VnReview
Hà Nội

Doanh nghiệp Việt đủ sức cầm trịch thị trường bán lẻ hàng công nghệ?

Giữa lúc hệ thống bán lẻ hàng điện máy TopCare vừa đóng cửa tại Hà Nội mà đặt vấn đề doanh nghiệp Việt đủ sức cầm trịch thị trường bán lẻ hàng công nghệ xem ra có vẻ mâu thuẫn và có thể khiến không ít người cho rằng dớ dẩn…

TopCare đột ngột đóng cửa chuỗi siêu thị điện máy

"Nội" hay "ngoại" đều gặp khó…

Tháng 6/2011, "đế chế" siêu thị điện máy "bán hàng kiểu Mỹ" WonderBuy phải đóng cửa chỉ sau một năm khai trương, "đốt" hết 52 tỉ đồng, bình quân mỗi tuần đốt 1 tỉ đồng. Năm 2012, mô hình "bán hàng kiểu Nhật" Best Carrings vốn mua nhượng quyền từ hệ thống bán lẻ Best Denki, cũng dẹp tiệm sau nhiều năm chỉ phát triển được vài siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ nhưng kinh doanh bết bát.

Kể ra hai trường hợp có yếu tố "ngoại" của thị trường bán lẻ điện máy phải đóng cửa, cho dù dựa vào cách bán hàng khuyến mãi ồ ạt "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" như WonderBuy hay cách phục vụ chu đáo của Best Carrings để thấy rằng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường điện máy, việc các chuỗi nhỏ của doanh nghiệp "nội" như HomeOne, Việt Long, TopCare phải đóng cửa hoàn toàn không có gì phải bất ngờ.

wonderbuy

Cái chết của WonderBuy cũng từng gây "choáng" ;thị trường điện máy cách đây hơn 3 năm

Trường hợp Pico, "hùng cứ" phía bắc, tháng 1/2013 "Nam tiến" vào TP.HCM thuê mặt bằng của Tổng công ty 319 trên đường Cộng Hòa và tổ chức khai trương rầm rộ. Nhưng sau hơn một năm, Pico đành phải rút lui. Sự kiện này được nói tránh là "ngừng để sửa chữa và nâng cấp mặt bằng kinh doanh", song đã ghi một dấu mốc buồn lên khát vọng "Nam tiến" của các doanh nghiệp điện máy phía bắc.

Đến năm 2014, giá trị thị trường điện máy Việt Nam được cho là khoảng 6 tỉ USD nhưng suốt từ năm 2010 đến nay chưa có doanh nghiệp bán lẻ điện máy nào tại Việt Nam chiếm được quá ngưỡng 10% thị phần, ngay cả Nguyễn Kim được cho là chuỗi bán lẻ hàng điện máy hùng mạnh nhất hiện nay. Con số này khiến không ít nhà bán lẻ hàng điện máy nước ngoài và trong nước nghĩ ngợi và hi vọng. Sự hi vọng đặt vào khoảng 90% thị phần còn lại đang bị xé lẻ cho rất nhiều hệ thống lớn nhỏ khác nhau và từ đó ai cũng kì vọng sẽ chia được một phần của "chiếc bánh". Nhưng 5 năm qua, ít nhất cũng đã có 5-6 hệ thống bán lẻ hàng điện máy dẹp tiệm, vì thế không thể không nghĩ ngợi, đặc biệt là về cách tiếp cận người tiêu dùng và xâm nhập thị trường.

Thị trường bán lẻ hàng công nghệ nói chung và điện máy nói riêng vẫn đang do doanh nghiệp Việt giữ vai trò chủ đạo, yếu tố nước ngoài chỉ là thứ yếu thể hiện ở mô hình nhượng quyền hay phương thức bán hàng. Những cái "chết" trên thị trường này trong những năm qua cũng không chỉ có doanh nghiệp Việt mà gồm cả các mô hình siêu thị có yêu tố nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt "không bận tâm" đến doanh nghiệp nước ngoài?

Sau khoảng thời gian đầy khó khăn của thị trường (2012-2013), từ năm 2014, các doanh nghiệp bán lẻ hàng điện máy đã lại tiếp tục thúc đẩy đầu tư mở rộng chuỗi. Đây có lẽ là điểm sáng chỉ báo cho những chiến lược phát triển mạnh mẽ cũng như là sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong thời gian tới với những cái tên Dienmay.com, Nguyễn Kim và CES…

Cho đến thời điểm kết thúc năm 2014, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp bán lẻ hàng công nghệ thành công nhất. Số siêu thị của Thế Giới Di Động đạt ngưỡng 350, trong đó có 20 siêu thị Dienmay.com, và chỉ riêng lợi nhuận sau thuế là 670 tỉ đồng/tổng doanh thu 15.800 tỉ đồng. Ở lĩnh vực bán lẻ ĐTDĐ, máy tính bảng và thiết bị số cá nhân, sau Thế Giới Di Động có lẽ là FPT Shop - đã vượt lên mạnh mẽ trong năm qua - với tổng doanh thu hơn 5.000 tỉ đồng và bắt đầu có lãi, đứng thứ 3 là Viễn Thông A.

Thế Giới Di Động đang chiếm 30% thị phần bán lẻ ĐTDĐ. Nếu cộng gộp tốp 3, thị phần nắm giữ hiện phải xấp xỉ 50%. Bất cứ một chuỗi bán lẻ nào thuộc ngành hàng này nếu mở ra trong thời gian tới cũng sẽ hứng chịu áp lực không nhỏ từ tốp 3 này.

Trước câu hỏi rằng: Thế Giới Di Động đón nhận thông tin Central Group mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim và đẩy mạnh việc mở chuỗi bán lẻ điện máy tại Việt Nam như thế nào? Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Cty CP Đầu tư Thế Giới Di Động – trả lời nhẹ như không: "Tôi thực sự không bận tâm". Rồi ông giải thích: "Vì cho tới nay, chưa có bất cứ chuỗi bán lẻ hàng công nghệ nào của nước ngoài thành công ở Việt Nam và Châu Á, ngay cả ở thị trường đông dân số 1 thế giới là Trung Quốc". Theo ông Tài, các chuỗi bán lẻ nước ngoài có thể thành công và cầm trịch thị trường ở ngành hàng tiêu dùng, như những cái tên BigC, Metro Cash & Carry, Lotte, Aeon… tại Việt Nam hiện nay; nhưng ở ngành hàng công nghệ, những mô hình bán hàng kiểu Mỹ kiểu Nhật thậm chí còn phải nếm trái đắng.

Có phải đó chính là vấn đề khiến Central Group xâm nhập thị trường Việt Nam theo con đường khác là mua 49% cổ phần Nguyễn Kim thông qua công ty thành viên là Power Buy? Power Buy có kinh nghiệm về bán lẻ hàng điện máy ở Thái Lan. Mua cổ phần Nguyễn Kim cũng có nghĩa Power Buy chọn cách đứng trên vai kẻ mạnh và kẻ mạnh ấy lại là doanh nghiệp Việt trên thị trường điện máy.

Ở ngành hàng bán lẻ ĐTDĐ, cuộc đua trong 1-2 năm tới vẫn là những cái tên quen thuộc: Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A. Thế Giới di động đặt mục tiêu nâng tổng số siêu thị lên 473 trong năm nay, nắm giữ khoảng 40% thị phần ĐTDĐ, và mục tiêu thị phần đến năm 2016 sẽ là 50%. Ông Tài cho rằng, khi đã nắm giữ một nửa thị trường, Thế Giới Di Động không còn sợ bất cứ một đối thủ nào dù là các tập đoàn nước ngoài hùng mạnh đến đâu…

Thị trường điện máy vẫn chủ yếu trong tay doanh nghiệp Việt

Tuy nhiên ở ngành hàng điện máy, Thế Giới Di Động sẽ không dễ thở được như bên ngành hàng ĐTDĐ. Central Group – Nguyễn Kim là "liên minh" ngán ngại đầu tiên đối với Dienmay.com thường được nhắc trong những ngày gần đây. Thế nhưng ông Nguyễn Đức Tài cho biết không quá lo lắng. Trong năm 2014 Dienmay.com đã bắt đầu có lãi, và số siêu thị sẽ được tiếp tục mở thêm gấp từ 2-2,5 lần trong năm 2015, đạt tổng số từ 45-50 siêu thị, để nhanh chóng chiếm "miếng bánh" đáng kể trong khoảng 90% thị phần còn lại.

Cái tên thứ ba, chuỗi bán lẻ điện máy CES do công ty thành viên của VinGroup là VinPro triển khai hiện còn là một ẩn số. Có thông tin cho biết VinPro sẽ khai trương 4 siêu thị điện máy vào tháng 3/2015 tại Hà Nội và TP.HCM hầu hết dựa vào hạ tầng sẵn có của công ty mẹ là các trung tâm thương mại lớn như Vincom tại TP.HCM và Times City, Royal City tại Hà Nội. VinPro có kế hoạch kết thúc năm nay với 25 siêu thị CES ở ba miền.

Nếu chỉ đánh giá trên những thông tin rò rỉ hay đã được chính thức công bố, thì ông Nguyễn Đức Tài hoàn toàn có lí để "không bận tâm" hay "chưa cảm thấy phải bận tâm". Bởi chí ít, trong vòng một năm tới, ngành bán lẻ hàng công nghệ nói chung và điện máy nói riêng chưa có thay đổi lớn về tương quan nắm giữ thị trường giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Doanh nghiệp Việt vẫn đang nắm giữ vô-lăng.

 Thẩm Hồng Thụy 

Chủ đề khác