VnReview
Hà Nội

Các “đại gia” ngày càng “ép người quá đáng!”

Những người dùng Việt đã từng sử dụng dịch vụ blog Yahoo!360 chắc hẳn chưa quên cú "bẻ lái" sang Yahoo!360 Plus đã khiến bao "ngôi nhà" blog bỗng chốc trở thành xây trên cát. Ở không được mà đi cũng chẳng xong, vì bao hình ảnh, bài viết mất công mất thời gian mới có được nhưng lại không dễ chuyển được ngon lành sang "nhà" mới. Đó được xem là cuộc "di cư" lớn nhất lịch sử của cư dân mạng Việt Nam, để lại vị đắng tới giờ chưa hẳn đã nhạt nhòa...

yahoo 360 plus

Yahoo!360 plus đã không thu hút được người dùng như mong muốn

Ép người dùng là bản chất của "đại gia"

Khi thời đại mạng xã hội nổi lên đẩy lùi thời đại blog vào dĩ vãng, Yahoo! theo đó đã mất dần tầm ảnh hưởng đối với người dùng, nếu không muốn nói rằng sau đó dịch vụ blog của Yahoo! chết hẳn. Facebook mạnh dần, với số lượng user cứ tăng lên từng trăm triệu người dùng một cách chóng vánh, chắc chắn đã chạm đến tự ái của gã Google hùng mạnh. Google tưởng dễ ăn và cạnh tranh lại được với Facebook, cách đây 2 năm đã tung ra dịch vụ mạng xã hội Google+ mà rất nhiều người biết đến nhưng không dùng.

Để thực hiện ý đồ tạo cộng đồng người dùng Google+ sau khi thấy không thể cạnh tranh lại với Facebook một cách thẳng thừng, Google đã "chơi chiêu" ép những người đăng kí mới tài khoản Gmail, Google Docs hay các sản phẩm, dịch vụ trong hệ sinh thái của "đại gia" này phải đồng thời sử dụng Google+.

Thế nhưng hơn 2 năm qua, Facebook sau khi IPO thành công và lượng user dần vượt qua con số 1,1 tỉ người dùng, thì lượng người dùng Google+ vẫn phát triển ì ạch. Ép mãi chả xong, mới đây Google đã âm thầm tháo bỏ "xiềng xích Google+". Theo đó những ngày gần đây khi đăng kí sử dụng những dịch vụ, sản phẩm online của Google, người dùng không còn bị ép dùng tới cùng, mà trên giao diện có thêm lựa chọn "No thanks" để từ chối sử dụng dịch vụ Google+. Tuy nhiên, dù buộc phải từ bỏ sự ép uổng, nhưng gã khổng lồ về tìm kiếm vẫn cố khéo léo "lèo lái" người dùng, như nhẹ nhàng gợi ý "bạn vẫn cần một profile Google+" để giúp cho việc đóng góp các nhận xét, đánh giá về những ứng dụng trên kho Google Play, hay phản hồi về các video, các địa danh trên YouTube…

Có thêm người dùng là có thêm cơ hội tạo ra doanh thu và lợi nhuận, đó chính là yếu tố chính yếu và cơ bản nhất khiến các "đại gia" phải ép người dùng cho bằng được mới thôi dù bằng cách sỗ sàng, thô lậu, ức hiếp hay gợi ý lịch sự. Thậm chí như Google, như đã đề cập ở trên, luôn giở chiêu và xoay chiêu liên tục nhằm câu kéo và níu kéo người dùng. Coi như Google buộc phải chào thua Facebook trên mặt trận mạng xã hội, nhưng trên thực tế Google còn cả một hệ sinh thái hùng hậu, và đại gia này cũng đang liên tục xoay chuyển để ép người dùng.

Trang tin công nghệ PhoneArena dẫn một báo cáo mới đây cho hay, gã khổng lồ tìm kiếm đang chuẩn bị ra chiêu mới với các hãng sản xuất ĐTDĐ Android như Samsung, HTC, Huawei.v.v… Lâu nay, Google ràng buộc các đối tác sản xuất thiết bị di động – cụ thể là smartphone – phải cài đặt "chết" 9 ứng dụng cơ bản vào trong hệ thống để thiết bị có thể truy cập vào Google Play. Tuy nhiên sắp tới, theo báo cáo trên, Google sẽ nâng con số ứng dụng buộc các hãng phải cài đặt lên 20, được sắp xếp trong một thư mục riêng và hiển thị "vơđét" trên màn hình chính của thiết bị.

google+

Các đại gia đều có xu hướng "ép" người dùng

Ép hãng sản xuất ĐTDĐ thì thực chất cũng gián tiếp ép người dùng đầu cuối. Khi kho Google Play càng được truy cập nhiều, khi các ứng dụng của Google càng được sử dụng nhiều, thì Google cũng sẽ kiếm được tiền nhiều hơn. Lượng smartphone Android hiện đang phổ biến nhất trên thị trường, và đó chính là thế mạnh để Google ép các hãng sản xuất và người dùng. Song có lẽ chẳng riêng gì Google mà các "đại gia" khác cũng thế thôi, khi đã có thế mạnh thì luôn tận dụng thế mạnh đó một cách triệt để nhất có thể.

Ép theo kiểu bắt "uống bia kèm lạc"

Muốn được uống bia thì phải mua kèm lạc, đó là cách bán hàng mậu dịch ở Việt Nam từ vài chục năm trước bây giờ với nhiều người đã trở thành một loại kí ức, dù rằng nhiều nơi vẫn chưa từ bỏ cách bán hàng này. Nhưng với những kiểu "bán bia kèm lạc" của các "đại gia" công nghệ thời nay thì không dễ trở thành một thứ kí ức để nhớ nhung, mà nó ngay từ đầu đã khiến hàng triệu người dùng dịch vụ bực bội.

Mới đây nhất là việc hủy bỏ tính năng chat bên trong Facebook đối với phiên bản trên ĐTDĐ, buộc người dùng muốn chat phải chuyển sang dùng Facebook Messenger. Tất nhiên khi bị người dùng phản ứng, la ó thì Facebook phải giải thích, và tất nhiên là theo hướng "vì người dùng", mang lại thêm nhiều tính năng tốt hơn, tiện ích hơn, tin cậy hơn.v.v… Nhưng cũng là tất nhiên, chẳng Facebooker nào không biết rằng Facebook Messenger dù đã được tung ra từ lâu nhưng chẳng mấy người dùng đến vì bất tiện hơn so với việc dùng chức năng chat ngay trong trang Face của mình. Khi Facebook đã trở thành người khổng lồ với lượng người dùng vượt ngưỡng 1 tỉ người, nghĩa là đã đến điểm rơi của sức mạnh, thì gã khổng lồ này cũng "giở dói" như Google mà thôi, quay ra ép người dùng "dùng bia kèm lạc", muốn dùng chức năng chat chung danh bạ Facebook thì phải chuyển sang dùng Facebook Messenger.

Vấn đề lúc này quay lại câu chuyện của kẻ giàu kẻ mạnh. "Nhà có điều kiện" thì chả dại gì không dựa vào đó để làm giàu thêm và mạnh thêm, cơ bản đó cũng là con đường giàu mạnh lên chính đáng dù có khiến người dùng khó chịu hay bực bội. Nhưng ở đời, khi "đại gia" còn yếu và chưa giàu thì cố lôi kéo, nâng niu người dùng; song khi đã mạnh lên rồi và người dùng cũng đã dùng quen dịch vụ của "đại gia" rồi, thậm chí khó có thể thiếu nó và trở thành phụ thuộc, thì "đại gia" sẽ ngay tức khắc xoay chuyển hay bẻ lái. Suy cho cùng việc ép người dùng không chỉ là bản chất, mà nó còn được tôi luyện thành ngón nghề điêu luyện của các "đại gia" nữa. Còn người dùng, đến lúc ấy dù có cảm giác tức tưởi như bị lừa, thì cũng đành "ngậm bồ hòn" thôi.

Với thế mạnh đã có sẵn "bia" ngon khiến cả tỉ người "nghiện ngập" thì Facebook chả dại gì không dùng chiêu chỉ cần một cú ép người dùng phải dùng kèm "lạc" Facebook Messenger. Vì như thế chẳng mấy chốc, ứng dụng OTT này có được lượng người dùng; ngang bằng hoặc thậm chí nhiều hơn so với những LINE, KakaoTalk hay thậm chí Viber, WhatsApp…, là những ứng dụng OTT ra đời sớm nhưng phải mất nhiều năm mới tạo được cộng đồng người dùng như hiện nay.

Gã khổng lồ số 1 về mạng xã hội Facebook đang cho thấy tham vọng vươn sang chiếm luôn vị trí số 1 ở lĩnh vực ứng dụng OTT, với Facebook Messenger. Rồi "2 gã trong 1" này liên thủ liên thông áp đảo các đối thủ. Haizz, người dùng có thể là "thượng đế", nhưng cũng có thể bị biến thành bàn đạp để các gã khổng lồ thực hiện tham vọng của mình.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác