VnReview
Hà Nội

Mỹ - Á phân tranh trên thị trường chip smartphone

"Sóng sau xô sóng trước" là một qui luật trong tự nhiên cũng như trong sáng tạo. Nhưng trong kinh doanh, khi qui luật này diễn ra luôn kéo theo bao hệ lụy không vui ập đến. Những năm gần đây Qualcomm đã sống khỏe và lên hương nhờ nguồn lợi nhuận "khủng" từ chip di động smartphone, nhưng rồi cũng không thoát được những đợt "sóng sau" đang xô đến…

Thịnh và suy

Trong ngành công nghệ di động 5 năm trở lại đây chính là thời của Qualcomm với sản phẩm chủ đạo là các thiết kế vi xử lí dành cho smartphone. Những nền tảng thiết kế vi xử lí do Qualcomm đưa ra đã được ứng dụng và hiện diện ở đa phần; chip smartphone trên toàn cầu. Khi Qualcomm thịnh, kẻ ngậm ngùi trong làng bán dẫn thế giới chính là gã khổng lồ Intel vì sự chậm chân trong ngành chip di động. Thế nhưng khi Qualcomm có dấu hiệu suy giảm, Intel dường như cũng chẳng được hưởng lợi trực tiếp…

Những con số do các trang báo công nghệ tung ra gần đây rõ ràng mang tính cảnh báo nghiêm trọng. Lợi nhuận quí II/2015 của Qualcomm sụt giảm nghiêm trọng đến 46% và hãng này đang tính tới việc sathải 10% lao động được ước tính khoảng 3.000 người.

Xuất hiện từ khá lâu rồi nhưng cái tên cạnh tranh càng ngày càng làm khó Qualcomm được nhắc đến đầu tiên chính là hãng MediaTek của Đài Loan. Lâu nay chip MediaTek (MTK) thường được biết đến trong các dòng smartphone tầm trung và thấp, giá rẻ hơn, và được ứng dụng tràn ngập ở các thương hiệu điện thoại Trung Quốc và các phân khúc điện thoại giá rẻ. Những đối thủ tiếp theo làm suy giảm lợi nhuận của Qualcomm là các hãng sản xuất chip Trung Quốc đang được hậu thuẫn rất mạnh của chính quyền nước này.

Khi nhắc đến ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới, những quốc gia/vùng lãnh thổ được ghi trong tốp đầu là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… Trung Quốc cũng nằm trong tốp vài quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển tuy nhiên xét về thương hiệu doanh nghiệp lại chưa có hãng thiết kế, sản xuất chip nào lọt vào tốp 10 hãng hàng đầu thế giới trong những năm qua. 

Sự suy giảm lợi nhuận trong quí II/2015 của Qualcomm không phải đã bào mòn hoàn toàn sức lực và vị thế của hãng này nhưng đã cho thấy những mối đe dọa ngày càng lớn. Một trong những yếu tố được cho là "nguyên nhân" chính là mức giá chip Qualcomm khá cao khiến nhiều nhà sản xuất smartphone giá rẻ và tầm thấp khó với tới. Bên cạnh đó, một số hãng smartphone bắt đầu sử dụng chip smartphone do chính mình thiết kế, chế tạo cho các dòng sản phẩm cao cấp như Samsung sử dụng chip tự chế Exynos 7426 thay vì Snapdragon 810, Huawei dùng chip Kirin cho rất nhiều dòng smartphone như Mate, P, Honor.v.v…

Diễn biến còn rất khó lường

Khác với thị trường chip máy tính đã yên định với hai tên tuổi lớn của Mỹ là Intel và AMD, thị trường chip smartphone lại đầy cạnh tranh và sóng gió luôn có thể ập đến với các gã khổng lồ hiện hữu như Qualcomm từ chính các doanh nghiệp bản địa nhỏ và vừa ở Châu Á.

Với khoảng 1,6 tỉ chiếc smartphone bán ra trên thế giới trong năm 2014 trong đó chip Qualcomm chiếm doanh thu ưu thế, hãng chip di động này đã thu nguồn lợi không nhỏ. Tuy nhiên một khi cơ cấu sử dụng chip smartphone thay đổi mạnh sang MediaTek hay các thương hiệu khác tại Châu Á, thì nguồn thu của Qualcomm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không ít.

Một trong những thị trường chip di động được xem là "chiếc bánh" béo bở chính là Trung Quốc với hơn 1,3 tỉ dân. Hãng tin Bloomberg dẫn lại báo cáo của Sanford C.Bernstein cho rằng lượng chip mà các doanh nghiệp Trung Quốc tự sản xuất ra hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ của thị trường này, và số đôla Trung Quốc phải bỏ ra để nhập khẩu chip về còn lớn hơn kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ.

Tuy nhiên không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mà cả chính quyền nước này cũng đã nhìn ra "chiếc bánh" béo bở của thị trường chip nội địa có giá trị lên đến hàng trăm tỉ USD cho nên một chiến lược đầu tư "khủng" lên đến 160 tỉ USD trong 10 năm tới cho ngành công nghiệp sản xuất chip nội địa đã được hoạch định. Chiến lược này đặt các hãng chip nước ngoài đang làm ăn ở Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan: Muốn tồn tại ở thị trường Trung Quốc để kiếm "miếng bánh" béo bở thì phải liên doanh với các hãng chip bản địa, bằng  không thì nguy cơ bị hất cẳng sẽ rất cao.

Nhưng vấn đề không chỉ có thị trường smartphone Trung Quốc. Trên thực tế, smartphone thương hiệu Trung Quốc đang lấn ra toàn cầu. Sản lượng smartphone Trung Quốc trong năm 2014 được ước tính vào khoảng 450 triệu chiếc. Sang năm 2015, sản lượng này được dự báo chiếm khoảng 50% tổng sản lượng smartphone toàn cầu. Con số này dường như đang vẽ một đầu ra khá tươi sáng cho ngành chip smartphone của Trung Quốc trong những năm tới, cùng với chip tự chế tạo của một số hãng điện thoại Châu Á càng cho thấy nguy cơ "sân chơi" có thể bị thu hẹp dần đối với Qualcomm hay bất cứ hãng sản xuất chip smartphone nào của Mỹ và Châu Âu.  

Vấn đề này đang được hiện thực hóa một phần ở Samsung và đang toàn phần hóa ở Huawei. Để đối phó, Qualcomm và các hãng chíp Mỹ, Âu phải đưa ra những thiết kế và dòng sản phẩm phân khúc thấp nhiều hơn nhưng có hiệu suất cao để cạnh tranh. Và để làm được điều này họ phải dịch chuyển từ các trung tâm R&D cho đến các nhà máy sản xuất chip sang Châu Á để tận dụng ưu thế giá nhân công rẻ. Điều này Intel đã làm từ lâu và bây giờ trước đà sụt giảm lợi nhuận Qualcomm cũng phải tính đến. Một khi như vậy, sự phân tranh Mỹ - Á trên thị trường chip smartphone không phân ranh địa - kinh kế một cách rạch ròi mà tập trung ở mặt nổi là thương hiệu và bề chìm chính là các nền tảng, thiết kế về công nghệ.

Chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa Trung Quốc với 160 tỉ USD đầu tư đang được các chuyên gia phân tích dưới hai góc nhìn, nó có thể trở thành  đòn bẫy tạo nên ưu thế cho ngành bán dẫn Châu Á song cũng đồng thời là đòn "sát thương" đối với các hãng chip Âu – Mỹ.

Góc nhìn thứ nhất là Trung Quốc "mượn đầu heo nấu cháo". Tận dụng ưu thế công nghệ của các hãng chip Âu – Mỹ tham gia liên doanh, họ sẽ có được hạ tầng là các nhà máy, trung tâm R&D đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm. Góc nhìn thứ hai là khi chip nội địa lan tỏa thay thế dần sản phẩm nhập, đồng thời theo chân sản phẩm smartphone đi ra khắp thế giới, thì cũng đồng nghĩa họ đã hiện thực hóa chiến thuật "dùng dây đậu nấu đậu".

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác