VnReview
Hà Nội

Đánh giá chất lượng WiFi công cộng: mạng chập chờn, "dọa" thu phí

Bắt đầu từ Hội An năm 2012, các đô thị thu hút khách du lịch khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long, Huế, Đà Lạt... lần lượt cung cấp các điểm truy cập WiFi công cộng miễn phí (thật không may là Hà Nội, TP.HCM hiện không có tên trong danh sách này). Tuy nhiên, sau những màn khai trương rầm rộ là những lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ.

Nhận thấy đây là vấn đề được đông đảo độc giả quan tâm, Ban biên tập VnReview đã quyết định tiến hành đánh giá chất lượng WiFi công cộng trên diện rộng, ở tất cả các thành phố, đô thị trong cả nước đang cung cấp dịch vụ này. Trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng truy cập và dễ dàng tiếp cận dịch vụ.

Để tiến hành đánh giá, chúng tôi khảo sát ý kiến bạn đọc qua mạng, cử người trực tiếp đến các điểm truy cập vào các thời điểm khác nhau và khai thác thông tin từ đại diện chính quyền sở tại để ghi nhận thực trạng.

Hiện trạng WiFi miễn phí

Sau khi phố cổ Hội An khai trương và đưa vào hoạt động hệ thống Internet WiFi miễn phí hồi tháng 3/2012, liên tiếp trong hai năm 2012, 2013, nhiều thành phố du lịch khác trên cả nước như Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Đà Lạt, Khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã lần lượt công bố phủ sóng WiFi công cộng với nhiều thông tin về số lượng trạm thu phát sóng, các tuyến phố có phủ sóng… Từ đầu năm 2014, có một số thông tin trên báo chí cho biết Hà Nội và Bắc Ninh cũng đang theo đuổi các dự án WiFi công cộng nhưng còn đang trong quá trình triển khai.

wifi miễn phí

Thông tin về các mạng WiFi được công bố rộng rãi

Điểm khá thú vị là các địa phương công bố khai trương mạng WiFi công cộng nhân dịp nào đó, hoặc chỉ công bố "thử nghiệm".

TP Hạ Long khai trương mạng WiFi công cộng ngay trước ngày Quảng Ninh tổ chức Tuần du lịch Hạ Long năm 2012 và lễ đón nhận danh hiệu Vịnh Hạ Long được công nhận là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Khi đó, theo thông báo, hệ thống Internet WiFi Hạ Long có 44 trạm thu phát sóng nằm dọc tuyến quốc lộ 18A qua địa bàn TP Hạ Long (từ Bưu điện phường Hà Tu đến khu chợ đêm Hạ Long ở phường Bãi Cháy) và dự kiến đến năm 2015 sẽ phủ sóng WiFi toàn bộ các thị xã, thành phố, trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch trong tỉnh như Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái…

Thực tế khảo sát của cộng tác viên (CTV) VnReview gửi về cho thấy các nơi có sóng WiFi rõ rệt nhất ở Hạ Long là khu vực Quảng trường Khu văn hóa Thể thao Cột 3, khu du lịch Bãi Cháy, Bưu điện Hòn Gai, ngã ba Kênh Liêm. Tại đây, người dùng vẫn có thể truy cập được các trang web phổ biến, Facebook, Gmail, Google nhưng tốc độ chỉ trung bình. Trong khi đó, một số bạn đọc VnReview lại phản ánh sóng WiFi tại khu vực trung tâm hành chính của thành phố lên đến 4 vạch, nhưng không truy cập được bất cứ dịch vụ nào.

Tương tự, mạng WiFi miễn phí của Đà Lạt được khai trương cuối năm 2013 nhân Tuần Văn hóa – Du lịch 2013, phủ sóng tại các khu vực: chợ Đà Lạt, Bưu điện Trung tâm thành phố, Vườn hoa thành phố, quảng trường Lâm Viên, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch. Khi đó, báo Thanh Niên đưa tin: "Việc lắp đặt hệ thống WiFi miễn phí trên địa bàn Đà Lạt không chỉ góp phần vào việc tuyên truyền, quảng bá cho Tuần Văn hóa – Du lịch 2013, mà còn hỗ trợ việc xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ du lịch và nhu cầu truy cập mọi lúc, mọi nơi của người dân"...

wifi đà lạt

Mạng WiFi công cộng ở khu vực chợ Đà Lạt kết nối được, nhưng không truy cập Internet được. Ảnh: CTV VnReview

Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng Chín vừa rồi, khi VnReview tiến hành khảo sát đánh giá, thông tin từ CTV VnReview và bạn đọc gửi về cho biết, mạng DaLat-FreeWiFi lúc nào cũng căng sóng, kết nối được, nhưng hầu như không thể truy cập được trang web nào.

Phóng viên VnReview đã liên hệ với phòng CNTT và phòng Bưu chính viễn thông tỉnh Lâm Đồng thì được biết là hiện Đà Lạt chưa triển khai, chỉ đang trong giai đoạn xin kế hoạch, trước đó đã từng triển khai WiFi miễn phí dựa vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và chỉ mới triển khai thử trong tuần văn hóa du lịch Đà Lạt năm ngoái.

Phân tích phản ánh từ Đà Lạt và Hạ Long, chúng tôi cho rằng việc sóng WiFi hiển thị "nét căng" nhưng không truy cập được website nào là bởi sóng chúng ta nhìn thấy được phát từ cục phát WiFi, còn thực chất mạng Internet được cấp cho cục phát WiFi lại không có.

Tháng 6/2012, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công bố đầu tư ít nhất 20 tỷ đồng phủ sóng WiFi toàn thành phố Huế. Tuy nhiên phải đến cuối tháng 12/2013, Huế mới công bố triển khai 9 điểm phát WiFi công cộng đặt gần Trung tâm Festival Huế, Sở Y tế, Trung tâm CNTT tỉnh, Bệnh viện T.Ư Huế, Trung tâm Hành chính TP Huế, Khách sạn Mường Thanh, khu vực di tích Thế Miếu - Đại nội Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và trạm BTS đường Ông Ích Khiêm (khu vực Thành nội). Sau khi Festival kết thúc, mạng WiFi miễn phí tại Huế dường như cũng kết thúc. Thậm chí, nhiều bạn đọc VnReview khẳng định Huế không hề có WiFi công cộng. Anh Nguyễn Công Hậu, phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Huế cho biết anh chưa bao giờ truy cập được từ mạng WiFi công cộng. Như điểm truy cập Bệnh viện Trung ương Huế trên lý thuyết là có nhưng thực tế dò mạng không hề có, thay vào đó chỉ có các mạng WiFi của các khoa (có yêu cầu mật khẩu).

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VnReview qua điện thoại, anh Hồ Thủy Sơn, Phó Trưởng phòng phụ trách CNTT của Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên – Huế nói: "Hiện Huế có 9 điểm cung cấp WiFi miễn phí, chủ yếu tập trung các điểm du lịch và dự án này do VNPT triển khai. Về lâu dài sẽ mở rộng thêm, nhưng do 4 đơn vị thi công của VNPT đang bận kiện toàn bộ máy nên chưa mở rộng thêm được". Trong khi đó, CTV VnReview và một số bạn đọc tham gia khảo sát cho biết, sóng WiFi có hiển thị 2-3 vạch ở đường Lê Lợi và khu vực trung tâm hành chính của thành phố nhưng tốc độ truy cập rất chậm hoặc không truy cập được.

Tại Hải Phòng, Hệ thống truy nhập vô tuyến băng thông rộng do VNPT Hải Phòng thi công với tổng mức đầu tư 5,4 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách được khai trương cuối năm 2013, gồm 90 điểm phát sóng tại khu vực Trung tâm Hội nghị TP, dải Trung tâm TP và khu du lịch Cát Bà. Hệ thống vẫn đang hoạt động với vạch sóng bắt được khoảng 2-3 vạch, nhưng khả năng truy cập không ổn định, lúc được lúc không. CTV VnReview cho biết, dọc khu Nhà hát lớn Thành phố, Tam Bạc, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đức Cảnh có sóng WiFi nhưng cứ một lúc là out sang 3G và hai chiếc điện thoại đặt cạnh nhau nhưng một chiếc bắt được sóng, một chiếc không. Việc truy cập vào các trang web hành chính công của Hải Phòng cũng gần như không thể do chất lượng mạng kém.

Anh Nguyễn Anh Dũng, trưởng phòng CNTT (Sở TT-TT Hải Phòng), xác nhận Hải Phòng có 3 khu vực có WiFi miễn phí là Trung tâm hội nghị TP, Cát Bà và Vườn hoa trung tâm.

Hội An (Đà Nẵng) là điểm đầu tiên công bố phủ sóng WiFi miễn phí, song bị bạn đọc VnReview phàn nàn rất nhiều về chất lượng. Anh Nguyễn Hữu Đức, một lập trình viên cho biết: "Tôi là một người dân Hội An nhưng tôi phải nói thành phố đầu tư hơn chục tỷ đồng cho WiFi nhưng công dụng của nó đem lại chưa tới 20%. Trên nguyên tắc các cột WiFi phải phủ sóng kín mọi nơi nhưng ngay tại nhà tôi dùng laptop nhận được 1/5 vạch sóng. Từ ngày triển khai đến bây giờ tôi chưa một lần kết nối thành công tại nhà tôi (nằm cách trung tâm phố cổ 1,5 km). Tại nhà những người bạn tôi, ngay tại cột sóng thì dùng tốt, còn xa ra khoảng 5 ngôi nhà là không tài nào dùng được. Đã nhiều lần tôi dùng điện thoại đứng trên vỉa hè truy cập WiFi nhưng hầu như không bao giờ kết nối được". Anh Đức cũng cho biết, hiện nay các vùng ngoài khu vực phố cổ, VNPT đã dỡ bỏ hoàn toàn các cột WiFi.

Khảo sát của CTV VnReview và một số bạn đọc khác cho biết, khu vực trung tâm của phố cổ Hội An, các đường Trần Phú, Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, phố đi bộ (Hội An) có thấy 1-4 vạch sóng tùy vào từng địa điểm, tốc độ truy cập mạng khá tốt nếu ở khu trung tâm, nhưng chất lượng mạng không ổn định, nhiều lúc tải trang chậm lúc được lúc không, tốc độ chậm, hay bị đứng hình. Các vùng ven ngoài khu trung tâm thì hầu như không truy cập được mạng. Được biết, lúc khai trương, mạng WiFi Hội An "phủ sóng toàn thành phố" với 350 điểm phát sóng.

Khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chính thức phát sóng mạng WiFi công cộng vào ngày 20/12/2013, với 93 trạm thu phát sóng, phủ sóng toàn bộ những vị trí trung tâm, đông khách du lịch, các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi ngoài trời, điểm danh lam, thắng cảnh trong khu du lịch. Tuy có ít bạn đọc ở khu vực này gửi thông tin khảo sát, nhưng hầu hết đều cho rằng dịch vụ WiFi tại đây có chất lượng chấp nhận được, tốc độ truy cập trung bình, đôi lúc chậm nhưng vẫn truy cập được tất cả các trang web, bao gồm các dịch vụ bản đồ, tìm đường, web tin tức, mạng xã hội, email.

Phóng viên VnReview liên hệ với Ban dự án của Sở TT-TT Vĩnh Phúc thì được biết tỉnh có triển khai WiFi ở khu du lịch Tam Đảo, phủ kín gần hết Tam Đảo với 92 trạm phát sóng, kinh phí một nửa đối ứng của VNPT và một nửa ngân sách tỉnh (nhà nước), nhưng tỉnh chủ trương sẽ chỉ miễn phí cước truy cập từ nay đến 2018, từ năm 2019 trở đi, Viễn thông Vĩnh Phúc thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng và thu phí từ khách hàng.

Đà Nẵng hiện là địa phương có chất lượng sóng WiFi công cộng tốt nhất. Bạn đọc Việt Cường cho biết chất lượng tốt như gói 3MB của VNPT. Các CTV VnReview và hầu hết bạn đọc tham gia khảo sát đều cho biết việc truy cập mạng bình thường, tốc độ khá nhanh ở khu vực quận Hải Châu, dọc sông Hàn, đường Phan Châu Trinh, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Hà Huy Tập, Kinh Dương Vương..., một vài nơi cách xa trạm phát sóng thì truy cập chậm hơn nhưng vẫn được, những nơi sóng tốt còn xem được video. Tuy nhiên, theo CTV của VnReview hiện là cư dân của Đà Nẵng cho biết, khu vực quận Thanh Khê trước đây có sóng WiFi khá mạnh và truy cập tốt, nhưng gần đây chất lượng mạng kém, dù đứng gần sát khu vực có trạm phát sóng cũng truy cập chập chờn, cứ vài phút là bị out ra.

chất lượng wifi đà nẵng

Tốc độ mạng WiFi Đà Nẵng tại quận trung tâm tương đương gói cước 3MB của VNPT. Ảnh: Việt Cường

Đà Nẵng hiện cũng là địa phương duy nhất áp dụng chia lượt truy cập, mỗi lượt truy cập bị hạn chế trong thời gian 20 phút/lần. Người dùng cần vào trang web Cổng WiFi Đà Nẵng (wifi.danang.gov.vn) để đăng nhập thì mới truy cập Internet được. Trang web này cung cấp các thông tin về Đà Nẵng như địa chỉ các cơ quan hành chính, các điểm du lịch, giải trí, khách sạn, ẩm thực, các cơ sở giáo dục đào tạo, địa chỉ mua sắm sản phẩm công nghệ... Đây đều là những thông tin hữu ích dành cho khách du lịch ở nơi xa tới, cũng như góp phần giới thiệu, quảng bá về Đà Nẵng cho du khách.

Hồi tháng Bảy vừa qua, Đà Nẵng đã công bố chính thức vận hành hệ thống mạng kết nối không dây của TP, sau một năm thử nghiệm. Theo lời ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng tuyên bố trên báo chí, hệ thống WiFi Đà Nẵng sẽ được miễn phí ít nhất đến hết năm 2016, sau đó, thành phố sẽ tính đến phương án thu phí những người sử dụng muốn nâng cao chất lượng đường truyền. Trong thời gian 2-3 năm tới, Đà Nẵng hướng đến thay đổi thói quen sử dụng Internet kết nối thông tin trong cộng đồng dân cư và người dân Đà Nẵng sẽ có thói quen sử dụng Internet hằng ngày. Qua đó, Đà Nẵng mong muốn sẽ thành công trong việc hình thành thế hệ công dân điện tử đầu tiên của Việt Nam.

Nói thì hay vậy, nhưng từ khảo sát của VnReview có thể thấy chất lượng WiFi Đà Nẵng chưa ổn định, mới chỉ đáp ứng được ở khu vực trung tâm, còn những khu vực trước đây có sóng tốt như Thanh Khê thì đang có vấn đề. Phóng viên VnReview đã liên hệ Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Đà Nẵng (DNICT) và Trung tâm Phát triển Hạ tầng Công nghệ thông tin Đà Nẵng (IID) thuộc Sở TT-TT Đà Nẵng để xác minh thêm nhưng đều bị từ chối trả lời.

Mặc dù vậy, chúng tôi hy vọng với cách làm tương đối bài bản hiện nay, Đà Nẵng sẽ sớm khắc phục những vùng sóng WiFi chưa tốt để có thể thực thi những dự định tốt đẹp nói trên.

Những bất cập và tồn tại

Như vậy, ngoại trừ trường hợp của Đà Nẵng vừa kết thúc giai đoạn thử nghiệm và hướng đến một dịch vụ chất lượng tốt cho cư dân và du khách, hầu hết các địa phương còn lại đều đang "thử nghiệm" với chất lượng kém, hoặc thậm chí đã dừng hoạt động mà không có thông báo chính thức.

Mặc dù hầu hết các địa phương kể trên khi khai trương dịch vụ đều rất rầm rộ và loan tin trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhưng như đã nói, các đợt khai trương này thực chất chỉ là nhân một dịp nào đó thì triển khai rồi… thôi. Thậm chí trường hợp TP.HCM, dự án mới chỉ đang nằm trên giấy nhưng báo chí đã đưa tin và sau đó không thấy thông tin triển khai. Cụ thể, hồi cuối tháng 8/2013, một số báo lớn như VnExpress, Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng… đưa tin sau khi thử nghiệm thành công trên tuyến xe buýt Bến xe An Sương – Đại học Nông Lâm, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đồng ý triển khai lắp đặt mạng Internet không dây miễn phí trên tất cả các tuyến xe buýt tại TP.HCM như một giải pháp để khuyến khích hành khách đi xe buýt nhiều hơn. Thế nhưng sau một thời gian im hơi lặng tiếng không rõ tình hình triển khai ra sao, phóng viên VnReview liên hệ với ông Phùng Đăng Hải, Chủ nhiệm Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, thì được biết là hiện TP.HCM chưa có mạng WiFi này, vì Sở Giao thông không cho phép làm.

Một vấn đề đáng lưu tâm là nhiều người dân sở tại tin rằng "phủ sóng WiFi miễn phí" có nghĩa là mọi người có thể thoải mái truy cập Internet, không cần trang bị mạng Internet dùng tại nhà riêng, khách sạn, nhà hàng... Anh Đỗ Việt Hà, một bạn đọc ở Hội An gửi email tới VnReview cho biết, thời điểm ngay sau khi Hội An khai trương mạng WiFi công cộng, hàng loạt khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ Internet như VNPT địa phương, FPT, Viettel... đã hủy dịch vụ, khách đăng ký dịch vụ 3G cũng hủy hàng loạt, khiến doanh thu của các nhà cung cấp nói trên sụt giảm hàng triệu đồng. Dù sau đó hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã khôi phục trở lại, nhưng nhiều người dân vẫn cho rằng chính quyền đã "treo đầu dê bán thịt chó" khi nói rằng "phủ sóng WiFi miễn phí toàn thành phố".

Trên thực tế, không có hệ thống mạng công cộng nào được thiết kế cho hàng nghìn người cùng lúc truy cập và với việc nhiều người tha hồ "xài chùa" WiFi thì chất lượng mạng chắc chắn bị ảnh hưởng. Theo một nguồn tin từ VDC (Công ty Điện toán và Truyền số liệu), đơn vị triển khai các dự án WiFi công cộng, trong đó có Hội An, mỗi điểm truy cập chỉ được thiết kế tối đa là 30 thiết bị, độ phủ sóng tầm khoảng 50m.

Tuy nhiên, cũng có một số người dân nhận thức được rằng mục đích của WiFi công cộng miễn phí không phải là để các hộ gia đình, cơ quan khỏi cần đăng ký dịch vụ mạng nữa. Chị Phạm Phương Thúy, một cư dân Đà Nẵng cho biết, mặc dù chất lượng mạng WiFi của thành phố khá tốt, nhưng người dân ở đây vẫn lắp đặt mạng Internet dùng riêng để đảm bảo truy cập ổn định với tốc độ cao hơn, mạng WiFi miễn phí để nhường cho khách vãng lai hoặc những người cần truy cập mạng khi đang đi đường, vào những nơi công cộng.

wifi đà nẵng

Thiết bị phát sóng WiFi được lắp đặt trên nhiều cột đèn tại các tuyến phố của Đà Nẵng

Một trong những vấn đề lớn ảnh hưởng đến các dự án WiFi công cộng là kinh phí duy trì. Từ năm 2011, khi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tới thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam và Thành phố Hội An, một số chuyên gia đã đề cập tới việc thiết lập hệ thống WiFi ở Hội An để phục vụ du khách và Phó Thủ tướng đã chấp thuận cho triển khai dự án này. Từ chủ trương chung này, các tỉnh, thành phố du lịch khác cũng tìm các nguồn kinh phí để thực hiện. Hầu hết các mạng WiFi miễn phí nói trên có kinh phí một phần từ ngân sách địa phương, nguồn vốn xã hội hóa, phần khác từ VNPT. Sở TT-TT các tỉnh thành đứng ra làm chủ đầu tư và VNPT (Viễn thông tỉnh – thành) hoặc VDC đứng ra thi công. Riêng Đà Nẵng, có thông tin cho biết Thành phố có nguồn kinh phí 1 triệu USD từ dự án Phát triển CNTT-TT do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Tuy nhiên, dù từ nguồn nào thì kinh phí để triển khai và duy trì hệ thống WiFi miễn phí đều là vấn đề mang tính sống còn. Mỗi thành phố đều công bố khoản đầu tư từ 10-25 tỉ đồng, bao gồm khoản đầu tư ban đầu và chi phí thường xuyên. Suất đầu tư ban đầu thì thường đã có nguồn cung từ ngân sách hoặc từ VNPT, tuy nhiên sau đó kinh phí duy trì kết nối đường truyền, chi phí duy tu bảo dưỡng… lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng là điều không phải địa phương nào cũng "lo" được. Chính vì vậy, đang nảy sinh tranh luận là có tính phí WiFi công cộng hay không?

Một vấn đề cũng từng xảy ra ở Hội An, Đà Nẵng, đó là tình trạng một số cơ quan đã tắt hệ thống điện cung cấp cho thiết bị trong khoảng thời gian ngoài giờ làm việc hành chính, khiến việc truy cập chập chờn. Không rõ điều này có xảy ra ở các địa phương khác không.

Như vậy, có thể nói, hiện tại chất lượng WiFi công cộng ở hầu hết các địa phương là thấp, thậm chí có cũng như không. Nguồn tài chính "nuôi" mạng WiFi công cộng là một vấn đề đau đầu của địa phương và để giải quyết bài toán này, một số địa phương đã tính đến việc thu phí WiFi công cộng. Tuy nhiên, nếu thu phí thì nó sẽ không chỉ mất đi ý nghĩa WiFi công cộng mà chưa chắc cạnh tranh nổi với cước 3G, chưa kể rất nhiều quán cafe, khách sạn cung cấp WiFi miễn phí.

Ngọc Mai

Chủ đề khác