VnReview
Hà Nội

BlackBerry sau mỗi lần đáp chuyến “hàng không giá rẻ”

Ngày 22/11/2014 vừa qua, BlackBerry công bố chương trình "Crazy sale - Mua Q10 với chỉ 10.000 đồng", theo đó, 200 chiếc Q10 chỉ được bán tại 4 cửa hàng ở Hà Nội và 1 cửa hàng ở Đà Nẵng. Giá thị trường của Q10 hiện từ 4,75-4,99 triệu đồng sau nhiều lần giảm giá từ mức ban đầu 16,5 triệu đồng.

Chương trình Crazy sale của BlackBerry khiến tôi liên tưởng tới đợt khuyến mãi của hãng hàng không giá rẻ Jestar Pacific, khi trùng hợp thời điểm này, chương trình siêu khuyến mãi ngày thứ 6 của Jestar Pacific tung ra 16.000 vé máy bay với mức giá 0 đồng… Dường như BlackBerry đã liên tục đáp chuyến "hàng không giá rẻ" để bán hàng tại thị trường Việt Nam. Khi mới ra lò, model đàn anh của Q10 là chiếc BlackBerry Z10 cũng được định giá khoảng 17 triệu đồng, nhưng sau 3 lần giảm mạnh đến tháng 4/2014 giá chỉ còn 4,5 triệu đồng.

Blackberry Q10

Bán được hàng tồn…

Cả chục ngàn chiếc BlackBerry Z10 đã được nhập về Việt Nam bán giá rẻ thông qua Hoàng Hà Mobile (Hà Nội) và Hnam Mobile (TPHCM) trong các tháng 4, 5, 6… Ban đầu, cả nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ đều phủ nhận rằng đó là lượng hàng tồn. Tuy nhiên sau đó, chính đại diện hãng phải công nhận rằng các lô Z10 ấy là hàng tồn tại thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu, được đưa về thị trường Đông Nam Á trong đó có Việt Nam để "tống khứ".

Khi một chiếc điện thoại được gọi là thông minh, chỉ sau hơn 1 năm ra lò giá đã bị giảm tới 70%, thì người tiêu dùng dễ nhìn nhận rằng quá rẻ. Nhưng cũng vào thời điểm ấy, đem BlackBerry Z10 với mức giá 4,5 triệu đồng ra so với nhiều dòng smartphone Android, thì cũng không phải là siêu rẻ. Z10 đã không thông minh như người ta nghĩ với đúng mức giá 17 triệu đồng trước đó. Nhưng dù sao, đối với người tiêu dùng, đó là mức giá chấp nhận được nếu đã có nhu cầu mua sử dụng. Có điều, báo chí truyền thông dường như đã thiếu nhạy cảm khi đưa tin về việc bán Z10 giảm giá cứ như một thứ đặc ân mà BlackBerry dành cho thị trường Việt vậy.

BlackBerry Z10 từng gây sốt tại Việt Nam, nhưng Q10 thì không được như vậy

Z10 là trường hợp BlackBerry đáp chuyến "hàng không giá rẻ" đầu tiên để bán hàng tồn tại Việt Nam. Có vẻ như chiến dịch này cũng tạo ra được chút ít dư luận cho nên mới đây chiêu thức này tiếp tục được áp dụng với dòng máy BlackBerry Q10. Dù được định vị là smartphone cao cấp với mức giá tương tự Z10 khi mới ra lò nhưng Q10 cũng nhanh chóng bị rớt giá thảm hại vì chẳng mấy ai dùng. Và lần này, BlackBerry đáp chuyến "hàng không giá rẻ" cho 200 chiếc Q10 với mức giá còn sốc hơn so với Z10.

Tuy nhiên, BlackBerry không phải là đang thực hiện chương trình "Crazy Sale" tại Việt Nam. Một "Crazy Sale" đúng nghĩa, là bán hàng với giá rẻ đến mức "điên khùng" (đương nhiên là dưới giá thành) nhằm tạo dư luận và tiếp thị cho một dòng sản phẩm mới vừa được ra mắt. Có nghĩa là, dù bán giá rẻ ở mức "điên khùng" nhưng có ý đồ rõ ràng, và đặc biệt là có sự tôn trọng người tiêu dùng (áp dụng với hàng mới ra lò), chứ đối với BlackBerry Q10, đã ra lò cả năm hơn, ế chỏng ế chơ từ mức giá 16, 17 triệu đồng, giờ bán 200 chiếc với mức giá 10.000 đồng không hẳn là một chương trình "Crazy Sale" đúng nghĩa. BlackBerry tiếp tục dùng chiêu "hàng không giá rẻ" có thể giúp tống được những lô hàng tồn cuối cùng Q10, nhưng cũng có thể sẽ lợi bất cập hại…

… Tổn hại thương hiệu

Những lần đáp chuyến "hàng không giá rẻ" Z10, Q10 cho thấy động thái của BlackBerry là tống khứ các lô hàng tồn bằng mọi giá, thậm chí ít quan tâm đến việc thương hiệu bị tổn hại do cách bán hàng "hàng không giá rẻ" gây ra.

Không biết những tín đồ BlackBerry một thời, và nay vẫn còn, có cảm thấy bị tổn thương khi thương hiệu được họ yêu thích với các dòng smartphone đầy phong cách và đẳng cấp một thời như Bold, Curve… ít còn được thấy mà thay vào đó là các "em" Z10, Q10 bị đẩy vào cùng một sọt "hàng không giá rẻ"?

Nhà sản xuất hay thương mại nào cũng phải kiếm cách bán hàng tồn, nhưng đã bán hàng tồn với mức đại hạ giá đến thê lương mà còn làm PR um xùm thì đúng là chẳng khác nào "vạch áo cho người xem lưng". Trước sự ồn ào này những người có nhu cầu thấy mức giá vừa phải thì mua dùng. Nhưng những người không có nhu cầu, đặc biệt là những người đang sử dụng thương hiệu smartphone khác, rất dễ nảy sinh tâm lí đánh giá thấp thương hiệu BlackBerry và thương hiệu này sẽ càng khó thuyết phục họ sử dụng về sau. Các chiêu thức bán hàng giá rẻ hay đại hạ giá bao giờ cũng có hai mặt, sử dụng ở liều lượng vừa phải để làm truyền thông thì được, còn lạm dụng nó thì hệ lụy cũng gia tăng tỉ lệ thuận theo.

BlackBerry Q10 không phải là hàng hiếm trên thị trường, có thể mua nó khá dễ dàng ở nhiều địa phương trên cả nước

Có bao nhiêu người mua Z10, Q10 giá rẻ để rồi từ bỏ những chiếc điện thoại iPhone, Samsung, HTC, Lumia… cùng phân khúc hoặc ở phân khúc cao hơn mà họ đang sử dụng? Đa phần, như trường hợp người dùng mua Z10 giá rẻ, là vì yếu tố giá hơn là vì thương hiệu. Họ là những người bước đầu dùng smartphone hay đang dùng một thương hiệu smartphone giá rẻ xập xệ, nhân tiện muốn đổi máy, gặp Z10 đại hạ giá bèn mua sử dụng.

Ở góc nhìn về cách bán hàng và làm truyền thông thì BlackBerry đang chẳng khác nào một gã khùng (crazy) hay vì cùng đường đâm ra liều và "nhắm mắt đưa chân" trong mọi chuyện. Vấn đề trầm trọng của BlackBerry nằm ở chỗ: Các dòng máy mới như BlackBerry Z3, BlackBerry Z30 hay BlackBerry Passport mới đây ra mắt tại Việt Nam không được làm truyền thông, marketing đúng mức cần thiết để thúc đẩy bán hàng nhằm phát triển tương lai, trong khi việc bán hàng tồn vốn dĩ không tạo dựng nên giá trị thương hiệu hay phát triển tương lai thì lại được làm bùng lên đến mức nguy hiểm khiến người tiêu dùng nghĩ về BlackBerry chỉ là một thương hiệu hàng tồn, chỉ mua dùng khi đại hạ giá vì có hỏng thì vứt bỏ cũng không tiếc chứ không đáng để bỏ ra món tiền lớn mua smartphone của thương hiệu này.

Việc dùng hoài chiêu thức "hàng không giá rẻ" để bán sản phẩm BlackBerry tồn kho tại Việt Nam có khả năng được sự đồng thuận của chính hãng này mà không nhận thức hết các hệ lụy và sự tổn thương. Nhưng cũng có thể những lần điện thoại BlackBerry đáp chuyến "hàng không giá rẻ" nằm ở một khả năng khác, là phía hãng không kiểm soát được cách làm truyền thông bán hàng tồn của hệ thống nhà phân phối và đại lí bán lẻ. Hệ thống phân phối và đại lí bán lẻ, họ quan tâm làm chi đến việc thương hiệu BlackBerry bị tổn hại hay tổn thọ, mà chỉ cần làm sao để bán được hàng có doanh số và lợi nhuận càng cao càng tốt mà thôi.

Thực tế này hoàn toàn trái ngược với cách kiểm soát nhà phân phối của Apple. Các nhà phân phối của Apple tại Việt Nam hiện nay như iCenter, F.Studio phải thiết kế cửa hàng, gian và kệ trưng bày… theo đúng chuẩn Apple đưa ra đến từng chi tiết. Thậm chí từng mẫu quảng cáo, từng bài PR, từng mẫu thông cáo, các đại lí phân phối tại Việt Nam phải gửi sang cho đại diện của Apple tại Singapore duyệt qua mới được lưu hành.

Thị trường smartphone Việt Nam hiện không có nhiều cơ hội cho BlackBerry. Và ngay cả những lô hàng tồn được bán với mức giá giảm tới 70%, 80% và thậm chí 99,99% đi nữa cũng chẳng mang lại cơ hội gì nhiều hơn cho BlackBerry tại thị trường Việt. Nếu BlackBerry cứ tiếp tục ồn ào với các chiêu thức bán hàng kiểu "hàng không giá rẻ" thì e rằng một chút cơ hội cuối cùng mà người tiêu dùng dành cho họ - là sự tôn trọng đối với một thương hiệu smartphone đầy phong cách và đẳng cấp một thời - cũng sẽ vơi cạn…

Thẩm Hồng Thụy;

Chủ đề khác