VnReview
Hà Nội

VSR 2015 - Smartphone có phần mềm thân thiện nhất

Chúng tôi đã phân tích và thực hiện các bài thử nghiệm để đánh giá những tính năng thiết yếu của một chiếc smartphone gồm: gọi điện, nhắn tin, chụp ảnh, bàn phím mặc định xem máy nào dễ thao tác, thực hiện nhiệm vụ nhanh nhất. Nói cách khác là tìm ra smartphone có phần mềm thân thiện với người dùng nhất.

Lâu nay, khi mua smartphone chúng ta ít khi, thậm chí là không để ý đến yếu tố phần mềm của máy có tiện dụng, dễ dùng hơn máy khác không. Thậm chí, ngay cả khi mua điện thoại về rồi cũng ít ai đọc hết quyển hướng dẫn sử dụng.

Điều này là dễ hiểu bởi chúng ta thường cho rằng dù các hãng điện thoại có khác nhau nhưng về phần mềm chủ yếu xoay quanh ba hệ điều hành phổ biến: iOS, Android và Windows Phone. Đặc biệt, các hệ điều hành này rất tích cực học hỏi lẫn nhau - cả về hình thức lẫn tính năng.

Giao diện gọi điện iOS, Android, Windows Phone có gợi ý danh bạ khác nhau.

Song thực tế, về cơ bản các điện thoại vẫn có sự khác nhau nhất định về phần mềm do được các nhà sản xuất tùy chỉnh. Chẳng hạn, đối với điện thoại Android, mặc dù là sản phẩm của cùng một hãng sản xuất, nhưng phần mềm điện thoại cao cấp so với điện thoại cấp thấp hơn có sự khác biệt. Và nếu quan sát chi tiết thì có thể thấy cùng để thực hiện một tính năng nào đó nhưng có điện thoại lại thực hiện dễ dàng, thuận tiện hơn điện thoại khác, hoặc có điện thoại làm được, có điện thoại khác lại chịu không thể thực hiện được. Nguyên nhân chính là do khả năng phần mềm cho phép tới đâu.

Các tính năng phần mềm cơ bản cũng hầu như không có sự thay đổi. Chúng tôi đã quan sát trong vòng 6 tháng, số phiên bản hệ điều hành cập nhật chỉ khoảng 1-2 lần, chủ yếu là các bản cập nhật nhỏ để khắc phục lỗi. Nhà sản xuất cũng tung ra một số phiên bản phần mềm mới nhưng tập trung vào các tính năng nghe nhạc, xem ảnh. Các phần mềm gọi điện, nhắn tin, chụp ảnh và bàn phím không có sự thay đổi nào. Điều đó có nghĩa kết quả đánh giá của chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi những lần cập nhật phần mềm.

Để xếp hạng, chúng tôi đã mua trên thị trường toàn bộ số máy gần 40 chiếc smartphone. Chúng tôi không đánh giá bản mẫu, thử nghiệm hoặc do nhà sản xuất cung cấp, do đó trong phân khúc Cao cấp của Xếp hạng VSR 2015 vắng bóng Sony Xperia Z3+ - sản phẩm được Sony bán ra thị trường Việt Nam vào đầu tháng Bảy này.

Trong phạm vi xếp hạng phần mềm, ở các ứng dụng nhắn tin, gọi điện, bàn phím và camera chúng tôi chỉ xét ở mức độ thân thiện, dễ sử dụng. Về chất lượng camera, chúng tôi có hạng mục xếp hạng camera riêng.

Nút Soạn tin nhắn mới đưa xuống dưới dễ dàng sử dụng bằng một tay hơn

Để đánh giá được những tính năng này, chúng tôi tiến hành phân tích từng tính năng đồng thời với việc thực hiện các bài thử nghiệm thực tế với số lượt người tham gia lên đến hàng trăm. Cụ thể, trước hết tải toàn bộ danh bạ từ một thẻ SIM vào tất cả điện thoại được đánh giá. Sau đó, chúng tôi đặt 38 chiếc smartphone ở trong 5 nhóm phân khúc cạnh nhau, phân tích với từng tính năng, ví trí các nút, icon trên phần mềm xem để thực hiện được những kịch bản sử dụng thông thường thì cần bao nhiêu thao tác. Chiếc điện thoại nào yêu cầu người dùng phải thao tác ít nhất, vị trí đặt nút bấm vừa tầm tay là thân thiện với người dùng nhất.

Với smartphone màn hình kích cỡ ngày càng lớn thì việc thiết kế phần mềm sao cho người dùng thao tác thuận tiện nhất, nhanh nhất cũng được nhiều nhà sản xuất quan tâm.

Về thử nghiệm thực tế, chúng tôi đặt ra các kịch bản ngữ cảnh khác nhau để người dùng thực hiện như nhắn tin một đoạn văn bản gửi 5 số trong danh bạ, thực hiện cuộc gọi đến 20 số nhất định từ danh bạ và chụp 5 bức ảnh ở các chế độ cơ bản khác nhau, đang nhắn tin thì phải thoát ra thực hiện tác vụ khác sau đó quay lại tiếp tục nhắn nốt tin đang dang dở. Để loại bỏ các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến kết quả thực nghiệm, chúng tôi sử dụng một đoạn Quốc ca và người tham gia thực hiện bài test 3 lần với mỗi tính năng, lần đạt kết quả cao nhất là kết quả được công nhận.

Thử nghiệm bàn phím với nhắn tin đoạn quốc ca

Mặc dù độ nhạy của màn hình, sức mạnh của bộ xử lý, kích thước, thiết kế có ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các tính năng cơ bản của điện thoại nhưng do các điện thoại được xếp hạng theo nhóm phân khúc tương đồng nên kết quả chung cuộc là phản ánh đúng khách quan. Để đánh giá xếp hạng phần mềm 38 chiếc smartphone, chúng tôi đã thực hiện tổng số 2.220 lượt bài test các tính năng gọi điện, nhắn tin, chụp ảnh và bàn phím của 38 chiếc smartphone.; 

Sự khác nhau về giao diện nhắn tin, bàn phím giữa 2 sản phẩm cao cấp và giá rẻ

Kết quả xếp hạng cho thấy ở nhóm cao cấp, LG G4 đạt kết quả tốt nhất. Về bàn phím, các phím cách xa nhau, dễ bấm, vị trí bàn phím nằm dịch nhiều xuống phía dưới nên khi gõ không phải di chuyển ngón tay nhiều. Thao tác thực hiện cuộc gọi tại Danh bạ và Nhật ký đều tiện lợi, chỉ cần 1 thao tác. Việc chuyển đổi qua lại giữa các chế độ bàn phím, nhật ký, danh bạ thuận tiện bằng cách vuốt sang trái, phải. Các chế độ chụp ảnh, tuỳ chỉnh đều hiển thị ngay ngoài giao diện chụp nên thao tác nhanh và dễ dàng. Tốc độ chụp và lưu ảnh nhanh. So với LG G3, nút tạo tin nhắn mới trên LG G4 được đưa xuống dưới thay vì ở góc trên bên phải. Điều đó thể hiện nhà sản xuất đã quan tâm chi tiết tới việc điều chỉnh phần mềm sao cho thuận tiện cho người sử dụng nhất.

iPhone 6 và iPhone 6 Plus có ưu thế  về bàn phím và tốc độ xử lý khi thực hiện thao tác gọi điện, nhắn tin. Mặc dù với các ký tự tiếng Việt đặc biệt như dấu ",", "!", "..." ... việc nhập trên bàn phím iPhone khó hơn khi phải chuyển hệ gõ nhưng bù lại có độ chính xác cao về nhập dữ liệu. Phần mềm chụp ảnh trên iPhone cũng thuận tiện, dễ sử dụng hơn nhờ tập trung vào sự đơn giản và sát với nhu cầu thông thường của người dùng. Điểm yếu của bàn phím gọi điện trên iPhone là không có gợi ý số cần liên lạc trong danh bạ. Cùng dòng máy iPhone, nhưng iPhone 6 đạt kết quả tốt hơn do thuận tay người dùng.

Trong khi đó, so với iPhone, cặp đôi Samsung Galaxy Note 4 và Galaxy S6 có ít thao tác gọi điện, nhắn tin hơn, gợi ý danh bạ chính xác với số thường liên lạc nhất hiển thị trên cùng. Cũng là điện thoại Android, nhưng việc nhập dữ liệu từ bàn phím HTC One M9 khó khăn hơn, gọi điện từ danh bạ mất nhiều thao tác hơn, nút tạo tin nhắn mới không thuận tiện vì được đặt ở góc trên của máy, vốn màn hình lớn nên ngón tay phải di chuyển nhiều hơn.

Trong bảng xếp hạng, các điện thoại Windows Phone đều không đạt được những vị trí cao. Mặc dù màn hình nhạy, độ chính xác bàn phím cao, dễ bấm nhưng thao tác gọi điện, nhắn tin không thuận tiện như trên điện thoại Android.

Dưới đây là kết quả xếp hạng chi tiết:

BBT VnReview

Chủ đề khác