VnReview
Hà Nội

1 bức tâm thư và 3 thông điệp “yên dân”

Trước thời điểm Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT – VinaPhone) ra mắt (11/8/2015) một tuần, CEO của doanh nghiệp mới này là ông Lương Mạnh Hoàng đã gửi thư đến toàn bộ 15.000 cán bộ nhân viên. Đây là một động thái hiếm thấy tại các doanh nghiệp nhà nước lớn từ trước đến nay. Nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất để nói đến. Một bức thư được gọi là "tâm thư", thì yếu tố quan trọng nhất luôn được "soi" chính là thông điệp nó chuyển tải là gì…

vnpt-vinaphone

Tổng công ty dịch vụ viễn thông VNPT-Vinaphone ra mắt hôm 11/8. Ảnh: ICTNews

Trong bức tâm thư, ông Hoàng hé lộ mô hình hoạt động mới 3 lớp của VNPT là "Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh", trong đó "VNPT – VinaPhone thuộc lớp thứ 3, lớp Kinh doanh, lớp đại diện cho Tập đoàn quan hệ và phục vụ với khách hàng, xã hội, lớp trực tiếp đối mặt với thị trường, với những thách thức cạnh tranh gay gắt".

Mô hình hoạt động 3 lớp cũng hình thành thế kiềng 3 chân. Dù kênh ra thị trường chỉ duy nhất thông qua VNPT – VinaPhone, nhưng sự hậu thuẫn hay "yểm trợ (theo cách nói của ông Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng) thì có VNPT – Media (về dịch vụ) và VNPT – Net (về hạ tầng mạng). Ông Hùng gọi VNPT – VinaPhone là những "chiến binh" ra chiến trường, tất nhiên là phải đấu với các đối thủ mạnh mẽ khác.

Vấn đề thứ hai trong bức tâm thư được ông Lương Mạnh Hoàng đề cập là Tập đoàn VNPT sẽ đầu tư mạnh mẽ cho VNPT – VinaPhone. VNPT – VinaPhone được sáp nhập ít nhất từ những "mảnh ghép" lớn là VinaPhone, VDC và VTN, VNPT-I, viễn thông 63 tỉnh thành…, cung cấp đa dịch vụ và cũng chính từ đó hình thành dịch vụ một cửa. Với những mảnh ghép này VNPT – VinaPhone đã hoàn hảo chưa? Thật sự là chưa thể khẳng định. Nhưng có thể nói, VNPT – VinaPhone là một mô hình sáp nhập hoàn thiện hơn trước đây, vì nó có tính hội tụ và tích hợp. Và cũng có thể thấy VNPT tập trung đầu tư mọi nguồn lực vào mô hình VNPT – VinaPhone như một sự sống còn của cả tập đoàn, thành hay bại phụ thuộc rất lớn vào thành viên tuyến đầu này.

Song với nhiều mảnh ghép và nhân sự lên đến 15.000 con người, yếu tố quan trọng nhất không phải là đầu tư mà trước hết là sự gắn kết, từng bộ phận kết dính được với nhau tạo ra sức mạnh chung hay không mới là yếu tố tiên quyết, làm được như vậy mà vẫn không đánh mất đi sự chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, dịch vụ… mới là mô hình tập hợp được sức mạnh để tạo ra sự khác biệt.

ông Lương Mạnh Hoàng

Ông Lương Mạnh Hoàng. Ảnh: VnExpress

Nếu ví VNPT – VinaPhone là một con thuyền với 15.000 con người mà mỗi nhịp chèo một phách, thì công cuộc tái cơ cấu không chỉ không thành công mà ngược lại còn sinh ra nhiều hệ lụy phức tạp. Thực tế 15.000 số phận "con dân" sẽ đi cùng trên một số phận là "con thuyền"; VNPT – VinaPhone, và tất cả mọi suy nghĩ, hành động phải vì số phận chung này thì mới mong đạt được thành công.

Trong mọi cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp, thường tình nỗi lo ở cấp độ thượng tầng là chức tước, "ghế ngồi", quyền lực; nhưng ở cấp hạ tầng bao giờ cũng là công ăn việc làm: Sau tái cơ cấu họ có còn được bình yên làm việc hay không? Thu nhập sẽ ra sao? Những chỗ làm việc tốt nhất có bị COCC (con ông cháu cha) soán đoạt?.v.v…

Khi ông Lương Mạnh Hoàng đề cập trong tâm thư rằng VNPT-VinaPhone  chính thức ra mắt "là kết quả từ những trăn trở của lãnh đạo tập đoàn trước trách nhiệm với quá khứ, sự tôn trọng với hiện tại và những thách thức của tương lai. Việc tái cơ cấu ngày hôm nay là tất yếu để có một ngày mai ngập tràn niềm vui và tiếng cười trong mỗi gia đình cán bộ công nhân viên VNPT-VinaPhone" thì người ta hiểu thông điệp ông muốn gửi đi là sẽ không có chuyện "bắn vào quá khứ" và "phá vỡ tương lai" tại VNPT - VinaPhone. VNPT là một doanh nghiệp nhà nước đã có hơn 60 năm hình thành và phát triển, quá khứ và hiện tại cũng chính là nền tảng cơ bản nhất tạo ra bản sắc và văn hóa của doanh nghiệp này. Tuy nhiên để phát triển thì VNPT – VinaPhone cũng không thể là những VinaPhone, VTN, VDC… của thời kì trước gộp lại đơn thuần theo một phép tính cộng.

"Tôi tin rằng, 15.000 cán bộ nhân viên chúng ta hôm nay, với sự đa dạng về tính cách, quan điểm, giàu mạnh về trí tuệ sẽ tạo nên một VNPT-VinaPhone thật đa sắc màu nhưng lại đồng nhất…, chung một lý tưởng, tạo nên một bản sắc văn hóa VNPT-VinaPhone". Biết chấp nhận sự đa dạng, khác biệt trong một tổ chức đông đảo cũng chính là tạo một môi trường để cho mọi người phát huy sáng tạo. Đây là một triết lí duy trì doanh nghiệp rất phổ biến trong các doanh nghiệp nước ngoài và thậm chí cũng tồn tại ở không ít doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Trên thực tế, tầng lớp lãnh đạo doanh nghiệp có cố dùng quyền lực để cào bằng tư duy của hàng chục ngàn người dưới quyền cũng chỉ gặp thất bại mà thôi, chi bằng tốt hơn là phát huy và gắn kết họ với nhau cho những mục tiêu chung.

Nỗi lo lớn nhất của "con dân" trong các cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp đã được vị "thuyền trưởng" của "con thuyền" chở 15.000 người VNPT – VinaPhone khẳng định: "Thay mặt ban lãnh đạo tổng công ty, tôi cam kết sẽ sắp xếp công việc hợp lý cho toàn thể 15.000 cán bộ nhân viên, để mỗi người đều có cơ hội  được phát huy sự năng động, sáng tạo, đam mê, tâm huyết… , được đãi ngộ đúng với những công sức, cống hiến của mình…".

Một cam kết nhằm làm "yên dân" ở cấp độ thiết thực nhất. Với một doanh nghiệp mới có tới 15.000 con người như VNPT – VinaPhone, "yên dân" được ở cấp độ này chính là yếu tố quan trọng nhất. Việc…"yên ghế" cho tầng lớp lãnh đạo cũng là một yếu tố quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải qui tụ và thúc đẩy được lòng dân. 

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác