VnReview
Hà Nội

Đánh thức tiềm năng bán hàng online

Bán hàng online không còn là phương thức mới mẻ gì ngay tại thị trường Việt Nam. Song nhiều chương trình bán smartphone trên các kênh Thegioididong.com, Lazada.vn… gần đây với mức giá thực sự có lợi hơn cho người tiêu dùng liệu đã có thể tạo nên thời đại "thương mại điện tử là vua"?

Gây sốc và sốt trên kênh online…

Gần 2 năm trước, Thegioididong.com từng mở một đợt đặt hàng trực tuyến smartphone Gionee Pioneer P3 với số lượng giới hạn 5.000 "con". Giá của mẫu máy này khi ấy là 2.690.000 đồng nhưng khách hàng đặt online chỉ phải trả 2,2 triệu đồng, và nếu đồng ý tới điểm bán nhận hàng sẽ được giảm thêm 50.000 đồng. Tính ra mức giảm giá so với mua kênh offline lần lượt là 18,5% và 20%.

Dù được lợi hơn nhiều về giá là thế nhưng đừng vội khẳng định rằng cứ mua hàng online là rẻ hơn vì còn phải so sánh tương quan về chất lượng. Trên thực tế đã có không ít người tiêu dùng "tiền mất tật mang" vì mua các loại hàng hóa giá rẻ nhưng lại là các sản phẩm nhái, giả, kém chất lượng trên kênh bán hàng online.

Làn sóng bán smartphone online mang tính chất "crazy sale" gần đây thường mang lại mức giá sốc. Cách đây 3 tháng là mẫu máy Lenovo A7000 được bán qua kênh Lazada.vn. Vào thời điểm ấy, máy có cấu hình khá mạnh như A7000 (màn hình 5.5 inch HD, chip MTK lõi tám 1.5GHz, RAM 2GB, ROM 8GB, camera chính 8MP, pin 2.900mAh…); bán với mức giá 3,49 triệu đồng nghiễm nhiên là có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ.

Honor 4C có thể xem là trường hợp thứ hai "smartphone cấu hình tốt, giá mềm" được bán trực tuyến vừa mới đây. Honor chọn Thegioididong.com để khởi động khi vừa bước chân vào thị trường điện thoại di động Việt Nam, với số lượng 5.000 máy được cho đặt hàng từ ngày 27/7-2/8 với mức giá chỉ 2.990.000 đồng thay vì nếu người tiêu dùng mua kênh offline sẽ phải trả thêm 500.000 đồng. "Người đến sau" Honor 4C (màn hình 5 inch HD, chip 8 nhân 1.2GHz, camera chính 13MP, pin 2.550mAh, RAM 2GB, ROM 8GB…) có cấu hình ngang ngửa với A7000 nhưng mức giá bán online hấp dẫn hơn cho nên đã tạo được sức hút đối với người mua.

Mẫu số chung của các chiến dịch bán smartphone online là giá sốc và gây sốt. Và tất nhiên vào thời điểm diễn ra chiến dịch thì online được định vị là kênh bán độc quyền, hoặc nếu có kênh bán offline song song thì mức giá cao hơn. Lenovo đang có kế hoạch tiếp tục bán độc quyền mẫu smartphone Lenovo VIBE Shot vào lúc 11 giờ ngày 27/8 (giá 7.990.000 đồng), và sang tháng 9 là Mobiistar LAI Yollo cũng được hứa hẹn một mức giá gây đột phá…

...rồi vẫn phải "sống" dựa vào kênh offline

Nêu ra một số chiến dịch bán smartphone online đã, đang và sắp diễn ra, để rồi chính người viết bài này cũng muốn đặt câu hỏi rằng: Các chiến dịch trên liệu đã thực sự đánh thức tiềm năng bán hàng online?

Không hẳn vậy. Nếu chọn cách bán hàng online là kênh duy nhất ngay từ đầu như Bkav bán Bphone, được cho là học theo cách của Xiaomi, thì đành một lẽ. Rất dễ nhận thấy rằng các chiến dịch "dội bom" bán smartphone online như chúng ta đang thấy hiện nay vì mục đích chính là marketing. Và tự thân chiến dịch đó đã là một sự kiện marketing đáng chú ý.

Có nhiều góc nhìn khác nhau về trào lưu bán smartphone online hiện nay. Nhìn một cách tích cực, mỗi chiến dịch như một đốm lửa được thắp lên và dần gom tụ thành ngọn lửa đánh thức tiềm năng bán hàng online, dần thu hút sự quan tâm nhiều hơn của xã hội. Trong trường hợp các thương hiệu như Gionee hay Honor hợp tác làm các chiến dịch đặt hàng online với giá ưu đãi thông qua Thegioididong.com, thì Thế Giới Di Động không chỉ đóng vai trò là nhà phân phối hay bán lẻ nữa, mà còn có vai trò giúp cho nhà sản xuất làm thương hiệu trong cộng đồng khách hàng của họ; còn nhà sản xuất, thay vì phải bỏ chi phí ra làm marketing theo cách thông thường nhưng chưa chắc bán được hàng như kì vọng, thì chi phí đó được khấu trừ ngay trong từng chiếc máy đã được bán ra, thiết thực hơn với chính nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Thế nhưng theo góc nhìn của ông Thiều Phương Nam – Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương, trường hợp Lenovo hợp tác bán smartphone thông qua Lazada.vn còn tận dụng được một môi trường marketing rộng hơn, không chỉ quảng bá thương hiệu được trong tập khách hàng công nghệ mà còn có các tập khách hàng rộng lớn khác.

Tuy nhiên có một thực tế là sau các chiến dịch thì từ nhà sản xuất cho đến nhà bán lẻ cũng phải quay lại môi trường bán hàng offline. Bởi đơn cử như Thegioididong.com, chuỗi bán lẻ điện thoại di động lớn nhất hiện nay, doanh số bán online hiện cũng chỉ chiếm từ 7-10% tổng doanh số hàng năm. ASUS Việt Nam gần đây mở website bán hàng trực tuyến, nhưng đó là bước đón đầu tương lai hơn là hiện tại bởi chính nhà sản xuất này vẫn phải thừa nhận rằng còn hàng ngàn điểm bán điện thoại di động trên cả nước họ còn chưa lan tỏa đến được và đó chính là việc họ phải làm mạnh trong những năm tới.

Thế Lâm

Chủ đề khác