VnReview
Hà Nội

Con thuyền Telco đã đến lúc cần mái chèo CP

Lịch sử ngành thông tin di động Việt Nam có lẽ phải ghi dấu ngày 21/8/2014 và ngày 28/10/2014. Vì chỉ trong vòng hơn 2 tháng, hai nhà mạng (Telco) Viettel và MobiFone - vốn lâu nay vẫn ở thế cửa trên trong mối hợp tác với các nhà cung cấp nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng (Content Provider-CP) - đã "hạ cố" tổ chức liền hai cuộc hội nghị gặp gỡ CP tại Hà Nội và TP.HCM.

mobifone vas day

MobiFone dường như chậm chân hơn Viettel trong việc kết nối với các CP khi VAS Day tổ chức sau Viettel Innovation hơn 2 tháng

Vì sao phải "hạ cố"?

Trong những năm phát triển "vàng" của ngành thông tin di động Việt Nam, có lẽ ít CP nào dám… hi vọng một ngày nào đó các nhà mạng doanh thu mỗi năm vài chục ngàn tỉ đồng và lợi nhuận ròng cũng từ vài ngàn tỉ đồng trở lên lại chìa bàn tay đầy thiện chí ra mời họ ngồi bàn hướng hợp tác làm ăn. Ngay cả trong khoảng thời gian từ năm 2008 – 2010 khi thế giới chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế và Việt Nam cũng dần bị ảnh hưởng nặng nề, thì riêng các nhà mạng vẫn tăng trưởng băng băng, đến mức được xem là hiện tượng "tăng trưởng ngoạn mục ngược dòng khủng hoảng". Và có lẽ, chính nhà mạng khi ấy cũng không nghĩ rằng có một ngày họ phải thay đổi không chỉ từ tư duy mà đến cả hành động trong việc hợp tác với các CP.

Bây giờ thì nhà mạng đã phải thay đổi… Việc 2 trong số 3 nhà mạng hàng đầu Việt Nam tổ chức hội nghị gặp gỡ các CP đã nói lên điều đó. Ngày 21/8/2014 tại Hà Nội, sự kiện Viettel Innovation, Viettel đã gặp gỡ hơn 100 nhà phát triển ứng dụng trong chủ đề "Ý tưởng sáng tạo và tiềm năng hợp tác". Trong hội nghị này, Viettel cho biết mức chia sẻ doanh thu theo tư duy hợp tác mới với CP có thể lên tới 60%, 70% và đặc biệt với các dịch vụ nội dung và giá trị gia tăng (VAS) khác biệt có thể chia sẻ doanh thu cho CP tới 90%. Sự kiện MobiFone VAS Day với thông điệp "kết nối giá trị tương lai" diễn ra ngày 28/10/2014 tại TP.HCM vốn là một thị trường sôi động số 1 Việt Nam, và cũng thuận cho MobiFone để tránh giẫm chân địa bàn với đối thủ đã làm trước đó. Với nhóm dịch vụ VAS trọng điểm (6 lĩnh vực), MobiFone áp dụng cơ chế hợp tác mở hoàn toàn và tỉ lệ chia sẻ doanh thu tối đa cũng lên đến 90% tương tự Viettel.

viettel innovation

Chính sách dành cho CP của nhà mạng đã thay đổi

"Củ cà-rốt" chia sẻ tối đa 90% doanh thu mà nhà mạng đang chìa ra lần này tất nhiên cũng có kèm theo "cây gậy" các điều kiện nhưng nó không quá khắt khe. Việc công bố một cách công khai và rõ ràng các chính sách hợp tác từ nhà mạng khiến CP có thể hi vọng hạn chế bớt việc bị bộ máy của nhà mạng làm khó ngầm như trước đây.

Không khó để lí giải vì sao nhà mạng lại chìa ra "củ cà-rốt" hấp dẫn thay vì thường chèn ép các CP về tỉ lệ ăn chia như trước. Từ năm 2011 trở lại đây, doanh thu từ các dịch vụ cơ bản của nhà mạng (thoại, SMS) không còn là trụ chống đỡ cho tăng trưởng nữa mà đang dần bão hòa, thậm chí còn bị các tiện ích thoại và tin nhắn miễn phí của ứng dụng OTT cạnh tranh làm cho suy giảm cả sản lượng và doanh thu. Doanh thu từ dịch vụ cơ bản suy giảm đã khép lại một giai đoạn "tăng trưởng vàng" của ngành thông tin di động Việt Nam. Giờ đây ngành này đang cần một lực đẩy mới để tạo ra giai đoạn "tăng trưởng vàng" thứ hai và đó không thể trông chờ vào gì khác hơn là dịch vụ VAS. Dịch vụ VAS đã và đang chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong tổng doanh thu của nhà mạng nhưng chưa có sự đột phá từ giá trị nội dung, tính tiện ích cũng như đóng góp về doanh thu.

Trong mắt nhà mạng, nếu trước đây các CP chỉ là những kẻ sống kí sinh trên hệ thống mạng di động thì nay đã được trân trọng hơn với tư cách là đối tác, được kêu gọi hợp tác với những chính sách khuyến khích và ưu đãi nhất định. Muốn hay không thì nhà mạng cũng phải hiểu rằng, dù "mạnh vì gạo bạo vì tiền" đến đâu thì họ cũng không thể "một mình một chợ" phát triển thị trường dịch vụ VAS. Một cái đầu hay vài cái đầu không thể làm thay tất cả để tạo ra một thị trường dịch vụ VAS phong phú và đa dạng với nhiều tiện ích thiết thực phục vụ đời sống con người.

Hùng mạnh đến như các tập đoàn Intel, Qualcomm, Microsoft, Google, Apple… còn phải tổ chức hội nghị, diễn đàn các nhà phát triển, mời đối tác tới bàn bạc, góp ý khơi thông các vấn đề trong quan hệ hợp tác. Nhờ đó, những công nghệ lõi hay nền tảng mà họ phát kiến mới được duy trì sự phát triển trong đời sống và sự nghiệp kinh doanh được thúc đẩy tăng trưởng.

Viettel Innovation hay MobiFone VAS Day về bản chất là như nhau, là nơi qui tụ để trao đổi cùng phát triển, là chiếc cầu được nối nhịp quan hệ hợp tác giữa hai bên và cứ thêm mỗi đối tác là góp thêm một tay chèo giúp con thuyền Telco bơi nhanh trên thị trường, cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ VAS giúp tăng trưởng doanh thu.

Phải khai tử kiểu hợp tác xin-cho

Hàng chục năm qua, hợp tác Telco-CP về bản chất là mối quan hệ xin-cho không bình đẳng. Hầu hết các CP đều "rên rỉ" vì cho rằng bị nhà mạng chèn ép quá mức. Trong mối hợp tác này khi nhà mạng "có cơm" nhưng CP "không có cháo" thì rồi CP phải chuyển ngành hoặc rẽ sang con đường làm ăn không đàng hoàng, thậm chí ma mãnh và bất chính.

CP lâu nay khổ không chỉ vì chính sách chung của nhà mạng mà còn bị ép uổng nặng nề hơn từ bộ máy, từ các vị có vai trò trong việc quyết định hợp tác với CP cho đến cán bộ triển khai và thậm chí đến cán bộ, nhân viên bộ phận kế toán, tài vụ. Trên thực tế, không ít trường hợp CP từ lúc muốn được làm ăn với nhà mạng cho đến khi lấy được đồng doanh thu đã phải rải không ít phong bì chung chi, biếu xén… CP chán nản rút lui nhưng trong thời kì "tăng trưởng vàng" nhà mạng không cảm thấy bị ảnh hưởng. Chỉ đến khi dấu hiệu giảm phát của dịch vụ cơ bản lộ rõ và nhà mạng nhìn thấy khối dịch vụ VAS chính là nguồn bù đắp và giúp duy trì tăng trưởng thì mới chịu thay đổi cách tư duy.

Đường hướng làm dịch vụ VAS của các nhà mạng những năm qua ít nhiều bị thiên lệch, lệch lạc theo các công ty sân sau của những cán bộ hay người có chức sắc, vai trò trong nhà mạng. Cái gì béo bở, dễ ăn mà các CP bình thường không bước chân vào được thì đã dành phần cho công ty sân sau. Các CP còn lại "gặm" xương xẩu hoài không ra chất đành bỏ ngành. Lợi ích nhóm, cục bộ của các công ty sân sau chính là tác nhân gặm nhấm nguy hại nhất làm tổn hại vào hình ảnh và lợi ích chung của nhà mạng.

CP là cái kho về vốn, ý tưởng sáng tạo, giải pháp công nghệ, kiến thức và kinh nghiệm thị trường.v.v… Nhà mạng không tận dụng nguồn lực này sẽ chẳng bao giờ đẩy mạnh được việc cung cấp dịch vụ VAS trên mạng di động. Song muốn đẩy mạnh, nhà mạng trước hết phải đoạn tuyệt với tư duy xem CP là kẻ cầu cạnh và mối quan hệ tồn tại theo cơ chế xin-cho. CP không phải là những kẻ sống kí sinh trên mạng di động, mà họ chính là đối tác mang tới cho nhà mạng dịch vụ và cơ hội gia tăng doanh thu. Thế thì họ chính là đối tác tương sinh với nhà mạng để cùng phát triển và win-win, và mỗi dịch vụ VAS nhà mạng hợp tác thành công với CP cũng tương tự như một mái chèo khua nước giúp đẩy con thuyền Telco băng lên phía trước.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác