VnReview
Hà Nội

Trải nghiệm tai nghe custom A10 giá 43,5 triệu đồng của 64 Audio

64 Audio là hãng tai nghe của Mỹ tập trung chủ yếu về tai nghe custom và mới đây cũng ra một vài mẫu tai nghe thông thường (universal). Tất cả tai nghe của 64 Audio đều được làm tại Mỹ. Điểm đặc biệt khiến 64 Audio khác với những hãng tai nghe khác đó là việc sử dụng một module để giảm áp lực không khí tạo ra bởi tai nghe in-ear, giúp tai không bị "mệt" khi dùng lâu và chống lại hiện tượng suy giảm thính lực.

Mới đây, hãng này đã ra mắt bộ đôi A18tzar và FOURTÉ sử dụng công nghệ "TIA" mới nhất của hãng có mức giá bán lên tới hơn 95 triệu đồng. Chiếc 64 Audio A18tzar cũng là chiếc tai in-ear đắt nhất và có nhiều driver nhất thế giới hiện tại với tổng cộng 18 driver cho mỗi bên.

Trước tiên, chúng ta cũng điểm qua chút về tai nghe in-ear custom (còn được gọi là Custom IEM hoặc CIEM). Tai nghe custom là dạng tai nghe có phần vỏ (shell) được làm dựa trên cấu tạo của chính khoang tai và ống tai của người nghe, lắp sẽ vừa khít tai mà không cần foam hay tips. Vì đem lại độ thoải mái và cách âm cao nên tai nghe custom thường được các ca sĩ, nhạc công sử dụng. Nếu các bạn để ý thì đa số các ca sĩ nước ngoài đều dùng tai custom làm tai monitor. 64 Audio hiện cung cấp tai nghe cho nhiều ca sĩ nổi tiếng như Beyonce và Kanye West…. VnReview đã có Tìm hiểu về tai nghe Custom IEM, bạn đọc quan tâm có bấm vào link bài viết để tham khảo.

Chia sẻ chút là trước đây mình chơi những bộ DAC – AMP để bàn và tai nghe chụp (fullsize), nhưng mua đồ về toàn để không vì mỗi lần bật tắt nhiều thiết bị, ngại bật ngại nghe. Sau đó mình chuyển qua kiếm chiếc in-ear và máy nghe nhạc cho đơn giản, không lo nhiễu nguồn, bật tắt nhanh chóng. Nhưng tai mình khá nhỏ, kén tai, đeo không được thoải mái lắm nên cuối cùng mình đã quyết định tìm đến tai nghe Custom IEM.

Sản phẩm hôm nay mình giới thiệu là chiếc tai nghe A10 của 64 Audio có giá 43,5 triệu đồng. Đây là mẫu tai nghe custom cận cao cấp của 64 Audio hiện nay. Các sản phẩm của 64 Audio hiện được Xuân Vũ Audio (tainghe.com.vn) phân phối tại Việt Nam với 5 mẫu tai nghe custom có giá bán từ 18,5 triệu đồng đến gần 50 triệu đồng.

Mở hộp và chất lượng hoàn thiện

Chiếc A10 này của mình đợi tổng cộng khoảng hơn 1 tháng mới về đến tay, tính cả thời gian vận chuyển mẫu khuôn tai (ear impression) từ Việt Nam qua Mỹ và ngược lạc từ Mỹ qua Việt Nam. Đáng nhẽ sẽ có sớm hơn do đặt "Rush Order" (đơn hàng gấp) tốn thêm 5,8 triệu nữa để làm tai nhanh trong 6 ngày làm việc nhưng do đợt đó 64 Audio mới ra mắt công nghệ apex nên phải đợi để sản xuất module mới. Thông thường thời gian làm tai hết 3-4 tuần, còn thời gian chuyển sẽ vào khoảng 10 ngày.

Tất cả tai nghe custom hay tai nghe in-ear của 64 Audio đều được đựng trong hộp giấy trắng và đỏ, hình thức đơn giản nhưng lại đẹp. Chiếc của mình là đợt tai bán kèm module apex đầu tiên nên hãng chưa có vỏ hộp in chữ apex mà vẫn ghi ADEL. Trước đây 64 Audio sử dụng công nghệ ADEL từ một đối tác công nghệ khác nhưng hiện nay hãng tự sản xuất và chế tạo module công nghệ apex để thay thế.

Phụ kiện đi kèm gồm có 1 que vệ sinh, 1 hộp hút ẩm, 1 kẹp áo, 1 cái miếng dán logo 64 Audio và 1 hộp có khắc tên chủ sở hữu. Hộp đi kèm này khá nhỏ gọn nếu dùng dây đi kèm (stock) thì vừa nhưng thay cáp custom sẽ không đựng vừa nữa. Nếu bạn nào đặt mua tai của 64 Audio thì nên mua thêm hộp cỡ lớn của ãng này cũng có khắc tên, bên trong có foam đựng tai custom rất chuẩn và giá chỉ đội thêm khoảng 500.000 đồng nữa.

64 Audio sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra phần vỏ (shell) của tai nghe, đem lại độ chính xác cao, nhanh và dễ dàng tinh chỉnh sao cho thoải mái với tai hơn. Nhưng với những shell được làm trong thì nhìn kỹ sẽ thấy có vân ở một số chỗ chứ không mượt như làm thủ công do chất liệu lên theo từng lớp.;

Do là tai custom nên bạn có thể tùy chỉnh màu sắc, cách thức trang trí riêng hay thậm chí in hình theo ý thích lên tai nghe. Có điều tất cả các hãng đều tính phí điểm này khá "chát". A10 của mình dùng gỗ Koa hai bên là hết 2,3 triệu đồng cộng thêm một bên trang trí bằng linh kiện đồng hồ cơ (watch gears) tốn thêm 2,3 triệu nữa. Tên viết tắt của mình in lên tai (EMN) được miễn phí.

Bên trong chiếc 64 Audio A10 có 10 BA Drivers cho mỗi bên tai, 4 tweeter (cao), 4 mid (trung), 2 woofer (trầm), 3 way crossover (3 đường tiếng). Có 4 lỗ dẫn âm nhưng trong đó là một đường dẫn thẳng ra module apex.

Độ thoải mái và cảm nhận sử dụng

64 Audio làm ống dẫn âm có chiều dài trung bình, không quá dài và cộng thêm module apex nữa nên đeo rất thoải mái và không bị bí. Mình cũng có chiếc tai nghe custom của Warbler. Hãng này làm ống dẫn âm dài hơn, đeo bí hơn và không thoải mái bằng. Tai custom của 64 Audio do dùng công nghệ apex nên cách âm sẽ đạt mức -20db chứ không phải -26db như tai thông thường, dù thế thì độ cách âm này cũng đã là cao rồi.

Chất âm

Mình sử dụng nguồn phát là chiếc Astell&Kern AK380 cùng các bản nhạc lossless/DSD để đánh giá. Những mẫu tai này đều có trở kháng nhỏ, độ nhạy cao nên hoàn toàn phù hợp để cắm chay như thế này.

Đầu tiên là về chiếc A10 custom nhưng có lưu ý nhỏ là tai này nghe hay hơn tai A10 bản thông thường (universal) khá nhiều. Âm bass gọn gàng, xuống tốt hơn, treb sáng và chi tiết hơn, âm trường cũng rộng hơn kha khá.

A10 được hãng quảng cáo là chiếc tai nghe nghe custom IEM tham chiếu đầu tiên (the first reference Custom IEM) với phổ tần phẳng. Ban đầu, mình định lấy tai nghe cao cấp thời điểm hiện tại của 64 Audio là A12 (giá 48 triệu đồng) nhưng sản phẩm đó lại tiếng tối hơn và nhiều bass hơn nên không hợp gu. Chính vì vậy, mình mới đặt chiếc A10 là cận cao cấp.

Mình nghe với dây plusSound Audio lõi bạc UPOCC mạ vàng có giá 12 triệu đồng. Sợi này giúp cải thiện chi tiết, bass gọn sâu hơn, treb và âm trường tăng, âm hình rõ ràng hơn. Nói chung, đầu tư sợi dây tín này giúp cải thiện nhiều chất lượng âm thanh và không muốn nghe dây đi kèm (stock) nữa.

Lúc đầu mình đã tính lấy A10 về nghe rock và thực sự nó đã không làm mình thất vọng. A10 có dải treb rất hay. Đây là chất treb đầy kỹ thuật đặc trưng thường được thấy ở những chiếc tai sử dụng BA Driver. Dải treb có độ chi tiết cao, tơi. Mình nghe rock, những tiếng e-guitar và cymbal lột tả rất rõ đặc điểm này. Tiếng treb tan ra không quá nhanh gây hụt hẫng, hay tan quá dài mất đi cái tốc độ của bản metal, âm treb được tinh chỉnh sao cho mọi thứ trở nên rất hợp lý và vừa vặn. Dải treb sáng nhưng theo mình là vừa vặn, đủ năng lượng. Nhưng hững ai đang nghe quen những con như Fitear TG334 chuyển sang sẽ thấy toàn treb là treb. Dù vậy dải treb này không phải là dải treb quá khó tính. A10 không quá nhạy với những bản thu âm kém, hiện tượng sib (những chữ s,sh,… bị chói gắt) cũng ít xảy ra.

Về tổng thể, A10 cho dải treb sáng, chi tiết, nhưng vẫn mượt và dễ nghe. Mình đặc biệt thích nghe tiếng e-guitar với A10, rất đẹp, chi tiết và đã. Không biết có phải do gu nghe thay đổi không nhưng chiếc Custom Art H8P (cũng được coi là tai IEM tham chiếu) trước kia mình cũng nghe thử thời gian nhưng không nghe nổi vì sib quá và nhiều treb còn A10 thì ưng ngay từ lần đầu tiên.

Dải mid A10 cũng là một phần bất ngờ. Ban đầu, mình cứ nghĩ A10 sẽ cho âm mid khô và gai nhưng thực tế tai nghe lại cho dải mid tương đối "ngọt ngào". Dải âm đầy đủ năng lượng từ low đến upper mid, hơi lùi một chút sau 2 dải âm còn lại. Dù không đến mức gọt dũa mạnh tay như Fitear TG334 nhưng dải mid vẫn mượt, dày, nghe các bản vocal vẫn truyền cảm mà không quá "màu", giữ được âm hưởng của một dải mid tương đối tự nhiên, cân bằng.

A10 tưởng rằng sẽ có một dải bass ít lượng nhưng thực tế chiếc tại custom này lại có dải bass đầy đặn và giàu năng lượng. Điều này cũng tùy thuộc một phần phối ghép và dây dẫn. Mình ghép với dây đồng tinh 7N PW Audio Sevenfold pipe thì cho âm bass dày, lượng hơi nhiều chút, sub-bass giàu năng lượng. Còn ghép với dây bạc mạ vàng plusSound thì sẽ cho âm bass lượng vừa phải, gọn gàng hơn, lực bass tốt và bass xuống sâu. Nhìn chung dải âm này có đủ lượng, âm bass nhấn nhiều hơn vào sub-bass. Nếu so với Noble K10 thì lượng bass sẽ ít hơn chút xíu. Dù không phải kiểu bass cộc như Phonak 112 hay Custom Art H8P nhưng A10 vẫn cho dải bass kiểu soát tốt, tốc độ đủ đáp ứng những bản death metal.

A10 cho âm hình chính xác và rõ ràng, có thể dễ dàng định hướng được vị trí của nguồn âm, âm thanh có độ 3D. Âm trường mà A10 tạo ra mạnh về chiều ngang và chiều cao, chiều ngang âm trường làm tốt. Nếu bạn đã nghe bản A10 demo có thể sẽ thấy tiếng bị bí nhưng chiếc custom lại rất mạnh điểm này. Dù vậy, chiều sâu sân khấu nếu so với những chiếc tai nghe in-ear cùng tầm không được nổi trội.

5 mẫu tai nghe custom của 64 Audio hiện được phân phối tại Việt Nam

Kết luận

Về tổng thể, mình cho rằng A10 đáp ứng được rất tốt gu của mình với jazz, blue, nhạc acoustic, chút nhạc giao hưởng thính phòng – new age, epic và các loại rock nhẹ nhàng, còn nếu để nghe metal thì chưa đã đã lắm do treb không được rát tai – mid cũng không khô. Có lẽ để nghe metal cần phải đổi nguồn phát và dây dẫn do AK380 cũng có tiếng tương đối tối. Nếu dùng A10 để đánh tạp thì cũng không phải là lựa chọn tồi, các dải âm đều khá hài hòa đầy đủ, có thể chiến tốt nhạc pop, vocal, nhạc vàng trữ tình.

EMN

Chủ đề khác