VnReview
Hà Nội

"Quả đắng" màn hình sapphire và bài học cho con ốc vít Việt

Trong khi câu chuyện Việt Nam có làm được con ốc vít hay không? Có cần phải làm ốc vít hay không vẫn còn là tranh cãi chưa ngã ngũ thì câu chuyện của công ty đối tác của Apple là GT Advanced Technologies Inc. cho thấy bài học: chơi với các "đại gia" rất thể có ngày bị phá sản.

Hiện tại, Apple đang bị cáo buộc khiến cho công ty đối tác GT Advanced Technologies phải nộp đơn lên tòa án xin bảo hộ phá sản. Như VnReview đã đưa tin trước đó, cách đây hơn 1 năm, Apple hợp tác với công ty GT Advanced để giải quyết vấn đề màn hình bị xước và vỡ cho iPhone 6 bằng màn hình chất liệu sapphire. Nhưng kết cục là Apple đã chấm dứt hợp tác, chọn nhà cung cấp khác. iPhone 6 không có màn hình sapphire. Còn GT Advanced Technologies xin phá sản hôm 6/11/2014 với khoản nợ lên đến hơn 1 tỷ USD.

Tại sao khi Apple rũ áo ra đi, GT Advanced lại lâm vào cảnh nợ nần đầm đìa như vậy?

Theo trang Wall Street Journal, về cơ bản đây là câu chuyện về quyền lực, sự nguy hiểm khi hợp tác với Apple. Kể từ khi sản xuất chiếc iPhone đầu tiên hồi năm 2007, Apple đã liên tục ép các nhà cung cấp của mình đạt được những điều không thể, trong khi mặc cả rất gắt gao về giá và thời gian giao hàng. Do đó, được tham gia vào chuỗi cung cấp của Apple đã rất khó, nhưng để kiếm lợi từ Apple còn khó hơn.

Tưởng Apple trao miếng mồi ngon!

Sapphire là một trong những vật liệu rắn nhất hành tinh. Hiện nó thường được sản xuất từ chất tổng hợp trong lò nung đạt đến 1.980 độ C. Sapphire cũng rất đắt đỏ, gấp 5 lần so với thủy tinh.

Apple tiêu thụ ¼ nguồn cung sapphire trên toàn thế giới để làm tấm che ống kính camera; và đầu đọc vân tay iPhone. Đầu năm ngoái, Apple bắt đầu tìm nguồn cung lớn hơn để làm màn hình iPhone.

GT Advanced làm lò sản xuất sapphire. Theo Apple, hồi tháng Ba năm ngoái, GT Advanced đã bảo với Apple là họ đang phát triển lò có thể sản xuất hình trụ sapphire, còn gọi là một boule (quả cầu), nặng 262 kg, gấp hơn hai lần quả cầu lớn nhất khi đó. Quả cầu lớn hơn có nghĩa là nó sẽ cho ra nhiều màn hình hơn, đồng thời giảm được chi phí. Apple đã tỏ ý muốn mua 2.600 lò mới này.

Khoảng đầu mùa Hè năm ngoái, Apple đã nghĩ lại và yêu cầu GT Advanced làm sapphire cho họ. Một nguồn tin cho biết Apple không muốn trả 40% lợi nhuận cho lò nung.

Apple cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm nhà sản xuất sapphire. Giám đốc một công ty mà Apple đã tiếp cận hồi năm ngoái cho biết họ không thể kiếm được lợi nhuận từ sản xuất sapphire với cái giá mà Apple đưa ra.

Apple đã đề nghị cho GT Advanced vay 578 triệu USD để xây dựng 2.036 lò nung và hoạt động ở Arizona. Apple cũng sẽ mua và trang bị thêm cho nhà máy 500 triệu USD và cho GT Advanced thuê lại.

GT Advanced thấy quá hời. Bởi vì thỏa thuận này sẽ hứa hẹn đem lại doanh thu ổn định hơn so với đặt hàng. Hơn nữa, mảng kinh doanh sản xuất thiết bị cho pin mặt trời của công ty cũng đã thua lỗ. Doanh thu năm 2013 của công ty giảm 66% so với hai năm trước đó.

Gặp khó, các bên đổ lỗi cho nhau

Apple sapphire

Một hình trụ sapph ire. Công ty chuyên sản xuất lò nung sapphire GT Advanced đã chi 900 tri ệu USD - gấp đôi s ố tiền Apple cho vay - đ ể sản xuất sappphire.

Nhưng mối lương duyên giữa Apple và GT Advanced đã gặp rắc rối ngay từ đầu.

GT Advanced chưa từng sản xuất đại trà sapphire trước đó. 262 kg hình trụ sapphire đầu tiên mà công ty sản xuất được xảy ra trước khi hai công ty ký kết hợp đồng chỉ vài ngày (31/10/2014). Điều đáng nói là nó đã bị vỡ tan đến nỗi không còn chút sapphire nào có thể sử dụng được.

GT Advanced cam kết chất lượng sẽ cải thiện và những báo cáo về việc GT Advanced đã sản xuất thành công lò nung lớn hơn đã khuyến khích Apple tin vào đối tác.

Có được hợp đồng, công ty tiến hành tuyển dụng 700 nhân viên. Việc tuyển dụng quá nhanh đến nỗi hơn 100 người được thuê gần cuối mùa xuân vừa qua không biết phải báo cáo cho ai. Các quản lý cho phép làm thêm giờ không giới hạn để trông nom lò nhưng GT Advanced đã không xây dựng đủ lò nên nhiều nhân viên chẳng có việc làm.

"Chúng tôi cứ quét sàn rồi lại quét sàn", một cựu nhân viên nói. "Tôi chỉ thấy tiền bay ra khỏi cửa thôi".

Sản xuất sapphire đã chứng tỏ là vấn đề lớn nhất. Nó mất gần 30 ngày và khoảng 20.000 USD để làm ra một quả cầu. Và hơn một nửa số quả cầu làm ra không thể sử dụng được.

Ông Daniel Squiller, giám đốc điều hành GT Advanced nói rằng GT mất 3 tháng sản xuất do những lần mất điện và trì hoãn trong việc xây dựng nhà xưởng. Apple chịu trách nhiệm về xây dựng nhà xưởng và cung cấp điện.

Trong khi đó, Apple nói với các chủ nợ rằng GT Advanced thất bại do quản lý yếu kém chứ không phải mất điện.

Đáp lại, trong một thông báo vắn tắt, GT Advanced cho rằng những bình luận của Apple là "cố tình gây hiểm lầm, không chính xác và không đúng với ngữ cảnh", rằng "Tranh luận về từng điểm một lúc này không ích gì". Daniel Squiller cáo buộc Apple đã biến công ty của ông thành một nhà cung cấp bị cầm tù, "phải chịu mọi rủi ro và chi phí", rằng GT Advanced không thể kiếm lợi nhuận với "cái giá độc tài" của Apple.

Trong đơn nộp tòa án, GT Advanced nói Apple liên tục thay đổi thông số sapphire. GT Advanced đã chi 900 triệu USD - gấp đôi số 439 triệu USD mà Apple đã cung cấp - để xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động.

Hôm 6/6/2014, CEO GT Advanced đã đến gặp hai phó chủ tịch Apple ở trụ sở của hãng để giải thích các vấn đề trục trặc trong sản xuất. Ông đã trình bày tài liệu có tựa "Điều gì đã xảy ra?", liệt kê 17 vấn đề, bao gồm kho bãi không phù hợp và các vấn đề phát sinh do vô tình thay đổi thiết kế lò nung.

Ông này nói mình ở đó để "hạ kiếm". Sau cuộc gặp, GT Advanced quyết định dừng sản xuất loại quả cầu nặng 262 kg và làm loại 164 kg để đạt được công thức chuẩn.

Khi đã làm ra được một quả cầu phù hợp, công ty sử dụng một chiếc cưa kim cương để cắt thành những viên gạch dày 35cm theo hình dạng của hai chiếc điện thoại mới của Apple: iPhone 6 và iPhone 6+. Những viên gạch này sau đó sẽ được cắt mỏng theo chiều dọc để làm màn hình.

Đến lúc này, sản xuất đã không còn là vấn đề duy nhất. Đến tháng 8/2014, GT Advanced phát hiện 500 viên gạch sapphire bị biến mất. Vài giờ sau, các công nhân phát hiện một viên quản lý đã chuyển những viên gạch đó đi tái chế thay vì xuất hàng. Nếu chúng không được lấy ra thì "những quả bom nổ chậm" này sẽ khiến GT Advanced mất hàng trăm nghìn đô la.

Vào thời điểm đó, rõ ràng là sapphire không được sử dụng làm màn hình cho iPhone mới sẽ bán ra ngày 19/9/2014.

Thế nhưng Apple vẫn nóng lòng nhận được sapphire càng nhiều càng tốt. Thư của Apple gửi cho công ty nói họ chỉ nhận được 10% sapphire mà công ty ban đầu đã hứa.

Những nguồn tin thân cận với GT Advanced nói rằng các nhà thầu cho Apple áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng thiếu nhất quán, đôi khi chấp nhận những viên gạch sapphire đã bị từ chối vài ngày trước đó.

Trong tuần đầu tháng Chín, GT Advanced nói với Apple là họ đang gặp vấn đề dòng tiền mặt nghiêm trọng. Họ đề nghị Apple đưa nốt khoản 139 triệu USD vay lắp đặt nhà máy và đề nghị Apple trả thêm tiền cho việc cung cấp sapphire trong năm 2015.

Đến ngày 1/10/2014, Apple đề nghị đưa cho công ty 100 triệu USD trong số 139 triệu USD. Apple cũng đề nghị tăng giá trả cho sapphire năm nay, sẽ thảo luận tăng giá cho năm 2015 và nới lỏng lệnh độc quyền để GT Advanced có thể bán lò nung cho các khách hàng khác.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn. GT Advanced nộp đơn phá sản và không dám báo tin này cho Apple vì sợ Apple sẽ cản trở họ.

Bài học rút ra cho con ốc vít Việt

Câu chuyện con ốc vít, thực chất là ngành công nghiệp phụ trợ đã được thảo luận sôi nổi từ lâu và cho đến nay chưa ngã ngũ. Có ý kiến cho rằng hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam quá kém khi mà không "len chân" nổi vào chuỗi sản xuất của các hãng như Samsung. Ý kiến khác cho rằng vấn đề không phải là không làm được, mà do làm xong sợ không có người mua. Có ý kiến cho rằng cần phải "ép" các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sử dụng linh phụ kiện do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Có ý kiến mềm mỏng hơn, là đề nghị các doanh nghiệp FDI cùng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ như công nghệ, đào tạo...

Tuy nhiên, như câu chuyện về nhà cung cấp GT Advanced cho Apple ở trên cho thấy ngay cả khi nhà sản xuất gốc đồng ý bỏ vốn đầu tư xây nhà máy, cho thuê lại để sản xuất linh kiện cho họ thì cũng không thể đảm bảo cho thành công. Lợi nhuận thấp, yêu cầu chất lượng khắt khe, số lượng lớn, sản xuất độc quyền, vốn... là sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp cung cấp phụ trợ.

Tất nhiên, trong trường hợp cụ thể này, Apple cũng chịu thiệt hại, ít nhất là vài trăm triệu USD cho đối tác vay đầu tư vào nhà xưởng. Nhưng con số này chẳng nhằm nhò gì so với lợi nhuận hàng tỉ USD mỗi tháng của Apple. Còn không có màn hình sapphire, iPhone 6 vẫn bán chạy. Trong khi đó, nhà cung cấp đối tác thì nợ đầm đìa, mất cả sinh mệnh công ty.

Sự phá sản của GT Advanced là minh chứng sinh động cho sự hứa hẹn cũng như sự nguy hiểm cho các nhà cung cấp phụ trợ của Apple nói riêng và các nhà sản xuất gốc nói chung. Kiếm được một hợp đồng với các hãng đa quốc gia này có thể phát sinh hàng tỉ đô la doanh thu. Nhưng nó cũng có nghĩa phải biết thích ứng với những biến động về nhu cầu, lợi nhuận mỏng như dao cạo và có rất ít dư địa cho sai lầm.

Thanh Xuân

Chủ đề khác