VnReview
Hà Nội

Thị trường Việt trong mắt… Apple

FPT Shop và Thegioididong.com được nhập khẩu trực tiếp sản phẩm iPhone, iPad của Apple. Hẳn là một tin khiến không ít người cảm thấy hào hứng. Bởi lâu nay, thị trường Việt trong mắt "táo khuyết" vẫn là một thị trường nhược tiểu chưa đáng để quan tâm nhiều chứ đừng nói là đầu tư vào.

Có một Apple đổi thay…

Apple thay đổi lớn về triết lí làm sản phẩm – chí ít là ở kích cỡ - từ sau khi quyền lực được chuyển giao vào tay Tim Cook. Vậy thị trường Việt có thay đổi theo kích cỡ của chiếc iPhone hay không? Khó tin nhưng có thể là có! Còn nhớ vào khoảng 3-4 năm về trước khi ông Đinh Anh Huân – Giám đốc kinh doanh của Thegioididong.com – từng đưa ra nhận định: Mỗi tháng lượng iPhone xách tay tiêu thụ tại Việt Nam từ 3.000-5.000 chiếc. Nhiều người phản biện ngay: Sao ít thế được. Cứ nhìn lượng người dùng iPhone thì thấy, khá phổ biến. Thậm chí tại thị trường Việt đang diễn ra "nghịch lí" trong việc tiêu dùng iPhone: Có nhiều người, là sinh viên chưa có thu nhập; sinh viên mới ra trường lương tháng dăm, bảy triệu đồng, nhưng sẵn sàng "tậu" iPhone giá hơn chục triệu đồng (gấp hai lương tháng) với ít những lời phàn nàn nhất so với các thương hiệu khác. Cứ nhìn vào sở thích và tiềm năng tiêu thụ này hãng Apple chắc là phải thích thú lắm, cho nên đến lúc cũng phải thay đổi thôi…

Những năm qua, FPT Trading là nhà nhập khẩu và phân phối iPhone duy nhất tại Việt Nam (không kể các nhà phân phối, bán lẻ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam). Hai nhà mạng Viettel và VinaPhone cũng được nhập khẩu iPhone nhưng chỉ được bán trong hệ thống. Nay FPT Shop và Thegioididong.com được nhập khẩu trực tiếp nhưng cũng chỉ được bán lẻ trong chuỗi của mình. Bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng giám đốc hệ thống FPT Shop – cho biết: "Apple có sự phân định rất rõ và tất nhiên cũng sẽ có cách giám sát. Nếu đối tác làm không đúng hợp đồng bị phát hiện thì họ sẽ có biện pháp xử lí mạnh, có thể là cắt hợp đồng nhập khẩu".

Suy cho cùng, sự thay đổi của Apple đối với thị trường Việt không thể ngoài phạm trù người dùng. Ông Lý Trung Dũng – Trưởng ngành hàng Apple của FPT Shop – cho biết: Lượng iPhone, iPad tiêu thụ tại thị trường Việt còn khá khiêm tốn, có thể xếp ngang với thị trường Philippines và đứng sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Nhưng về tốc độ tăng trưởng thì thị trường Việt Nam đứng đầu khu vực. Đó chính là yếu tố khiến Apple phải quan tâm và thay đổi chiến lược đối với thị trường Việt Nam.

Tâm điểm là từ quí I/2014 giới chóp bu của Apple khu vực Châu Á - Thái Bình Dương buộc phải để tâm tới thị trường Việt khi doanh số sản phẩm Apple tăng đến gấp 3 lần trong nửa đầu năm tài khóa. Mức tăng trưởng này tăng gấp 5 lần so với thị trường Ấn Độ. Riêng doanh số iPhone trong quí I/2014 tại thị trường Việt Nam cũng tăng hơn gấp đôi, nhờ đó thị trường Việt có được "tấm vé" đi vào nghị trình của lãnh đạo Apple.

Hai "tấm vé" nhập khẩu trực tiếp Apple Singapore trao cho FPT Shop và Thegioididong.com cũng khẳng định sự lớn mạnh của hai chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam này. Theo bà Điệp, đây là một sự nỗ lực lớn của phía nhà bán lẻ bởi Apple là nhà sản xuất thuộc loại khó tính nhất hành tinh và thậm chí quản lí, chế tài bằng nhiều qui định hà khắc đối với các đối tác.

Nhưng kẻ hà khắc rồi cũng phải thay đổi không vì điều gì ngoài mục tiêu tối thượng là lợi ích. Tất nhiên một khi trao quyền nhập khẩu trực tiếp cho hai chuỗi bán lẻ ĐTDĐ lớn nhất nhì tại Việt Nam, Apple phải đặt mục tiêu gia tăng doanh số và lợi nhuận từ thị trường này, nhưng không có nghĩa là người tiêu dùng Việt không được hưởng lợi. Theo bà Điệp, được nhập khẩu trực tiếp đương nhiên có lợi về mức giá, và sẽ chủ động hơn về nguồn hàng và thông tin sản phẩm, và quan trọng nữa là sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ chính thức từ Apple để triển khai các chương trình PR, truyền thông, khuyến mãi.v.v… đến người dùng.

…và một Apple chưa thay đổi

Cuộc họp báo công bố sự kiện được nhập khẩu trực tiếp sản phẩm Apple do FPT Shop tổ chức theo một cách đầy cập rập phụ thuộc hoàn toàn vào lịch trình của người đại diện Apple Singapore. Nhưng dù gì, đối với không ít nhà báo viết về công nghệ và đặc biệt là nhà bán lẻ, có được sự tham gia trực tiếp của "kẻ bề trên" Apple sang dự cũng đã được xem là một vinh dự lắm lắm.

Thế nhưng đến giờ cuối, người đại diện của Apple không đến, cũng chẳng nghe được một lời cáo lỗi. Ép người khác theo lịch trình của mình rồi sau đó hủy dự theo một cách cũng rất… Apple nên được hiểu như thế nào nếu không phải là một hành xử thiếu tôn trọng không phải chỉ đối với đối tác, giới truyền thông mà còn đối với một thị trường? Người dùng Việt có tiền thì có quyền lựa chọn mua các sản phẩm smartphone. Người dùng Việt thích sản phẩm Apple nhưng đừng để sở thích lấn át lòng tự trọng!

Sản phẩm Apple nói chung chiếm được niềm tin của người tiêu dùng nhờ chất lượng tốt, nhưng cách hành xử của người Apple đối với thị trường Việt thì chưa được lòng người. Thậm chí còn có nguồn tin cho rằng, đại diện của Apple Singapore đã sang Việt Nam vào ngày 25/8 vừa qua nhưng trước quá nhiều câu hỏi trong đó có không ít câu hỏi gai góc nên đại diện của Apple né tránh tham dự sự kiện?

Các doanh nghiệp Việt làm ăn với Apple có bị thiệt hại hay không thì chưa thấy công ty nào "than thở", nhưng bị Apple ép thì đã có không ít. Cứ nhìn các nhà mạng vài năm trước thiết tha hết mực để có được hợp đồng nhập khẩu iPhone nhưng đổi lại phải bỏ ra hàng chục, hàng trăm ngàn đôla để quảng cáo cho sản phẩm Apple tại Việt Nam thì quá rõ. Cái tiếng và cái miếng để được nhập khẩu trực tiếp iPhone, iPad phải đánh đổi với việc bị "gã khổng lồ" chèn ép.

Suy cho cùng, ép theo kiểu của Apple cũng có mặt được là đưa các đối tác vào guồng những qui chuẩn, chuẩn mực khác biệt của "táo khuyết". Đối tác làm ăn với nhau thì cùng nhìn về một hướng lợi ích và đó là mục tiêu tối thượng dù có lúc phải cắn răng chịu nhục. Nhưng với người tiêu dùng thì khác, thị trường có nhiều sự chọn lựa và yếu tố chất lượng quan trọng hàng đầu nhưng không phải là tất cả.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác