VnReview
Hà Nội

Truy tìm tung tích kem trắng da St. Dalfour

Nếu bạn nghĩ trong thời đại Internet này, tất cả đều có thể dễ dàng tìm ra nguồn gốc rõ ràng thì bạn đã nhầm. Ít nhất là trong trường hợp mĩ phẩm làm trắng da St. Dalfour giá hàng triệu đồng đang được chị em ưa chuộng hiện nay.

Cách đây khoảng một tuần, một độc giả đã gửi đến Ban biên tập VnReview một lô hũ kem làm trắng da nhãn hiệu St. Dalfour mua từ Amazon, đề nghị tìm hiểu nguồn gốc và quan trọng là sử dụng sản phẩm này có an toàn không? Làm sao phân biệt được hàng thật - giả? Sở dĩ độc giả này hỏi vậy là bởi đã tìm hiểu trên mạng thấy thông tin rất trái ngược, một số nói hiệu quả tốt, một số khác lại khuyến cáo loại kem này có hàm lượng thủy ngân cao, không an toàn cho sức khỏe.

Với sự hỗ trợ của Internet, nhất là với một sản phẩm mà độc giả khẳng định là được quảng cáo hàng Pháp sản xuất tại Kuwait, đang bán rất chạy trên thị trường mặc dù giá đến cả triệu đồng một hũ bé như cái chén hạt mít, ban đầu tôi nghĩ trả lời những câu hỏi trên không có gì là khó khăn. Song khi bắt tay vào việc mới thấy thực tế hoàn toàn khác, tôi như bị rơi vào mê hồn trận và để thoát khỏi nó phải gỡ từng mối rối một.

Trước tiên, cũng phải giới thiệu sơ qua về kem trắng da St. Dalfour. Đây là sản phẩm được quảng cáo trên mạng cũng như các trang bán hàng trực tuyến quốc tế lớn như Amazon, eBay, Alibaba... đánh trúng tâm lí của phụ nữ châu Á: làm trắng da, xóa vết nám, nếp nhăn chỉ trong một thời gian ngắn (có nơi quảng cáo là 1 tuần, có nơi 4 tuần hoặc 8 tuần). Có loại kem dành cho da thường, da dầu, dùng ban ngày, ban đêm... Theo quảng cáo, kem này là sản phẩm của công ty Pháp được sản xuất ở Kuwait và sử dụng công thức đặc biệt với nguyên liệu được chiết xuất từ thảo dược chỉ có ở Kuwait (một số quảng cáo nói là ở Trung Đông).

Kem trắng da St. Dalfour có nguồn gốc từ đâu?

Khi tìm kiếm với từ khóa "St. Dalfour" thì cho kết quả hầu hết là từ những trang rao bán kem này trên mạng ở Việt Nam, Philippines, Sri Lanka, Ấn Độ, các trang thương mại điện tử như eBay, Amazon, Alibaba. Cũng có một công ty St. Dalfour của Pháp, nhưng đây là một công ty chuyên về mứt, hoa quả đóng chai.

Mứt hoa quả St. Dalfour

Mứt hoa quả của Pháp St. Dalfour có giá bán r ất cao trên Amazon, trên dưới 50 USD (hơn 1 triệu đồng), chưa kể các loại phí.

Trên một số diễn đàn mạng ở Việt Nam, Sri Lanka và Ấn Độ, người dùng cho rằng kem trắng da St. Dalfour thực chất là lấy thương hiệu của công ty thực phẩm Pháp St. Dalfour và thậm chí thu gom chai đựng mứt của hãng này để đóng kem vào để bán. Có thành viên cho biết họ đã liên hệ trực tiếp với công ty St. Dalfour và được công ty này khẳng định họ không có dòng sản phẩm nào là kem mĩ phẩm.

Có lẽ từ phát hiện của người tiêu dùng như vậy, hiện nay nhiều giới thiệu sản phẩm kem trắng da St. Dalfour trên Amazon có chú thích trước đây kem này là của thương hiệu St. Dalfour nhưng sau được đổi tên thành "Dalfour Beauty" để tránh nhầm lẫn với hãng St. Dalfour về thực phẩm của Pháp.

Qua nhìn ảnh lọ mứt hoa quả của St. Dalfour so với lô kem St. Dalfour độc giả gửi và kem quảng cáo trên mạng tôi thấy lọ mứt giống hệt lọ kem trắng da, từ chất liệu thủy tinh cho đến vân ở đáy lọ. Thậm chí, có lọ kem có nắp hệt nắp lọ mứt - từ chỉ dẫn thương hiệu cho đến họa tiết, hình ảnh. Tuy nhiên, cũng có lọ kem sử dụng nắp có in chữ "Dalfour Beauty".

Kem trắng da St. Dalfour

Lọ kem trắng da (bên trái) và lọ mứt St Dalfour. Có thể thấy nắp lọ kem trắng da giống hệt nắp lọ mứt từ họa tiết đến tên thương hiệu.

Một điểm đáng lưu ý nữa là nhiều sản phẩm rao bán trên eBay, Amazon... dãn nhãn Authentic (chính hãng) hoặc Original (gốc) nhưng không thể đưa ra địa chỉ nhà sản xuất ở đâu. Kiểm tra xuất xứ theo mã số mã vạch thì thấy quốc gia đăng kí mã vạch rất khác nhau: Bahrain, Na Uy, Mỹ, Ả rập Xê út, Ý...

Kem trắng da

Sản phẩm "Hợp chủng quốc". Trong ảnh là kem trắng da ghi nhãn sản xuất tại Kuwait (ảnh dưới) và Ả rập Xê út (ảnh trên)

Tại Việt Nam, chúng tôi đã liên hệ với một số trang web bán sản phẩm này và nhận được thông tin rất khác nhau về xuất xứ. Có người bán nói luôn đây là hàng xách tay từ Mỹ, không có giấy tờ nhưng đảm bảo chính hãng. Một người bán hàng khác, có tên là Bách ở TP.HCM khăng khăng sản phẩm họ bán là hàng chính hãng, có tem chính hãng. Bằng chứng là khi soi vào máy in tiền thì logo của hãng nổi lên màu sáng. Thực tế, tôi không cần phải soi tem này vì nó in ở Việt Nam, lấy luôn nhận diện thương hiệu của hãng mứt Pháp St. Dalfour!

Kem trắng da St. Dalfour

"Tem chính hãng" (ảnh dưới) lười nhác đến nỗi bệ nguyên xi nhận diện thương hiệu của hãng mứt Pháp.

Thậm chí, có website còn quảng cáo sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận của Cục Quản lý chất lượng. Nếu người dùng tinh ý một chút thì sẽ phát hiện ở Việt Nam không có một Cục Quản lý chất lượng chung chung nào và cơ quan quản lý cấp phép về mỹ phẩm là Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Phòng Quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý dược xác nhận chưa bao giờ cấp phép lưu hành cho mỹ phẩm St. Dalfour.

Tôi đã cố gắng tìm hiểu xem nhà sản xuất của loại kem này là ai, ở đâu, nhưng đều vô vọng. Theo quy định của Mĩ, sản phẩm dược mỹ phẩm lưu hành tại nước này phải ghi thông tin nhà sản xuất trên nhãn mác. Đúng là trong số các lọ kem mua về từ Amazon có lọ dán địa chỉ và số điện thoại liên hệ ở dưới đáy lọ. Song khi kiểm tra thì số điện thoại đó thuộc về một địa chỉ bán mỹ phẩm tại Mĩ và không có sản phẩm nào liên quan đến kem St. Dalfour cả.

Một thành viên trên cộng đồng mạng Ask Me Help Desk với hơn 1 triệu thành viên hồi năm 2010 bình luận kem St. Dalfour thực chất là một loại kém chất lượng sản xuất ở Kuwait được những người bán rong trên mạng ở Philippines lan truyền là tất cả bạn bè, người thân của họ đã sử dụng và công dụng rất tốt. Thông tin về chất lượng, xuất xứ nói trên chưa được kiểm chứng nhưng đúng là từ khoảng năm 2010, trên các diễn đàn mạng, blog, website Philippines đề cập nhiều đến loại kem này. Nhãn hiệu Filipina Beauty trên kem St. Dalfour có bán nhiều trên Amazon có tiền tố Filipina là một từ để chỉ "Philippines".

Như vậy, kem trắng da và một số sản phẩm khác như xà bông, sữa tắm... nhãn hiệu St. Dalfour có nhiều người bán nhưng không phải là sản phẩm của Pháp và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Làm sao phân biệt kem trắng da St. Dalfour chính hãng hay hàng giả?

Các sản phẩm kem trắng da St. Dalfour được rao bán trên mạng nhiều với giá cả rất khác nhau. Tại Việt Nam, giá bán dao động từ 950.000 đồng – 1.100.000 đồng/ hũ. Trong khi đó, trên Amazon sản phẩm này được bán từ 9 USD đến trên dưới 15 USD/ hũ (trên dưới 300.000 đồng, chưa kể tiền vận chuyển, thuế về Việt Nam). Trên Alibaba (Trung Quốc), sản phẩm được rao bán đắt hơn (thường người bán cho biết giao hàng đi từ Ấn Độ, Thái Lan...), khoảng trên dưới 20 USD/ hũ.

Tại Việt Nam, các hũ kem này hoặc được bán không kèm hộp với lý do hàng xách tay, hoặc có kèm hộp, "tem chính hãng", tờ giấy giới thiệu tính năng, công dụng của sản phẩm. Nhưng dù có hộp hay không, tất cả đều khá giống nhau về cách đóng gói: hũ thủy tinh nhỏ (ghi 50g), nắp kim loại được bao màng "niêm phong" (nilon trong suốt hoặc nilon màu sữa, có in chữ St. Dalfour), thành phần ghi trên nhãn, công dụng.

Kem trắng da St. Dalfour

Hai lọ giống hệt về thành phần, công dụng, chỉ khác tên nhưng một lọ dành cho dưỡng, một loại là kem trắng da (?).

Điểm khác là trên nhãn có phân biệt loại kem bằng những từ tiếng Anh "bồi": Oily; Dark Creamy; Streamy; Excel; Pinkish... Ở Việt Nam còn có nhãn ghi thêm chữ DermaKler; Aura... Chính vì vậy, câu hỏi phổ biến được người tiêu dùng đặt ra đối với sản phẩm này là: Làm sao phân biệt được hàng chính hãng và hàng giả?

Với những thông tin đã nói ở trên, có thể khẳng định không có sản phẩm kem làm trắng da St. Dalfour thật. Những sản phẩm đang bán trên thị trường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Một người bán hàng trên mạng Philippines cũng khẳng định "không có cái gọi là kem St. Dalfour chính hãng hay giả, mà chỉ có hàng có hiệu nghiệm hoặc không mà thôi. Nguyên nhân? Bởi có rất nhiều người sản xuất sử dụng nguyên liệu rẻ tiền để tăng lợi nhuận. Có nhiều biến thể kem với màu sắc khác nhau, từ màu sậm đến nhạt, hồng... và hiệu nghiệm có thể khác nhau tùy thuộc vào mùi hương".

Kem trắng da St. Dalfour

Kem trắng da St. Dalfour được quảng cáo chính hãng nổi tiếng toàn cầu nhưng đóng gói vụng về. Ai cũng có thể niêm phong nắp cổ hũ bằng dụng cụ máy sấy màng co (ảnh nhỏ).

Thông tin này chưa được xác định tính xác thực. Song nhìn sơ qua cách đóng gói sản phẩm cũng thấy rõ trình độ sản xuất ở cấp thấp: từ việc in nhãn bao bì nhòe nhoẹt, dán nhãn cẩu thả. Ngay cả việc bao màng nắp hũ có in chữ St. Dalfour (hoặc chữ "được niêm phong để bảo vệ" bằng tiếng Anh) cũng không phải là đảm bảo cho chất lượng bởi việc bao màng nắp hũ có thể thực hiện rất dễ, rất rẻ. Tôi đã thử hỏi một doanh nghiệp cung cấp màng bao thì được biết chỉ cần mua một chiếc máy sấy màng co khoảng 500.000 - 600.000 đồng và màng co (bán theo cân, 90.000 đồng/kg). Nếu muốn in chữ, phải mất thêm khoảng 1,5 triệu đồng cho khuôn.

Mua kem trắng da St. Dalfour qua Amazon có an toàn?

Độc giả gửi sản phẩm tới VnReview cho rằng ban đầu anh rất tin tưởng khi mua kem này qua Amazon bởi anh nghĩ đây là kênh bán hàng tin cậy, do Amazon giao hàng. Nhưng sau thấy thông tin nhiễu loạn quá nên đề nghị VnReview tìm hiểu, trong đó trả lời câu hỏi sản phẩm anh mua qua Amazon có an toàn không?

Trước hết phải nói rằng muốn bán hàng trên Amazon cần có các điều kiện như trả phí, cung cấp mã số mã vạch chưa được đăng ký trên Amazon. Người bán hàng có thể giao hàng trực tiếp cho khách hàng hoặc gửi hàng vào kho của Amazon để Amazon chuyển đến cho khách hàng.

Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng đã lầm tưởng mua hàng trên Amazon là rất an toàn (ít nhất là an toàn hơn các chợ điện tử khác) mà không biết rằng Amazon cũng chỉ một thị trường thu nhỏ, có hàng thật, hàng giả, hàng tốt, hàng kém chất lượng... Điều kiện Amazon đặt ra cũng có thể bị người bán qua mặt.

Chẳng hạn với mã số mã vạch, không phải sản phẩm nào - nhất là của các nhà sản xuất nhỏ lẻ, thủ công – cũng có mã số mã vạch. Trên lý thuyết, những nhà sản xuất này muốn bán trên Amazon thì phải đạt được mã số mã vạch bằng cách "thuê" của doanh nghiệp khác; hoặc đề nghị Amazon cho miễn trừ (nhưng khó). Tuy nhiên, người bán hàng thực tế không cần phải thuê, mà chỉ đơn giản nhập vào những mã vạch của doanh nghiệp chưa cung cấp cho Amazon. Đó chính là lý do tại sao có những sản phẩm, như kem trắng da St. Dalfour, có hàng tá danh sách trùng lặp về thương hiệu/ màu sắc/ kích cỡ/ thiết kế... rao bán trên Amazon. Tôi cũng đã thử kiểm tra mã số của một số sản phẩm kem St. Dalfour thì kết quả cho biết công ty đăng kí mã số đó là chuyên về phần mềm hoặc sản xuất đồ nội thất.

Vậy làm thế nào để mua được hàng chuẩn trên Amazon? Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết trong một bài viết sắp tới. Vấn đề cuối cùng, không kém phần quan trọng là trả lời câu hỏi tiếp dưới đây:

Chất lượng kem trắng da St. Dalfour như thế nào?

Tôi đã khảo sát hàng tá sản phẩm kem trắng da St. Dalfour trên mạng, cùng với trực tiếp tiếp cận với sản phẩm "chính hãng", xách tay ở Hà Nội và số sản phẩm mua từ Amazon. Kem St. Dalfour được người bán giới thiệu phổ biến có tên là Beauty Whitening Excel Cream và Beauty Whitening Cream. Đây là kem dành cho da thông thường, dùng ban đêm, một loại là kem trắng da, một loại là kem dưỡng trắng da. Thế nhưng ngoài tên khác nhau, thành phần và công dụng trên nhãn lại giống hệt. Vậy có gì khác? Người bán hàng chỉ trả lời khác chính là có từ Excel, nó mạnh hơn???

Thành phần ghi trên nhãn phần lớn là chiết xuất từ hoa quả, bơ và sữa (các sản phẩm như sữa dưỡng thể, xà phòng không ghi thành phần). Tuy nhiên, trong đó cũng có cả chất bảo quản. Trên các trang bán hàng hiện giờ có chú thích sản phẩm St. Dalfour không có chứa thủy ngân, không dùng chất tẩy.

Tôi cho rằng sở dĩ có chú thích như vậy là từ hồi năm 2010, rồi năm 2012 nổi lên thông tin Cục quản lý Dược và thực phẩm (FDA) của Philippines liệt sản phẩm kem St. Dalfour vào danh mục hàng bị cấm do hàm lượng thủy ngân cao quá mức cho phép. Thông tin này được đăng trên báo điện tử Sun Star của Philippines ngày 5/12/2012.;

Sau đó, trên các trang mạng Việt Nam đăng bản kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 hồi tháng 7/2013 và một giấy kiểm định chất lượng của tổ chức InterTek Philippines cho kết quả hàm lượng thủy ngân rất thấp. Tuy nhiên, tính xác thực của các kết quả kiểm nghiệm này như thế nào tôi sẽ tìm hiểu và thông tin sớm tới bạn đọc.

Tôi cũng đã liên hệ với một số người dùng có đăng thông tin trên diễn đàn Webtretho rằng họ đã sử dụng và kết quả rất hiệu nghiệm để tìm hiểu thực hư thì đến lúc này vẫn chưa có ai phản hồi. Còn qua trao đổi với một người đã mua kem St. Dalfour ở TP.HCM có số điện thoại 096565xxxx thì được biết anh sử dụng được một tháng thì bị dị ứng, đến khiếu nại cửa hàng thì được trả lời hàng đã mua quá 7 ngày không được trả lại nữa. Anh nói có thể do da mình không hợp nhưng cũng không nên mua vì với số tiền đó có thể mua hàng chính hãng, đáng tin cậy hơn.

Trả lời cho câu hỏi chất lượng mĩ phẩm nói chung và sản phẩm St. Dalfour này như thế nào đáng tin cậy nhất phải là cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế, bởi việc lấy mẫu, phân tích dược mĩ phẩm đòi hỏi áp dụng quy trình rất nghiêm ngặt. Người tiêu dùng cũng sẽ khó có được kết quả kiểm tra này bởi kem St. Dalfour là hàng xách tay. Cùng với nguồn gốc "hợp chủng quốc", thành phần không rõ ràng, không biết nhà sản xuất là ai? ở đâu? thì sản phẩm này có đáng bỏ ra tiền triệu để mua hay không tùy thuộc vào quyết định của mỗi người. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tốt nhất là không nên bôi lên mặt thứ gì mà mình chưa biết rõ.

Thanh Xuân

Chủ đề khác