VnReview
Hà Nội

Bitcoin Việt “chòng chành” giữa “đôi dòng nước”

Chuyện kinh doanh tiền ảo Bitcoin tại Việt Nam lại trở nên rối bời hơn giữa hai luồng quan điểm cho là vi phạm và không vi phạm khi mới đây Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đình chỉ hoạt động tố tụng đối với hai ông Nguyễn Văn Minh (giám đốc Chi nhánh Nha Trang Công ty TNHH Tư vấn xây dựng VM) và Nguyễn Văn Thông (giám đốc Công ty TNHH 289). Trước đó, ngày 5/6/2014, hai ông này đã bị PC46 Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố về hành vi kinh doanh, khai thác và mua bán tiền ảo Bitcoin.

bitcoin

Lơ lửng… Bitcoin

Cho rằng sàn Bitcoin hoạt động tại Việt Nam không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận là hoàn toàn chính xác. Bởi đơn giản, luật pháp Việt Nam đã có qui định nào về hoạt động của sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin đâu? Còn nhớ dạo tháng 7/2014, sau khi đưa ra lời cảnh báo nhưng sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin trực tuyến www.vbtc.vn vẫn tiếp tục hoạt động, ông Bùi Quang Tiên – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước – đã mạnh giọng rằng sẽ báo công an bắt những người vận hành sàn giao dịch này. Tuy nhiên sau đó, phía doanh nghiệp quản lí sàn Bitcoin đã nhẹ nhàng "nắn" rằng ông Tiên đã "đe dọa công ty một cách không cần thiết".

Bây giờ thì khả năng "bắt" những người vận hành sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến www.vbtc.vn xem ra đã xa vời hơn sau khi hai ông Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Thông đã được giải tội. Thậm chí, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa – ông Võ Ngọc Sang – được một tờ báo dẫn lời còn nói rõ rằng: "Hành vi của các ông Thông, Minh, Trinh không cấu thành tội kinh doanh trái phép. Vì kinh doanh, mua bán Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là kinh doanh tiền tệ; Bitcoin và tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh bị cấm".

Tư duy thường tình lâu nay trong xã hội ta là cái gì pháp luật không cấm thì được phép làm, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì lại rất gay go vì… không có luật để chế tài hay giải quyết, có nghĩa là nằm trong một môi trường lửng lơ. Hoạt động giao dịch Bitcoin tại Việt Nam cũng thế, đang nằm trong một trạng thái môi trường pháp lí lơ lửng, dễ bị xem là loại hoạt động phạm pháp, không lành mạnh hơn là một ngành nghề kinh doanh, dịch vụ đường đường chính chính. Ngay cả phía doanh nghiệp vận hành sàn www.vbtc.vn cũng cho rằng, họ chờ các cơ quan chức năng Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lí để họ có cơ sở hoạt động chính qui và yên tâm hơn.

bitcoin không bị pháp luật cấm

Ảnh: báo Pháp luật TP.HCM

Thực tế tại Việt Nam từng có không ít ngành nghề và dịch vụ bị rơi vào trạng thái "chòng chành" như Bitcoin. Đa phần đó là những ngành nghề mới, gắn với các môi trường và phương tiện hoạt động trên internet.

Ngoài vòng pháp luật

Khi giao dịch Bitcoin tại Việt Nam đang "chòng chành" giữa "đôi dòng nước" về pháp lí thì cũng có nghĩa là đang đứng ngoài vòng pháp luật theo nghĩa đen của cụm từ này. Pháp luật không cấm cũng không bảo vệ, người chơi có thể đưa các hàng hóa, tài sản, thậm chí tiền mặt vào để mua bán, giao dịch tiền ảo Bitcoin nếu xảy ra các sự cố, giả dụ như chủ sàn biến mất, tiền ảo bỗng chốc vô giá trị, hay bị tấn công đánh cắp trên mạng.v.v…, coi như cầm chắc thua thiệt. Phân tích từ phía Ngân hàng Nhà nước không phải là không có lí: giao dịch Bitcoin hoàn toàn thực hiện trên internet, mang tính kĩ thuật số, có thể ẩn danh hoặc danh nghĩa mập mờ, dễ tạo ra môi trường cho các loại tội phạm rửa tiền, thanh lí tài sản phi pháp…

Cần hiểu rõ về loại hình sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin để thấy rằng có thể thông cảm với các vị chức sắc của Ngân hàng Nhà nước khi đưa ra lời cảnh báo cứng rắn. Tuy nhiên, khi hoạt động giao dịch Bitcoin đang trong trạng thái lửng lơ về pháp lí không có nghĩa là sẽ không bao giờ được công nhận và thừa nhận. Thế giới đang đổi thay nhanh chóng và luật pháp cũng buộc phải cập nhật dần những hoạt động mang tính công nghệ cao trong nền kinh tế.

Theo cách làm luật của nhiều quốc gia và ngay tại Việt Nam cũng đã từng diễn ra, đó là các hoạt động, giao dịch chưa được pháp luật bảo vệ và thừa nhận phải được nghiên cứu, xem xét và dần dà đưa vào vòng cương tỏa chứ không thể chỉ vì không thích là cứ mặc kệ. Muốn thế, thái độ ứng xử đối với các ngành nghề, dịch vụ mới do thời đại… siêu "thế giới phẳng" mang lại không thể cứ lấy tư duy cấm cản hay loại trừ, mà nên cởi mở thừa nhận nó như một thực tế phát triển của thời đại số hóa và cũng là kết quả ngọt ngào từ các thành tựu phát triển công nghệ của loài người.

Việc cấm một hoạt động nào đó thường vẫn dễ hơn là đưa nó vào khuôn khổ và khuyến khích phát triển một cách lành mạnh và có ích. Trong trường hợp hai ông giám đốc Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Thông, số phận bấp bênh và chênh vênh giữa tù tội và tự do, rồi kèm theo đó còn bao nhiêu hệ lụy khác đối với gia đình và bản thân. Việc khởi tố và hủy khởi tố đối với hai ông này, nhìn dưới góc độ quản lí và pháp lí chính là một thách thức đối với các cơ quan quản lí chuyên ngành và cơ quan bảo vệ pháp luật tại Việt Nam, là phải làm sao cùng thống nhất xác lập cho được một môi trường pháp lí rõ ràng và minh bạch để người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuân thủ.

Pháp luật chi phối mọi hoạt động kinh tế xã hội và buộc mọi đối tượng phải tuân thủ. Giao dịch Bitcoin đang lửng lơ chính vì tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" về mặt pháp lí của hoạt động này, thì lỗi đâu phải tại người dân, doanh nghiệp mà trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan chức năng của nhà nước. Chẳng ai sung sướng gì khi cứ phải hoạt động, làm ăn trong một nỗi lo phập phồng về pháp lí! Sau trường hợp trên, một bên khởi tố một bên hủy khởi tố, hơn lúc nào hết các cơ quan chức năng cần "ba mặt một lời" để qui định rõ đối với hoạt động giao dịch Bitcoin để người dân và doanh nghiệp được nhờ.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác