VnReview
Hà Nội

Trường hợp nào được hủy đăng cai ASIAD?

Dư luận gần đây đang thiên về hướng Việt Nam nên hủy tổ chức Á vận hội ASIAD vì chi phí tốn kém cộng với chất lượng vận động viên chưa tốt. Tuy hủy tổ chức một sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế như vậy không dễ, ngay cả khi chấp nhận chịu nộp phạt, nhưng không có nghĩa là không thể.

Việt Nam chính thức chạy đua đăng cai ASIAD 18 vào ngày 7/6/2011. Ngày 8/11/2012, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) họp tại Ma Cao công bố Hà Nội đã đánh bại Surabaya của Indonesia để giành quyền đăng cai ASIAD vào năm 2019.

Đoàn đại biểu Việt Nam vui mừng nghe kết quả Hà Nội giành được quyền đăng cai ASIAD 18 năm 2011.

Năm 2011, đoàn đại biểu Việt Nam vui mừng nghe kết quả Hà Nội giành được quyền đăng cai ASIAD 18;

Kết quả là, đi cùng niềm vui giành được quyền đăng cai một sự kiện thể thao quốc tế là mối lo về gánh nặng tài chính để tổ chức sự kiện.

Mới đây, Bộ trưởng VHTT&DL đã trấn an các Đại biểu Quốc hội rằng chi phí tổ chức ASIAD 18 chỉ khoảng 150 triệu USD (khoảng 3.150 tỉ đồng) do đã sẵn có hạ tầng từ hồi phục vụ SEA Games 22 hồi năm 2003 và các địa phương cũng chia sẻ kinh phí.

Tuy nhiên, dù có giải thích thế nào thì rất nhiều người, trong đó có cả quan chức chính phủ không tin kinh phí 150 triệu USD có thể đủ cho việc tổ chức ASIAD. Được biết, các kỳ ASIAD gần đây đều có kinh phí tổ chức lớn hơn rất nhiều. Chẳng hạn như tại ASIAD 15 - Qatar 2006, ban tổ chức chi khoảng 2,8 tỉ USD; tại ASIAD 16 - Quảng Châu, Trung Quốc 2010, ban tổ chức chi 17 tỉ USD, bao gồm cả việc xây dựng một thành phố mới, hệ thống tàu điện ngầm và hoàn thiện mạng lưới giao thông; tại ASIAD 17 Incheon, Hàn Quốc 2014, ban tổ chức dự kiến chi khoảng 1,62 tỉ USD cho công tác tổ chức Đại hội. Incheon xây mới tới 23 công trình phục vụ Đại hội, trong đó SVĐ chính sẽ khánh thành vào tháng Tư này với sức chứa 61.000 chỗ ngồi.

Ngày 1/4/2014, trả lời phóng viên báo Tuổi trẻ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: "Nói chung là Bộ KH-ĐT không ủng hộ làm việc này", và Bộ cho rằng 150 triệu USD không đủ để tổ chức ASIAD. Việc này, Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ.

Bài báo trên Tuổi trẻ cũng nêu ý kiến ông Hà Quang Dự, nguyên chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam rằng với tình hình hiện nay, chưa phải là thời điểm để Việt Nam đăng cai ASIAD 2019.

"Ông Hà Quang Dự mong muốn các nhà lãnh đạo và những người có trách nhiệm đối với ngành thể thao hãy lắng nghe dư luận xem có nên tiếp tục đăng cai tổ chức ASIAD năm 2019 bằng mọi giá hay không", bài báo viết.

Trường hợp nào có thể hủy bỏ một sự kiện thể thao quốc tế?

Theo trang web cung cấp tài liệu về luật pháp của Anh InBrief, quyết định cuối cùng về địa điểm tổ chức một sự kiện thể thao do tổ chức điều hành thế giới về sự kiện thể thao cụ thể đó, trường hợp này là Ủy ban Olympic châu Á (OCA) quyết định.

Một khi một thành phố/ quốc gia đã giành được quyền đăng cai sự kiện họ sẽ phải ký một thỏa thuận phác thảo tất cả các khía cạnh hoạt động của sự kiện. Trong thỏa thuận sẽ có điều khoản liên quan đến hủy bỏ sự kiện ở nước giành được quyền đăng cai.

Vậy những lý do gì để một quốc gia bị/được hủy bỏ việc tổ chức sự kiện thể thao đã giành được quyền đăng cai?

Câu trả lời là có ba lý do: Bất khả kháng, không đáp ứng được tất cả các điều kiện để đăng cai sự kiện và vì lý do an toàn.

Bất khả kháng được định nghĩa là một hành động ngoài tầm kiểm soát của các nhà tổ chức sự kiện. Nó thường xảy ra do điều kiện thời tiết bất lợi hoặc thảm họa thiên tai. Thỏa thuận giữa Ủy ban Olympic với nước tổ chức bao giờ cũng có điều khoản này để Ủy ban có quyền hủy thỏa thuận ngay lập tức.

Về đáp ứng điều kiện tổ chức, trong thỏa thuận sẽ có đưa ra những yêu cầu tối thiểu buộc nước chủ nhà phải tuân thủ, chẳng hạn như có số lượng sân vận động sẵn sàng tổ chức sự kiện vào một thời điểm nhất định.

Một lý do khác mà việc tổ chức sự kiện phải hủy bỏ là lý do an toàn cho cả vận động viên và khán giả theo dõi sự kiện.

Chẳng hạn, giải Cricket World Cup 2011 theo kế hoạch tổ chức ở Pakistan đã bị hủy do vụ tấn công khủng bố một đoàn Sri Lanka tới dự trận đấu giao hữu với Pakistan. Trước đó, Pakistan cũng đã hủy tổ chức Giải liên đoàn Nam Á 4 lần, lần cuối cùng là vào năm 2003 sau vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001, chấp nhận nộp phạt 70 triệu rupi (khoảng 1,2 triệu USD).

Thế vận hội châu Á cũng đã từng 3 lần bị nước giành quyền đăng cai hủy tổ chức. Theo báo Thể thao Văn hóa, năm 1968, Hàn Quốc xin rút quyền đăng cai ASIAD năm 1970 với lý do không đảm bảo được an ninh do khi đó tình hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến phức tạp. Thực tế thì giới truyền thông Hàn Quốc ở thời điểm đó đã ngay lập tức đưa ra nhận định về tình hình kinh tế khó khăn và nên trả lại quyền đăng cai.

Tại kỳ ASIAD 8 năm sau đó, thậm chí có tới hai quốc gia xin hủy đăng cai ASIAD 1978. Năm 1972, sau khi thắng Nhật Bản trong cuộc đua giành quyền đăng cai ASIAD 1978, một số nhà lãnh đạo Singapore trong đó có Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cho rằng đăng cai ASIAD không có ích lợi nào cho một quốc gia nhỏ bé như Singapore. Vào đầu năm 1974, Ủy ban Olympic Singapore đã chính thức trả quyền đăng cai Asiad 1978 với lý do nền kinh tế Singapore đang gặp phải những vấn đề về mặt tài chính.

Sau đó, quyền đăng cai ASIAD 1978 được trao cho Pakistan. Tuy nhiên, những cuộc xung đột vũ trang với Bangladesh và Ấn Độ ở thời điểm đó, cộng thêm tình hình suy thoái, lạm phát nghiêm trọng lan rộng, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu đã buộc Pakistan hủy đăng cai ASIAD 1978 trước thời điểm khai mạc 3 năm.

Theo quy định của OCA, nước hủy đăng cai phải nộp phạt 1 triệu USD.

Rõ ràng, việc hủy đăng cai ASIAD đã từng xảy ra, và phần lớn lấy lý do không đảm bảo an toàn trong khi thực tế là nước chủ nhà nhận thấy tình hình kinh tế khó khăn.

Vậy Việt Nam có thể viện lý do gì để hủy tổ chức ASIAD 18? Chắc chắn trong điều khoản thỏa thuận giữa Ủy ban Olympic Việt Nam và OCA có quy định việc này nhưng chưa được công bố.

Việc hủy đăng cai ASIAD chắc chắn sẽ gặp thiệt hại, như nộp phạt, giảm uy tín trong giới quan chức thể thao quốc tế, nhưng sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngân sách quốc gia cũng như nhân lực phục vụ sự kiện. Vấn đề quan trọng là có quyết hủy đăng cai hay không?

Câu trả lời này gần như đã rõ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng nay (1/4) nói rõ nếu kế hoạch, phương án tổ chức ASIAD khả thi mới được làm còn không thì không làm nữa.

Thủ tướng nói: "Tôi đề nghị ông Hoàng Tuấn Anh (Bộ trưởng VH-TT&DL ngay trong tuần tới báo cáo lại phương án, kế hoạch cụ thể về việc tổ chức ASIAD 18. Cái này các ông chưa báo cáo Thủ tướng đã đi trình bày ở Quốc hội thành ra tôi chưa nghe, chưa rõ gì cả. Bây giờ phải báo cáo cụ thể coi phương án kế hoạch thế nào, chi cái gì để Thủ tướng có ý kiến đã".

Như vậy, ASIAD 18 sẽ rời Việt Nam hay tiếp tục ở lại có thể có quyết định trong một vài tuần tới. Và ai cũng mong chờ một kết thúc có hậu cho Việt Nam.

Thanh Xuân

Chủ đề khác