VnReview
Hà Nội

“Nội chiến” đang bào mòn uy tín OTT

"Chiến trường" cạnh tranh khốc liệt giữa các ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet (OTT) tại Việt Nam như Zalo, Viber, LINE, KakaoTalk, WeChat… "chưa im tiếng súng" song những cuộc "nội chiến" trong lòng mỗi OTT đã nổi lên. Diễn ra không kém cam go mỗi phút mỗi giờ, những cuộc "nội chiến" ấy đang bào mòn uy tín của chính các OTT.

cuộc chiến ott

"Nội chiến" càng gần…

Đã gần 3 năm các ứng dụng OTT nở rộ tại thị trường Việt Nam. Theo ước tính, đến cuối năm 2014 lượng người dùng các ứng dụng OTT sẽ đạt khoảng 30 triệu user. Cuộc đấu tam phân giữa Zalo-LINE-KakaoTalk đã lùi lại phía sau. Bây giờ, người ta đang hướng về tâm điểm cuộc đấu Zalo-Viber.

Zalo mới đây công bố đạt mốc 15 triệu người dùng, còn Viber trước đó cho biết cán mức 12 triệu user. Sự so kè nhau này chưa chứng tỏ hơn thua gì nhiều. Tuy nhiên song hành với những cái được cho mỗi OTT thì những hệ lụy cũng đã ập đến.

Cách đây chưa lâu là tình trạng gửi tin nhắn lừa đảo trúng thưởng trên môi trường Zalo khiến một số người nhẹ dạ cả tin và cũng không loại trừ vì quá nặng lòng tham mà bị sập bẫy. Người xưa có câu "tiên trách kỉ, hậu trách nhân". Song giữa thời đại mặt phẳng số ngày nay, cộng đồng mạng sẽ rất nhanh chóng qui ra trách nhiệm quản lí môi trường cho nhà cung cấp dịch vụ. Và tất nhiên, các vụ mạo danh Zalo để gửi tin nhắn lừa đảo trúng thưởng dẫn đến tình trạng "quýt làm, cam chịu" và uy tín của Zalo cũng bị ảnh hưởng.

Viber vốn được giới văn phòng và tầng lớp trung niên sử dụng nhiều nhờ ưu thế chất lượng thoại và nhắn tin nhưng bây giờ cũng đã nghiễm nhiên được khoác thêm cho những biệt danh như "vua OTT rác", hay "màu tím rác" (màu tím đặc trưng trong ứng dụng này)... Bản thân người viết bài này và nhiều người dùng khác đã bắt đầu cảm thấy phải "chịu đựng" trước hàng loạt tin nhắn rác quảng cáo đổ qua hệ thống Viber mỗi ngày, từ quảng cáo mua bán SIM số di động, nền nhà, sản phẩm tiêu dùng đến rao vặt game cờ bạc, dịch vụ cho thuê chú rể, cho thuê chồng, cho thuê người yêu… trái với đạo lí và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Vậy thì cuộc "nội chiến" đang được đề cập ở đây không gì khác là việc phải xử lí những tin nhắn lừa đảo, tin nhắn quảng cáo rác, thậm chí là những cuộc gọi không mong muốn qua môi trường OTT .v.v... đang làm vẩn đục một loại hình tiện ích vốn dĩ được xem là kết quả ngọt ngào của thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại mà đáng ra loài người phải được tận hưởng nó với những tính năng tiện ích hữu dụng, tiện lợi và an toàn nhất.;

Nỗi ám ảnh tin nhắn rác, tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo… đi qua hệ thống của các mạng di động (Telco) lâu nay đã khiến cho các cơ quan chức năng và xã hội phải đau đầu để nghĩ ra phương sách giải quyết. "Nắm người có tóc" như MobiFone, VinaPhone, Viettel hay cả Zalo còn dễ, nhưng với Viber không đặt máy chủ tại Việt Nam và cũng không có pháp nhân công ty hoạt động tại Việt Nam thì việc xử lí như thế nào chính là một nan đề.

…người dùng càng phải trả giá

Người dùng ứng dụng OTT nói chung và Viber nói riêng sau khi đã phải hứng chịu quá nhiều tin nhắn rác dễ nảy sinh tâm lí là việc sử dụng tiện ích miễn phí thì ít được nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ.

viber tin nhắn rác

Những tin nhắn rác kiểu này đang hàng ngày dội bom vào tài khoản Viber của người dùng

Và một lẽ rất thường tình là khi người ta càng tín nhiệm dùng Viber thì nỗi bức xúc đổ lên ứng dụng này càng lớn khi mỗi ngày tin nhắn rác được phát tán đến hàng triệu người dùng. Cũng là một lẽ rất thường tình nữa nếu người dùng đặt vấn đề nên sử dụng dịch vụ của "người có tóc" vì dù sao cũng còn cái để "nắm" và qui trách nhiệm, buộc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam hơn là sử dụng dịch vụ của "kẻ trọc đầu" khi có bức xúc, sập bẫy, thiệt hại… thì quá lắm cũng chỉ biết chửi đổng mà thôi.

Đành rằng theo lời của vị đại diện Viber tại Việt Nam – bà Đặng Quỳnh Anh – được một tờ báo trích dẫn rằng "Viber đã triển khai các biện pháp nâng cấp hệ thống nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công, thêm tính năng chặn số, các bộ lọc tin nhắn quảng cáo thông minh liên tục được cập nhật cho phép tự động phát hiện, hạn chế tin nhắn rác…", nhưng trên thực tế lượng tin nhắn rác đổ lên đầu người dùng Viber vẫn ngồn ngộn mỗi ngày.

Khi Zalo cán mức 15 triệu người dùng thì lượng tin nhắn đi qua hệ thống mỗi ngày là 175 triệu tin, và chắc chắn trong đó có không ít tin nhắn rác. Với Viber, ứng dụng này chỉ công bố lượng người dùng chứ chưa bao giờ chính thức công bố lượng tin nhắn chuyển qua hệ thống. Dư luận đang đồ rằng Viber không muốn công bố chi tiết này để tránh sự suy luận lôgic sang lượng tin nhắn rác đổ lên đầu người dùng Viber mỗi ngày. Tuy nhiên theo những người hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng OTT, số lượng tin nhắn và tin nhắn rác đi qua Viber có thể đang đứng đầu bảng tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Viber đã có một cộng đồng hơn 12 triệu người dùng tại Việt Nam theo cái cách "bất chiến tự nhiên thành" (được hiểu là không cần chi phí gì để làm marketing, truyền thông cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường nhưng vẫn có lượng người dùng đông đảo) dường như quá dễ dàng nhưng cũng nên biết rằng có thể người dùng cũng sẽ ra đi một cách dễ dàng nếu người ta cứ cảm thấy không được Viber bảo vệ trước các tình trạng quấy nhiễu. 

Cuộc đua giành vị trí OTT số 1 Việt Nam sẽ tạo ra cộng đồng 30 triệu người dùng OTT vào cuối năm 2014 và tạo cho mỗi OTT cộng đồng từ vài triệu đến trên chục triệu users. Sự cạnh tranh, chạy đua trên thị trường là chuyện đương nhiên diễn ra trong hoạt động cung cấp dịch vụ và kinh doanh. Nhưng việc các nhà cung cấp OTT được hưởng trọn hiệu quả và thành tựu trong khi người dùng phải trả giá cho việc thu hút cộng đồng bằng mọi giá ấy không thể xem là chuyện đương nhiên được. Từ những hệ lụy này càng phải tính tới các qui định chế tài đối với những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên nền internet. Bởi với những hệ lụy các doanh nghiệp này gây ra, họ được "ăn ốc" hưởng lợi nhưng trong nhiều trường hợp người dùng Việt lại phải lãnh trọn việc "đổ vỏ".

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác