VnReview
Hà Nội

Đánh giá tai nghe Grado iGe: Xứng danh nhà Grado

Ở mức giá rất dễ chịu, Grado iGe mang trong mình chất âm có thể chinh phục được cả các audiophile khó tính nhất. Và, xứng đáng với tên gọi của nhà Grado, đây cũng là một trong số ít những chiếc in-ear có thể "chiến" Metal.

Với chất âm giàu sức sống đặc trưng, Grado đã luôn là một trong những thương hiệu tai nghe được giới audiophile ưa chuộng nhất từ trước tới nay. Tuy vậy, những chiếc Grado truyền thống đều mắc phải một điểm yếu chung: chúng để lọt rất nhiều âm thanh và do đó hoàn toàn không phù hợp với mục đích di động.

Bước sang thời đại mới, Grado khắc phục vấn đề này bằng cách lần đầu tiên ra mắt dòng tai nghe in-ear do được hãng này trực tiếp thiết kế và thuê gia công tại Nhật Bản hoặcTrung Quốc. Đáng tiếc là 3 chiếc in-ear đầu tiên của Grado không được ưa chuộng như các mẫu on-ear của hãng, trong đó phần lý do lớn nhất không phải là bởi chúng quá dở, mà là bởi cả iGi, GR8 và GR10 đều không mang tới chất âm đặc trưng của "nhà" Grado, vốn đã hàng thập kỷ chinh phục các fan với trung âm dày dặn, tép sáng và bass gọn đã từng được cả các fan Metal, Jazz lẫn Vocals mê đắm.

Nhưng chỉ vài tháng sau khi các mẫu Prestige và Reference huyền thoại được nâng cấp lên thế hệ e-series và nhận được sự tán thưởng tuyệt đối của các fan âm thanh, Grado cũng đã nâng cấp các dòng in-ear của mình để phục vụ các fan ruột tốt hơn. GR8e đã được giảm xuống 32ohm thay vì mức 120ohm như trước; GR10e đã có thêm 2 khe thoát khí để gia tăng lượng bass.

iGe là mẫu in-ear cuối cùng được nâng cấp lên e-series, mới chỉ kịp ra mắt trong tháng 4 vừa qua. Ở mức giá chỉ 2,4 triệu đồng (giá tham khảo nhà phân phối SV House – loa.com.vn), iGe hiện là chiếc Grado có giá dễ chịu thứ 2 tại Việt Nam, chỉ đắt hơn duy nhất eGrado. Đây cũng là chiếc tai nghe duy nhất có gắn mic và các phím âm thanh với trọng tâm rõ ràng đặt vào đối tượng người dùng trẻ tuổi chưa muốn đầu tư quá nhiều vào âm thanh chất lượng cao.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng iGe là một chiếc tai nghe dở. Trái lại, chiếc in-ear giá rẻ này hoàn toàn có thể được coi là thành công đầu tiên của Grado khi mang chất âm truyền thống của mình lên thời đại di động.

Thiết kế và trải nghiệm sử dụng

Ngay cả những chiếc in-ear Grado cao cấp như GR8 và GR10 cũng không bộc lộ vẻ cao cấp qua cái nhìn đầu tiên, và với iGe, những giới hạn của giá thành lại càng lộ rõ hơn bao giờ hết. Có lẽ phần đông người dùng bình thường đều sẽ không nhận ra chiếc iGe bạn đang đeo trên tai có giá tới 2,4 triệu đồng bởi toàn bộ các chi tiết đều "bình thường" như những chiếc tai nghe phổ thông giá vài trăm nghìn: dây nối có vẻ khá mỏng manh thay vì làm dạng dẹt khá phổ biến hiện nay, phần nối giữa củ tai với dây cũng như jack cắm được làm bằng chất liệu cao su mềm, các nút bấm cũng chẳng có gì bóng bẩy cả. Chiếc in-ear giá rẻ của Grado đen từ đầu đến chân và thậm chí còn không đi kèm túi đựng.

Nhìn chung, đây đúng là một chiếc tai nghe có mục đích là để… nghe, bởi cả giá trị "khoe khoang" lẫn giá trị thời trang đều gần bằng 0.

Trải nghiệm sử dụng của iGe cũng hoàn toàn bình dân như những chiếc in-ear tối ưu cho smartphone khác, bất tiện nhất là bạn sẽ cần mua thêm túi đựng để mang iGe theo mình hàng ngày. Do được chứng nhận MFi nên iGe sẽ hoạt động đầy đủ tính năng trên iPhone và iPad, cho phép người dùng thao tác bật, ngừng, chuyển bài, chỉnh âm lượng không khác gì tai nghe EarPod. Trên những chiếc smartphone Android, iGe thường chỉ thực hiện được tính năng của nút giữa. Chất lượng mic cũng dừng ở mức khá ổn, không có hiện tượng méo tiếng hay thu quá nhiều tiếng ồn từ môi trường.

Nhờ sử dụng chất liệu nhựa và cao su nên iGe rất nhẹ, cho phép người dùng có thể sử dụng thoải mái trong hàng giờ liên tục. Kích cỡ của chiếc tai nghe này cũng vừa đủ nhỏ để nằm gọn trong tai của người viết; độ bám vừa đủ để không lo tai nghe rơi ra ngoài khi chạy bộ. Điểm khó chịu nhỏ duy nhất là dây tai nghe vẫn có hiện tượng microphonic (dẫn âm), tạo ra tiếng động cảm nhận được khi bạn chạm vào dây tai nghe. Đây là vấn đề xảy ra với toàn bộ những chiếc in-ear ở phân khúc giá thấp mà chúng tôi đã từng thử nghiệm, song thật may mắn là bạn có thể lựa chọn vị trí sử dụng nhằm giảm thiểu tiếng ồn gây ra.

Điểm đặc biệt về iGe cũng như những chiếc in-ear Grado khác là độ bền của chúng hoàn toàn tương phản với vẻ ngoài mỏng manh. Trong trải nghiệm của chúng tôi với chiếc in-ear này, jack cắm và dây nối có đủ khả năng để chịu đựng các động tác kéo dãn ở mức độ hợp lý mà không gặp phải bất kỳ hư hại nào cả. Do jack cắm hình chữ L và phần cong được tạo thành từ nhựa đàn hồi, bạn có thể yên tâm sử dụng iGe với smartphone hay laptop mà không lo gặp hiện tượng cong chân cắm dễ xảy ra với jack chữ I thông thường.

Chất âm

Ẩn trong lớp vỏ "bình dân" là một chất âm hấp dẫn hiếm thấy ở tầm giá dưới 3 triệu đồng.

Hai tips hình nón

Đầu tiên, cần phải lưu ý rằng iGe sẽ thay đổi chất âm khá rõ rệt khi thay đổi tips (mút nhét tai). Grado cung cấp cho iGe 4 loại tips, trong đó loại 2 tầng (một cặp màu đen và một cặp màu trắng) cho ra chất âm giống nhau với phần treb (dải cao) gặp phải hiện tượng gắt nhiều hơn các loại tips khác. Loại tips bọt biển đi cùng gần như không gặp hiện tượng treb gắt nhưng lại có quá nhiều bass so với sở thích của người viết. Do đó, trong bài viết này chúng tôi sẽ thực hiện đánh giá với loại tips cho chất âm cân bằng nhất: tips hình nón.

Với iGe, những bản Metal có chất lượng thu âm tốt sẽ khiến bạn ngỡ ngàng.

Đầu tiên, iGe được thử nghiệm với thể loại có lẽ là được nhiều fan Grado Việt Nam yêu thích nhất: Metal. Dòng nhạc kim loại thường xuyên là gót chân Achilles của những chiếc in-ear thông thường do chúng tạo ra quá nhiều dải trầm và do đó không thể kiểm soát được tốc độ trống/bass. iGe không mắc phải điểm yếu đó: trong Rise của Pantera, chiếc in-ear giá rẻ của Grado tái hiện lại các câu riff guitar một cách rành mạch và chi tiết nhờ có phần bass gọn chắc cùng phần trung âm dày dặn. Đây cũng chính là chất bass đặc trưng của Grado, không đủ sức để tạo ra trải nghiệm EDM thỏa mãn nhưng lại rất phù hợp để chơi tạp và đặc biệt là không làm hỏng nhịp trống "băm chả" của Thrash Metal. Phần cuối cùng để tạo ra công thức âm thanh Grado nằm trong dải tép của iGe: đây không phải là chất trebtơi hay "leng keng" thường được thèm muốn mà là âm treb mang hơi hướng"bạo lực" từng được thể hiện trên rất nhiều mẫu Prestige của Grado.

Nếu bạn đã từng quen thuộc với chất tép của hãng tai nghe đến nay vẫn tự sản xuất thủ công tại Mỹ, bạn có thể hình dung treb của iGe nằm giữa SR60e và SR60 bản gốc. Dĩ nhiên, chất tép như vậy cũng có thể bộc lộ điểm yếu trên dòng nhạc Vocals nữ, đặc biệt là với các ca sĩ gặp hiện tượng sib (gắt ở âm "s") khá nặng như Candice Night (của Blackmore's Night) hay Tarja Turunen (Nightwish). Nguồn phát càng kém thì điểm yếu này bộc lộ càng rõ, ví dụ như khi bạn nghe nhạc qua YouTube chẳng hạn.

Các fan ruột của Grado biết rằng những chiếc tai nghe này chơi Vocals acoustic hay không kém gì Metal, và iGe cũng vậy.

Nhưng hiện tượng chói gắt ở đây vẫn còn khá nhẹ so với những chiếc tai nghe in-ear cùng tầm giá của VSonic hay Klipsch. Thực tế là trong những bản nhạc Vocals nữ nhẹ nhàng của Việt Nam (Hà Trần, Thùy Chi, Thu Phương), iGe đều bộc lộ rõ vẻ đẹp tình cảm, đằm thắm thường thấy của trung âm Grado mà không hề gặp hiện tượng chói trên dải treb. Với Hoa Tím Ngày Xưa của Thu Phương hay Tóc Gió Thôi Bay của Hà Trần, tiếng guitar đệm luôn tạo ra không gian thoáng đãng đến bất ngờ cho giọng hát của 2 nữ diva hàng đầu Việt Nam.

Với các thể loại Vocals nam hay nữ trầm thì iGe còn thành công hơn nữa. Trong Bên Đời Hiu Quạnh của Khánh Ly, giọng hát của nữ ca sĩ huyền thoại luôn giữ được độ dày và độ mượt vừa phải, không gặp hiện tượng mỏng hay gai góc như những chiếc tai nghe V-shaped hy sinh dải trung để nhấn treb và nhấn bass. Điểm đáng chú ý ở đây là dù hơi thiên sáng nhưng iGe vẫn kết hợp cực kỳ hợp lý giữa 3 dải âm, không có một dải âm nào quá lấn át hay quá kém cỏi: bass không ù rền, mid không quá tiến hay quá lùi, treb chưa thực sự vượt qua giới hạn của tầm giá nhưng cũng không đến nỗi "thảm họa" như Jelly Galaxy (quá thiếu) hay SR225i (quá gắt).

Cũng giống như các đàn anh MS1 và SR325e, iGe đánh tạp rất tốt.

Cũng nhờ 3 dải cân bằng hợp lý cùng một chút nhấn nhá vào dải treb mà iGe tạo ra âm trường khá rộng rãi, đặc biệt là khi tính tới mức giá 2,4 triệu đồng của chiếc tai nghe này. Dĩ nhiên, bạn không thể mong chờ âm trường đạt đến tầm cỡ của SR325e (vốn cũng không phải là rộng), nhưng những gì iGe làm được thì quả là quá ấn tượng với mức giá. Trong các bản nhạc có sử dụng nhiều tới dàn nhạc dây, chúng tôi luôn cảm giác được rất rõ độ rộng và độ cao của âm trường. So với một chiếc in-ear cũng nổi tiếng nhờ dải mid là Shure SE215, iGe đem lại cảm giác thoáng đãng hơn hẳn. Ngược lại, âm trường iGe cũng không hề thua kém chiếc in-ear giá rẻ khá nổi tiếng nhờ âm trường là Gr07 nhưng cũng không cần phải hy sinh dải mid như đối thủ Trung Quốc.

Tuy vậy, âm trường của iGe chưa thực sự đạt đến độ sâu mong muốn bởi người nghe vẫn sẽ cảm nhận các nhạc cụ bị dàn hàng ngang khá rõ. Điều đó cũng có nghĩa rằng âm hình của iGe vẫn còn thua kém nhiều so với các đàn anh Prestige hay Reference.

Điểm thú vị nhất về iGe nằm ở khả năng bộc lộ các chi tiết mà những chiếc tai nghe cấp thấp có thể bỏ lỡ. Nếu bạn chưa từng sử dụng những chiếc tai nghe audiophile, iGe nằm trong số ít những đôi in-ear giá "mềm" có thể giúp bạn muốn cảm nhận lại bài hát ưa thích của mình thông qua những chi tiết mà tai nghe game, loa di động hay… tai Beats thường bỏ lỡ. Điểm mạnh này được bộc lộ rõ nhất qua các bản nhạc êm dịu được hòa âm tốt như No Matter What của Boyzone hoặc Let Her Go của Passenger.

iGe nằm trong nhóm tai nghe giá rẻ có thể giúp bạn "khám phá" lại các bản nhạc quen thuộc.

Là một chiếc tai nghe hơi thiên sáng, iGe sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ chất lượng nguồn phát. Đầu tiên, các bản nhạc thu âm kém chắc chắn sẽ khiến bạn khó chịu qua những âm sạn khó nghe, do đó chúng tôi cho rằng chiếc tai nghe này sẽ không phù hợp với trải nghiệm nghe nhạc từ YouTube. Bù lại, iGe cũng sẽ được cải thiện đáng kể khi kết hợp cùng các bộ amp DAC chất lượng cao.

Ví dụ, trong thử nghiệm cùng chiếc iFi iDSD Micro có kết hợp bộ lọc iPurifier2, thứ âm thanh trong trẻo nhưng vẫn analog của iFi sẽ đưa iGe lên một tầm cao trải nghiệm hoàn toàn mới: tép gần như không còn gắt, mid mượt như lụa và bass cũng dày dặn, ấm áp hơn. Dĩ nhiên, có lẽ sẽ không có ai mua amp DAC có giá tới 15 triệu đồng để phục vụ cho tai nghe 2,4 triệu đồng, nhưng trong trường hợp bạn chọn iGe để bắt đầu hành trình audiophile, khi bạn nâng cấp chiếc Grado giá rẻ vẫn sẽ có chỗ đứng vững chắc trong trải nghiệm âm nhạc của bạn.

Kết luận

Đã từng khá thất vọng với 3 chiếc in-ear Grado đầu tiên của thế hệ i-series, chúng tôi rất bất ngờ với những gì iGe mang lại. Ở mức giá 2,4 triệu đồng (giá tham khảo từ nhà phân phối chính hãng SVHouse – loa.com.vn), Grado đã mang tới trải nghiệm tai nghe được nhiều fan Grado thèm muốn từ lâu khi kết hợp thành công chất âm đặc trưng của Grado với thân hình nhỏ gọn và khả năng cách âm tốt của kiểu dáng in-ear ở mức giá chỉ nhỉnh hơn SR60e một chút.

Dĩ nhiên, là một chiếc in-ear ở tầm giá 100 USD, iGe hoàn toàn không có cơ hội để cạnh tranh trực diện với những chiếc Grado cỡ lớn đã trở thành huyền thoại như SR325e hay RS2e. Tuy vậy, nếu bạn đã có sẵn một bộ thiết bị âm thanh cao cấp để kéo các mẫu Grado Prestige hay Reference, iGe sẽ là lựa chọn bổ sung tuyệt vời để bạn không phải rời xa âm thanh Grado trong những chuyến đi xa nhà.

Chiếc in-ear cấp thấp của Grado cũng sẽ là lựa chọn rất hợp lý để bước chân vào thế giới tai nghe nhờ chất âm dễ đánh tạp, dễ nghe hơn hẳn so với những lựa chọn entry-level khác như Shure SE215 hay Klipsch S4. Điểm yếu trầm trọng nhất của chiếc in-ear giá rẻ từ Grado là thiết kế hơi xấu, nhưng quả thật trong suốt lịch sử tồn tại tai nghe Grado chưa bao giờ là một lựa chọn thời trang cả. Nếu chất lượng âm thanh là yếu tố quan trọng nhất cho quyết định mua sắm của bạn, Grado iGe chắc chắn sẽ mang đến cảm giác hài lòng tuyệt đối trên từng đồng bạn bỏ ra.

Điểm mạnh:

+ Âm thanh đặc trưng của Grado.

+ Một trong số ít những chiếc in-ear giá rẻ chơi được Metal.

+ Là chiếc Grado duy nhất tối ưu hết mức cho di động.

+ Giá dễ tiếp cận: 2,4 triệu đồng từ SV House.

Điểm yếu:

- Thiết kế không đẹp, bộc lộ rõ giới hạn của tầm giá.

- Không đi kèm túi đựng.

Gia Cường

Chủ đề khác