VnReview
Hà Nội

Người dùng Việt mong chờ điều gì ở Apple?

Là một thị trường tăng trưởng nóng nhất của Apple, liệu người tiêu dùng Việt Nam có được Apple đối xử trân trọng như các thị trường khác?

Bài liên quan:

Công bố xếp hạng VnReview Smartphone Rankings 2014

VSR 2014: Hãng smartphone chăm sóc khách hàng tốt nhất

VSR 2014: Vì sao Apple xếp hạng chót CSKH tại Việt Nam?

Theo báo Dân Trí và một số báo khác như Tuổi trẻ, VnExpress đưa tin, vào ngày 14/11 sắp tới đây, Apple sẽ có một sự kiện công bố đến giới truyền thông tại Việt Nam và "Apple sẽ chính thức mở cuộc họp báo công bố sự có mặt của iPhone 6 và 6 Plus tại Việt Nam và điều này hiện đang được các nhà bán lẻ lớn tiết lộ là chính xác". Tin trên VnExpress cho biết: "Trước đó một ngày (tức ngày 13/11 - PV), đại diện của Apple sẽ có buổi gặp mặt với một số hệ thống lớn, cùng với nhà phân phối FPT".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên VnReview, ngày 14/11, các kênh phân phối chính thức iPhone tại Việt Nam gồm FPT, Viettel và VinaPhone sẽ bắt đầu bán ra iPhone 6 và iPhone 6 Plus nhưng không ai xác nhận sẽ có "họp báo chính thức của Apple". FPT cho biết, họ sẽ tổ chức một buổi họp báo liên quan đến iPhone 6 tại TP.HCM.

iPhone 6

Nếu sự kiện ngày 14/11 tới do Apple đứng ra tổ chức thì có thể nói, Apple đã bắt đầu để ý đến thị trường nóng nhất của Apple hiện nay. Theo hãng tin Reuters đưa tin hồi giữa năm nay, lần đầu tiên Việt Nam đã được các lãnh đạo của Apple nhắc đến trong một buổi họp với các nhà phân tích tài chính về tình hình kinh doanh quý. Theo CEO Apple, ông Tim Cook, Việt Nam bỗng trở thành thị trường nóng nhất của Apple sau khi doanh số iPhone ở đây tăng gấp ba lần trong nửa đầu năm tài khóa 2014, tốc độ tăng trưởng cao gấp 5 lần so với Ấn Độ - nơi Apple coi là một thị trường chiến lược và cần phải giành giật thị phần càng lớn càng tốt. Apple cho rằng con số này sẽ tiếp tục tăng cao do lượng người yêu công nghệ và sử dụng Internet, di động tại Việt Nam (chủ yếu trong độ tuổi thanh niên) đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại.

Vậy việc Apple "để ý" hơn đến thị trường Việt Nam có ý nghĩa thế nào dưới góc độ người tiêu dùng? Hay nói đúng hơn, người tiêu dùng Việt Nam muốn gì ở Apple?

Trả lời phóng viên VnReview, phần lớn những người được hỏi đều tỏ ra không quan tâm nhiều đến sự kiện sắp tới do iPhone 6 và iPhone 6 Plus đã bán ra thị trường từ lâu và giá cả cũng không có gì quá hot do giá bán hàng xách tay đã hạ nhiệt, nếu có hàng chính hãng thì mức chênh lệch chắc hẳn sẽ không nhiều so với hàng xách tay.

Điều khách hàng đã dùng iPhone và có lẽ cả người chưa dùng iPhone quan tâm là vấn đề bảo hành, chăm sóc khách hàng liệu có được cải thiện hơn không? Hiện tại, chỉ iPhone mua chính hãng ở Việt Nam mới được Apple bảo hành. Tức là khi máy gặp trục trặc, nếu không phải do lỗi người dùng, người dùng sẽ được đổi máy khác hoặc chờ đợi các kênh phân phối chuyển tới các trung tâm bảo hành Apple ở ngoài Việt Nam xử lý, sau đó trả về.

Tại Việt Nam, mặc dù FPT Services công bố được Apple ủy quyền sửa chữa và bảo hành iPhone nhưng trên thực tế, trung tâm bảo hành iPhone của FPT vẫn chỉ hoạt động như một trạm trung chuyển tiếp nhận bảo hành iPhone. Số hotline về bảo hành iPhone của FPT Services cho biết, các trường hợp được đổi trả iPhone sẽ được thực hiện ngay, nhưng những trường hợp cần sửa chữa thì vẫn phải chuyển ra nước ngoài chờ xử lý.

Vấn đề nữa là thời hạn bảo hành sản phẩm iPhone quá ngắn – 12 tháng. Sau khi hết hạn bảo hành, các kênh phân phối chính hãng từ chối kiểm tra xem xét, tiếp nhận sản phẩm, kể cả khi khách hàng chấp nhận trả phí.

Chị Hoàng Thanh Mai, một nhân viên công sở làm ở tòa nhà FLC (Lê Đức Thọ, Hà Nội) cho biết chiếc iPhone 4s của chị vừa hết hạn bảo hành được hai ngày thì bị mất nguồn không rõ lý do. Khi đến trung tâm bảo hành FPT ở phố Duy Tân, sau khi phải chờ đợi khá lâu, thì mới có nhân viên tiếp nhận. Nhân viên này chỉ kiểm tra tình trạng bảo hành máy, rồi từ chối vì máy đã hết hạn bảo hành. "Họ cho biết nếu máy bị trục trặc trong thời gian khoảng 1 tháng trước khi hết hạn bảo hành thì sẽ đổi cho máy khác và kéo dài thời gian bảo hành trong vòng 3 tháng nữa. Còn đã hết hạn bảo hành thì chịu", chị Mai nói. Mặc dù đã được nhân viên FPT tư vấn tới một số cửa hàng sửa chữa bên ngoài nhưng chị còn do dự vì sợ gặp phải thợ không tốt, hỏng luôn cả máy.

Từ kinh nghiệm của mình, chị Mai thắc mắc là tại sao iPhone lại được bảo hành quá ngắn như vậy? Ngay cả trong trường hợp khách hàng muốn mua thêm thời hạn bảo hành cũng không được. Hay khách hàng đồng ý chịu chi phí sửa chữa thì cũng không được chấp nhận.

Trong khi đó, theo anh Trần Hữu Anh, một thành viên diễn đàn Otofun, iPhone là sản phẩm có chất lượng, ít khi bị trục trặc. Song gặp đen đủi mà bị trục trặc hoặc cần sự tư vấn về sử dụng thì chỉ có cách đến tận nơi bán, rất phiền phức. "Lần đầu sử dụng tôi cần tư vấn chuyển danh bạ từ máy Android cũ sang, gọi điện đến số hotline của Viettel thì họ nói họ không tư vấn được, phải mang máy đến tận nơi tôi đã mua. Tôi mà mang đến nơi thì cần gì phải gọi đến số hotline. Tôi chẳng hiểu số hotline để làm gì nữa?", anh Hữu Anh kể.

Phản ánh của người dùng cũng đúng như kết quả khảo sát đánh giá chất lượng chăm sóc khách hàng của các hãng smartphone tại Việt Nam VSR 2014 do VnReview thực hiện và công bố hồi đầu năm nay. Các kênh chăm sóc khách hàng qua Internet, điện thoại của các nhà phân phối iPhone chính hãng tại Việt Nam hầu như tê liệt: không có hoặc có nhưng cho có lệ, không giúp gì được cho khách hàng.

Đó là chưa kể, một số độc giả phản hồi về VnReview cho biết khi họ mua iPhone bên Mỹ, người bán hàng cam kết là được bảo hành quốc tế nhưng khi về Việt Nam, không nơi nào nhận bảo hành cho họ. Vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu và theo Apple thông báo thì Apple có thể không áp dụng bảo hành quốc tế những nước mà Apple hoặc nhà phân phối ủy quyền của Apple bán sản phẩm chính hãng. (Nguyên văn: Apple may restrict warranty service for iPhone and iPad to the country where Apple or its Authorized Distributors originally sold the Apple Product). Apple không công bố nước nào, nhưng với thông điệp này có nghĩa rất khó để nhận được bảo hành quốc tế từ Apple. Nhiều khách hàng cũng phàn nàn trên mạng là một số nước châu Âu từ chối bảo hành iPhone mua ở Mỹ.

Về thời hạn bảo hành, ở nhiều quốc gia Apple chỉ chấp nhận bảo hành iPhone có 12 tháng như Việt Nam. Song có nhiều quốc gia đã buộc Apple phải nhượng bộ, kéo dài thời hạn bảo hành lên 18-24 tháng như ở châu Âu, Úc...

Một điểm thiệt thòi nữa đối với người dùng iPhone tại Việt Nam so với nhiều thị trường khác là người dùng không thể mua thêm gói bảo hành bổ sung mà Apple đang cung cấp ở nhiều thị trường khác. Gói bảo hành bổ sung này có nhiều nội dung, nhưng đáng quan tâm nhất vẫn là kéo dài thời gian bảo hành sản phẩm cho người dùng.

Có thể nói, so với tốc độ tăng trưởng doanh số iPhone thì sự quan tâm của Apple tới người tiêu dùng tại Việt Nam chưa tương xứng. Apple vốn nổi tiếng về kiêu ngạo, phớt lờ đòi hỏi của khách hàng nên để Apple đối xử với khách hàng Việt Nam tốt hơn thì chắc chắn, chỉ người dùng lên tiếng là không đủ. Như kinh nghiệm ở châu Âu, Úc cho thấy, các hội bảo vệ người tiêu dùng, dân biểu ở những quốc gia này phải lên tiếng, đưa các quy định trong luật về thời hạn bảo hành sản phẩm ra mới buộc được Apple phải tuân theo.

Thanh Xuân

Chủ đề khác