VnReview
Hà Nội

Đánh giá Asus Eee PC X101H

Có hình thức nhỏ nhắn gọn gàng, trang bị đầy đủ các cổng kết nối thông dụng, giá rẻ hấp dẫn cho mục đích sử dụng thông thường, chiếc laptop mini Asus Eee PC X101H được bán khá tốt trong phân khúc netbook.

Vào thời điểm cuối năm 2007, Asustek giới thiệu dòng sản phẩm máy tính mini (netbook) mang tiền tố Eee (Easy, Excellent, Exciting – Dễ dàng sử dụng, Tuyệt vời, Thú vị). Dòng sản phẩm này được ghi nhận là sự kết hợp của thiết kế mỏng nhẹ và chi phí không cao. Và qua nhiều đời sản phẩm, Asus tiếp tục tung ra Eee PC X101H như một phiên bản khác của X101 với thiết kế nhỏ nhẹ dễ di động, có thể làm việc với các chương trình đòi hỏi cấu hình không cao như: lướt web, kết nối bạn bè, chat, chia sẻ thông tin, thư giãn giải trí.

Asus X101H có 3 phiên bản với cấu hình khác nhau, phiên bản dùng CPU Intel N455 lõi đơn, ổ cứng 250 GB, RAM DDR3 1GB giá 5 triệu đồng, phiên bản CPU Intel lõi kép N570 giá 5,2 triệu đồng, phiên bản có ổ cứng HDD 320 GB giá khoảng 5,8 triệu đồng. Sản phẩm có 4 màu lựa chọn là: đỏ, đen, trắng, nâu.

Phiên bản chúng tôi có trong tay để đánh giá là bản có cấu hình thấp nhất: CPU Intel N455 lõi đơn tốc độ 1.66 GHz, ổ cứng 250 GB, RAM DDR3 1GB, đồ họa tích hợp Intel Graphics Media Accelerator 3150 và có màu đen.

Asus Eee PC X101H

Asus Eee PC X101H

Thiết kế và cảm nhận

Cảm nhận đầu tiên khi cầm máy trên tay là một chiếc máy nhỏ nhắn, gợi tò mò. Máy có độ dày 22mm, trọng lượng 0,9 kg, kích thước rộng dài cao là 262 x 180 x 22mm. Với kích thước và trọng lượng như vậy, chiếc máy dễ dàng được bỏ vào túi hoặc cặp, hoặc cốp xe máy khi di chuyển.

Asus Eee PC X101H

Mặt trước

Chất liệu vỏ vân sần ôm toàn bộ bề mặt vỏ trước và mặt đáy máy, phần phía trên bàn phím và toàn bộ khu vực chiếu nghỉ tay. Touchpad nằm ở giữa phần chiếu nghỉ tay, được nhận ra bởi khu vực này hơi chìm xuống với hai cạnh dọc vát lên cùng một thanh ngang có chức năng là chuột trái và chuột phải. Tuy là vân sần nhưng nhựa không sáng bóng, không bám vân tay nên đem đến cảm giác cầm chắc chắn, sạch sẽ.

Có lẽ là một phần của checklist thiết kế, logo Asus luôn được đặt ở giữa, phía nửa trên vỏ ngoài với chất liệu kim loại sáng bóng được gắn chìm vào bề mặt vỏ. Khi nắp máy đang mở, nhìn từ phía sau trông máy khá đẹp và cứng cáp.

Asus Eee PC X101H

Màn hình 10.1 inch, độ phân giải 1024x600 pixel

Eee PC X101H có màn hình 10.1 inch công nghệ LED Backlight WSVGA độ phân giải 1024x600 pixel, độ phân giải màn hình như vậy là không cao, đối với những nội dung lớn bạn sẽ phải kéo chuột lên xuống nhiều lần để xem được đầy đủ nội dung. Hơn nữa màn hình tạo cảm giác nhỏ hơn so với kích cỡ 10.1 inch bởi có viền xung quanh dày, đặc biệt là viền trên và viền dưới, trong khi thông thường các laptop có viền hai cạnh dọc màn hình không lớn hơn nhiều so với viền hai cạnh dọc bao quanh bàn phím. Bề mặt viền màn hình là lớp vỏ nhựa sáng bóng, giống như khu vực bao quanh các phím. Nhìn vào ta thấy sự khác biệt rõ hơn về bề mặt, tạo sự phân chia khu vực rõ ràng, làm tăng thêm vẻ trau chuốt của chiếc máy. Người sử dụng dễ dàng dùng giẻ sạch để lau vân tay bám trên bề mặt này.

Chính giữa viền trên của màn hình là camera 0.3 megapixel, tất nhiên đây gần như là một trang bị "cho có" bởi vì camera có độ phân giải thấp. Bạn có thể chat hình, chụp ảnh với đòi hỏi không cao về chất lượng.

Asus Eee PC X101H

Bàn phím và touchpad

Asus Eee PC X101H được trang bị bàn phím chiclet giúp việc gõ chữ trở nên nhẹ nhàng. Tuy là dòng máy nhỏ nhưng kích thước các phím vừa phải đủ để ngón tay bạn hoạt động thoải mái không bị gò bó, tuy nhiên đôi lúc vẫn gặp hiện tượng có nhấn phím mà chữ không hiện ra, nhất là khi gõ nhanh. Phím Enter hơi nhỏ và được đặt ở mép ngoài cùng bên phải nên có thể bạn sẽ phải mất chút thời gian ban đầu để làm quen. Một bàn phím số được tích hợp ở phần trung tâm và hơi lệch về bên phải, mà nếu muốn dùng các phím số này khi làm việc với bảng tính thì bạn cần bấm tổ hợp phím Fn+NumLk để kích hoạt.

Một điều lưu ý khác với người mới làm quen với bàn phím này, đó là vị trí phím có ký tự @" (ngoặc kép) trên bàn phím đã được đổi chỗ cho nhau, nhưng thực tế muốn gõ ký tự @ bạn vẫn phải nhấn Shift+"; và ngược lại muốn gõ ký tự "  bạn sẽ phải gõ Shift+@. Tương tự như vậy, phím # vốn nằm ở phía trên phím số 3 ở các bàn phím thông thường, thì lại thấy in trên một phím khác ở góc phải bàn phím, mà khi gõ vào phím này sẽ ra ký tự khác, còn phím # thực sự vẫn nằm ở phía trên phím số 3, nhập được bằng cách gõ Shift+3. Không rõ Asus có nhầm lẫn gì không trong việc gán lệnh cho các phím này, nhưng thực sự chúng tôi phải nhìn kĩ mới tìm ra được ký tự @ để gõ địa chỉ email.

Asus Eee PC X101H

Bàn phím "lạ" của X101H

Ngoài kết hợp phím Fn với dãy phím F1 – F12 để chỉnh các chức năng: tắt/bật touchpad, tăng giảm độ sáng màn hình, chuyển sang chế độ nghỉ đông, tắt bật loa…  như các hãng máy tính khác, bàn phím của Asus luôn được trang bị thêm lệnh gọi nhanh các chức năng đi kèm máy khi bấm kèm với phím Fn. Fn + backspace máy sẽ kích hoạt công nghệ tiết kiệm điện Powergear độc quyền.

Touchpad bên dưới có độ lớn vừa phải, bề mặt sần nên cảm giác di chuột không nhẹ nhàng lắm, chuột khá nhạy nên bạn chỉ cần gõ nhẹ ngón tay để nhấp vào các tùy chọn, tuy nhiên đôi khi đang di chuột mà bạn nhấn tay hơi mạnh thì máy sẽ tưởng là bạn vừa click, do đó cũng khá phiền khi một cửa sổ không mong muốn hiện ra. Hai phím chuột trái phải nằm trên thanh ngang sẫm màu khá nhạy. Bạn có thể tắt touchpad khi cần gõ văn bản, bằng cách nhấn Fn+F7.

Theo Asus, touchpad của X101H hỗ trợ đa chạm, với hai ngón tay cùng lúc kéo ra thì hình ảnh hiển thị sẽ phóng to lên và ngược lại, hai ngón tay chụm vào thì sẽ thu nhỏ lại hình ảnh, gõ hai ngón tay gõ xuống touchpad cùng lúc để thay cho việc click bánh xe di chuyển, 3 ngón tay cùng lúc thay cho click chuột phải… Tuy nhiên thử nghiệm của chúng tôi không thấy touchpad thể hiện tính năng này.

Sát với cạnh máy, phía dưới bên phải touchpad có dãy 4 đèn LED báo hiệu tình trạng sạc pin, trạng thái máy nghỉ, đèn báo Wi-Fi và đèn báo trạng thái khóa máy.

Tuy là dòng netbook nhỏ nhắn với cạnh máy mỏng, X101H vẫn trang bị khá đầy đủ các cổng kết nối thông dụng: cổng VGA, cổng LAN, 2 cổng USB 2.0, khe đọc thẻ nhớ SD/MMC, jack cắm tai nghe. Máy không có cổng kết nối HDMI.

Asus Eee PC X101H

Cạnh trái có một cổng kết nối VGA, cổng sạc, một cổng USB, một đầu đọc thẻ nhớ SD và khe thoát nhiệt.

Asus Eee PC X101H

Cạnh phải có một giắc headphone, cổng USB, cổng LAN, lỗ móc khóa dây

Asus Eee PC X101H

Mặt sau máy có nhiều khe thoát nhiệt

Tính năng

Asus Eee PC X101H

Hệ điều hành chạy nền Express Gate Cloud

Điểm thú vị đầu tiên là chỉ với 3 giây sau khi bạn nhấn nút bật nguồn, máy kích hoạt vào ngay chế độ Express Gate Cloud (một ứng dụng mô phỏng một hệ điều hành chạy nền, có thể thiết lập chạy trước HĐH chính hoặc chuyển qua lại giữa hai HĐH nếu bạn cài trên máy nhiều hơn một hệ điều hành). Trong HĐH chạy nền này có thể chạy những ứng dụng thường dùng một cách nhanh chóng mà không cần phải log vào hệ điều hành chính. Những ứng dụng hiện ra trực quan, dễ sử dụng. Người sử dụng có thể duyệt web, xem ảnh, xem lịch, xem thời tiết hoặc vào kho các ứng dụng hỗ trợ trên Cloud.... Trong mỗi ứng dụng đều có thể tinh chỉnh riêng được và tinh chỉnh ở ngay cửa sổ ngoài của chế độ chạy Express Gate Cloud. Người dùng có thể đặt tùy chọn chuyển sang sử dụng hệ điều hành chính sau khoảng 15 giây.

Eee PC X101H ra đời kết hợp với hệ điều hành Meego được đánh giá là có giao diện sử dụng đơn giản, trực quan, bổ sung thêm chương trình đi kèm là: ứng dụng học ngôn ngữ tiếng Anh của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi sử dụng máy với hệ điều hành Windows 7 Starter đã được ASUS khuyến cáo nên dùng.

Tính năng Instant On (luôn chờ sẵn sàng) chỉ có trên Windows 7 Starter bản quyền: đây là công nghệ độc đáo, giúp tối ưu hóa hiệu năng và tuổi thọ pin, chế độ chờ lên tới 11 ngày và sẵn sàng làm việc tức thì chỉ sau 3 giây.

Với X101H, Asus nhấn mạnh đến sự tương tác với những "đám mây" công nghệ, đó là các điểm truy cập dịch vụ, các nội dung giải trí Asus@Vibe hay kho ứng dụng Asus (Asus App Store). Bạn có thể truy cập tới các dịch vụ này trên máy nếu đang kết nối mạng, trong đó có nhiều ứng dụng khá thú vị.

Hiệu năng

Với cấu hình của X110H nói riêng hay netbook nói chung thì hiệu năng của máy không phải là vấn đề đáng quan tâm lắm. Các ứng dụng nhẹ như ứng dụng văn phòng, đọc báo, chat chit với ít tác vụ máy vẫn hoạt động bình thường, nếu bạn sử dụng với nhiều tác vụ cùng lúc hoặc sử dụng các chương trình nặng thì máy sẽ tùy tình trạng mà thiếu đi sự mượt mà. Tuy nhiên điều này là chấp nhận được với dòng netbook giá rẻ. Bạn cũng có thể nâng cấp lên tối đa một thanh RAM 2GB để có được xử lý gọn nhẹ hơn.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiến hành một vài thử nghiệm để có được cái nhìn toàn diện hơn về chiếc máy này.

Điều kiện thử nghiệm: chỉnh máy ở chế độ hiệu suất cao nhất (trong phần power plan), các chế độ tiết kiệm điện đều tắt, các chương trình update đều tắt, UAC tắt.

Asus Eee PC X101H

Tốc độ đọc/ghi ổ đĩa

Xét trên góc độ đây là một netbook thì tốc độ đọc/ghi này là chấp nhận được, không thấp hơn nhiều so với mức trung bình 85 MB/s của một laptop thông thường.

Asus Eee PC X101H

Test thời lượng pin: sử dụng Street my PC chạy fullload CPU, thời gian máy hoạt động đến khi hết sạch pin là 3 tiếng.

Thời lượng pin qua sử dụng thực tế khi lướt web bằng kết nối Wi-Fi, nghe nhạc trực tuyến liên tục, máy cũng đạt khoảng hơn 3 tiếng. Thời lượng pin như vậy chỉ ở mức trung bình đối với dòng netbook sử dụng chip Atom vốn có tính năng tiết kiệm điện.

Nhiệt độ máy: đặt máy ở trạng thái mở trang nghe nhạc chạy liên tục trong 4 tiếng, nhận thấy máy chỉ hơi ấm ở khu vực bàn phím và khu vực mặt sau gần các khe thoát nhiệt.

Kết luận

Asus EeePC X101H là một chiếc máy tính đáp ứng yêu cầu về thiết kế gọn nhẹ cũng như giá thành của dòng netbook. Với chiếc máy này, người sử dụng có thể lướt web, kết nối mạng xã hội, giải trí nhẹ nhàng hoặc làm những công việc văn phòng đơn giản ở bất cứ nơi đâu với tính di động cao. Thương hiệu ASUS được bảo hành toàn cầu 2 năm, giá thành máy ở mức thấp nên là sự lựa chọn đáng quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Nguyên Bình

Chủ đề khác