VnReview
Hà Nội

Thế Giới Di Động: 10 năm nuôi mộng và cuộc làm giá cổ phiếu MWG

Sáng hôm qua, 14/7/2014, khi ông Nguyễn Đức Tài còn chưa gióng hồi chiêng chính thức hiện thực hóa giấc mơ đưa Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (viết tắt là Thế Giới Di Động) lên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã cổ phiếu MWG, thì người ta đã có thể dự đoán được rằng mã cổ phiếu này sẽ tăng trần, với biên độ +20% trong phiên giao dịch đầu tiên.

Thế Giới Di Động nhận quyết định niêm yết cổ phiếu

Thế Giới Di Động nhận quyết định niêm yết cổ phiếu

Một thập niên tăng trưởng vàng

Thế Giới Di Động được thành lập năm 2004. Đến năm 2005, siêu thị Thegioididong.com đầu tiên chuyên bán điện thoại di động và laptop mở ra trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TPHCM mà đến nay vẫn còn tồn tại ở vị trí này. Nếu tính từ con số 2 tỉ đồng vốn đầu tư từ cách đây 10 năm cho đến ngày chính thức niêm yết cổ phiếu, giá trị của Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động đã tăng phi mã đến hàng ngàn lần. Còn nếu lấy mốc tính từ tháng 1/2009 khi Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động được thành lập với vốn điều lệ 7,6 tỉ đồng, thì tới nay tỉ lệ tăng vốn điều lệ lên đến 82,5 lần, còn nếu so với giá trị doanh nghiệp, thì tỉ lệ tăng cũng đạt mức vài trăm lần.

Cũng tương tự như bên lĩnh vực nội dung số, Cty Cổ phần VNG vào năm 2014 này cũng vừa tròn 10 tuổi và là dự án đầu tư mạo hiểm thành công nhất của quỹ IDG Ventures, thì Thế Giới Di Động 10 tuổi lại là dự án đầu tư thành công nhất của Mekong Capital. Giá trị doanh nghiệp của Thế Giới Di Động trước khi lên sàn được định theo mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu, đã đạt trên 5.300 tỉ đồng. Hai thành viên sáng lập là ông Nguyễn Đức Tài và Trần Lê Quân nghiễm nhiên lọt vào tốp 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.;

Câu chuyện 10 năm hình thành và phát triển rồi lên sàn của Thế Giới Di Động như một giấc mơ đẹp đã thành hiện thực dù trên thực tế kinh doanh cũng đã gặp những khó khăn nhất định. Nhưng về đại thể, Thế Giới Di Động hầu như được đi trên con đường nhung lụa của thương trường.

Ngày 14/7/2014, bầu không khí tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đối với những người làm ở Thế Giới Di Động như một ngày hội. Một ngày mà những gì họ đã nỗ lực làm và đóng góp, cống hiến đã được ghi nhận và hiện thực hóa. Hình ảnh vui mừng ấy gợi nhớ lại sự kiện ngày 13/12/2006 cũng tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM khi Công ty FPT lên sàn, một loạt thành viên sáng lập FPT khi ấy trở thành những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, và nhiều cán bộ, nhân viên của FPT sau đó trở nên giàu có và cuộc sống, ý thức làm việc của họ cũng thay đổi. Vấn đề này đã được gợi ra trong hội nghị "Giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu MWG" tại TP.HCM ngày 16/6/2014, song ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch của Thế Giới Di Động - bày tỏ niềm tin rằng người của Thế Giới Di Động không đến mức "đổ đốn" vì sự giàu có nhanh chóng này.

Ông Nguyễn Đức Tài khua chiêng lên sàn của mã cổ phiếu MWG

Ông Nguyễn Đức Tài gióng chiêng lên sàn của mã cổ phiếu MWG

Làm giá và… bẫy giá

Nhận định chung từ các nhà đầu tư trên thị trường thì MWG là mã cổ phiếu tốt, đáng để đầu tư. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là: Mức giá nào mới đáng để đầu tư?

Ngày 16/6, thông cáo từ Thế Giới Di Động phát đi cho biết dự kiến mức giá tham chiếu ngày lên sàn là 85.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đến sát ngày niêm yết, giá tham chiếu của MWG được điều chỉnh xuống 68.000 đồng, tức giảm xuống 20%. Ngay khi đó có dư luận cho rằng có thể Thế Giới Di Động phải điều chỉnh vì trước đó định mức giá tham chiếu quá cao, hoặc Thế Giới Di Động không tự tin với mức giá đó trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang "lình xình".

Nhưng có lẽ dư luận trên bị nhiễu sóng. Sự điều chỉnh giảm giá tham chiếu 20% về thực chất không làm ảnh hưởng gì tới hầu bao của các cổ đông lớn vì khi lên sàn, nếu MWG vẫn cứ hot và tăng, thì đâu lại vào đó. Việc điều chỉnh mức giá tham chiếu của MWG có thể thuần về kĩ thuật và thủ thuật nhằm hài hòa giữa quyền lợi riêng của Thế Giới Di Động và quyền lợi chung của sàn chứng khoán: Nếu ngay ngày đầu MWG tăng trần 20% thì sẽ giúp kéo chỉ số của sàn HOSE lên xanh. Điều này đã diễn ra đúng trong ít nhất hai phiên ngày 14/7 và 15/7, MWG tăng trần 20% và 7%, góp phần làm xanh sàn HOSE.

Hai phiên liền tỉ lệ tăng cộng dồn tới 27% về giá nhưng lượng cổ phiếu MWG giao dịch vẫn rất ít. Cổ phiếu MWG được xem là khan hàng. Ngay hôm 16/6, ông Nguyễn Đức Tài còn khẳng định rằng ông sẽ gom mua vào nếu có ai bán với mức giá 85.000 đồng. Tổng lượng cổ phiếu lên đến 62,7 triệu cổ, chiếu theo qui định tỉ lệ cổ phiếu bán ra công chúng ít nhất phải 20%, nhưng lượng giao dịch trong hai phiên đầu chỉ hơn 10.000 cổ/phiên, tỉ lệ chỉ hơn 1/10.000.

Lượng cổ phiếu được bung ra giao dịch trong hai phiên đầu về bản chất không hẳn do nhu cầu mua-bán mà đơn thuần nó nằm trong mục đích và kế hoạch giao dịch để chốt giá làm giá trần mà thôi. Lịch sử trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM từng có những mã cổ phiếu chỉ được giao dịch với số lượng tối thiểu 10 cổ/phiên nhằm mục đích làm giá chốt giá tăng trần. Không khó để đoán được rằng động thái bán nhỏ giọt trong kế hoạch ấy là từ những đối tượng như thế nào.

Giá thị trường lên xuống theo qui luật cung-cầu. Nhưng với những thị trường nhỏ như Việt Nam, cung-cầu có thể được tạo dựng và bóp méo bởi những thế lực chuyên đầu tư-đầu cơ nhiều tiền lắm bạc, hoặc các nhóm lợi ích và những nhà đầu tư lớn, trong đó luôn thể hiện "vai trò cá mập" của các quĩ đầu tư nước ngoài.

Dư luận đang đồn đoán rằng mức giá MWG có thể sẽ được đẩy lên mức trên dưới 100.000 đồng thì sẽ tạm dừng. Như thế cũng đủ để tạo ra một cuộc làm giàu siêu tốc và siêu khủng với mức tăng giá tới 47%. Nhưng nên nhớ rằng những khoản lãi khủng này không lọt nhiều vào túi các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Cho đến trước ngày lên sàn, trong cơ cấu sở hữu cổ phiếu MWG, 5 thành viên sáng lập (Nguyễn Đức Tài, Trần Lê Quân, Điêu Chính Hải Triều, Trần Huy Thanh Tùng, Đinh Anh Huân) nắm giữ tới 45,8% và đã chuyển phần lớn sang công ty riêng; hai quĩ đầu tư nước ngoài là Mekong Capital và CDH Electric Bee Ltd nắm giữ 30,1%; còn lại 24,1% được cho là của các nhà đầu tư khác nhưng trong đó cũng không ít nhà đầu tư lớn, vì người lao động tại Thế Giới Di Động chỉ nắm giữ khoảng 10% cổ phiếu nhưng phân tán trên vài ngàn người. Với cơ cấu nắm giữ này, trong bối cảnh bình thường cổ phiếu MWG không khó bị làm giá bởi các đối tượng nắm giữ lớn. 

Cơ cấu nắm giữ cổ phiếu MWG

Cơ cấu nắm giữ cổ phiếu MWG

Khi giá tham chiếu được điều chỉnh đột ngột xuống còn 68.000 đồng, những dư luận nhiễu sóng và đánh giá không đúng nguyên nhân dễ khiến các cổ đông nhỏ lẻ nhận định sai, nếu sa vào bán ra mạnh sẽ dính ngay bẫy mua vào của các "nhà đầu tư cá mập" và các quĩ đầu tư nước ngoài. Động thái theo chiều ngược lại, một số nhà đầu tư chứng khoán kì cựu cho rằng nếu trong vài phiên tới cổ phiếu MWG cứ tiếp tục bị đẩy lên trần, có thể lượng cổ phiếu được bán ra nhiều hơn. Và từ mức 100.000 đồng trở đi thì rủi ro cũng sẽ bắt đầu xuất hiện. Nếu những nhà đầu tư nhỏ lẻ mất phương hướng lao vào tranh mua có thể sẽ dính vào bẫy tăng giá, sẽ bị thua thiệt vì mua đuổi mua đắt.

THẨM HỒNG THỤY

Chủ đề khác