VnReview
Hà Nội

Thấy gì từ kỳ thi quốc gia 2015?

Lần đầu tiên ngành giáo dục ứng dụng CNTT một cách đồng bộ, triệt để nhất để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển ĐH, CĐ quốc gia. Đi kèm với đó là nỗi lo ngại thường trực nghẽn mạng (thực tế nghẽn mạng thật), trong khi nhiều trường vẫn chạy phần mềm riêng, chỉ cập nhật thông tin vào phần mềm quốc gia khi được yêu cầu.

Tại sao lại như vậy?

Rõ ràng là việc nghẽn mạng, hay lý do phần mềm chung chưa phù hợp với đặc thù của trường chỉ là những cái cớ rất thông thường khi một tổ chức, hệ thống tổ chức đưa vào ứng dụng CNTT một cách toàn diện. Họ chỉ đơn thuần nêu ra những ý kiến chủ quan, mà không biết rằng tất cả những điều đó CNTT đều có thể giải quyết được nếu như những người quản lý có tầm nhìn xa trông rộng.

Đơn cử, một đường truyền quá tải là do tầm nhìn quy hoạch yếu kém của những người triển khai hệ thống (quy hoạch) và quy trình xử lý. Việc nghẽn mạng trong những ngày công bố điểm thi cũng hoàn toàn có thể xử lý được mà không cần phải đầu tư "quá tốn kém", chúng ta hoàn toàn có thể thuê thêm băng thông và đường truyền trong những ngày đặc biệt, hoặc giảm tải bằng việc mời thầu các gói cung cấp cồng truy cập xem điểm thi, trừ phi Bộ muốn độc quyền khai thác cổng thông tin này.

Hay như phần mềm dùng chung triển khai về các trường, nhiều trường vẫn tuyên bố họ sử dụng phần mềm riêng vì mỗi trường có đặc thù tuyển sinh riêng do đó phần mềm của Bộ chưa phù hợp. Dẫn đến họ chỉ sử dụng phần mềm của Bộ như thể đối phó.

Nghe lý do như vậy, những người làm phần mềm chỉ biết buồn... cười. Công nghệ, phần mềm là để phục vụ công việc, cuộc sống. Chúng có tính linh hoạt rất cao, có nghĩa có khả năng tuỳ biến phù hợp với nhu cầu thực tế. Nếu như phần mềm không phù hợp với thực tế thì hoặc là do nhà phát triển phần mềm năng lực chưa tốt hoặc do người sử dụng phần mềm chưa biết khai thác, sử dụng. Ngoài ra chưa kể lý do tâm lý người dùng ngại tiếp cận cái mới, vì lợi ích cục bộ...

Quy trình ứng dụng CNTT gồm có 5 yếu tố: Đầu tiên là con người, rồi đến quy trình, cơ sở dữ liệu, phần cứng/cơ sở hạ tầng;và phần mềm. Và nói chung, nếu không có yếu tố con người cốt lõi thì khó có thể thực thi những phần còn lại, phần mềm chỉ là khâu cuối cùng trong dây chuyền khép kín này.

Xây nhà từ trên nóc...

Khi nhận xét về bóng đá, một huấn luyện viên nước ngoài có nói một câu nổi tiếng "bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ trên nóc". Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở lĩnh vực CNTT trong nước. Chúng ta mải mê đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... mà quên mất 2 yếu tố cốt lõi là con người & quy trình

Những dự án CNTT triển khai tiền tỉ nhưng số kỹ sư thực sự có thể hóa giải các sự cố trong các dự án đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu có thì mức lương chi trả cho họ cũng không thỏa đáng trong khi những đội ngũ "ăn theo" lại phình ra một cách "bất thường". Còn nhớ những đề án phổ cập tin học nông thôn cũng đắp chiếu dù thiết bị đã có sẵn trong kho, đơn giản vì không có người hỗ trợ giảng dạy hoặc thiếu... con chuột/bàn phím. Những yếu tố nhỏ nhặt đó cứ dần bào mòn lòng tin, sự kiên nhẫn của người dân lẫn các nhà đầu tư. 

Cũng cần nhắc rằng, con người ở đây không chỉ là những người trực tiếp triển khai dự án / phần mềm mà ngay cả ý thức/tầm nhìn của những người thực thi và sử dụng cuối. Không ít lần người viết đã chứng kiến các sinh viên ĐH mải mê xem phim, lướt Facebook trong giờ... tự học ở thư viện, hay các tiệm net đầy rẫy học sinh trốn học ngồi chơi game... Lợi ích Internet không phải dành cho những mối quan tâm hời hợt như vậy!

Thí sinh và phụ huynh đã một phen hồi hộp vì không tra cứu được điểm thi. Nay các trường lo lắng phần mềm tuyển sinh chung sẽ gây khó khăn trong việc xét tuyển

Phải chấp nhận làm lại từ đầu...

Theo thầy Lê Trung Chơn, Trưởng phòng Đào Tạo Sau Đại học của Đại học Bách Khoa TP.HCM, sở dĩ năm nay các trường phải nhập điểm đồng loạt và không được tự ý công bố điểm là do quy trình thống nhất của Bộ giáo dục đưa ra ngay từ đầu năm, nhằm đảo bảo tính bảo mật xuyên suốt cho kỳ thi 2-trong-1 năm nay với 2 triệu thí sinh tham gia.

Thoạt nhìn, nhiều người lo sợ việc nhập điểm đồng bộ này sẽ dẫn tới nghẽn mạng nhưng nếu quả thực Bộ đã quyết tâm xây dựng một quy trình thống nhất thì đây là tín hiệu đáng mừng, dù khi mới triển khai sẽ không tránh khỏi các thiếu sót. Được biết, để có được sự đồng nhất trong quy trình tuyển sinh năm nay, Bộ và các trường đã phải chuẩn bị từ nhiều năm trước và mãi tới năm nay mới có thể triển khai được.

Như vậy có thể thấy để xây dựng một quy trình hoàn chỉnh và thống nhất, điều đầu tiên là cần sự ủng hộ của chính những thành phần tham gia, bao gồm cả người dùng cuối và các nhà cung cấp dịch vụ. Nếu không có được sự đồng thuận này mà chỉ có đầu tư nửa vời thì toàn bộ quy trình đó khó có thể vận hành trơn tru.

Nói tóm lại, chúng ta không thể cứ tiếp tục ngồi chờ sự cố xảy ra để xử lý hay "xin lỗi", mà cần phải ngồi lại và thay đổi tư duy tiếp cận "cách làm CNTT" ở trong nước, trong đó yếu tố đầu tiên và phải làm cho được vẫn là con người, nếu không mỗi khi có sự cố lại vẫn phải nhắm mắt đổ lỗi cho... "thằng đánh máy".

H.T

Chủ đề khác