VnReview
Hà Nội

Đừng ảo tưởng về vị thế “nhập khẩu trực tiếp”!

Dạo cuối tháng 8, sau khi FPT Shop công bố chính thức được nhập khẩu trực tiếp iPhone và iPad từ Apple thì Công ty Digiworld cũng tung ra một thông tin tương tự. Tuy nhiên vấn đề sau đó được xới lên, rằng cái "giấy phép" được "nhập khẩu trực tiếp" của Digiworld hạn chế hơn nhiều so với của FPT Shop hay Thegioididong.com, nhưng lại được "khoe cấp thời" nhằm PR cho "bằng anh bằng em".

Được Apple trao cho quyền nhập khẩu trực tiếp kể ra cũng cho thấy các nhà phân phối, bán lẻ Việt Nam đã được "anh Táo" đánh giá khác trước. Được "anh Táo" nâng cấp vị thế lên "nhập khẩu trực tiếp" là điều đáng mừng. Song, như cách hành xử của FPT Shop là đĩnh đạc tổ chức họp báo công bố thông tin, Thegioididong.com thì ứng xử theo kiểu "chả có gì phải ầm ĩ", thế nhưng "ông em" lép vế hơn là Digiworld thì phải vớ cái "phao nâng tầm" hiếm có để tự nâng mình lên thôi. Chả là, Digiworld vừa lên sàn, nếu phải dùng đến những thông tin có lợi từ thượng vàng đến hạ cám nhằm tác động tích cực đến giá cổ phiếu thì cũng là chuyện dễ hiểu.

Bây giờ, dường như trở thành "đối tác" của Apple không còn khó như trước nữa

Có ý kiến bình luận cho rằng hành xử theo cách của Thegioididong.com là khôn ngoan vì dù có được nâng tầm lên vị thế "nhập khẩu trực tiếp" thì về bản chất trong mắt "anh Táo", Thegioididong.com vẫn là Thegioididong.com, vẫn là "chú em" nhỏ ngày nào. Hay như cách nhận định tỉnh táo về "anh Táo" của bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc hệ thống FPT Shop - rất là xác đáng: "Việc Apple trao quyền nhập khẩu trực tiếp sản phẩm iPhone, iPad cho FPT Shop không giúp cải thiện về cấp độ thị trường Việt Nam". Việt Nam vẫn là thị trường cấp 3, cấp 4 theo xếp loại của Apple. Chính từ sự xếp loại này của Apple mà thông tin ông Phạm Mạnh Hưng - Giám đốc Trung tâm Apple thuộc FPT Trading – đưa ra cũng chẳng thể khiến chúng ta buồn hơn: Hiện chưa có lịch ra mắt và giá bán cụ thể cho iPhone 6s tại Việt Nam, nhưng dự đoán sản phẩm sẽ về vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.

Apple ra mắt iPhone 6s và 6s Plus tại Mỹ (ngày 10/9), như vậy, tính từ thời điểm hãng này cho đặt hàng (12/9), mở bán ở một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, Nhật, Anh, Australia, Canada, Pháp, Đức (25/9) tới khi được bán chính thức tại Việt Nam theo dự đoán của ông Hưng là khoảng thời gian chừng hai tháng. Lịch bán chính thức này nói đúng ra là không cần "dự đoán" bởi các năm trước iPhone chính hãng vẫn được bán ra vào khoảng giữa tháng 11, và năm nay dù có tới 2-3 đơn vị tuyên bố có "quyền nhập khẩu trực tiếp" nhưng ông Hưng vẫn phải "dự đoán" mà không biết chắc chắn lịch bán ra thì có thể hiểu vị thế của thị trường Việt vẫn chưa có thay đổi gì về sự ưu tiên của "anh Táo".

Những năm qua, thị trường Việt có doanh số iPhone tăng trưởng mạnh, nhưng nhìn chung dung lượng thị trường còn nhỏ bé so với nhiều quốc gia khác. Mặt khác, một khi dung lượng iPhone tại thị trường Việt nở ra thì có thể nhiều thị trường khác cũng tăng trưởng tương tự, dẫn đến thứ tự ưu tiên có thể chưa thể thay đổi.

Chơi với "anh Táo" lợi thì có lợi nhưng thiệt vẫn hoàn thiệt. Cái lợi là về uy tín, thương hiệu được nâng lên khi trở thành đối tác chính thức của Apple. Còn cái thiệt là dễ bị o ép và phải cam chịu ("anh" đoái hoài đến các "chú" đã là may, còn đòi hỏi lắm thế? Mà "anh" cũng chẳng cho "chú" nào đòi hỏi gì sất). Lúc nào mà Apple chẳng ngồi chiếu trên? Đương nhiên nếu được Apple để mắt đến thì dù có phải cầu cạnh một chút cũng vẫn được lợi, kinh doanh ai chẳng đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu? Trên thực tế thì những đối tác chơi với Apple xưa nay bị o ép quá cũng thành quen. Đến như là đối tác chính thức được nhập hàng chính hãng phân phối, mà còn không biết lịch đến bao giờ mới có hàng, mới có thể nhập, mới đưa về được thị trường Việt Nam phục vụ người tiêu dùng, thì cái vị thế "nhập khẩu trực tiếp" kia lại có chút ảo và yếu, ít được xem trọng. Vậy thì các nhà phân phối, bán lẻ Việt Nam còn lâu nữa mới có thể cất được câu "buồn ơi ta xin chào mi" trong quan hệ làm ăn với Apple.

Đừng ảo tưởng với vị thế "nhập khẩu trực tiếp" như một thứ tư cách đặc biệt để thăng hoa trong cuộc chơi với "anh Táo". Cái cách ông chủ tịch Digiworld khi trả lời phỏng vấn báo chí về quyền được "nhập khẩu trực tiếp" sản phẩm chính hãng từ Apple mà cứ úp úp mở mở cho thấy có điều gì đó không thực sự được trọng thị, hay một sự "ban ân" theo kiểu "anh bảo chú phải nghe".

Apple là trường hợp kỳ lạ, quan hệ là "đối tác" nhưng ứng xử là "bề trên"

Dù thế nào đi nữa, bán hàng luôn là mục tiêu tối thượng của Apple hay bất cứ hãng sản xuất smartphone nào khác. Chính sách của Apple đối với thị trường Việt đang có thay đổi, nhưng là sự thay đổi theo hướng đảm bảo sự dẫn dắt thị trường của Apple và phân quyền nhập khẩu, bán hàng, phân phối cho nhiều đối tác khác nhau, không có ai là "độc quyền" và "duy nhất". Về phía người tiêu dùng, vẫn còn cảnh mua của nhà nhập khẩu nào thì bảo hành ở nhà nhập khẩu đó, không có chuyện mua bản World mà được "bảo hành toàn cầu".

Theo hé lộ của bà Nguyễn Bạch Điệp, thông qua FPT Shop - hay có thể suy rộng ra là các nhà phân phối, bán lẻ được Apple trao quyền nhập khẩu trực tiếp – Apple còn muốn giáo dục người dùng Việt Nam về việc sử dụng hàng chính hãng. Nhiều tình huống xảy ra không còn lạ trên thị trường: về thương hiệu thì nhất nhất là iPhone của Apple, nhưng cái ruột bên trong thì lắm khi không phải vậy. Hàng xách tay, không chính hãng, vẫn ẩn chứa những rủi ro nhất định cho thương hiệu và uy tín mà những hãng tầm cỡ như Apple luôn phải quan tâm để hạn chế. Bước vào một thị trường, nếu tiện cho "một mũi tên nhằm nhiều đích" (vừa bán được hàng mở rộng thị trường, thị phần, vừa giáo dục được người dùng về sản phẩm, hạn chế dần những rủi ro hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng) thì còn gì bằng?

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác