VnReview
Hà Nội

Cổ phần hóa MobiFone – câu chuyện dài chưa rõ hồi kết

Quyết định cổ phần hóa MobiFone đã có từ năm 2005 nhưng đến nay sau gần 8 năm công ty này vẫn chưa thể cổ phần hóa và việc tách MobiFone khỏi VNPT mới chỉ vừa được Chính phủ quyết định. Điều gì đã khiến tiến trình cổ phần hóa MobiFone kéo dài như vậy?

cổ phần hóa mobifone

Chưa rõ khi nào MobiFone sẽ cổ phần hóa xong

Năm nào cũng "quyết tâm cổ phần hóa MobiFone"

Sau quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 14/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các công ty cổ phần hóa, hoạt động cổ phần hóa MobiFone đã kéo dài suốt 8 năm qua với nhiều lần bị trì hoãn, thậm chí đã trải qua hầu hết các bước cần thiết về thủ tục, duy chỉ có việc "ấn nút" khởi động cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) và lựa chọn đối tác chiến lược là chưa thực hiện.

Cuối năm 2005, báo VnExpress đăng tin cho biết, MobiFone sẽ cổ phần hóa đầu 2006. Theo bài viết, người phát ngôn Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) Bùi Quốc Việt khẳng định, dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc định giá tài sản, song VNPT này sẽ cố hoàn tất mọi thủ tục để cổ phần hóa MobiFone theo đúng tiến độ đầu năm 2006. Ông Việt cho rằng, khó khăn lớn nhất với MobiFone là việc định giá tài sản. Hơn nữa, kinh doanh di động là loại hình dịch vụ được coi là khá nhạy cảm nên việc cổ phần hóa sẽ khó khăn hơn so với các doanh nghiệp khác. Tại thời điểm đó (tháng 11/2005), theo ông Việt, đề án cụ thể đã được VNPT trình lên Chính phủ, công tác chuẩn bị cũng đã tiến hành xong, do vậy, khả năng cổ phiếu của MobiFone sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán đầu năm 2006 là rất lớn.

Nghe ông Việt nói vậy, tưởng rằng MobiFone được cổ phần hóa đến nơi, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều háo hức chờ đợi bởi thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 rất sôi động. Thế nhưng trong suốt năm 2006, Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) mới xúc tiến… tổ chức vài hội thảo để bàn về cổ phần hoá tại các doanh nghiệp cung cấp mạng di động. Không rõ VNPT và Bộ BCVT đã học được kinh nghiệm gì từ các hội thảo, nhưng ý kiến của ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ BCVT khẳng định "trong năm 2007 phải hoàn tất quá trình cổ phần hoá MobiFone", lại tiếp tục nhen thêm hy vọng cho các nhà đầu tư.

Trong 2 năm 2007-2008, rất nhiều ý kiến tỏ ra sốt ruột về tiến trình cổ phần hóa của MobiFone, song, trong khi báo chí và các nhà đầu tư tha hồ đồn đoán xem việc cổ phần hoá đang được triển khai đến đâu, thông tin từ VNPT và Bộ BCVT rất nhỏ giọt. Đến cuối năm 2007, báo Tuổi Trẻ có tin cho biết, mạng di động MobiFone có thể được bán tối đa 20% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng theo thông tin này, cuối tháng 12/2007 sẽ mở thầu chọn đối tác tư vấn cổ phần hóa MobiFone và đến đầu quí II/2008 MobiFone sẽ chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Trong khi đó, theo bài viết trên báo VnEconomy, Mobifone đã "gút" danh sách sáu đơn vị nước ngoài tham gia đấu thầu tư vấn cổ phần hóa và IPO cho MobiFone gồm: Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Rothschild và UBS.

Trong lúc việc cổ phần hóa MobiFone còn đang rối bời, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm nặng nề sau một thời gian phát triển "bong bóng", tin trên VnEconomy đầu tháng 2/2008 lại cho biết, VNPT đề xuất cổ phần hóa toàn bộ phần viễn thông của tập đoàn, bởi theo các Phó tổng giám đốc của VNPT, cơ chế công ty cổ phần sẽ giải được nhiều vấn đề khó của VNPT, nhất là nghịch lý về cơ chế tiền lương của VNPT đang làm hài lòng người có năng lực yếu, nhưng lại không giữ được người giỏi, vì vậy chỉ còn cách cổ phần hóa mới giải quyết được bài toán trên.

Mãi hơn một năm sau khi có danh sách 6 nhà tư vấn nói trên, đầu năm 2009, MobiFone mới công bố thông tin nhà mạng này được Tập đoàn Credit Suisse định giá sơ bộ trên 2 tỷ USD. Lúc này, báo chí đăng tin cho biết Credit Suisse đang triển khai các kế hoạch cần thiết để chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hóa MobiFone trong năm 2009. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone, khẳng định rằng "không có chuyện" trì hoãn kế hoạch do sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán.

Ấy thế mà, suốt năm 2009, nhà đầu tư mòn mỏi chờ đợi cũng không thấy MobiFone tiến thêm bước nào trong tiến trình cổ phần hóa. Đầu năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters cho biết, MobiFone, Petrolimex và BIDV có kế hoạch cổ phần hóa trong năm nay (2010), nhiều người tưởng rằng Thủ tướng đã nói thế thì "chắc chắn" MobiFone sẽ sớm hoàn thành cổ phần hóa, song rốt cuộc vẫn không có chuyển biến gì. Lại tiếp một năm nữa, tháng 2/2011, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định trên báo VnEconomy, MobiFone bắt buộc phải cổ phần hóa trong năm 2011 "để cơ cấu lại doanh nghiệp và góp phần tái cấu trúc lại nền kinh tế".

Đến tháng 4/2011, lại có tin từ ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT tiết lộ, "Nhà nước vừa có quyết định thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone". Ông Đức cho biết, tiến trình cổ phần hóa MobiFone vẫn đang được triển khai, nhưng do MobiFone là một doanh nghiệp có giá trị rất lớn nên nhà Nước phải thận trọng trong quá trình chỉ đạo cổ phần hóa. Theo lời ông Đức, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo tìm kiếm đối tác chiến lược tham gia quá trình cổ phần hóa MobiFone.

Cũng trong tháng 4/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, quy định các cá nhân, tổ chức đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Quy định này gây nhiều tranh cãi trên các mặt báo về số phận của VNPT cũng như hai mạng viễn thông mà tập đoàn này sở hữu, bởi như vậy VNPT sẽ không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của 1 trong 2 mạng di động là VinaPhone và MobiFone. Quy định này sẽ buộc VNPT phải chọn thoái vốn tại một trong hai mạng di động.

Bẵng đi gần một năm nữa, đến đầu 2012, báo chí lại một phen xôn xao khi trong đề án tái cấu trúc gửi Thủ tướng, VNPT "đề nghị không cổ phần hóa MobiFone mà sẽ cổ phần hóa toàn bộ VNPT sau năm 2015". Tập đoàn này chủ trương hợp nhất MobiFone và VinaPhone thành Tổng công ty Thông tin di động VNPT (gọi tắt là VNPT - Mobile), đồng thời, VNPT sẽ hình thành bộ máy quản lý, điều hành của tổng công ty nhằm thống nhất quản lý, dùng chung cơ sở hạ tầng, duy trì kinh doanh cả hai thương hiệu MobiFone và VinaPhone. Đề xuất này đã gây nhiều tranh cãi và phản đối từ các chuyên gia kinh tế và viễn thông, với hầu hết ý kiến cho rằng hợp nhất VinaPhone – MobiFone sẽ làm mất tính cạnh tranh của thị trường viễn thông.

Phương án hợp nhất MobiFone – VinaPhone không được đồng tình, VNPT lại tiếp tục loay hoay chỉnh sửa đề án tái cơ cấu. Theo phương án mới nhất được Bộ TT-TT trình lên Thủ tướng, MobiFone sẽ tách ra khỏi Tập đoàn VNPT và thành lập Tổng Công ty Thông tin di động. Tổng Công ty này cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động và MobiFone là một thành viên. Cũng theo phương án này, khoảng 60 doanh nghiệp (trong đó có nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ với khoản nợ khoảng 1600 tỉ đồng) của VNPT sẽ chuyển sở hữu sang MobiFone, VNPT sẽ giữ lại một số doanh nghiệp kinh doanh tương đối hiệu quả.

Trái với mong muốn của VNPT muốn "đẩy" khoản nợ 1600 tỉ như một điều kiện để cho MobiFone được "ra riêng", Chính phủ đã ra một quyết định khá bất ngờ với giới báo chí là chấp thuận cho MobiFone tách ra khỏi VNPT mà không phải kèm bất cứ doanh nghiệp nào của tập đoàn và sẽ phải tiến hành nhanh việc cổ phần hóa.

Có vẻ như đây là một kết thúc có hậu cho MobiFone bởi nhiều chuyên gia cho rằng, khi không phải gánh nợ cho VNPT thì việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng như tiến hành các thủ tục cổ phần hóa MobiFone sẽ nhanh chóng hơn. Mặc dù vậy, chưa ai biết chắc khi nào MobiFone sẽ cổ phần hóa xong. Có thông tin cho rằng sẽ mất khoảng 2-3 năm.

VNPT cố tình trì hoãn và gây khó?

Theo bài viết Oái oăm chuyện thoái vốn của VNPT đăng trên báo Lao Động năm 2011, nhiều chuyên gia về kinh tế có chung nhận định: "VNPT không muốn bán cho người khác "nồi cơm chính" của mình là nguyên nhân khiến cổ phần hóa MobiFone liên tục chậm trễ".

Nhiều năm nay, doanh thu VNPT có phần góp không nhỏ từ MobiFone

Năm 2009, VNPT từng bị Thanh tra Chính phủ thanh kiểm tra công tác cổ phần hóa, phát hiện hàng loạt sai phạm, từ việc chỉ đạo cổ phần hóa cho đến quản lý đất đai sau cổ phần hóa, đầu tư sau cổ phần hóa, trong đó có vấn đề chậm nộp vốn và cổ tức cho Nhà nước với tổng số tiền lên đến 89 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị kiểm điểm các cá nhân sai phạm, tuy nhiên vụ việc sau đó không được báo chí đề cập nữa.

Điểm lại quá trình suốt 8 năm qua, VNPT đã nhiều lần thể hiện trên mặt báo "quyết tâm" cổ phần hóa MobiFone, nhưng đồng thời tập đoàn này cũng có nhiều động thái trì hoãn. Năm lần bảy lượt VNPT trình lên Bộ TT-TT và Thủ tướng Chính phủ các đề án tái cơ cấu và cổ phần hóa khác nhau với các phương án gây tranh cãi, thể hiện ý chí muốn níu kéo, giữ lại nguồn thu nhập từ MobiFone. Các đề án này tất nhiên đều không được phê duyệt - nhất là khi có quá nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia và từ cơ quan chủ quản - và thế là VNPT có lý do chính đáng để tiếp tục "nghiên cứu" xây dựng phương án mới, mỗi lần như vậy đều mất vài tháng cho đến... cả năm trời.

Tại buổi tọa đàm mới đây về tái cơ cấu thị trường viễn thông, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, tiền thân của Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng: "VNPT không muốn tách MobiFone vì tách ra là thiệt thòi cho VNPT. MobiFone là công sức của VNPT, là "anh cả" trong nhà, vạn bất đắc dĩ mới phải tách ra".

Ông Trực cũng cho rằng trên thực tế, nếu chia tách thì VNPT sẽ khó khăn. Nhưng đây cũng là lỗi của VNPT. Nếu VNPT cổ phần hóa từ 2006 theo chủ trương của Thủ tướng thì giờ tập đoàn này vẫn có thể giữ được 80% cổ phần của MobiFone chứ không phải chia đôi và cạnh tranh với nhau. Hơn nữa, nếu MobiFone sớm được cổ phần hóa thì VNPT sẽ rảnh tay tập trung đẩy mạnh phát triển cho VinaPhone, hẳn điều này sẽ có lợi cho VNPT và cả xã hội.

Cũng phải nói một cách khách quan rằng, do MobiFone không kịp cổ phần hóa trong năm 2006 như dự định ban đầu, và sau đó thị trường chứng khoán sụt giảm, hàng loạt doanh nghiệp lớn như Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ… phát hành cổ phiếu lần đầu không thành công nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết tâm chuyển đổi sở hữu của các nhà quản lý VNPT. Bên cạnh tâm lý sợ mất các đặc quyền đặc lợi cũng như các quyền lực đối với một đơn vị đang tạo ra doanh thu chủ yếu của mình, VNPT chắc hẳn cũng đã "chờ đợi" sự hồi phục của thị trường chứng khoán, ít nhất là trong vài năm đầu kể từ khi thị trường lao dốc. Nhưng thị trường chứng khoán đã xuống đáy quá lâu – một phần cũng do thiếu những "hàng hóa" có chất lượng như MobiFone và các doanh nghiệp nhà nước tương tự - khiến có lúc tưởng như việc cổ phần hóa MobiFone không biết nên tiến hay nên lùi, còn các nhà đầu tư thì nản lòng thấy rõ.

MobiFone "ra riêng", thị trường viễn thông sẽ ra sao?

Mặc dù Chính phủ đã chính thức quyết định tách MobiFone khỏi VNPT và doanh nghiệp này sẽ không phải gánh theo những đơn vị thua lỗ của VNPT, nhưng MobiFone sẽ trực thuộc Bộ TT&TT và Bộ TT&TT sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với MobiFone theo Nghị định 99 của Chính phủ. Như vậy, dù MobiFone được cổ phần hóa, đây vẫn là một doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước sẽ nắm giữ cổ phần chi phối. Nghị định 99 áp dụng với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Công ty TNHH Một thành viên), trên 50% vốn điều lệ (Công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc không quá 50% vốn điều lệ (Công ty TNHH hai thành viên trở lên và vốn góp của Nhà nước không quá 50% vốn điều lệ). Chưa rõ tỉ lệ phần vốn nhà nước tại MobiFone sau cổ phần hóa là bao nhiêu, nhưng đây là điều mà giới đầu tư trong và ngoài nước đang đặc biệt quan tâm.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), doanh nghiệp nước ngoài có thể chiếm đến 49% cổ phần trong các doanh nghiệp hạ tầng, mà viễn thông cũng là hạ tầng. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, việc lĩnh vực viễn thông được cổ phần hóa bao nhiêu phần trăm còn phụ thuộc vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán.

Mới đây, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào tiêu chí phân loại và vai trò với sự phát triển cả ngành để xác định tỷ lệ duy trì nắm giữ vốn nhà nước nhưng không được quá 65%. Đơn cử như khối các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (trong đó có Vietcombank, BIDV) không được bán hơn 35% cổ phần. Trên thực tế, tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), vốn Nhà nước đang chiếm tỷ lệ 77,11%, còn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - ông lớn quốc doanh mới nhất vừa niêm yết trên sàn chứng khoán, có tới 95,76% vốn Nhà nước.

Như vậy, mặc dù đã "cởi trói" cho MobiFone khi để doanh nghiệp này một mình tách khỏi VNPT mà không phải gánh theo các doanh nghiệp thua lỗ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông, nhưng chắc rằng tỉ lệ phần vốn do tư nhân nắm giữ sẽ không quá "thoáng" như các doanh nghiệp khác.

Được biết, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ tùy thuộc điều kiện sau năm 2015, với các cam kết hội nhập. Chẳng hạn, năm nay, Việt Nam gia nhập Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), còn cuối sang năm sẽ hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), do đó nếu tiến trình cổ phần hóa tại MobiFone lần này được hoàn thành sau năm 2015 thì nhiều khả năng tỉ lệ cổ phần được bán ra bên ngoài sẽ được mở rộng hơn.

tỉ lệ cổ phần hóa mobifone

Tỉ lệ cổ phần hóa MobiFone sẽ quyết định tính cạnh tranh của thị trường

Trong khi điều này còn chưa ngã ngũ, nhiều chuyên gia cho rằng nếu tách MobiFone để hình thành thêm một doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thêm tính cạnh tranh của thị trường. Hơn nữa, MobiFone sẽ chỉ thực sự chủ động trong kinh doanh và hấp dẫn với các nhà đầu tư nếu được cổ phần hóa mạnh mẽ, và chỉ khi Nhà nước bớt chi phối hoạt động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có thể thỏa sức phát triển, cạnh tranh.

Sau khi tách MobiFone, VNPT vẫn còn mạng VinaPhone và đây vẫn là một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Viettel thì là doanh nghiệp Nhà nước 100% vì là mạng viễn thông do quân đội quản lý. Ba doanh nghiệp Nhà nước cạnh tranh với nhau chưa chắc đã mang lại một thị trường phát triển lành mạnh. Theo ý kiến của ông Mai Liêm Trực trên báo ICTNews, nếu bức tranh thị trường viễn thông trong tương lai có 4 doanh nghiệp lớn, ví dụ Viettel là doanh nghiệp liên quan đến an ninh quốc phòng thì nên để 100% Nhà nước, các doanh nghiệp còn lại thì cổ phần hóa và những doanh nghiệp nào quan trọng thì Nhà nước chiếm 51% cổ phần.

Làm thế nào để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường viễn thông và duy trì sự phát triển bền vững rõ ràng vẫn là bài toán khó cho cơ quan quản lý. VNPT là một thương hiệu lớn đã nhiều năm nay và Nhà nước sẽ không để thương hiệu này trượt dốc sau khi tách MobiFone. Bài viết mới đây trên ICTNews cho biết, "sau khi cổ phần hóa MobiFone sẽ lấy nguồn lực đó để quay lại đầu tư cho VNPT". Có vẻ như, ông anh cả VNPT vẫn còn khiến cha mẹ lo lắng. Sự "bảo bọc" này của Nhà nước không rõ sẽ có lợi hay có hại cho sự phát triển của VNPT?

Như vậy, mặc dù chủ trương chia tách và cổ phần hóa MobiFone đã rõ, nhưng câu chuyện cổ phần hóa MobiFone vẫn còn ở thì tương lai khi mà doanh nghiệp này sẽ phải làm lại hầu như tất cả các phần việc của tiến trình cổ phần hóa. Sẽ là 2 hay 3 năm nữa? Câu trả lời chỉ chắc chắn khi MobiFone chính thức thực hiện bán cổ phiếu lần đầu (IPO).

Đông Phong

Chủ đề khác