VnReview
Hà Nội

Thấy gì từ việc SCTV bị từ chối triển khai hạ tầng và dịch vụ?

SCTV gửi công văn lên Bộ TT&TT đề nghị tháo gỡ vướng mắc vì bị 3 tỉnh Thái Bình, Khánh Hòa và Đắc Lắc từ chối cho triển khai hạ tầng và dịch vụ truyền hình cáp. Thoạt nghe thông tin này tôi đã thấy có tính khôi hài như câu chuyện trước đây vài năm VTV đã cùng Hiệp hội Truyền hình trả tiền gửi công văn "ngăn sông cấm chợ" lên Bộ TT&TT kiến nghị không cấp giấy phép dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel vậy.

Thái Bình: Không cấm nhưng chấp nhận có điều kiện

Trường hợp tại tỉnh Thái Bình, nói rằng SCTV bị từ chối hẳn cũng không đúng, song nói rằng được cho phép thì cũng không phải. Văn bản của UBND tỉnh Thái Bình phúc đáp hồ sơ xin đầu tư của SCTV đã "đồng ý về chủ trương" tuy nhiên đưa ra điều kiện SCTV chỉ được đầu tư hệ thống truyền dẫn và cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất mà không được triển khai đầu tư hạ tầng, truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog).

Cái lí SCTV đưa ra để "phản bác" là nhà đài này được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp cả hai dịch vụ truyền hình số và analog; mặt khác, theo Đề án số hóa truyền hình của Chính phủ thì tỉnh Thái Bình thuộc nhóm 2, thời hạn dừng truyền dẫn phát sóng truyền hình analog là vào 31/12/2016. Có nghĩa là dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình analog vẫn còn 17 tháng được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Hơn nữa, Đề án số hóa truyền hình chỉ điều chỉnh đối với truyền hình quảng bá, không điều chỉnh đối với dịch vụ truyền hình trả tiền.

Vậy thì tại sao SCTV không thể triển khai dịch vụ truyền hình cáp tại Thái Bình? Có phải UBND tỉnh Thái Bình đã lạm quyền và "ngăn sông cấm chợ", hoặc hiểu không đúng về Đề án số hóa truyền hình của Chính phủ?

Không hẳn là như vậy. Nếu đọc kĩ Đề án số hóa truyền hình sẽ thấy rất rõ rằng, các đài truyền hình trung ương và địa phương thuộc hệ thống cơ quan hành chính, sự nghiệp của Nhà nước, việc thực hiện theo đề án là bắt buộc. Đây là mênh lệnh hành chính nhằm thay đổi công nghệ truyền dẫn và phát sóng truyền hình tại Việt Nam theo hướng hiện đại, tiên tiến. Cho dù Đề án số hóa truyền hình không đề cập trực tiếp đến các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, nhưng không có nghĩa là, trong lúc hệ thống truyền hình của cả nước đang được vận hành theo hướng hiện đại hóa thì doanh nghiệp truyền hình trả tiền vẫn đứng ngoài cuộc, vẫn tiếp tục đầu tư vào công nghệ truyền dẫn lạc hậu? Hơn nữa khoảng thời gian 17 tháng còn lại, nếu SCTV có thể triển khai hoàn tất hạ tầng truyền dẫn và phát sóng thì cũng chẳng còn nhiều thời gian (trước khi đến thời điểm 31/12/2016) để cung cấp dịch vụ truyền hình analog, khi đó có thể sẽ gây ra lãng phí, sử dụng không hiệu quả vốn đầu tư và hạ tầng...

Mặc dù Bộ TT&TT đã cho phép SCTV cung cấp cả hai loại hình dịch vụ truyền hình số và analog trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhưng trong thẩm quyền của chính quyền địa phương, UBND tỉnh hoàn toàn có thể dùng "rào cản kĩ thuật" để hướng nhà đầu tư tham gia vào công cuộc chuyển đổi công nghệ truyền hình vốn đã trở thành chủ trương của Nhà nước và Chính phủ. Nhìn ở góc độ đầu tư, UBND tỉnh Thái Bình đã xử lí theo hướng chấp nhận có chọn lọc đối với các dự án đầu tư, ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, hiện đại. ;

Khánh Hòa: Cần số hóa, Đắc Lắc: SCTV lỡ chuyến đò

Khác với UBND tỉnh Thái Bình "chấp nhận có điều kiện" thì UBND tỉnh Khánh Hòa từ chối thẳng thừng phương án đầu tư của SCTV vì mạng truyền hình cáp SCTV muốn đầu tư triển khai tại Khánh Hòa không phù hợp với chủ trương của tỉnh do địa phương đang thực hiện giảm tải và hạn chế hệ thống dây điện thoại, dây cáp viễn thông nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và mỹ quan đô thị.

Không biết có phải từ vụ cấp phép cho dự án tuyến cáp treo Vinpearl mắc dây phơi áo lên không gian vịnh Nha Trang bị dư luận phản đối dữ dội hay không mà bây giờ UBND tỉnh Khánh Hòa tỏ ra cương quyết trong việc từ chối phương án đầu tư dịch vụ truyền hình cáp dây nhợ lằng nhằng của SCTV như vậy? Dù không đề cập đến vế "chấp nhận có điều kiện" nhưng thông điệp lại rất rõ ràng: Hãy đầu tư phương án công nghệ truyền hình hiện đại để tránh dây nhợ lùng nhùng. Đó không là gì khác chính là số hóa truyền hình.

Câu chuyện chấp nhận hay từ chối phương án đầu tư dịch vụ truyền hình của SCTV ở đây cũng tương tự như nhiều trường hợp các địa phương đã từ chối những dự án FDI đầu tư sản xuất công nghiệp có khả năng xử lí ô nhiễm kém, hoặc là gây ô nhiễm, dù khái niệm "khả năng" ở đây chưa hẳn là có thể định lượng được chính xác.

Như vậy vấn đề ở đây không thuộc phạm trù vướng mắc về thủ tục xin cấp phép đầu tư mà lại thuộc phạm trù tiếp nhận đầu tư. Và ở phạm trù này, UBND các địa phương có thẩm quyền nhất định trong việc chọn lọc tiếp nhận các dự án đầu tư tốt nhất như về mặt bảo vệ môi trường, công nghệ tiên tiến hay giải quyết nhiều công ăn việc làm cho địa phương.v.v…

Trường hợp SCTV bị từ chối cho triển khai hạ tầng truyền dẫn, phát sóng và cung cấp dịch vụ tại Đắc Lắc lại là một câu chuyện khác, lỗi chính thuộc về nhà cung cấp dịch vụ này. SCTV đã không tuân thủ đúng cam kết về tiến độ triển khai thủ tục đầu tư, cho nên đã bị UBND tỉnh Đắc Lắc ra văn bản chấm dứt việc cho phép đầu tư trên địa bàn mặc dù trước đó đã cho phép về chủ trương. Trong trường hợp cụ thể này SCTV nên "tiên trách kỉ hậu trách nhân" vì chính mình đã để "lỡ một chuyến đò".

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác