VnReview
Hà Nội

Tản mạn từ đôi mắt rớm lệ đến thế đứng trắc trở của “gã khổng lồ” Intel

Một buổi chiều sau mưa ngày 29/6/2012 khi sự kiện "Behind the Scene" của Intel Việt Nam tổ chức trên Chill Sky bar tầng thứ 26 của một cao ốc tại TPHCM chuẩn bị khai màn thì nhiều phóng viên nhận được email chào từ biệt từ chính người phụ trách truyền thông của Intel Việt Nam. Sự "trùng khớp nhạy cảm" này khiến không ít phóng viên tỏ ra thắc mắc…

Câu chuyện sau đó tôi được biết rõ hơn qua một nguồn tin thân cận với những người làm trong Intel Việt Nam: Gã khổng bán dẫn gặp khó khăn và đưa ra quyết định tinh giản biên chế toàn cầu trong đó có Việt Nam, và cũng như nhiều tập đoàn, công ty khác, bộ phận truyền thông, PR luôn bị đưa "lên thớt" đầu tiên.

Hơn một năm sau tôi gặp lại người phụ trách PR của Intel Việt Nam trong một sự kiện khác, nhắc lại cái email gửi ngày trước, mắt cô rơm rớm như muốn bật khóc: "Anh nhắc lại chuyện này làm em muốn phát khóc đây này…"

Đến đây có lẽ người đọc cũng thắc mắc: Đôi mắt hoe đỏ rớm lệ sắp bật khóc kia thì có liên quan gì đến "gã khổng lồ" chip máy tính Intel? Có chứ. Việc tinh giản nhân sự ở qui mô và số lượng lớn cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp và sự khó khăn nhất định trong sản xuất kinh doanh. Thị trường máy tính để bàn không còn tăng trưởng mạnh như chục năm về trước, trong khi đó "gã khổng lồ" chip máy tính không đủ nhạy trong việc xoay chuyển nên đã để thua sút trên thị trường di động… Đó chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đi rớm lệ.

Ở Việt Nam, thời vàng son vang bóng của Intel là khi ông Thân Trọng Phúc làm tổng giám đốc. Ông Phúc đi, vàng son cũng đi…, mặc dù không chỉ ở Việt Nam mà ngay trên bình diện toàn cầu hiện nay lĩnh vực chip máy tính Intel vẫn là vô đối và làm ăn có lãi. Nhưng dăm bảy năm trở lại đây bước vào cao trào thời đại di động, người ta say mê smartphone và máy tính bảng hơn là máy tính để bàn và laptop vốn dĩ gắn nhiều hơn với công việc 8 tiếng, 10 tiếng hay 12 tiếng đồng hồ một ngày, trong khi người ta có thể cả ngày cầm smartphone và máy tính bảng để xem, chơi và giải trí.

Câu chuyện thua lỗ trên thị trường chip di động của Intel gần đây được đưa tin khá nhiều trên các trang mạng. Đơn cử theo Forbes, trong năm 2013 bộ phận chip di động của Intel lỗ đến 3,15 tỉ USD. Riêng quí gần nhất, tức quí III/2014 họ lỗ tiếp khoảng 1 tỉ USD ở mảng này. Chính vì thế mà vừa mới đây, ban lãnh đạo của "gã khổng lồ" mới quyết định sáp nhập bộ phận chip di động và bộ phận chip máy tính với lí do được mang ra giải thích là "ranh giới giữa PC và mobile đang ngày càng bị xóa nhòa" (?).

Tôi sẽ chẳng bao giờ tin đó là nguyên nhân chính khiến Intel sáp nhập hai bộ phận lại với nhau dù trên thực tế đang diễn ra sự mờ dần ranh giới giữa PC với mobile. Hay nói đúng hơn, sự sáp nhập này mang tính thủ thuật và cũng là một cách đối phó với dư luận, đặc biệt là trên thị trường cổ phiếu. Bởi nếu cứ để bộ phận chip mobile tồn tại độc lập, những khoản lỗ liên tiếp cứ đi vào báo cáo tài chính quí, năm, thì chắc chắn sẽ còn tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu Intel trên thị trường. Về mặt truyền thông, cái tiếng thua lỗ trên thị trường chip di động vừa gây mất mặt Intel lại vừa tô son cho đối thủ.

chip di động Intel

Dù rất nỗ lực nhưng mảng chip di động của Intel không thành công như mong đợi

Một chuyên gia chứng khoán thử phân tích rằng, sáp nhập bộ phận chip di động vào bộ phận chip máy tính của Intel là gộp mảng thua lỗ vào mảng đang làm ăn có lãi, nghĩa là có kẻ gánh lấy để xóa bay vết lỗ, và khi công bố ra thì khối sản xuất chip vẫn có lãi tránh được tình trạng sổ sách không "đẹp", từ đó hạn chế được phần nào yếu tố tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Về mặt truyền thông, khi bộ phận chip nói chung của Intel thoát tình trạng lỗ thì cũng sẽ bớt đi sự xì xào. Mặt khác, mảng chip di động cũng sẽ tận dụng được nguồn kinh phí san sẻ trong nội khối (từ mảng chip PC) để tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu & phát triển.

Vài năm trở lại đây, chip Intel đã được trang bị trong hơn 40 triệu chiếc máy tính bảng nhưng theo phương thức "chip cho không biếu không" các hãng đối tác dùng thử để đánh giá. Còn trên smartphone, chip Intel còn yếu thế hơn và hiện rất khó thuyết phục được người tiêu dùng. Một minh chứng sống động là cách đây hơn một năm khi Lenovo ra mắt K900 - mẫu smartphone cao cấp đầu tiên dùng chip Intel - nhưng đã thất bại thảm hại khiến sau đó hãng này phải "vẫy tay, vẫy tay chào nhau" với chip di động Intel.

Andy Bryant - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Intel - nói vớt vát rằng "chúng tôi không cảm thấy xấu hổ" với các khoản lỗ hàng tỉ USD của bộ phận chip di động và hứa hẹn đại ý rằng "Intel sẽ trở lại lợi hại hơn xưa". Nhưng trước tiên hãy bàn đến sự xấu hổ… có thật của Intel sau khi thua kiện hãng chip khác là AMD vì đã làm giả kết quả benchmark chip cách đây 15 năm. Cụ thể là vào năm 2000, "gã khổng lồ" đã làm điều dối trá là giả kết quả benchmark của chip Pentium 4 để qua đó tung ra truyền thông nhằm hạ bệ đối thủ là chip Athlon của AMD. Nay Intel thua kiện và sẽ phải bồi thường cho bất cứ khách hàng nào mua máy tính có chip Pentium 4 một khoản 15 USD/máy. Nhưng thử hỏi, có mấy ai còn lưu giữ được hóa đơn chứng từ hay chiếc máy cũ nát hơn một thập kỉ để chứng minh thiệt hại mà bắt "gã khổng lồ" bồi thường cho được 15 USD? Được vạ thì má đã sưng...

Điều ngạc nhiên là Intel đã làm điều giả dối ngay trong thời kì đang vàng son nhất. Cứ luận từ trường hợp này cùng với nhiều trường hợp tương tự khác trên thị trường thì có thể suy ra rằng "gã khổng lồ" nào đang thịnh thì càng phải đề phòng hơn chăng? Vì càng thịnh thì càng lắm tiền nhiều bạc, càng dễ mua lòng người và nhiều thứ khác cả những giá trị cân đo về kĩ thuật, công nghệ.

Bây giờ mới đề cập đến sự trở lại lợi hại hơn xưa. Nếu Intel làm được như vậy, cộng với giá chip rẻ hơn các đối thủ góp phần kéo giá thành của thiết bị rẻ xuống trong khi hiệu năng của chip vẫn ngon lành thì sẽ mang đến thêm một lựa chọn có lợi cho người tiêu dùng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Thị trường không nên có một kẻ quá mạnh chèn ép bao kẻ yếu khác rồi chèn ép luôn cả người tiêu dùng.

Tuy nhiên tôi cũng chả dại gì ủng hộ Intel mạnh lên về chip di động cùng với mảng chip PC đang "độc cô cầu bại". Bởi nếu diễn ra như vậy có khi chính tôi và bao người tiêu dùng khác sẽ phải cam chịu thiệt thòi với… "gã siêu khổng lồ" về sau. Song nếu "gã" cứ trắc trở thế đứng trên thị trường chip di động, thì có thể lại có thêm nhiều đôi mắt đỏ hoe rớm lệ ra đi…

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác