tượng sibilance (âm "S" trong giọng hát của ca sĩ bị chói) gây khó chịu khá nhiều. Hiện tượng này cũng có thể coi là ví dụ cho thấy chất âm "sạch" của O2 và ODAC khi không thêm thắt một chút gia vị nào để giúp HD540 xử lý hiện tượng sib tốt hơn.

Đáng tiếc là ODAC O2 cũng không thể che giấu hiện tượng sib khá nặng trên một số dòng tai nghe.

Trao đổi cùng VnReview, Objective DIY cũng chia sẻ thẳng thắn rằng chiếc ODAC DIY chưa đạt đến 100% chất lượng của ODAC do JDS Labs sản xuất. Tuy vậy, trong thử nghiệm thực tế so sánh giữa 2 sản phẩm, chúng tôi nhận thấy rằng sự khác biệt này khó để nhận thấy, đặc biệt là trên các dòng tai nghe tầm trung/tầm thấp vốn không có thế mạnh về chi tiết. Để nhận biết được sự khác biệt giữa JDS ODAC và ODAC DIY, bạn sẽ phải nghe đi nghe lại một đoạn nhạc nhiều lần: trong khi lượng chi tiết có thể coi là ngang bằng thì JDS ODAC có âm thanh vẫn sắc sảo và tách biệt hơn đôi chút so với ODAC DIY. Song, mức khác biệt này có lẽ chỉ là vào khoảng 5% và đòi hỏi người nghe phải tập trung nghe phân tích qua nhiều lần thử nghiệm. Trong trải nghiệm thưởng thức âm nhạc thông thường, những gì mà ODAC DIY thể hiện vẫn tốt cho mức giá bằng 1/2 giá của JDS ODAC.

Để bạn đọc có đánh giá tổng quan hơn, chúng tôi cũng đã so sánh 2 chiếc ODAC và O2 DIY với bộ combo ODAC+O2 do Mayflower chế tác và một bộ combo khác được lắp ráp thủ công từ bảng mạch do JDS sản xuất. Kết quả thử nghiệm cho thấy các phiên bản này không khác biệt về chất lượng âm thanh (và do đó vẫn kém hơn một chút so với phiên bản hoàn thiện của JDS Labs). Riêng bản O2+ODAC của Mayflower gặp hiện tượng clipping khá rõ rệt khi bật high-gain, dù cả DAC và amp đều được lắp chung bên trong thân máy.

Kết luận

Vào thời điểm ODAC và O2 ra đời, chất lượng âm thanh tuyệt hảo cùng mức giá tương đối thấp của bộ đôi amp/DAC này đã giúp cho 2 tác phẩm của nwavguy nhanh chóng được cộng đồng tai nghe toàn cầu đón nhận vô cùng tích cực. Cho đến tận bây giờ, 3 năm sau ngày nwavguy "mất tích" khỏi thế giới mạng, những cuộc thảo luận sôi nổi về ODAC và O2 vẫn tiếp tục sôi nổi qua từng ngày, và các tín đồ âm thanh vẫn có thể lựa chọn bộ combo này để thưởng thức một trải nghiệm âm nhạc khó bì kịp trong tầm giá dưới 500 USD.

Với 2 chiếc ODAC và O2 được tập trung sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, Objective DIY đã làm được một điều tưởng chừng như không thể: kéo bộ amp dac chất lượng cao của nwavguy xuống mức giá hấp dẫn hơn trước nhiều lần, tối đa mức giá trị/giá thành mà 2 sản phẩm này mang lại tới hết mức có thể. Ở mức giá 1,6 triệu đồng cho phiên bản jack cắm 3.5 (cả ODAC và O2) và 1,8 triệu đồng cho phiên bản RCA, bộ ODAC và O2 của Objective DIY vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu về ngoại hình. Song, với những tín đồ chỉ quan tâm tới chất lượng âm thanh, bộ combo ODAC và O2 "Made in Vietnam" này là một lựa chọn đáng cân nhắc trong tầm giá thấp.

Điểm mạnh

+ Chất âm trung hòa.

+ Chất lượng ngang ngửa ODAC, O2 của JDS Labs.

+ Giá thành hấp dẫn.

+ Thiết kế chắc chắn

Điểm yếu:

- Ngoại hình xấu xí.

- Chất âm có thể không phù hợp với một số mẫu tai nghe.

Gia Cường

Chủ đề khác