VnReview
Hà Nội

Tại sao Bộ y tế chưa công bố dịch sởi?

Dư luận lo ngại con số 2.492 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó 25 trường hợp tử vong chưa phản ánh đúng thực tế tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo nhiều người, dịch sởi năm nay lại có biến chứng đặc biệt nhanh và nặng hơn mọi năm. Vậy tại sao Bộ y tế vẫn chưa công bố dịch sởi?

Con số chưa phản ánh đúng thực tế

Cộng đồng mạng đang truyền tay nhau một bài viết của Hội nuôi con bằng sữa mẹ trên Zeronews với tựa đề "cập nhật tình hình dịch sởi tháng 4/2014". Bài blog đăng tải status rất thương tâm với nội dung: "Không hiểu Bộ y tế thế nào. Mình có 2 người bạn làm bác sĩ ở bệnh viện Nhi đều nói: Chưa bao giờ bệnh viện trong tình trạng như thế này. Chết nhiều lắm các mẹ ạ. Đến nỗi bác sĩ giao bàn còn phải khóc vì chết nhiều mà không làm gì được. Thực sự là như vậy nhưng mà Bộ y tế giấu nhẹm đi. Vì sao? Vì ký kết gì đó với y tế thế giới là đến năm 2017 sẽ loại bỏ dịch sởi mà. Nói thật nghe bác sĩ trong nghành kể thế mà mình run mặc dầu con mình cũng tiêm phòng rồi", đồng thời status cũng cho rằng dịch sởi năm nay có diễn biến rất khó lường: "Thấy bảo năm nay sởi không phải thông thường nữa mà toàn sởi biến chứng nhanh, nặng nên tử vong nhiều lắm. Vì vậy các bà mẹ hãy cẩn thận cho bé, nhất là dưới 9 tháng tuổi."

Status đang được cộng đồng mạng chia sẻ mạnh mẽ

Đi kèm status gây rúng động này là hàng loạt bài báo đưa tin về diễn biến dịch sởi. Song song với đó là những bình luận, những nhận xét đau thương của các bà mẹ, các gia đình có con không may mắc bệnh sởi. "Cháu mình đây, đau xót lắm các mẹ ạ. Con bị phổi, đã hồi; phục được nhiều, rồi ban nổi lên, thế là chỉ sau 4 ngày, con không còn sức chiến đấu nữa. Con mới 6 tháng tuổi, lại là con hiếm muộn" (bạn mèo tam thể), "Đêm nào cũng nghe tiếng khóc của các mẹ mất con, đau lòng lắm, có đêm cao điểm 1 phòng điều trị thì 1 nửa các bé ra đi, còn bình thường thì cứ 3-6 bé" (bạn mecukhankhan), "Hôm qua mình mới được nghe một anh bạn làm trong Bộ y tế kể không phải là 25 trẻ tử vong do sởi như báo chí viết đâu mà đến 300 trẻ rồi, cứ 100 ca vào thì chỉ có 10 trẻ đỡ còn lại bị nặng và bệnh viện không cứu được" (bạn Bella)...

Cộng đồng mạng đang rất hoang mang trước sự bùng phát nhanh chóng của "đại dịch" sởi trên trẻ em, nhất là với những cháu bé dưới 9 tháng tuổi. Tại các bệnh viện, tình hình thực tế không mấy khả quan, khi mà số lượng trẻ em mắc sởi vẫn ùn ùn nhập viện.

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc bệnh viện Nhi TW chia sẻ trên Vietnamnet là chưa bao giờ bệnh viện lại quá tải vì số lượng trẻ nhập viện do sởi như hiện nay: "Ngày cao điểm, như ngày 10/4 đến rạng sáng 11/4 thì đã có 40 trẻ nhập viện. Hiện bệnh viện phải dành cả khoa Truyền nhiễm chỉ để phục vụ bệnh nhân mắc sởi nặng có biến chứng". Ông An cũng cho biết hiện bệnh viện Nhi TW đã có trên 200 bệnh nhân nhiễm sởi đang được điều trị trong điều kiện thiếu máy thở, máy tiêm. Nhiều bệnh nhân phải chung nhau một máy thở, phải ghép 6 bé trên một chiếc giường…

Theo Cục Y tế dự phòng, cả nước đã có gần 6.700 ca sởi và sốt phát ban dạng sởi, trong đó gần 2.500  trường hợp được xác định mắc bệnh sởi tại 59 tỉnh/thành phố. Chỉ tính riêng bệnh viện Nhi TW, đã có hơn 900 ca sởi biến chứng đến từ hơn 20 tỉnh, thành phía Bắc. Ngoài ra nhiều ca bệnh diễn biến vô cùng nguy kịch, sự sống, cái chết của bệnh nhi mong manh trong gang tấc.

Các khoa Nhi đều quá tải vì bệnh nhân sởi tăng mạnh

Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng bị quá tải với 83 ca mắc sởi rất nặng phải nhập viện điều trị. Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), trung bình mỗi tuần tiếp nhận từ 90 - 100 ca sởi chuyển từ các tỉnh phía Nam, trong đó khoảng 10% số ca bệnh bị biến chứng nặng phải thở máy…

Tình hình tại các bệnh viện đang rất nóng, tuy nhiên theo công bố của các cơ quan quản lý thì tình hình dịch bệnh đã "qua đỉnh" được 4 tuần. Thông tin này gây bất ngờ cả với các bác sỹ đang trực tiếp chống chọi với sởi. Theo lãnh đạo Bộ Y tế cho biết muốn khẳng định trẻ có mắc sởi hay không cần làm xét nghiệm, và số lượng trẻ mắc sởi được công bố là số trẻ đã được xác định dương tính sau xét nghiệm. Như vậy con số 6.700 mà Bộ Y tế công bố là chỉ tính từ kết quả của những trẻ đã làm xét nghiệm. Trong khi đó, nguồn tin từ Dân trí cho rằng các bác sỹ tại bệnh viện Nhi TW có thể xác định bệnh sởi thông qua chẩn đoán lâm sàng, không nhất thiết phải xét nghiệm bởi bênh sởi có những biểu hiện rất đặc trưng, điển hình như phát ban, sốt cao, viêm kết mạc…Do đó số liệu mà Bộ đưa ra dường như chưa phản ảnh đúng thực tế này.

Đặc biệt, con số tử vong được công bố là 25 trường hợp trên cả nước có "vênh" với con số thực tế?  Đã có nhiều nguồn tin cho rằng tại bệnh viện Nhi TW, con số tử vong liên quan đến sởi đã vượt quá con số công bố này. Tuy nhiên, không một ai dám đưa ra công bố chính thức vì "không được quyền phát ngôn".

Tại sao Bộ chưa công bố dịch sởi?

Tình hình dịch sởi đã xảy ra ở 59/63 tỉnh, thành, số lượng bệnh nhân mắc sởi đã lên tới con số hàng ngàn, tuy nhiên tại sao Bộ Y tế vẫn chưa chính thức công bố dịch sởi?

Trao đổi với Vietnamnet, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết việc khi nào công bố dịch sởi thì cần phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh và thực hiện theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/10/2010.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Theo Quyết định này, việc công bố bệnh truyền nhiễm (trong đó có sởi) chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện:

- Một là có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc sự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc TW trở lên.

- Hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ như: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan ý tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm hoạ.

Và mặc dù không công bố dịch vì vẫn "trong tầm kiêm soát", nhưng Bộ Y tế lại vừa có quyết định số 1194/QĐ-BYT xuất cấp không thu tiền 30 chiếc máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia để phục vụ công tác phòng chống dịch và nhu cầu khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân nhi. Theo đó, số máy thở này 30 sẽ được cấp cho 4 bệnh viện gồm: Bệnh viện Nhi Trung ương (8 máy), bệnh viện Bạch Mai (10 máy), bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (8 máy) và bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội (4 máy).

Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi và các phòng tránh

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết trên VOV rằng tuy sởi là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ nhưng các bậc phụ huynh không nên chủ quan.

Theo đó, nếu trẻ có biểu hiện sốt, phát ban, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm long đường hô hấp thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh sởi.

Một bé trai mắc bệnh sởi

Khi trẻ đã mắc bệnh, điều đầu tiên là cần chăm sóc thật tốt dinh dưỡng (ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, uống nhiều nước trái cây), hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho trẻ (không kiêng tắm như dân gian). Không nhất thiết phải đưa đến viện mà cách ly ở nhà, chăm sóc và theo dõi sát.

Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... thì nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu cần dùng kháng sinh thì tuyệt đối tuân theo sự chỉ định của bác sĩ.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và các biến chứng nặng do sởi gây ra. Bệnh sởi là bệnh rất dễ lây và thường có các biến chứng, do đó khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, chăm sóc và cách ly để hạn chế các biện chứng nặng của sởi và phòng lây nhiễm cho cộng đồng.

Tin liên quan:

Đã tiêm phòng hoặc từng bị sởi vẫn có thể... "tái nhiễm"

GL

Chủ đề khác