VnReview
Hà Nội

Cấp cứu nộp hồ sơ hay cấp cứu cơ chế tuyển sinh?

Suốt 20 ngày, từ 1 đến 20/8, hàng triệu thí sinh và phụ huynh sống trong những cung bậc cảm xúc khác nhau của kỳ tuyển sinh đại học 2015: vui sướng, hy vọng, lo âu, thất vọng, "a thần phù" cầu âu..., rồi chạy đôn chạy đáo rút-nộp, nộp-rút hồ sơ tuyển sinh. Chuyện bi hài nhất và có lẽ ghi vào lịch sử tuyển sinh ở nước ta - một phụ huynh ở Hà Tĩnh đã thuê xe cấp cứu 115 ra Hà Nội để rút hồ sơ từ trường này sang trường khác, mong cho con đậu đại học. Ai gây nên nông nỗi này cho người dân? Liệu có phải đó là cơ chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo? Khai tử cơ chế này hay cấp cứu để nó tồn tại?

rút nộp hồ sơ tuyển sinh đại học

Chuyến xe cấp cứu được dùng để chở thí sinh đi rút hồ sơ tuyển sinh nộp vào trường khác

Người đầu tiên tôi gặp để hỏi chuyện thi cử năm nay là cháu Dương, cháu là học sinh giỏi của trường Amsterdam, năm ngoái được học bổng một trường đại học Mỹ, cháu về nghỉ hè. Cháu nói, cách thi này làm thí sinh lao vào cuộc chạy đua nộp-rút để tìm trường mà không quan tâm mình có yêu thích ngành học hay không, nhưng vẫn tuyển sinh như mọi năm thì cũng không thể chắc chắn thí sinh chọn ngành vì đam mê hay vì tỉ lệ chọi. Tiến thoái lưỡng nan. Người ;thứ hai tôi gặp là ông Đại, ở Quận Đống Đa, có con thi vào trường Đại học Tài chính, ông nói "lo cho con đi thi chưa năm nào khổ như năm nay, cải cách gì mà rối tinh rối mù lên, cứ lối cũ ta về còn hơn". Người thứ ba là ông Lộc ở Quận Ba Đình, Hà Nội, có con thi vào Đại học Kiến trúc, nghĩ khác: "Cách thi tuyển này cũng được, nhưng phải làm sao cho phụ huynh, thí sinh đừng căng thẳng đến vỡ tim".

Khảo sát mini của tôi với ba người về kỳ tuyển sinh đầu tiên theo kiểu "hai trong một" đã có ba cách nhìn. Nếu mở rộng đối tượng khảo sát chắc chắn còn nhiều ý kiến giúp cho những người làm công tác giáo dục "sáng mắt hơn" trong việc đưa ra một chủ trương, chính sách giáo dục mới.

Cái "được" của kỳ thi tuyển sinh năm nay khó ai có thể phủ nhận: tạo ra bước đột phá trong tiến trình đổi mới về tuyển sinh đại học, cao đẳng, đạt được 2 mục tiêu lớn là tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội và giảm áp lực thi cử cho phụ huynh, học sinh. Đây là cố gắng lớn của Bộ Giáo dục.

Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Một chủ trương, chính sách mới đi vào cuộc sống sẽ không tránh khỏi khó khăn, phức tạp, thậm chí "hiệu ứng ngược". Điều này thể hiện rõ ở khâu sử dụng kết quả trong tuyển sinh, nguyện vọng 1, 2. Nếu soi dưới ánh sáng của một nền hành chính-công vụ hiện đại thì cơ chế tuyển sinh còn mang nặng tính bao cấp. Vì sao một phụ huynh phải thuê xe cấp cứu vượt 370 km, chi phí gần 5 triệu đồng để chuyển hồ sơ cho con? Vì thí sinh, phụ huynh hoang mang chưa biết điểm chuẩn trường mình thi liệu có bị đẩy xuống mức nguy hiểm, rút hồ sơ để chuyển sang trường phù hợp hơn. Nhưng thí sinh vẫn có thể tiếp tục bị đẩy xuống mức nguy hiểm ở trường vừa nộp, thế là rút rồi nộp, rồi rút hồ sơ.

Rất nhiều trường hợp khi thí sinh đã rút hồ sơ ở trường cũ, cùng lúc đó có những bạn điểm cao hơn nhưng vẫn cảm thấy không an toàn, nên cũng rút. Lẽ ra những thí sinh này sẽ được đôn lên mức an toàn để được ngồi vào ghế giảng đường, nhưng hồ sơ đã bị xóa tên khỏi trường, nên đứng trên bờ vực của trượt-đậu, sinh ra lo lắng, hoang mang. Trong khi đó nhiều trường chưa nắm được chính xác số lượng thí sinh, vì hồ sơ cứ lên – xuống từng ngày, từng giờ như thị trường chứng khoán, nên khó quyết định điểm chuẩn. Một số trường đại học điểm chuẩn mọi năm khá cao, nhưng năm nay đưa ra điều kiện xét tuyển thấp để mong có đủ số lượng sinh viên, còn thí sinh "tưởng bở" lao vào, khi thấy không an toàn lại vội vàng rút hồ sơ.

ĐH Kinh tế quốc dân

Hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân chật kín thí sinh rút-nộp hồ sơ, thay đổi nguyện vọng

Một văn bản ra đời mập mờ để người dân hiểu lầm là thuộc loại "những thủ tục... hành dân". Kỳ nộp hồ sơ đầu tiên được gọi là "nộp hồ sơ nguyện vọng 1", trong đợt này lại có 4 "nguyện vọng" thực ra là 4 ngành, làm mọi người hiểu lầm. Nhiều thí sinh, phụ huynh xem các nguyện vọng này là ưu tiên xét tuyển, nguyện vọng 1 là được ưu tiên xét tuyển trước, nguyện vọng 2 được xét tuyển sau nên dẫn tới bao hệ lụy nữa...

Thấy những rắc rối, phức tạp của mùa tuyển sinh "hai trong một" đầu tiên, nhiều phụ huynh, học sinh đã nản lòng, thốt lên "hay lối cũ ta về", thậm chí có chuyên gia giáo dục rất bức xúc, nói: "nên khai tử kiểu thi này", vì nền giáo dục của ta chưa hội đủ điều kiện để thi "hai trong một", vì ngân hàng câu hỏi thi của ta chưa đủ lớn và chưa được chuẩn hóa; chỉ tiêu tuyển sinh đại học còn bị hạn chế...

Nhưng theo tôi, nghĩ như thế là chưa thấu đáo, khai tử một chủ trương vừa mới ra đời không dễ, mà nên "cấp cứu" cơ chế tuyển sinh này bằng cách giải phẫu nó, thấy chỗ nào u cục, thừa, rườm rà thì cắt bỏ, hoặc dùng một liều thuốc đặc trị sẽ làm cho một cơ thể-cơ chế tuyển sinh-khỏe mạnh hơn. Bộ GD-ĐT đã thấy những khuyết điểm, nhận trách nhiệm về mình, rút ra những bài học, cái giá phải trả, sau những ngày căng thẳng, vật vã của mùa tuyển sinh. Những thay đổi trong tuyển sinh đợt 2, như thí sinh khi đăng ký xét tuyển không cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi như đợt 1 mà chỉ cần dùng số mã vạch trên mỗi giấy chứng nhận này; sau khi đăng ký xét tuyển vào trường thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không rút hồ sơ để chuyển sang trường khác... là những động tác "hà hơi thổi ngạt" ban đầu rất cần thiết. Đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sắp diễn ra, các thí sinh có nhiều thuận lợi hơn khi một lúc có 3 giấy chứng nhận kết quả, mỗi giấy 4 nguyện vọng và được nộp vào 3 trường khác nhau. Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

Cách đây không lâu, các trường đại học hàng năm cứ phải nằn nì xin Bộ chỉ tiêu tuyển sinh, chờ trực được xét duyệt điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển, rồi Bộ "cởi trói", các trường đại học được tăng tính tự chủ. Nhưng trong cơ chế tuyển sinh năm nay Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ nắm giữ quyền công bố điểm của thí sinh. Đây là hơi hướng của cách làm bao cấp. Hãy cắt bỏ khâu này đi, nên để thí sinh thi nơi nào thì nơi đó công bố điểm, vì vùng sâu, vùng xa, nhiều thí sinh, phụ huynh không cập nhật kịp khi Bộ và Cụm vẫn giữ quyền công bố điểm. Việc sử dụng dữ liệu chung quốc gia cho kỳ thi năm nay có thể giúp cho công tác quản lý dễ dàng hơn, nhưng tốc độ xử lý công việc lại chậm hơn.

Một khâu không thể không nói tới là công nghệ thông tin trong tuyển sinh. Anh Cường, phụ trách mảng tin học của Sở GD-ĐT Hà Nội, khi trao đổi với tôi, nói: Giải pháp quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký tuyển sinh. Cục Công nghệ thông tin của Bộ hỗ trợ về kỹ thuật, cải tiến phần mềm sao cho việc đăng ký xét tuyển được dễ dàng hơn sẽ tránh được nỗi vất vả cho người dân.

Điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng cũng là vấn đề cần cân nhắc. Với điểm ưu tiên khu vực tối đa là 1,5 điểm, điểm ưu tiên đối tượng tối đa là 2, nếu một thí sinh được ưu tiên 2 điểm so với thí sinh được 30 điểm thì không có ý nghĩa gì, nhưng có mấy thí sinh đạt được điểm tối đa ấy? Thực tế thí sinh được ưu tiên 2 điểm ấy phải "chọi" với rất, rất nhiều thí sinh đạt ngưỡng 23, 24 điểm. Kết quả là thí sinh bằng năng lực của mình bị trượt, nhường cho thí sinh được ưu tiên. Nếu trong một trường đại học tỷ lệ đỗ được là do ưu tiên nhiều hơn thí sinh thực sự có khả năng thì chất lượng nguồn nhân lực tương lai sẽ ra sao? Có chính sách ưu tiên là cần, nhưng có nhiều cách để ưu tiên, chứ không nên bằng điểm. Hoặc những thí sinh trong diện ưu tiên chỉ được nộp hồ sơ tuyển sinh vào các tốp trường nào đó, chứ không thể mang kết quả thi vào tốp trường đòi hỏi chất lượng đầu vào cao.

Trên đây chỉ là một số minh chứng cho những điều "nổi cộm", còn rất nhiều tiểu tiết hợp nên cơ chế tuyển sinh ‘hai trong một" trong phạm vi bài viết tôi không thể đề cập tới.

Một chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý, ngoài tiêu chí phù hợp với đường lối chung và lợi ích hài hòa của nhân dân còn phải mang tính khả thi cao. Ý tưởng dù tốt đẹp đến đâu, nhưng khó đi vào thực tế cuộc sống sẽ rơi vào căn bệnh trầm kha duy ý chí, sản phẩm của tệ quan liêu. Những sai lầm, thiếu sót, bất cập của cơ chế tuyển sinh năm nay, khâu thẩm định, xem xét, lật đi, lật lại vấn đề còn chưa đạt chuẩn, nên có phần duy ý chí, chủ quan. Với những chủ trương vừa mang tầm chiến lược, vừa mang tính ứng dụng cao như tuyển sinh đại học, cao đẳng phải cẩn trọng hơn nhiều. Sau kỳ thi năm đầu nếu Bộ mở cuộc hội thảo, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, ý kiến Việt kiều và người dân để sửa sai, mùa thi sau chắc chắn sẽ cho những trái ngọt.

Đ. Ngọc

Chủ đề khác