VnReview
Hà Nội

Game Việt: Một con đường, nhiều lối riêng…

Những doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển game online (GO) Việt Nam còn trụ lại được và còn kiên định hướng đi phát triển ngành công nghiệp GO Việt Nam hiện không có quá nhiều lựa chọn. Chính vì thế trong mỗi một lối đi riêng của mình, mỗi doanh nghiệp đều tính toán "liệu cơm gắp mắm" đầy thận trọng.

Le lói niềm tin?

Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông trong năm 2014 đã mang lại niềm khích lệ nhất định cho những người làm game Việt dẫu chính họ thừa hiểu rằng "một con én không làm nổi mùa xuân". Khó khăn vẫn ngổn ngang đó, nhưng thực sự không phải là không có những "nét xuân".

Cuối năm 2014, ông giám đốc Bộ phận phát triển game của VNG Nguyễn Nhật Tuyên đã có thể "ngẩng mặt lên với đời" thông báo rằng: "2014 đánh dấu là năm đầu tiên chúng tôi đã có thể tự nuôi sống mình, và còn dư chút đỉnh".

Dù chưa thể có được một mùa xuân phơi phới nhưng theo giới làm game Việt, việc đạt đến điểm hòa vốn của một năm và "còn dư chút đỉnh", là dấu mốc để game Việt hi vọng. VNG là doanh nghiệp game hùng mạnh nhất Việt Nam nhờ những năm tháng gặt hái lợi nhuận "khủng" (có thời gian doanh thu tới 3 tỉ đồng/ngày) từ các "con" game nhập khẩu về phát hành trong nước mà đầu bảng chính là Võ Lâm Truyền Kì, nhờ đó họ mới có thể phóng tay đầu tư vào làm game Thuận Thiên Kiếm nhưng đã nếm trải trái đắng.

Kết quả trên cũng chẳng có gì lạ vì suốt 6 năm mở ra bộ phận nghiên cứu và phát triển game Việt, VNG chưa bao giờ nếm được vị ngọt. Mà phải đến năm thứ 7 (2014) VNG mới nếm được vị… ngòn ngọt đầu tiên, với game Khu Vườn Trên Mây xuất khẩu mang lại hiệu quả và game di động bắn súng Dead Target phát hành từ tháng 7/2014 (không phát hành tại Việt Nam) đến tháng 12/2014 đã gặt hái được hơn 7 triệu lượt tải trên toàn thế giới. Tuy nhiên ông Tuyên cũng nhìn nhận: "Còn với 7 năm VNG đầu tư, để thực sự hoàn được vốn chúng tôi còn một chặng đường rất dài để phấn đấu".

Khu Vườn Trên Mây đã "xuất khẩu" thành công

Còn lỗ nhưng vẫn… "chiến"

Tháng 4/2014, game di động Chiến Binh CS do Joy Entertainment phát triển được ra mắt thị trường. Thời điểm ấy CEO của công ty này là Lê Giang Anh chia sẻ rằng đã từ bỏ vị trí công việc tốt tại công ty Gameloft và liều mình mượn mẹ 2 tỉ đồng để phát triển sản phẩm.

Đến thời điểm này, Lê Giang Anh cho biết Chiến Binh CS đã thu hút được khoảng 2 triệu lượt tải và hơn 1 triệu lượt người chơi phân bố khá đều 50/50 ở trong và ngoài nước. "Đã hòa vốn hay có lãi ít nhiều?". "Còn lỗ nhưng vẫn tiếp tục làm", Giang Anh trả lời. Triết lí rất đơn giản của CEO trẻ này là làm game Việt không thể kiếm lãi ngay được, vì thế nhìn trên chiến lược lâu dài Lê Giang Anh vẫn lạc quan.

Game Việt yếu và thiếu nhiều thứ thì đã quá rõ. Chính Giang Anh cũng nhìn nhận rằng: "Mình chưa mạnh được, chưa tạo ra nhiều sản phẩm thu hút nhiều người chơi và có lãi là do tự mình chứ hoàn toàn không phải do ngoại cảnh". Sự nhìn nhận khá thẳng thắn từ vị CEO của một công ty game nhỏ có đội ngũ nhân sự chỉ khoảng 40 người không có gì mới nhưng ít nhiều cũng phản biện lại xu hướng "kêu than chính sách" của không ít doanh nghiệp game lớn tại Việt Nam.

Cốt lõi của vấn đề chính là: Game Việt chưa có nhiều game hay thu hút được nhiều người chơi.

Một Flappy Bird dù chả được chính sách nâng đỡ gì nhưng đã thu hút được hơn 50 triệu lượt tải trên App Store và gây sốt trên thế giới thì Nguyễn Hà Đông cũng trở nên nổi tiếng và "rủng rỉnh".

Tất nhiên đó thuần túy ở dưới góc nhìn đối với một doanh nghiệp, một cá nhân hoặc một sản phẩm. Còn đối với một ngành, để lớn mạnh thì những lời "kêu than chính sách" hoàn toàn cần thiết để khắc phục những bất cập, xây dựng hành lang pháp lí hoàn thiện với các qui định tạo điều kiện và ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp game Việt. Nghĩ một cách cũng rất đơn giản, bên cạnh những "chiến binh" cũng cần có những…"than binh".

Lối riêng…thận trọng

Việc ra biển lớn đối với game Việt là một giấc mơ mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể biến nó thành hiện thực được như VNG. VNG có tiềm lực tài chính, đội ngũ công nghệ, mạng lới đối tác, sức mạnh thương hiệu… để "đi ra biển lớn" thuận lợi hơn. Chính vì thế, trường hợp VNG như "cột cờ" trong "bó đũa" còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ phát triển game đầy khốn khó.

Thị trường game Việt đang tìm được những lối đi riêng

Joy Entertainment sẽ tiếp tục tuyển thêm khoảng 10 nhân sự trong năm 2015 này và con đường đưa ra thị trường vẫn dựa vào đối tác phân phối đưa lên các kho ứng dụng di động. Lê Giang Anh cho rằng: "Mình không mạnh về tiềm lực thì phải vậy thôi, làm sao sánh được với các công ty game Trung Quốc lắm tiền nhiều bạc quảng cáo tràn lan, ào ạt".

Từ một thị trường chủ yếu để game ngoại "xơi" tiền Việt hàng năm lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD để xoay chuyển sang thế cục xuất khẩu game Việt "xơi" tiền đô quả là không dễ dàng. Chỉ mới đạt ngưỡng "tự nuôi sống mình, và còn dư chút đỉnh" trong năm 2014 nhưng Bộ phận phát triển game của VNG đã được đánh giá là điểm sáng nổi bật nhất của công ty này trong năm 2014.

CEO Phạm Quốc Thắng của CMN Online còn thận trọng hơn khi đề cập đến tương lai đưa sản phẩm ra nước ngoài: "Thị trường Việt Nam mình còn chưa làm xong thì đi đâu". Theo ông Thắng, thị trường Việt Nam với 90 triệu dân không thua kém bất cứ thị trường của quốc gia Đông Nam Á nào, và còn có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp game Việt. Tháng 11/2014, CMN Online bắt đầu khai phá một hướng đi mới là hợp tác với Sixcube của Trung Quốc (nhà phát triển webgame BangBang) phát triển game BangBang Mobile được gọi là "game ý tưởng Việt". Trong sự hợp tác này, CMN Online lên ý tưởng sáng tạo, còn các đối tác Trung Quốc đầu tư tiền bạc, nhân sự và công nghệ.

Hi vọng là những lối đi riêng sẽ trở thành đường. Đường do người ta đi nhiều mà thành thôi.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác