VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh bàn phím i-Rocks K50E

Bàn phím cơ đang là "mốt" hiện nay, và hầu hết các nhà sản xuất đều đang bắt kịp trào lưu, đưa ra những bàn phím cơ dành cho game thủ.

Ngoài chất lượng switch vốn tốt hơn bàn phím cao su thường, phím cơ cho game thủ thường được trang bị những tính năng như đèn LED hay phím macro chuyên dụng cho game. Tuy nhiên giá thành cũng là một rào cản với những người muốn chơi phím cơ. Nếu như chưa sẵn sàng đầu tư vào một bộ phím cơ cho game, bạn có thể thử những bàn phím giá bình dân hơn.

i-Rocks, một thương hiệu khá quen thuộc với các sản phẩm phím, chuột đã giới thiệu nhiều sản phẩm bàn phím cho game thủ. K50E thuộc dòng Golem Series dành cho game thủ, là bàn phím cao su cao cấp nhất của hãng, có giá 1,25 triệu đồng. Tuy không phải phím cơ nhưng K50E vẫn cho cảm giác gõ phím khá tốt cùng nhiều tính năng giá trị cho game thủ.

Thiết kế

Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào K50E chính là thiết kế đơn giản nhưng cũng khá bắt mắt của sản phẩm. Bàn phím này sử dụng tông màu đỏ - đen thường thấy trên các sản phẩm dành cho game, với phần mặt phím màu đen và viền, mặt sau màu đỏ.

Mặt trước hộp được thiết kế theo phong cách gaming với hình ảnh bàn phím cùng biểu tượng GOLEM SERIES

Bàn phím có kiểu dáng cơ bản, gọn gàng như phím tiêu chuẩn. Layout của phím cũng rất bình thường, chỉ bổ sung thêm 3 phím âm lượng và phím chọn chế độ ở phía trên bàn phím số và không có các phím riêng cho macro. Ở phía trên các phím media là các đèn báo lock quen thuộc, cùng với một đèn báo trạng thái chế độ (mode) phím đang sử dụng.

Kiểu dáng bàn phím rất cơ bản, không quá ngầu như nhiều loại bàn phím gaming khác

Theo nhà sản xuất, keycap của phím được làm từ nhựa PBT, loại nhựa được đánh giá cao hơn về độ bền so với ABS. Qua vài tháng sử dụng, ngoại hình keycap vẫn còn mới, không bị bóng, các ký tự cũng không bị ảnh hưởng gì. Đây là điểm cộng đối với những người thao tác với phím rất nhiều như khi chơi game.

Cạy nắp kepcap lên, có thể thấy cấu trúc kết hợp giữa đòn bẩy (scissor) và núm cao su

Góc bên phải trên cùng là cụm điều khiển âm lượng và phím menu để chọn các chế độ turbo typing

Ký tự trên phím được khắc, phông chữ hơi kiểu cách, không dễ đọc. Ở phím space bar và enter có biểu tượng của nhà sản xuất và dòng sản phẩm, ngoài ra phím không có điểm nhấn nào khác về mặt ngoại hình.;Keycap của phím này là dạng mỏng, ngoài kết nối với switch thì còn có bốn lỗ cắm ở góc nên tháo ra hơi khó, kể cả dùng puller. Đèn bàn phím hơi giống màu cam hơn là màu đỏ, chỉ có một chế độ sáng đều và một mức sáng.

Mặt sau của bàn phím được thiết kế khá nhiều lỗ thoát nước và 3 lỗ đi dây

Mặt dưới bàn phím được bố trí hai khe đi dây để người dùng tiện bố trí đặt bàn phím. Bốn chân cao su ở 4 góc giúp giảm sự xê dịch khi đặt trên bàn, tuy nhiên trong quá trình sử dụng, khi đặt trên bàn gỗ trơn thì tôi thấy bàn phím vẫn bị xê dịch khi đẩy bằng lực vừa phải. Chân nâng bàn phím chỉ có một nấc và cũng có đế cao su.

Dây USB của K50E được gắn liền và dài 1,5m, đủ để đi dây một cách linh hoạt. Dây không được bọc lưới, đầu USB cũng không được mạ vàng nên nhìn khá thường, không sang như nhiều sản phẩm khác. Bù lại thì sợi dây này có một dây buộc gắn liền, giúp tiện hơn trong việc buộc các phần dây thừa.

Người dùng còn có thể tắt đèn led một cách nhanh chóng bằng cách ấn phím PrtSC trong 2 giây

Thương hiệu I-Rocks được in cạnh sau bàn phím

K50E được thiết kế theo cấu trúc Scissor - đòn bẩy đôi thay vì dùng núm cao su. Đây là kiểu bàn phím thường thấy trên laptop và các bàn phím siêu mỏng, nhưng với thiết kế của i-Rocks, bàn phím này vẫn có độ dày đủ để đảm bảo hành trình phím. Điều này giúp cải thiện đáng kể trải nghiệm sử dụng, chúng tôi sẽ chia sẻ phía dưới.

Trải nghiệm

Do kết hợp cả cấu trúc Scissor và núm cao su, trải nghiệm gõ phím của K50E khá ổn. Cấu trúc đòn bẩy giúp cho phím chắc chắn hơn, đỡ bị xê dịch khi đặt ngón tay vào, đồng thời cũng giúp lực nhấn xuống và lực phản hồi trải đều về 4 góc của phím. Vì thiết kế không quá mỏng, hành trình phím khá dài (theo i-Rocks là 3,8 mm), không tạo cảm giác bị nhấn tay xuống đáy phím (bottom out) thường xuyên như trên bàn phím laptop. Tóm lại, cảm giác gõ phím trên K50E tốt hơn các bàn phím cao su thông thường. Độ ồn khi gõ cũng nhẹ hơn, dễ chịu hơn so với phím cơ.

Tất nhiên, do cơ chế cấu tạo và vật liệu, K50E không thể đem lại cảm giác tốt như trên phím cơ. Núm cao su có độ nảy yếu hơn lò xo trên phím cơ, và cũng không đem lại cảm giác về độ phản hồi và tiếng gõ giúp người dùng biết phím đã được kích hoạt (tactile và clicky) như phím cơ. Nếu chưa dùng phím cơ thì có thể bạn sẽ không quan trọng những cảm giác này, nhưng khi gõ hai loại phím song song thì bạn sẽ nhận ra ngay.

Ngoài ra, núm cao su cũng không thể bền được bằng cấu trúc nhựa của phím cơ, dù i-Rocks tự tin cho biết tuổi thọ phím là 30 triệu lần bấm (phím cơ thường có tuổi thọ trên 20 triệu lần). Có thể nếu dùng để gõ văn bản hoặc chơi game hàng ngày thì giới hạn hỏng của phím là quá cao, nhưng nếu như trang bị cho phòng game, với nhu cầu sử dụng gần như 24/24 thì người mua cũng cần cân nhắc yếu tố này.

K50E có 4 chế độ phím, bao gồm Normal, Turbo 13, Turbo 50 và Turbo 120, trong đó 2 chế độ sau chỉ kích hoạt được khi cắm qua cổng PS/2 (hãng có tặng kèm). Nếu cắm phím qua cổng USB thì phím chỉ đạt giới hạn anti-ghosting là 13 phím, trong khi cổng PS/2 hỗ trợ 24 phím (chỉ ở vùng khoanh màu vàng trong hình).

Khi bật một trong ba chế độ chơi game (Turbo) thì phím Windows sẽ bị tắt, tránh trường hợp bạn ấn nhầm khi đang chơi game. Con số ở tên chế độ tương ứng với số phím/phút mà bàn phím hỗ trợ. Tốc độ nhận phím cao sẽ cần thiết hơn với các thể loại như RTS hoặc MOBA.

Với một tựa game FPS như CS:GO, bàn phím đóng một vai trò quan trọng trong mỗi round đấu. Ngoài việc di chuyển hay rút súng đơn thuần, ở cấp độ cao hơn, người chơi còn cần nhanh tay xử lý các tình huống như đảo hướng di chuyển để ngắm bắn tốt hơn. K50E dù không tối ưu để chơi game, nhưng phản hồi phím tốt cũng đáp ứng được yêu cầu.

Với tựa game Dota 2, vai trò của bàn phím trở nên quan trọng hơn nhiều khi người chơi yêu cầu tới những combo phức tạp đòi hỏi bàn phím hoạt động như ý muốn. Không được trang bị những phím macro hay phần mềm hỗ trợ như các bàn phím chuyên về game, khiến việc combo nhiều skill một lúc khó khăn hơn. Nhưng với phân khúc dưới 2 triệu đồng, cũng không có nhiều sản phẩm phím cơ được trang bị những chức năng đó.

Một trong những thiếu sót khiến bàn phím này khó trở thành lựa chọn của những game thủ "nghiêm túc" là thiếu mất phần mềm điều khiển để có thể map lại phím theo chức năng mong muốn. Ở khía cạnh sử dụng thông thường, cụm phím chức năng của K50E hơi thiếu khi chỉ trang bị ba phím âm lượng, nếu có phím điều khiển media thì sẽ đầy đủ hơn.

Tổng kết

i-Rocks K50E được quảng bá như là một bàn phím dành cho game thủ, nhưng tôi cảm thấy nó phù hợp với nhu cầu sử dụng thông thường hơn. Dù về cơ bản là bàn phím cao su, cách thiết kế tốt giúp cho cảm giác gõ phím đã tay hơn bàn phím thông thường, cùng với ngoại hình khá đẹp mắt. Chất liệu PBT trên keycap cũng giúp đem lại độ bền cao hơn các loại bàn phím phổ thông.

Tuy nhiên về chức năng cho game, bàn phím lại không có phần mềm điều khiển, và chỉ hỗ trợ một số tính năng cơ bản như khóa phím Windows, chế độ nhận phím nhanh… Do vậy nó vẫn chưa thể là một bàn phím chuẩn cho game thủ.

Giá bán của K50E là 1,25 triệu, mức cao so với bàn phím cao su thông thường. Ở mức giá này bạn cũng chưa tìm được loại phím cơ chất lượng cao, chỉ có những hàng xách tay giá rẻ sử dụng switch của Kailh hoặc một số loại switch khác của Trung Quốc. K50E có lợi thế về chất lượng build, nhưng nếu muốn biết cảm giác phím cơ như thế nào thì bạn cũng có thể thử những lựa chọn giá rẻ.

Ưu điểm:

- Thiết kế đẹp, chất lượng gia công tốt.

- Cảm giác gõ phím tốt hơn so với bàn phím membrane thông thường

- Một số tính năng hỗ trợ cho game thủ

Nhược điểm:

- Không có phần mềm điều khiển

- Mức giá cao so với tính năng

Chủ đề khác