VnReview
Hà Nội

“Kẻ cắp vô hình” trên taxi Uber

Chị Vũ Hà My, một hành khách đi taxi Uber tại TPHCM lỡ đánh rơi chiếc điện thoại trên xe nhưng sau đó quá trình tìm kiếm rơi vào vòng lẩn quẩn về đùn đẩy trách nhiệm giữa tài xế, chủ xe và phía Uber.

Tài xế không lấy, hành khách đi lượt sau đó trên cùng chiếc xe chị My đánh rớt điện thoại thì không thể liên lạc được vì tài xế không cung cấp số điện thoại, phía Uber thì cứ "im ỉm" không trả lời dứt điểm…, vậy thì đích thị trên taxi Uber đã có "kẻ cắp vô hình".

Vấn đề nan giải ở đây là phải xác định kẻ cắp vô hình đó là ai? Qua trường hợp chị My đánh rơi điện thoại mà không tìm lại được, thì kẻ cắp đó đang là "không ai cả". Không ai phải chịu trách nhiệm, từ tài xế, chủ xe đến phía Uber. "Không ai cả" nhưng không phải là không có tên. Cái tên ấy là sự "thiếu trách nhiệm" của một dịch vụ lâu nay vẫn được không ít người kháo là rẻ, xe mới và đẹp, nhanh chóng và tiện lợi.

Dịch vụ taxi Internet Uber đã gây sóng gió tại thị trường Việt Nam từ những tháng cuối năm 2014 tới nay, giờ đã lộ dần những bất cập khi chính nhà cung cấp dịch vụ (một pháp nhân mà chính Uber luôn phủ nhận để tránh các thủ tục pháp lí về đăng kí kinh doanh) lại không chính danh cung cấp dịch vụ. Sự né tránh tư cách cung cấp dịch vụ của Uber sẽ luôn gây trở ngại cho các khiếu nại của người tiêu dùng khi xảy ra các sự cố hay bất trắc. Điều này lí giải vì sao tại nhiều quốc gia Uber bị tẩy chay, cấm cửa và phản đối. Khi những "kẻ cắp vô hình" vẫn đang tồn tại trên những chuyến taxi Uber tại Việt Nam thì dịch vụ Uber chẳng khác nào taxi "dù" vốn vẫn nhan nhản tại Hà Nội và TPHCM.

Chiếc điện thoại của chị My dù có giá trị cả chục triệu đồng hoặc vài triệu đồng và thậm chí chỉ đáng giá vài trăm ngàn đồng đi nữa nhưng khi nó bị cuỗm mất trong im lặng thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn. "Kẻ cắp vô hình" đã tiến tới đánh cắp niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ dần mai một lòng tin vào dịch vụ taxi Uber vốn dĩ lâu nay đã mang trên mình những nghi án như trốn thuế, kinh doanh lậu hay không đảm bảo các điều kiện kiểm định về kĩ thuật, an toàn đối với một ngành kinh doanh có điều kiện là vận tải hành khách công cộng.

Taxi Uber dù được cho rằng đang phát triển tại 300 thành phố trên thế giới và là một startup được định giá lên tới vài chục tỉ USD, nhưng xét trên nhiều góc độ nó lại đang hoạt động thiếu người cầm trịch và chịu trách nhiệm cuối cùng. Chúng ta thừa biết những lần taxi Mai Linh tổ chức các cuộc trả tiền, tài sản.v.v… lại cho hành khách để quên trên xe là nhằm PR đánh bóng thương hiệu nhưng vẫn phải thầm cảm ơn họ vì sự tử tế của dịch vụ và đặc biệt là những qui định và kiểm soát sát sao đạo đức lái xe từ phía doanh nghiệp đã trở thành một thứ văn hoá vì người tiêu dùng là tối thượng.

Thế nhưng vấn đề này lại trở thành một rủi ro khi đi taxi Uber. Phía Uber hoàn toàn dễ dàng đưa ra lập luận biện minh hoặc lẩn tránh trách nhiệm rằng họ chỉ cung cấp dịch vụ kết nối trên nền ứng dụng di động thông qua Internet, còn chính các hãng xe và chủ xe mới là đối tượng cung cấp dịch vụ vận chuyển. Sử dụng tư cách "sống ẩn" như vậy vốn dĩ cũng là một "kẻ cắp vô hình" đòi hỏi phải minh bạch hoá về trách nhiệm.;Taxi Uber đang như kẻ "trọc đầu" tại Việt Nam về trách nhiệm mà người tiêu dùng khi gặp sự cố với dịch vụ này chả biết "nắm tóc" ai dù có khiếu kiện lên hội bảo vệ người tiêu dùng hay báo ra cơ quan công an.

Không phải các hãng taxi thương hiệu tại Việt Nam chưa từng xuất hiện những "kẻ cắp vô hình" nhưng rõ ràng lãnh đạo các hãng này đã ý thức được rằng những "kẻ cắp vô hình" đang bào mòn uy tín của họ trước dư luận và người tiêu dùng để kịp thời chấn chỉnh. Những hãng taxi có lượng xe lên đến hàng chục ngàn chiếc sẽ phải chấp nhận những "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng tâm điểm dư luận nhìn vào chính là thái độ khắc phục và giải quyết vụ việc. Nhưng liệu các tài xế và chủ xe taxi Uber có ý thức được "màu cờ sắc áo" như các hãng taxi thương hiệu để sẵn sàng gánh vác trách nhiệm thay vì chỉ biết đưa xe vào mạng lưới cung cấp dịch vụ tìm kiếm doanh thu?

Uber không phải là một thiên đường của dịch vụ taxi như không ít người từng xuýt xoa. Uber đang mang đầy trong mình các bất cập về quản lí và đặc biệt là sự khiếm khuyết về trách nhiệm và chăm sóc đối với hành khách. "Kẻ cắp vô hình" trong trường hợp chiếc điện thoại của chị Vũ Hà My hoàn toàn có thể khiến chúng ta nghĩ đến những hành vi bạo lực, trấn lột… trên taxi Uber đã xảy ra ở một số quốc gia như Ấn Độ. Vì thế xin các "thượng đế" đừng tự in lên đầu mình một nếp nghĩ bất di bất dịch rằng cứ dịch vụ mới, hiện đại, đến từ các quốc gia tiên tiến là đã hay ho và không có những mặt hạn chế, bất cập. Bởi những "kẻ cắp vô hình" nằm trong ý thức của những người cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và thái độ phục vụ của họ chứ không phải nằm ở những chiếc xe hay thương hiệu taxi tiếng nước ngoài xa lạ.

Thẩm Hồng Thuỵ 

Chủ đề khác