VnReview
Hà Nội

Đánh giá WD Blue SSD: đánh dấu sự trở lại với SSD

Ổ thể rắn SSD đã trở thành linh kiện bắt buộc phải có trên những chiếc máy tính hiệu năng cao từ nhiều năm nay. Là một trong hai nhà sản xuất ổ cứng (HDD) lớn nhất thế giới, Western Digital hiểu rằng họ cần phải tham gia cuộc chơi này.

Thực tế là Western Digital đã từng tham gia thị trường SSD vào năm 2010 với sản phẩm có tên SiliconEdge Blue, nhưng ổ SSD này không thành công vì mức giá khá cao so với hiệu năng. Vài năm sau, hãng giới thiệu sản phẩm SSD lai ổ cứng WD Black2 nhưng cũng không gây được ấn tượng. Phải đến khi đã mua lại nhà sản xuất Sandisk và công nghệ tiến đến mức mang lại mức giá hợp lý thì Western Digital mới trở lại thị trường SSD.

Lần này Western Digital giới thiệu hai dòng sản phẩm SSD: WD Green và WD Blue. Giống như dòng sản phẩm ổ cứng (HDD) trước đây, WD Green hướng tới đối tượng người dùng muốn dung lượng cao nhất với giá thành thấp nhất, còn WD Blue đảm bảo hiệu năng cao hơn cùng mức giá hợp lý. Cả hai đều sử dụng chip nhớ NAND dạng TLC (lưu trữ 3 bit trên 1 ô nhớ) của Sandisk, gia công trên tiến trình 15nm.

Tại Việt Nam, Western Digital mới bắt đầu đưa về sản phẩm WD Blue, là phiên bản cập nhật của Sandisk X400, một trong những SSD dùng NAND TLC có tốc độ nhanh nhất. Giá của nhà sản xuất công bố cho WD Blue từ 2,49 triệu đồng cho dung lượng 256GB. Sản phẩm chúng tôi đánh giá trong bài là WD Blue dung lượng 1TB, có giá bán đề xuất là 8,19 triệu đồng.

Thông số: dùng NAND TLC, độ bền cực cao

Trong bảng thông số trên, có một số chi tiết đáng chú ý. Thứ nhất, ổ WD Blue sử dụng NAND TLC của Sandisk, là loại chip nhớ phổ biến trên những SSD phổ thông hiện nay. NAND TLC đem lại chi phí thấp nhất nhưng hiệu năng sẽ khó sánh được với các loại ổ MLC (lưu trữ 2 bit trên 1 ô nhớ).

Một thông số khác cũng rất đáng chú ý là độ bền trên phiên bản 1TB lên đến 400TBW (TeraByte Written), là mức rất cao đối với ổ dùng NAND TLC. Thông số này có nghĩa độ tin cậy của SSD sẽ được đảm bảo ít nhất tới khi đã ghi đến 400TB dữ liệu lên ổ. Trong thực tế những ổ SSD mà người viết đã sử dụng, mức ghi chỉ khoảng 2 – 4TB/năm, như vậy tôi có thể dùng tới hơn… 100 năm mới hết vòng đời của SSD WD Blue.

Thiết kế và phụ kiện đều rất đơn giản

WD Blue có hai phiên bản: một bản là ổ 2.5 inch kết nối cổng SATA III, và một là ổ kết nối cổng M2 2280. Sản phẩm trong bài là bản 2.5 inch, đây cũng là dạng phổ biến hơn và có thể lắp đặt vào phần lớn máy tính.

Phần tem ở mặt trên của ổ rất đơn giản, thông tin đáng chú ý chỉ gồm màu xanh (blue) và dung lượng ổ. Ổ có độ dày 7mm nên thích hợp với các laptop có khe gắn ổ cứng mỏng. Đáng tiếc là nhà sản xuất không tặng kèm một khay chèn để tăng độ dày cho ổ. Như vậy nếu như lắp vào những chiếc laptop có khay ổ cứng 9.5mm, ổ sẽ không khít vào khay và bạn có thể phải gia cố thêm cho chắc chắn.

Về mặt phụ kiện, WD cũng không tặng kèm phần mềm của bên thứ ba hay phần mềm quản lý SSD. Các nhà sản xuất SSD thường cung cấp phần mềm theo kèm với tính năng theo dõi tình trạng sức khỏe, cập nhật firmware, sao chép (clone) dữ liệu hoặc xóa sạch (secure erase) ổ. Tuy nhiên hiện tại WD chưa có phần mềm như vậy.

Tiếp theo, chúng tôi sẽ đi tới phần đánh giá quan trọng nhất: hiệu năng của ổ.

Phương pháp đánh giá hiệu năng

Hiệu năng là yếu tố quan trọng nhất của SSD, nhưng yếu tố này thường được các nhà sản xuất đề cập rất hời hợt. Các thông số mà nhà sản xuất (kể cả Apple cũng vậy) thường công bố là tốc độ đọc/ghi liên tục, nhưng đây lại không phải là yếu tố thể hiện rõ nhất hiệu năng của một chiếc SSD.

Sự khác biệt của SSD so với HDD nằm ở khả năng truy xuất dữ liệu ngẫu nhiên, tức là những dữ liệu được sắp xếp ở các ô nhớ không liền nhau nhau trên ổ. Bản chất của bộ nhớ flash cho phép truy cập ngẫu nhiên, cùng lúc nhanh hơn nhiều so với bộ nhớ cơ trên HDD. Tốc độ đọc/ghi liên tục (ghi file lớn, vào những ô nhớ liền nhau) của SSD cũng vượt trội so với HDD, nhưng trong sử dụng thực tế thì đọc/ghi ngẫu nhiên mới là quá trình diễn ra nhiều nhất.

Ngoài ra một yếu tố cũng rất quan trọng nữa của SSD là khả năng hoạt động khi ổ đầy. Do bản chất của bộ nhớ flash, hiệu năng sẽ giảm xuống khi dung lượng trống không còn nhiều. Khi ổ gần đầy, bộ điều khiển của ổ cũng sẽ phải hoạt động "vất vả" hơn để dọn những phần "rác" (garbage collection) và tìm ra chỗ trống để ghi đè.

Dựa trên những đặc điểm trên, chúng tôi đánh giá SSD ở hai trạng thái: trạng thái thứ nhất là khi ổ mới được cài đặt, chưa ghi dữ liệu, còn trạng thái thứ hai là khi ổ đã gần đầy (trên 90% dung lượng). Ở mỗi trạng thái, ổ được đánh giá qua các ứng dụng giả lập đọc/ghi (CrystalDiskMark, AS SSD, HD Tune Pro) và bài đánh giá hoạt động thực tế.

Bài đánh giá hoạt động thực tế được thực hiện với phần mềm PCMark 8. Phần mềm này sẽ tạo ra các tác vụ gồm mở và xử lý tập tin văn phòng (Word, PowerPoint), tập tin đa phương tiện (Photoshop, Illustrator) và cả tốc độ bật, chơi các game như World of Warcraft và Battlefield 3. Kết quả được ghi lại cả theo tốc độ và điểm số do phần mềm đánh giá.

Dưới đây là cấu hình hệ thống được dùng để đánh giá SSD trong bài viết này. Ổ WD Blue đóng vai trò là ổ cài hệ điều hành và phần mềm trong quá trình đánh giá.

Cấu hình sử dụng trong bài đánh giá, được cung cấp bởi công ty TNHH Mai Hoàng

Kết quả đánh giá hiệu năng

Đầu tiên chúng ta sẽ dùng bài thử dễ dàng nhất cho ổ SSD: đọc/ghi dữ liệu liên tục với kiểu dữ liệu đồng nhất. Mục tiêu của bài đánh giá này là cho ra số liệu đọc/ghi lớn nhất để so sánh với con số mà nhà sản xuất công bố. Kết quả từ phần mềm CrystalDiskMark (dòng đầu tiên, Seq Q32T1) khá tương đồng với thông số do WD công bố: tốc độ đọc nhanh hơn kha khá, nhưng tốc độ ghi thì kém hơn một chút.

Tiếp theo là các kết quả khi ổ còn trống (chỉ cài hệ điều hành và một số phần mềm).

Một đặc điểm của ổ dùng chip nhớ TLC là có một phân vùng nhỏ được dùng làm bộ nhớ đệm, sử dụng chip nhớ SLC. Phân vùng này sẽ có tốc độ cao hơn hẳn, và với dữ liệu ghi có dung lượng nhỏ hơn bộ nhớ đệm thì tốc độ copy sẽ rất nhanh. Nếu dữ liệu lớn hơn bộ nhớ đệm thì tốc độ sẽ giảm mạnh.

Với kết quả ở mục File Benchmark của HD Tune Pro, có thể thấy bộ nhớ đệm SLC trên WD Blue vào khoảng 10GB.

Khi ổ được ghi dữ liệu lên tới 93%, tốc độ không bị ảnh hưởng nhiều. Dưới đây là một số kết quả ở mức dung lượng 93%:

Bài đánh giá bằng PCMark 8 cho thấy kết quả của WD Blue thua kém một chút so với chiếc Samsung 850 EVO.

Mức chênh lệch tốc độ giữa hai trạng thái: ổ trống và gần đầy.

Khi đánh giá hiệu năng thực tế bằng phần mềm PC Mark 8, ở cả hai trạng thái hiệu năng của ổ gần như không bị ảnh hưởng. Dưới đây là bảng tốc độ chi tiết của các bài đánh giá:

Tốc độ qua từng bài đánh giá (nhỏ hơn là tốt hơn) và tổng điểm qua phần mềm PC Mark 8

Kết luận

Ổ SSD WD Blue đem lại hiệu năng ổn so với một sản phẩm sử dụng chip nhớ TLC. Tốc độ của sản phẩm này vẫn còn thua kém một chút về hiệu năng so với Samsung 850 EVO, dòng SSD dùng chip nhớ TLC phổ biến nhất hiện nay.

Việc WD chưa cung cấp phần mềm cho các tiện ích liên quan cũng có thể coi là một điểm trừ. Điểm cộng của dòng sản phẩm này là độ bền cao, phần nào giúp người dùng yên tâm sử dụng.

Giá bán trên thị trường cho dòng WD Blue hiện tại vào khoảng 2,1 triệu đồng cho bản 250GB. Xét về hiệu năng/giá thì WD Blue hiện tại chỉ ở mức khá, chưa thực sự nổi bật. Nếu như muốn tìm kiếm sản phẩm SSD để có tốc độ tốt hơn ổ cứng thông thường, đồng thời có mức giá/dung lượng tốt thì bạn đọc có thể tham khảo dòng sản phẩm SSD WD Green.

Anh Tú

Chủ đề khác