VnReview
Hà Nội

Hệ sinh thái Mobile - một cách hiểu

Trước đây khái niệm "hệ sinh thái" chỉ bó hẹp trong môi trường tự nhiên, ngày nay với sự phát triển không ngừng của cuộc sống, nội hàm của khái niệm này đã và đang mở rộng dường như không có điểm dừng. Dường như ở đâu có cuộc sống, có một sản phẩm khoa học, công nghệ là mang trong mình nó một "hệ sinh thái". Ví như, "hệ sinh thái tuyển dụng nhân sự" thông qua mạng xã hội; "hệ sinh thái khởi nghiệp"; "hệ sinh thái máy tính". Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên văn minh điện thoại di động (mobile), chiếc điện thoại di động đã trở thành trung tâm của cuộc sống, là vật đầu tiên cầm lấy khi ngủ dậy, đặt xuống sau cùng trước khi đi ngủ, nên khái niệm "hệ sinh thái mobile" được người ta nhắc đến với tần suất lớn. Hiểu thế nào về "hệ sinh thái mobie" và một chiếc điện thoại di động - công cụ của giao tiếp hàng ngày, để rồi sử dụng nó hiệu quả nhất, có văn hóa, xin được góp một cái nhìn.

Khi còn ngồi ghế nhà trường, các thầy dạy sinh vật thường giảng giải về hệ sinh thái và cho biết, có 2 hệ sinh thái: tự nhiên và nhân tạo. Sinh quyển là một hệ sinh thái khổng lồ và duy nhất của hành tinh. Nó được cấu tạo bởi tổ hợp các hệ sinh thái dưới lòng đất, trên mặt đất và dưới nước. Chúng có quan hệ và gắn bó với nhau một bằng chu trình vật chất và dòng năng lượng trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta có thể tách từ hệ sinh thái khổng lồ đó thành những hệ độc lập tương đối, như hệ sinh thái biển, hệ sinh thái sông, hồ... Còn hệ sinh thái nhân tạo là do con người tạo ra.

Ông Vũ Thế Long, chuyên gia về cổ sinh vật ở Viện Khảo cổ Việt Nam, trong một lần trao đổi với tôi, nói: Hệ sinh thái nhân tạo cũng rất đa dạng về kích cỡ, về cấu trúc, lớn như các hồ chứa, đồng ruộng, thành phố, đô thị, nhỏ như một bể cá cảnh, một hòn non bộ dưới chân cầu thang tầng 1 của một ngôi nhà. Điện thoại di động là thuộc hệ sinh thái nhân tạo, những phần mềm ứng dụng trong chiếc mobile và sự kết nối của nó với hệ thống thể hiện rõ điều này. Các hãng làm điện thoại di động liên tục cho ra những dòng sản phẩm khác nhau, tôi chọn Bphone của Bkav để minh họa cho bài viết, vì đó là sản phẩm của Việt Nam mà tôi đã được trải nghiệm.

hệ sinh thái mobile

Bkav tích hợp một số ứng dụng do các kỹ sư của họ sáng tạo và phát triển vào Bphone. Trước hết, với Btalk, đó là phần mềm do Bkav sáng tạo, qua đó người dùng có thể gọi điện thoại, nhắn tin miễn phí và một vài tiện ích khác; Với ứng dụng Bkav Mobile Security (BMS), tôi hỏi những người sử dụng Bphone đều nói: "rất tốt, từ ngày dùng điện thoại không có tin nhắn rác; Với Bchrome, trình duyệt web là ứng dụng mà người dùng điện thoại thông minh nào cũng cần. Bkav đã phát triển Bchrome trên phần mềm mã nguồn mở của Google. Để thân thiện hơn với người dùng, phần mềm này đã đặt các thanh địa chỉ ở phía dưới nên có thể điều khiển Bphone bằng một tay trên màn hình hơn 4.5 inch. Trong Bphone còn cài đặt những ứng dụng thiết thực cho người dùng như báo sức khỏe, nghe nhạc, nhắc việc….

Trước khi cho ra đời Bphone, cách đây cả chục năm, Bkav đã sản xuất các thiết bị cho nhà thông minh, mà sản phẩm đầu tiên là bồn tiểu nam được lắp trong các nhà vệ sinh, vòi xả nước tự động. Tôi thấy các thiết bị này ở sân bay Nội Bài, một vài khách sạn ở Hà Nội, Sài Gòn. Toàn bộ thiết bị cho ngôi nhà thông minh được Bkav quảng bá cách đây hơn 1 năm trong các triển lãm ở Mỹ, Đức. Nhà thông minh cần có thiết bị điều khiển hệ thống và không còn nghi ngờ gì nữa, Bphone sẽ được dùng cho mục đích đó. Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav, người phụ trách mảng sản phẩm, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo đã nói: Bkav không bán sản phẩm phần cứng thuần túy, mà sẽ bán cả hệ sinh thái trong đó. Điện thoại di động sau này sẽ là trung tâm của mọi thứ, có thể dùng điện thoại di động thay nhiều thiết bị khác. Ví dụ cần lưu trữ dữ liệu trên mạng, cần dịch vụ cung cấp, khi có vấn đề gì đó thì bấm vào một nút và có người đến hỗ trợ.

Còn một câu hỏi nhiều người đặt ra "Bkav đang cất chiếc ví điện tử" ở đâu? Các hãng như Apple có "chiếc ví ApplePay", Samsung có SamsungPay, Google có GooglePay. Với Bphone chưa triển khai "ví điện tử" và cổng thanh toán. Nhưng xem ra cách làm có bài bản, có lộ trình như Bkav, một ngày không xa Bphone sẽ được dùng như một thiết bị thanh toán đầu cuối và cùng với các sản phẩm nhà thông minh và các sản phẩm khác mà họ đang ấp ủ, sẽ tạo ra "hệ sinh thái Bkav".

Bkav lại vừa tổ chức cho giới truyền thông đi thăm nhà máy sản xuất Bphone, những hình ảnh sống động về quy trình làm ra một chiếc điện thoại thông minh-từ khâu thiết kế đến sản xuất- ta càng hiểu rõ hơn: để làm ra một sản phẩm công nghệ cao cấp nó "dầy công" đến nhường nào. Đó là kết tinh của chất xám, của sự đầu tư mọi mặt.

Dẫn một ví dụ trên để thấy, tạo được một hệ sinh thái cho một sản phẩm đã khó, tạo ra một hệ sinh thái tổng thể khó bội phần. Càng hiểu được giá trị của mỗi hệ sinh thái tích tụ trong mỗi sản phẩm, trong cả hệ thống của một công trình, dự án nào đó một cách sâu sắc, ta càng thêm trân trọng, yêu mến, tự hào về những sản phẩm và những con người đã tạo ra nó.

Nhân đây cũng xin lạm bàn về hai tiếng "tự hào". Đọc những bình luận trên các báo điện tử sau mỗi bài viết, hoặc tường thuật một sự kiện nào đó liên quan tới Bphone do Bkav tổ chức, tôi thấy rất phong phú, đa chiều, nhưng cảm hứng chủ đạo là tự hào về một sản phẩm công nghệ của Bkav, của Việt Nam. Lòng tự hào là một lực đẩy giúp dân tộc ta làm nên những chiến công hiển hách, những thành tựu vẻ vang, những sản phẩm có giá trị. Lòng tự hào không chỉ thể hiện bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể, thiết thực. Trong thời kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, việc "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Có một bạn đã có câu nhận xét mà tôi rất nhớ và các doanh nghiệp càng phải nhớ: "không nên lợi dụng khẩu hiệu người Việt ưu tiên dùng hàng Việt làm khâu tiêp thị, chất lượng sản phẩm vẫn là quyết định".

Tạo nên một sản phẩm, một hệ sinh thái mục đích cuối cùng là để phục vụ con người hiệu quả nhất, tiện lợi nhất. Nhưng dù là hệ sinh thái tự nhiên hay nhân tạo có tồn tại và phát triển được hay không cũng do con người có biết bảo tồn, chăm sóc, bồi đắp cho nó không. Với nỗ lực của mình và tiếp thu những ý kiến đóng góp từ người tiêu dùng, Bkav đã bước đầu cải tiến Bphone, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tôi tin Bkav sẽ tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đáp ứng được lòng mong muốn của người tiêu dùng, và đó cũng là đóng góp tích cực vào thời đại văn minh công nghệ, vào hệ sinh thái nhân tạo.

Đ.Ngọc;

Chủ đề khác