VnReview
Hà Nội

Những “kẻ hủy diệt” trên “thế giới phẳng”

Thời đại số hóa "thế giới phẳng", có những cái "chết" đầy bất ngờ, cũng có những cái "chết" mòn nhưng như một sự tất yếu. Đọc dòng tin "Apple Watch làm suy giảm doanh số đồng hồ Thụy Sĩ" lòng tôi không khỏi gợn lên chút băn khoăn: Phải chăng nạn nhân tiếp theo của thời đại "thế giới phẳng" là một thương hiệu (quốc gia) đồng hồ mà tôi rất yêu thích?

"Kẻ hủy diệt" mới đang đến?...

Đây là những con số bắt đầu khiến các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ lo lắng: Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2015, lượng đồng hồ Thụy Sĩ xuất khẩu giảm 8,9%, trở thành đợt suy giảm lớn nhất từ năm 2009 trở lại đây, trong đó lượng xuất khẩu sang Mỹ giảm 14%, còn lượng xuất khẩu sang Hồng Kông giảm đến 34%...

Điều đáng nói là, lượng đồng hồ Thụy Sĩ xuất khẩu giảm đúng trong khoảng thời gian "gã khổng lồ" Apple cho đặt hàng Apple Watch – loại đồng hồ thông minh có giá hơn ngàn đôla một chiếc được cho rằng sẽ trở thành "kẻ hủy diệt" đáng gờm nhất đối với đồng hồ đeo tay truyền thống.

Trên "thế giới phẳng" tính tới thời điểm cuối tháng 6/2015 này còn nhiều "kẻ hủy diệt" khác đối với đồng hồ Thụy Sĩ nói riêng và đồng hồ đeo tay truyền thống nói chung, đó là các mẫu đồng hồ thông minh của Samsung, LG, ASUS, Sony, HTC.v.v… Với tôi, đang trong một tâm trạng tiêu dùng hay sở thích chia đều 5/5 cho đồng hồ đeo tay truyền thống và đồng hồ thông minh, nhưng với giới trẻ làm sao cưỡng lại được một trào lưu, xu thế smart watch đẹp long lanh đang bắt đầu lan tỏa.

Những cái "chết" đi vào… sử sách

Trong vòng 15 năm trở lại đây thị trường sản phẩm công nghệ cho người dùng đầu cuối đã chứng kiến không ít nụ cười và nước mắt. Có những doanh nghiệp bình thường giàu sụ lên trong vài năm nhờ một sản phẩm công nghệ nào đó như Apple chẳng hạn. Nhưng vì sản phẩm công nghệ đó mà một "gã khổng lồ" của vài năm trước có thể bị gục ngã, như Nokia.

Năm 2001 tôi cùng giám đốc truyền thông của Nokia Việt Nam sang Singapore tham dự sự kiện ra mắt một mẫu điện thoại di động mới trên một chuyến tàu điện ngầm chìm trong lòng đất hàng chục mét sâu, vị này đã rất tự tin nói: "Bây giờ là thời đại của Nokia". Khi ấy, Nokia đã có 3 năm ngồi lên cái ngai "hãng điện thoại di động số 1 thế giới" soán từ Motorola.

Thế nhưng cái "chết" đau đớn nhất trên thế giới công nghệ trong những năm đầu thiên niên kỉ thứ 3 không phải là sự ngã ghế hay bỏng mông của gã Motorora chậm chạp và ù lì, mà lại đến với một gã đang sống trong thành công vàng son của lĩnh vực hình ảnh - Kodak. Gã đang dẫn đầu ngành và tạo ra một đế chế vững chắc trước các đối thủ kém cạnh là Konica hay Fuji. Xài phim của gã đắt hơn của hãng khác. Và giới phóng viên trong đó có tôi ngày ấy mỗi lần chụp ảnh muốn in gấp thì phải cắt phim, cứ mỗi lần cắt như thế lại bị mất thêm một đoạn phim đủ chụp 2-3 kiểu.

Kodak bị ru ngủ trong vàng son đã "chết dần chết mòn". Năm 2004 khi gã nhận diện rõ "kẻ hủy diệt" mình là công nghệ hình ảnh kĩ thuật số và quyết định chuyển đổi thì đã muộn. Thậm chí sau đó Kodak còn sản xuất máy ảnh kĩ thuật số, smartphone…, nhưng tất cả không thể cứu vãn kịp mà ngược lại trở thành những vết thương khiến cho Kodak "đi" nhanh hơn. Tháng 9/2011, Kodak thuê hãng luật Jones Day để tư vấn phá sản, đế chế phim ảnh 131 năm chính thức sụp đổ.

Nếu Nokia "hạ gục" Motorola nhờ làn gió tươi mới về thiết kế (mẫu mã và tính năng) loại điện thoại di động cơ bản thì cái "chết" của Kodak lại là hệ quả tất yếu của quá trình tiến hóa công nghệ. Song Nokia "hạ bệ" được Motorola cùng ngành chứ không "giết" được Kodak vì hồi ấy, điện thoại di động chỉ được định vị tính năng nghe gọi mọi lúc mọi nơi chứ chẳng ai nghĩ rằng có thể gắn một cái máy ảnh nhỏ tí xíu vào trong nó. Thế nhưng chỉ vài năm sau, điều này trở thành hiện thực và những chiếc smartphone với máy ảnh ngày càng đỉnh đã trở thành "kẻ hủy diệt" đáng sợ đối với loại máy ảnh số compact.

Nhưng rồi Nokia bị "hạ gục" còn đau đớn hơn cả trường hợp Motorola. Năm 2012 Nokia mất "ngôi vương" vào tay Samsung, thì năm sau đó 2013 Microsoft tuyên bố mua lại mảng sản xuất thiết bị của Nokia. Một cuộc mua bán đầy nước mắt những cũng lắm điều khó hiểu và cả sự khôi hài. Điều lạ là sau khi đã bị Microsoft thâu tóm, Nokia lại cho ra mắt dòng điện thoại "phản Chúa" Nokia X chạy hệ điều hành Android vào ngày 24/2/2014 mà nhiều người cho rằng chả khác nào một "cái tát" thẳng vào mặt Microsoft. Phải công bằng nhìn nhận rằng, ngay cả khi Microsoft đưa Stephan Elop sang "dạy bảo" Nokia cách làm smartphone và khống chế "gã khổng lồ" một thời, thì "kẻ hủy diệt" không phải là Elop hay Microsoft mà chính là smartphone iOS và Android. Microsoft muốn vực dậy một Nokia đang suy sụp theo hướng "hồn Trương Ba da hàng thịt" trước khi "thay máu".

Cùng với sự sụp đổ của "thời đại Nokia" thì nền tảng BlackBerry cũng sống dở chết dở trong 5 năm trở lại đây và suýt nữa đã phải bán mình như Nokia. Nokia - Microsoft đã một lần nhục nhã "qui hàng" Android với Nokia X. Bây giờ John Chen – CEO của R.I.M – cũng đang có ý định "qui hàng" như thế khi tuyên bố nửa nạc nửa mỡ rằng "BlackBerry chỉ sản xuất smartphone Android nếu nền tảng này đủ an toàn". Trước khi Chen phát biểu như thế, dư luận đã lan truyền nhiều về thông tin BlackBerry sẽ ra mắt mẫu smartphone đầu tiên chạy Android vào tháng 8 tới mang tên BlackBerry Prague.

"Kẻ hủy diệt" cũng bị hủy diệt

Điều này có thể thấy quá rõ qua trường hợp Nokia. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là, ngay cả đối với những "gã khổng lồ" đang hùng mạnh như Apple thì cũng không thoát được tình trạng bị hủy diệt.

Dòng iPhone đầu tiên được Steve Jobs ra mắt vào ngày 9/1/2007 (giờ Mỹ) nhưng thiết bị nghe nhạc số iPod thì đã có mặt trên thị trường nhiều năm trước đó. Khoảng 10 năm về trước, người tiêu dùng Việt nào mua được một chiếc iPod và sử dụng thì cũng phải rủng rỉnh hầu bao và cũng là người sành điệu lắm. Nhưng từ sau khi iPhone ra đời với nhiều tính năng đa dạng phong phú hơn là chỉ để nghe nhạc, thì iPod dần bị chôn vùi bởi chính iPhone và các thương hiệu smartphone khác.

Nhưng có lẽ kẻ bị hủy diệt gần nhất chính là sản phẩm máy tính bảng mang tên iPad. iPad được ra mắt vào tháng 1/2010 và ngày 3/4/2010 được lên kệ ở Mỹ. iPad mini được ra mắt vào ngày 24/10/2012 sau khoảng 1 năm Steve Jobs qua đời. Trong khoảng 3 năm đầu của thời đại iPad, sản phẩm này là người tiên phong dẫn dắt thị trường, khai phá một hướng mới về tiêu dùng, trải nghiệm sản phẩm công nghệ và lấn lướt trên thị trường máy tính bảng toàn cầu.

ipad mini

Song vào cái ngày (10/2/2015) Apple ghi dấu vào lịch sử nền kinh tế thế giới với việc trở thành doanh nghiệp có giá trị lớn nhất toàn cầu (khoảng 700 tỉ USD) thì iPad cũng đang trong đà quí thứ 8 liên tiếp sụt giảm doanh số. Đến quí I/2015, doanh số của iPad 5,49 tỉ USD lần đầu tiên bị máy tính Mac vượt mặt hơn 170 triệu USD. Nhiều phân tích cho rằng iPad bị cạnh tranh bởi chính iPhone 6 Plus khi Apple tung ra phablet với cỡ màn hình 5,5 inch đủ khiến người ta thấy không cần thiết phải sử dụng tới máy tính bảng nữa. Mà kẻ bị iPhone 6 Plus gây ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là iPad mini. Cho đến cuối tháng 6/2015, Apple đã gỡ bỏ iPad mini đời đầu khỏi trang bán hàng trực tuyến như một động thái khai tử âm thầm.

Cái chết của Steve Jobs kết thúc một thời kì "iPhone trong lòng bàn tay" và giúp cho Tim Cook khơi dậy một sức sống mới với iPhone 6 Plus trong tình thế nguy ngập trước sự cạnh tranh bạo phát của Samsung. iPad chưa chết nhưng cũng có thể nó cần bị hủy diệt để đổi thay sang một đời sống mới chăng?

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác